| Hotline: 0983.970.780

Ồ ạt móc ruột sông hồ!

"Xẻ thịt" hồ, suối

Thứ Ba 01/04/2014 , 10:31 (GMT+7)

Hồ Tha La với cảnh quan rất đẹp và nhiều địa danh gắn liền với suối như Suối Ngô, Suối Dây, suối Nước Trong… từ bao lâu nay đã bị tàn phá nghiêm trọng bởi nạn khai thác cát.

Ngoài một phần hồ Dầu Tiếng, trên địa bàn huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh còn có hồ Tha La với cảnh quan rất đẹp và nhiều địa danh gắn liền với suối như Suối Ngô, Suối Dây, suối Nước Trong… Từ bao lâu nay, những nơi này bị tàn phá nghiêm trọng bởi nạn khai thác cát.


Bãi cát ven Hồ Dầu Tiếng khu vực Dương Minh Châu Tây Ninh 


ĐÂU RỒI LÀNG VÓ TÂN CHÂU?

Kết thúc ngày thứ nhất rong ruổi trên mặt hồ bằng xuồng máy, ngày thứ 2 tôi được tiếp cận các điểm khai thác cát ở khu vực ven sông Tha La, huyện Tân Châu (Tây Ninh) bằng xe hơi.

Trước khi xuất phát, anh D, người chở tôi đi, bảo: “Anh biết đấy, tôi là người tương đối “nổi tiếng” ở Tây Ninh, nên rất nhiều người biết mặt, thậm chí nhìn xe là biết của ai rồi. Nên lúc đến mấy chỗ khai thác cát, anh cẩn thận, đừng để họ biết anh làm gì. Sau này anh cũng đừng để họ biết tôi dẫn anh đi, nếu không tôi chỉ có nước bỏ xứ đi thôi”.

14-31-05_anh-14
Hồ Tha La từng có cả trăm chiếc chòi vó của dân, nay vẫn còn vài cái xiêu vẹo

Từ TP Tây Ninh, chúng tôi theo tỉnh lộ 785 lên Tân Châu, trên đường đi, qua địa phận các xã Tân Hưng, Tân Phú, lâu lâu lại thấy một chiếc xe ben chở cát từ những con đường đất đỏ ào ra, tung bụi mù mịt. Anh D bảo: “Tất cả những đường đó đều dẫn ra hồ Tha La, hồ Dầu Tiếng. Đi đường nào cũng ra đến bãi cát”.

Rẽ vào một đường đất đỏ thuộc ấp Tân Phú A, xã Tân Phú, chúng tôi đi hơn 2 cây số thì ra tới bờ hồ Tha La. Tại đây, rải khắp hai bên bờ hồ, kéo dài đến khu vực hồ Dầu Tiếng cả chục cây số, là những “công trường” khai thác cát đang hoạt động. Dưới mặt nước, những chiếc tàu hút cát đang cần mẫn làm việc. Trên bờ, từng núi cát đồ sộ, trắng tinh phơi mình trong nắng, chiếc cần xe múc đang chậm rãi ngoạm cát lên, thả xuống thùng xe ben.

Đi bộ một đoạn dài trên bờ hồ, chúng tôi ghi nhận những hậu quả thấy ngay trước mắt. Đó là những khoảnh đất bị khoét sâu, lấn vào bờ cho tàu hút cát vào sát, neo đậu, chuyển cát lên bờ dễ hơn. Một diện tích đất khá lớn dọc bờ hồ bị bỏ hoang do cát phủ dày, trộn lẫn các tạp chất khác như sỏi, dầu nhớt, nên khô cứng, cằn cỗi.

14-31-05_anh-7
Rất nhiều những bãi cát như thế này quanh hồ Tha La, hồ Dầu Tiếng khu vực huyện Tân Châu

“Cách đây hơn chục năm, trên hồ Tha La, đoạn qua thị trấn Tân Châu, nhiều người vẫn gọi là sông Tha La, có cả ngót trăm hộ sống bằng nghề cất vó, thành làng vó Tân Châu. Hồi đó, những chiếc chòi cao gần chục mét dựng bằng cây trên mặt nước, cách nhau vài chục mét, trên đoạn sông dài mấy cây số. Mỗi lần mấy chục chiếc vó cùng cất lên trên mặt nước, nhìn thích lắm. Bây giờ, họ kéo đến hút cát, làm tan làng vó, chẳng còn ai sống bằng nghề này nữa”, ông Trần Văn Tuấn, 72 tuổi, người có ngót 30 năm sống nhờ chiếc vó, nay cũng bỏ đi làm thuê, đắp đổi qua ngày, trầm ngâm nói.

Qua cầu Tha La, thị trấn Tân Châu là địa phận xã Suối Dây. Đến một ngã ba có treo tấm bảng của 2 DN khai thác cát, anh D cho xe rẽ vào. Đi vào chừng gần 1 cây số, anh dừng xe. Tôi nhìn qua vườn cao su, thấy thấp thoáng mỏ cát rất lớn phía bờ hồ. Nó chẳng khác một công trường, bởi không chỉ có bãi cát, tàu hút, xe ben chở cát mà còn có cả mấy dãy nhà lợp tôn khá to.

