| Hotline: 0983.970.780

Xe "hổ vồ" cày nát đê Thanh Hóa

Thứ Tư 15/10/2014 , 16:12 (GMT+7)

Mỗi ngày có hàng chục, hàng trăm chiếc xe “hổ vồ” chở cát, xi măng, mía… kìn kìn chạy trên các tuyến đê xung yếu tỉnh Thanh Hóa đã cày nát mặt đường nhựa, bê tông, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng, ảnh hưởng đến giao thông đi lại và công tác hộ đê.

Đâu rồi đường đê dân sinh

Từ đầu năm lại nay các đơn vị quản lý đê điều trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hết sức nóng ruột khi nhìn mặt đường các tuyến đê xung yếu bị “tra tấn” bằng những chiếc xe chở cát, xi măng, mía… quá tải gấp năm, mười lần, thậm chí đến vài chục lần trọng tải cho phép, gây sụt lún đường nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Trọng Hải, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều & PCLB Thanh Hóa bức xúc nói: “Đường đê rải nhựa chỉ giới hạn cho xe dưới 12 tấn, đường bê tông giới hạn xe dưới 10 tấn đi qua. Tuy nhiên, thực tế hầu hết các xe tải đi trên đê đều quá trọng tải, đó là chưa kể khối lượng hàng bốc trên xe. Cứ ngày này qua tháng khác, từng đoàn xe “hổ vồ” kìn kìn chạy trên đê thử hỏi đường nào chịu cho nổi”.

Cũng theo ông Hải, toàn tỉnh Thanh Hóa có 192/315 km đường đê từ cấp I - III và 104/693 km đường đê dưới cấp III đã được rải nhựa, bê tông. Đến thời điểm này có đến 22,5 km đê cấp I - III bị xe quá khổ, quá tải phá nát, tập trung ở các đoạn K19+760 – K25+700, đê hữu sông Chu; K0+700 – K3+900, đê hữu sông Mã; K36 – K39+400, đê hữu sông Mã đoạn qua xã Thiệu Khánh.

Ngoài ra, 11,3 km đường đoạn K39+500 – K44+700, đê hữu sông Chu; K29 – K31, đê tả sông Chu (đoạn qua huyện Thiệu Hóa) và K3+900 – K8, đê hữu sông Mã (huyện Yên Định) cũng đang có dấu hiệu hư hỏng.

“Các khối nhựa, bê tông đều đã bị vỡ, bong tróc ra khỏi mặt đường; nhiều đoạn sụt lún thành các ổ gà, ổ trâu rộng 2 – 3 m, cát rơi vãi dày vài chục cm, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác hộ đê khi có sự cố xảy ra”, ông Hải nhấn mạnh.

Còn bà Loan, xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa cho hay, nhà bà ở sát chân đê hữu sông Chu, mỗi ngày bà chứng kiến hàng chục chiếc xe “hổ vồ” chở cát, vật liệu xây dựng đi qua. “Trước đây đi đường nhựa, bê tông rất sạch sẽ, an toàn nhưng bây giờ cả tuyến đường gần chục cây số nham nhở đất cát, bụi bặm. Tất cả cũng tại xe quá tải chạy nhiều”, bà Loan bức xúc.

Được biết, chính quyền và người dân sống gần đê đã phải “vá” các ổ trâu, ổ gà bằng đá hộc, đất đỏ để đi lại và hạn chế tai nạn giao thông.

Cấm ngày, cày đêm

Từ đầu năm đến nay UBND tỉnh, Sở NN-PTNT Thanh Hóa đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo các sở ban ngành, UBND các địa phương liên quan chấn chỉnh hoạt động khai thác cát của DN và xử lý tình trạng xe quá khổ, quá tải nhưng tình hình chưa được cải thiện là bao.

Ông Nguyễn Trọng Hải cho rằng, có 4 nguyên nhân dẫn đến số lượng xe “hổ vồ” chạy trên đê càng ngày càng nhiều. Trước hết là lợi nhuận từ khai thác cát lớn nên các doanh nghiệp bất chấp quy định về tải trọng, cứ có xe đến chở cát là múc lên thùng xe càng nhiều càng tốt. Thứ 2, ngoài 28 bãi tập kết cát được cấp phép thì có đến 47 bãi khác chưa được cấp phép vẫn ngang nhiên hoạt động.

16-00-38_3
Mặt đường đê đoạn qua xã Thiệu Khánh phải vá bằng đá hộc để phục vụ dân sinh

“Về lâu dài, Sở TN-MT cần quản lý chặt chẽ các DN khai thác cát. Nếu phát hiện chủ DN nào múc cát lên xe quá tải thì nhắc nhở, xử phạt hành chính, thậm chí thu hồi giấy phép để răn đe. Đối với chính quyền địa phương, nên “gắn biển số” cho tàu, thuyền đăng ký khai thác cát như cách huyện Thiệu Hóa đang làm để lực lượng chức năng và người dân có cơ sở phản ánh khi phát hiện vi phạm”, ông Nguyễn Trọng Hải kiến nghị.

Tiếp đến, việc kiểm tra, quản lý chủ bãi cát thực hiện cam kết sửa chữa đường hư hỏng do xe quá tải theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN-MT làm chưa sát sao. Nguyên nhân cuối cùng là gần đây lực lượng CSGT, thanh tra giao thông quyết liệt siết chặt việc xử lý xe quá khổ, quá tải trên quốc lộ, tỉnh lộ buộc các chủ phương tiện phải “lách” sang đường đê.

“Nếu chỉ kiểm soát mạnh ở đường chính mà không có chế tài quản lý đồng bộ ở các địa phương thì tới đây đường NTM và các tuyến đường đê còn lại bị hư hỏng hết”, ông Hải lo lắng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân Lê Huy Hoàng nói: “Chúng tôi đã cố gắng khống chế tải trọng tại các điểm lên xuống mỏ cát nhưng rất khó để xử lý triệt để, bởi cấm ban ngày thì họ lén lút chạy ban đêm”.

Trên địa bàn huyện Thọ Xuân có 3 mỏ cát được cấp phép, một mỏ ở xã Thọ Nguyên, một ở Xuân Thành và mỏ còn lại thuộc xã Thọ Lập. Điều đáng nói ở đây là các mỏ phân bố không đều nên việc quản lý của địa phương gặp rất nhiều khó khăn.

“3 mỏ được cấp phép tập trung lại một chỗ trong khi cả đoạn sông dài hàng chục km từ cầu Hạnh Phúc đến Bái Thượng lại không có mỏ nào được cấp phép nên tình trạng hút trộm cát vẫn xảy ra. Điều này đồng nghĩa với việc quản lý đội xe “hổ vồ” chỉ mang tính tương đối”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Để ngăn chặn nạn xe quá khổ, quá tải hoành hành, mới đây, ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý chủ trương cho xây dựng các khung khống chế tải trọng đặt trên mặt đường chính của đê.

Chi cục Quản lý đê điều & PCLB tỉnh cũng phối hợp với Sở GT-VT, lực lượng công an và các địa phương thiết lập số điện thoại đường dây nóng để xử lý kịp thời xe vi phạm. Đồng thời, cho phép công an xã tạm giữ xe quá tải, chờ lực lượng chức năng xuống xử lý.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chìm tàu kéo sà lan, 3 người chết, 2 người mất tích

Quảng Ngãi Tàu kéo theo sà lan bất ngờ bị chìm trên vùng biển gần đảo Lý Sơn. Lực lượng chức năng đã vớt được 3 thi thể, 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.