| Hotline: 0983.970.780

"Xế bay" - Máy đốt tiền

Thứ Tư 30/11/2011 , 11:11 (GMT+7)

Ở Việt Nam, mọi chi phí sửa chữa, vận hành, nguyên vật liệu… cho máy bay được ví ngang cái "máy đốt tiền”.

Chi phí sân bãi, bảo hành, sửa chữa… của máy bay được ví ngang cái máy “đốt tiền”

Ở một đất nước còn thiếu chuyên gia về lĩnh vực máy bay như Việt Nam thì mọi chi phí sửa chữa, vận hành, nguyên vật liệu… cho máy bay được ví ngang cái "máy đốt tiền”. Tuy vậy, nhiều chuyên gia vẫn rất lạc quan về thị trường bay tại Việt Nam.

>> Không phải có máy bay là được bay
>> Đại gia ''chơi'' máy bay

VỪA BAY VỪA LOAY HOAY GIẤY PHÉP

Đối với trường hợp 4 máy bay của Cty Hành Tinh Xanh, do DN này nhập máy bay hạng nhẹ và trực thăng, do vậy các chuyến bay của các loại tàu bay này sẽ phải thực hiện ở ngoài đường bay thông thường (ngoài đường hàng không, bởi cả 4 chiếc này đều được xếp vào hàng siêu nhẹ, bay ở tầng thấp có thể hạ cánh ở mọi địa hình miền núi, đồng bằng mà không cần sân bay hay đường cất hạ cánh).

Vì vậy, thủ tục cấp phép bay sẽ còn phức tạp hơn so với thủ tục cấp phép bay cho máy bay của ông Đoàn Nguyên Đức và ông Trần Đình Long (thậm chí cơ quan quản lý hiện còn đang mày mò, nghiên cứu về những trường hợp đầu tiên này).

Chính vì thủ tục quá phức tạp để sử dụng một chiếc máy bay cá nhân nên máy bay của ông chủ Tập đoàn Hòa Phát dù sơn tên thương hiệu, nhưng thực tế trao quyền quản lý cho một Cty Dịch vụ bay của quân đội. Cty này chuyên cho thuê máy bay khảo sát địa hình, tham quan và lo toàn bộ các thủ tục bay cho ông chủ của tập đoàn này mỗi khi có nhu cầu đi lại.

 Hiện nay, trước nhu cầu có thực trong thực tế về sử dụng máy bay cá nhân, Cục Hàng không Việt Nam đang trình Bộ Giao thông Vận tải ban hành thông tư quy định việc cấp phép bay trên cơ sở rút ngắn thời gian cấp phép cho các chuyến bay tư nhân. Theo đó, cơ quan này đề xuất thời hạn cấp phép bay cho từng chuyến bay, cụ thể tối đa là 5 giờ kể từ thời điểm nhận được đơn đề nghị cấp phép bay, trong khi hiện tại, quy trình này không thể ít hơn 3 ngày.

Ngoài rắc rối về thủ tục, những “đại gia” sở hữu máy bay tư nhân còn gặp khó khăn về các bãi đỗ và công tác bảo dưỡng. Hiện nay, tại các sân bay lớn như: Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Nội Bài… đều đang ở tình trạng quá tải. Máy bay của bầu Đức đang thuê bãi đỗ ở Tân Sân Nhất với chi phí khá tốn kém. Phi cơ riêng của ông Trần Đình Long được Cty Bay dịch vụ miền Bắc thuê lại để kinh doanh và tự lo bãi đỗ với mức phí cũng không rẻ.

Ngoài ra, dịch vụ bảo hành, sửa chữa cũng hết sức phức tạp. Hiện tại, Việt Nam chỉ có hai trung tâm bảo dưỡng tại Sân bay Nội Bài Hà Nội và Sân bay Tân Sơn Nhất TP HCM. Bản thân hai trạm bảo dưỡng này cũng không thể làm hết các công đoạn từ A đến Z.

Nhiều công đoạn bảo dưỡng khác mà đến định kỳ, các ông chủ “xế bay” vẫn phải mang ra nước ngoài. Trong khi đó, máy bay mỗi kiểu lại khác nhau nên không phải trạm nào cũng có thể bảo dưỡng như kiểu ô tô, xe máy được (ngay cả Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam khi sửa chữa lớn cũng phải đưa tàu bay ra nước ngoài để làm. Chi phí cho các chuyến xuất ngoại bảo dưỡng này cũng rất đắt đỏ).

 Việc bảo hành, bảo dưỡng này là bắt buộc, không giống như các phương tiện khác và nếu không đảm bảo các điều kiện về bảo hành, bảo dưỡng định kì (theo yêu cầu của cơ quan quản lý) thì chắc chắn máy bay đừng hòng được cất cánh.

XU HƯỚNG KHÓ CƯỠNG

“Cuộc chơi” này không chỉ rắc rối về thủ tục mà còn xa xỉ và rất tốn kém. Theo ước tính của Cty Cổ phần Công nghệ Hành Tinh Xanh, với mỗi ngày nằm kẹt cứng cảng, chi phí mà Cty phải trả cho mỗi container vào khoảng 220 USD. Bốn chiếc máy bay trên đã nằm trong container kẹt tại cảng hai tháng nay, chi phí thuê container ước tính khoảng gần 10.000 USD, chưa kể các khoản phát sinh khác. Với bầu Đức, mỗi tháng ông phải bỏ ra 300 triệu đồng để “nuôi” máy bay cá nhân của mình.

Nói vậy để thấy sở hữu một chiếc phi cơ riêng tại Việt Nam không đơn giản, khi mà mọi điều kiện về pháp lý, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, trình độ sử dụng và bảo dưỡng… đều chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Đây là cuộc chơi tốn kém, đòi hỏi mỗi cá nhân phải tính toán thận trọng để máy bay riêng không trở thành công cụ “đốt tiền”.

Vị đại gia phố núi cho rằng cho rằng máy bay cũng giống như ôtô, sau 3 năm liên tục sử dụng thì người ta cũng có nhu cầu sắm mới. Vì thế, bầu Đức cũng đang có kế hoạch đặt mua một chiếc khác thiết kế theo ý mình để thuận tiện hơn cho công việc.

Tuy nhiên, các chuyên gia hàng không dự báo tuy phức tạp, rắc rối là vậy nhưng trong tương lai, vì những lợi ích riêng mà máy bay cá nhân sẽ vẫn phát triển ở Việt Nam như một xu hướng không cưỡng lại được, mà xu hướng này đã thể hiện rất rõ ràng ở các nước phát triển. Theo thời gian, những điều kiện về pháp lý, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, trình độ sử dụng và bảo dưỡng, nhiên liệu… sẽ được cải thiện, nâng cấp để đáp ứng kịp thời nhu cầu của đời sống.

Đối với bầu Đức, sau 3 năm sử dụng máy bay riêng, ông cho rằng quyết định của mình là đúng đắn. Bầu Đức cho biết trước khi quyết định mua, ông đã tham khảo ý kiến rất nhiều người.

Bản thân ông cũng tìm hiểu rõ quy định Việt Nam để biết cái gì luật pháp cấm, cái gì được phép làm. Ngay cả việc lựa chọn máy bay nào, hạng nhỏ hay cỡ to để phục vụ yêu cầu công việc cũng được vị đại gia này tính đến. Việc sử dụng máy bay riêng đã giúp ông bầu này tiết kiệm được khá nhiều thời gian đi lại.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.