| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa bền vững tại Hà Nam

Thứ Năm 17/07/2014 , 14:29 (GMT+7)

Ngày 16/7 Công ty FrieslandCampina Việt Nam đã chính thức tổ chức lễ khởi công xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa bền vững tại xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên (Hà Nam). Đây được coi là công trình trọng điểm, đóng góp thiết thực vào việc xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam

Công trình trọng điểm

Công trình này đánh dấu bước ngoặt quan trọng và là bước tiến đáng khích lệ ban đầu của Dự án phát triển vùng chăn nuôi bò sữa bền vững ở Việt Nam. Dự án này là sự hợp tác của Tập đoàn FrieslandCampina, De Heus, Wageningen UR, The Friesian Agro Consultancy B.V, Fresh Studio, tỉnh Hà Nam và chính phủ Hà Lan trong khuôn khổ của Chương trình phát triển kinh doanh bền vững và An ninh lương thực (FDOV) giai đoạn từ năm 2014 – 2018. Mục tiêu của dự án nhằm hình thành và phát triển vùng chăn nuôi bò sữa chuyên nghiệp và bền vững theo quy mô trang trại gia đình, từ đó góp phần đảm bảo an ninh lương thực, tạo công ăn việc làm và giảm thiểu việc nhập khẩu sữa.

Trong các hoạt động thuộc chương trình phát triển ngành sữa của Tập đoàn  FrieslandCampina, dự án này gắn liền với các mục tiêu của chương trình FDOV. Qua đó, Tập đoàn FrieslandCampina cam kết giúp giải quyết ba vấn đề xã hội lớn: 1 - Nhu cầu về một viễn cảnh tương lai cho những người nông dân trẻ trong thực trạng độ tuổi trung bình của nông dân ngày càng cao. 2 - Nhu cầu cung cấp chất lượng tốt hơn và đầy đủ dưỡng chất cho dân số thế giới ngày càng tăng. 3- Nhu cầu thực phẩm giá thấp cùng với chuỗi cung ứng và sản xuất bền vững.

Dự kiến sau 5 năm thực hiện đến năm 2018, dự án sẽ xây dựng được 3 vùng chăn nuôi bò sữa tập trung. Trong đó, mỗi vùng sẽ có khoảng 50 trang trại chăn nuôi bò sữa, sản xuất tối thiểu 7 triệu kg sữa/năm tạo ra 345 việc làm cho người lao động. Mỗi trang trại chăn nuôi sau 5 năm tham gia dự án sẽ có đàn bò sữa đạt quy mô từ 50 đến 80 con, có đất trồng cỏ và ngô để cung cấp đủ thức ăn cho đàn bò. Ngoài ra, dự án còn hướng đến mục tiêu xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo, tập huấn từ cơ bản đến nâng cao, xây dựng hệ thống nguồn cung cấp thức ăn cho bò sữa và tìm kiếm những dịch vụ tài chính phù hợp cho nông dân tham gia dự án.

Với vai trò là đối tác chính của dự án, FrieslandCampina đảm nhận vai trò quản lý, điều hành và trực tiếp đầu tư để xây dựng 3 vùng chăn nuôi bò sữa chuyên nghiệp tại Việt Nam với 2 trang trại mẫu ở mỗi vùng, hỗ trợ tìm kiếm nguồn vốn vay ưu đãi cho phát triển vùng chăn nuôi  bò sữa bền vững, hỗ trợ tập huấn và tư vấn kỹ thuật chăn nuôi bò sữa cho nông dân, xây dựng hệ thống thu mua và hệ thống kiểm soát và bảo đảm chất lượng sữa đồng thời bảo đảm tiêu thụ sản phẩm sữa tươi nguyên liệu với mức giá cạnh tranh trên thị trường.


