| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng NTM từ lòng dân

Thứ Tư 04/09/2013 , 10:18 (GMT+7)

Là vùng đất cuối trời của Tổ quốc, Cà Mau đang chung tay cùng cả nước thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM.

Là vùng đất cuối trời của Tổ quốc, Cà Mau đang chung tay cùng cả nước thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm cao của ngành chức năng và sự đồng thuận của người dân nên diện mạo ở các vùng nông thôn trong tỉnh đang thay da đổi thịt từng ngày.

"Ngay từ đầu, chính quyền địa phương xác định xây dựng NTM nhất thiết phải đi từ lòng dân, phải huy động được sự chung tay góp sức của người dân. Do đó, chúng tôi luôn xem công tác vận động, tuyên truyền quần chúng nhân dân là khâu then chốt", ông Huỳnh Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau), khẳng định.

Vận động là chính

Nhằm tạo được sự đồng thuận cao của quần chúng nhân dân trong tỉnh đối với Chương trình MTQG xây dựng NTM, một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, thời gian qua Cà Mau đã chỉ đạo ngành chức năng các cấp, các ngành ở từng địa phương chủ động huy động sức dân tham gia toàn diện tại từng cơ sở.

Điều này đồng nghĩa với việc người dân có thể tham gia vào tất cả các khâu như: quy hoạch, giải tỏa, bồi hoàn, các hạng mục công trình được đầu tư… Với cách làm hay và đầy sáng tạo, việc thực hiện xây dựng NTM ở Cà Mau đã và đang nhận được sự ủng hộ của người dân, họ sẵn sàng bỏ công sức, tiền của cùng Nhà nước từng bước làm giàu đẹp thêm cho quê hương mình.

Điển hình như cách làm của lãnh đạo TP Cà Mau trong thời gian qua. Không thực hiện máy móc theo cách làm cũ mà chủ yếu là vận động người dân đồng thuận, thống nhất trước khi triển khai một công trình, dự án nào đó.


Người dân ấp 5 đội mưa dọn dẹp mặt bằng sạch cho Nhà nước làm đường

Ông Huỳnh Thanh Dũng chia sẻ: “Khi xác định công trình nào cần xây dựng, chúng tôi không đưa ra chủ trương trước, mặc dù đã được phê duyệt theo quy hoạch. Trước tiên chúng tôi tổ chức họp dân thông báo quy hoạch và xin ý kiến của bà con. Đồng thời chỉ đạo chính quyền địa phương tổ chức vận động, tuyên truyền, phân tích lợi ích của công trình đến từng hộ dân. Khi người dân thống nhất hơn 90% thì cho triển khai xây dựng”.

Theo ông Dũng, với cách làm này đã không vướng phải sự phản đối của người dân, đồng thời giảm được đáng kể tiền đền bù trong khâu giai phóng mặt bằng. Vì khi vận động được người dân thì bà con tự nguyện hiến đất, dọn dẹp mặt bằng sạch để giao cho Nhà nước thi công.

Vừa qua, TP Cà Mau đã tiến hành xây dựng công trình nâng cấp mở rộng tuyến đường liên phường xã từ Cống Cà Mau đi Tắc Vân chạy dài qua phường Tân Thành, xã Tân Thành và xã Tắc Vân (TP Cà Mau) với chiều dài khoảng 15 km.

"Hàng trăm hộ dân nằm trên tuyến đường có công trình đi qua đã tự nguyện hiến hàng chục ngàn mét đất để cùng chính quyền xây dựng NTM”, ông Dũng nói.

Ông Trương Tấn Nghiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, TP Cà Mau, hồ hởi cho biết: “Người dân trong xã đang vô cùng phấn khởi chờ đợi có được con đường đẹp để đi. Do nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân nên khi các ngành đoàn thể tiến hành vận động bà con hiến đất làm đường không gặp mấy khó khăn”.

Dân đóng góp gần 1 tỷ đồng

Ông Huỳnh Thanh Dũng cho biết, theo quy định của Nhà nước, giá đất hiện tại ở các địa phương nói trên có giá trên dưới 500 ngàn đồng/m2. Tổng chiều dài tuyến đường khoảng 15 km, nếu tính ra người dân đã đóng góp gần 1 tỷ đồng.

Ông Trương Văn Nghiệp (62 tuổi), ngụ ấp 5, xã Tân Thành vui mừng cho biết: “Khi được chính quyền địa phương vận động, các anh các chị ở xã nói về ý nghĩa của việc triển khai con đường này nghe chí lý lắm. Tôi là người đầu tiên tán thành chủ trương này. Hồi chiến tranh, người dân sẵn sàng hy sinh tính mạng để dành độc lập thì bây giờ dù có hiến bao nhiêu đất để làm công trình chung cho xã hội cũng không ăn nhằm gì”.

Có thể nói ở ấp 5 ông Nghiệp là người tiên phong trong phong trào hiến đất làm đường GTNT. Tương tự ông Đoàn Văn Quyền, ngụ tại ấp 4, cũng sẵn lòng đóng góp hàng trăm m2 đất để làm đường.

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Quyền nói: “Đặc thù của vùng này là sản xuất nông nghiệp, do đó nếu con lộ được mở rộng thì việc giao thương mua bán của bà con sẽ được thuận tiện hơn. Đặc biệt là con em của chúng tôi được đi trên con đường sạch đẹp để đến trường, không phải còn chịu cảnh bùn sình như trước đây”.

Ông Trương Tấn Nghiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, cho biết, trong quá trình vận động có một số hộ yêu cầu được hỗ trợ tiền đền bù các công trình nhà cửa, vườn tược… nhưng với sự kiên trì, thuyết phục của chính quyền địa phương theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” cuối cùng người dân đã tự nguyện hiến đất, không đòi hỏi một đồng nào tiền đền bù.

Từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 4.848 km đường GTNT (gồm 2.000 km đường bê tông và nhựa, 2.848 km đường đất đen), với tổng giá trị trên 975 tỉ đồng. Theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, đến năm 2015 Cà Mau có 22 xã đạt tiêu chí xã NTM. Tính đến nay đã có 3 xã đã đạt được 17/19 tiêu chí; 5 xã đạt 15/19 tiêu chí, số xã còn lại đang tích cực triển khai.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.