Ông Trần Xuân Lộc, Bí thư tỉnh Hà Nam (trái) tặng hoa chúc mừng ông Trần Quốc Huân, Phó tổng giám đốc Cty FrieslandCampina Việt Nam nhân lễ khởi công

Thiết thực xây dựng nông thôn mới

Có thể nói, vùng chăn nuôi bò sữa bền vững tại tỉnh Hà Nam là mô hình của phương thức hợp tác công - tư với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương như Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Hà Nam, Sở NN-PTNT Hà Nam. Đặc biệt, chính sự hợp tác, cam kết và hỗ trợ của các đối tác Hà Lan đã khởi động dự án với niềm tin vào những thành quả tốt đẹp từ việc tạo lập giá trị chung cho cộng đồng.

Tại buổi lễ khởi công, ông Trần Quốc Huân – phó Tổng giám đốc công ty FrieslandCampina Việt Nam cho biết: “Tuyên ngôn sứ mệnh của FrieslandCampina Việt Nam là “Điều ta làm có ý nghĩa lớn. Chúng ta tin ở việc tạo lập giá chung với Việt Nam”. Cộng đồng chăn nuôi bò sữa đã phản ánh sinh động niềm tin và cam kết của chúng tôi. Trong luận chứng kinh tế kỹ thuật đệ trình cho UBND tỉnh Hà Nam để xin giấy phép hoạt động cho khu chăn nuôi bò sữa tập trung, không hề có những tham vọng về đất đai và lợi nhuận mà chỉ gồm những biện pháp bền vững để cùng với chính quyền địa phương tạo ra giá trị lớn nhất từ đất, để người nông dân có thể tiếp cận đất đai và nguồn vốn để hình thành và khai thác hiệu quả trại bò sữa quy mô nông hộ, và để các đối tác Hà Lan có thể phát huy năng lực chuyên môn của mình để tăng thêm giá trị làm ra. Không ngạc nhiên khi Chủ tịch nước đã khen mô hình cộng đồng chăn nuôi bò sữa có đóng góp thiết thực vào việc xậy dựng nông thôn mới Việt Nam”.

Wageningen UR: Là một viện chuyên phát triển kiến thức trong lĩnh vực chăn nuôi có lợi nhuận và bền vững, đồng thời ứng dụng những kiến thức này vào giải pháp định hướng thực tiễn, sáng tạo và phổ biến. Với dự án tại Việt Nam, Wageningen UR sẽ hỗ trợ thiết lập chương trình tập huấn kỹ thuật luôn được cập nhật cho nông dân và các tư vấn trong vùng dự án, thiết lập đánh giá và giám sát dự án.

Công ty Fresh Studio: Fresh Studio là công ty tư vấn, nghiên cứu và phát triển các cam kết với việc phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam. Fresh Studio hiện có 4 văn phòng, 125 nhân viên và một trung tâm nghiên cứu và phát triển cây giống ở Tây Nguyên . Với dự án phát triển vùng chăn nuôi bò sữa, Fresh Studio có trách nhiêm thiết lập hệ thống tuyển chọn nông dân cũng như tư vấn và cung cấp dịch vụ tổ chức hội thảo nhằm kết nối các đối tác và triển khai các tiến bộ kỹ thuật có thể áp dụng từ dự án, tập huấn và đào tạo nông dân trồng ngô, cỏ cho bò sữa theo tiêu chuẩn GAP.

Công ty The Friesian:  The Friesian là công ty tư vấn và cung ứng các dịch vụ kỹ thuật về chăn nuôi bò sữa ở hơn 30 quốc gia ở Châu Á, Châu Phi và Châu Âu. The Friesian có hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc thiết lập trang trại bò sữa, quản lý trang trại và chuyển giao kiến thức nhằm sản xuất nhiều sữa hơn, nâng cao chất lượng sữa và làm các chuỗi liên quan đến sản xuất sữa hiệu quả hơn. Công ty sẽ phối hợp với Wageningen UR thực hiện các chương trình huấn luyện mang tính thực hành cao cũng như các hỗ trợ về quản lý trang trại bò sữa.

 

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.