“Họ ăn ở luôn tại chỗ. Đây là một trong những bãi cát lớn nhất Tân Châu. Theo tôi biết thì của một tay khá máu mặt nên nó làm hết công suất. Lở đất, mất vườn cũng chẳng ai làm gì được”, anh D nói.

NUỐT ĐẤT

Ghé vào xóm nhỏ thuộc ấp Tân Tiến, xã Tân Phú, nằm bên hồ Tha La, nơi đang có 5 - 6 mỏ cát đang hoạt động. Hầu hết người dân ở đây đều bức xúc cho biết, việc khai thác cát không chỉ gây ô nhiễm nước hồ, lở đất, mà mỗi ngày có cả trăm chuyến xe chở cát chạy ra chạy vào con đường đất đỏ, tung bụi mù mịt.

Bà Lâm Thị N, 60 tuổi, người dân trong xóm cho biết, một DN khai thác cát sát bên miếng đất phía bên kia hồ Tha La của gia đình bà đang thương lượng để sử dụng bãi cát trên mảnh đất của bà. “Cho nó làm thì đất đó coi như bỏ, trồng cấy được gì nữa? Còn không, nó cứ hút hoài chắc có ngày cũng lở hết thôi. Ở đây, khổ nhất là xe chở cát, nó chạy bất kể giờ giấc. Nhiều lúc đang ngủ trưa, giật thót người vì tiếng xe chạy ầm ầm. Ăn cơm thì phải chui vào nhà đóng cửa kín mít như ăn lén chứ nếu không, xe chạy, bụi như thế chỉ có nước bỏ cả mâm cơm”, bà Nhà cho biết.

14-31-05_anh-12
Dấu tích những bãi cát từng hoạt động để lại

"Ở đây có mấy mỏ cát của V.U, khai thác lâu lắm rồi. Hút cát làm lở đất của dân, xe chở cát chạy ầm ầm, bụi khiếp lắm. Từ ngày có mỏ cát, tôi phải chuyển ra ngoài ở, còn chỗ này chỉ làm trại bò thôi. Dân ở đây kêu ca, khiếu nại lên chính quyền nhiều nhưng không ăn thua”, ông Nguyễn Văn Lộc, 67 tuổi, ở ấp Tân Tiến nói.

“Theo tôi biết thì doanh nghiệp H.T có giấy phép khai thác đến 2015. Khối lượng cát được phép khai thác khoảng 150.000m3. Giấy phép cho thời gian hoạt động hút cát 8 giờ/ngày. Nhưng thực tế thì hơn 5 giờ sáng họ đã bắt đầu làm, đến 7 – 8 giờ tối mới nghỉ. H.T có hơn chục ghe tải trọng từ 20 - 40m3. Trung bình một ghe có thể làm 5 chuyến mỗi ngày. Tính sơ sơ vậy anh thấy một ngày họ bơm lên bao nhiêu khối cát rồi”, anh D nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một DN khác là M.T, được cấp phép khai thác cát tại khu vực hồ Tha La trên chiều dài 5 cây số (từ xã Tân Hội đến Suối Dây), với trữ lượng khai thác 10.000m3/năm. Thế nhưng DN này sang đến địa bàn xã Tân Hiệp khai thác cát. Chưa kể, một nửa số tàu của DN này không có giấy tờ hợp pháp. Mặc dù vậy, khi chính quyền địa phương lập biên bản vi phạm, chủ DN vẫn có thái độ thách thức và bất hợp tác.

Gặp bà N.T.D, ở xã Suối Dây, Tân Châu, bà bức xúc cho biết: "DN H.T hút cát làm mất rất nhiều đất của tôi. Sau khi tôi làm đơn lên huyện, họ xuống xác minh thấy đúng, bắt bên H.T phải khắc phục cho tôi sau khi nước rút. Nhưng khắc phục bằng cách nào? Đất mất rồi, chẳng lẽ họ mua đất đổ xuống hay sao?".

Chiều cùng ngày, anh D dẫn tôi đến nhà một vị cựu quan chức của tỉnh đã về hưu để hỏi về việc khai thác cát ở Tân Châu. Cơ ngơi hoành tráng vào loại nhất nhì huyện Tân Châu của ông ở ngay thị trấn, nếu tính đường chim bay thì chỉ cách những mỏ cát ở hồ Tha La, Suối Dây chừng cây số.

Cách đây vài năm, ông từng đại diện cho bà con nông dân ở khu vực mỏ đá Lộc Trung (xã Lộc Trung, huyện Dương Minh Châu, là nơi ông sinh ra) khiếu nại phản đối một DN vào khai thác mỏ cát lớn ở sát mỏ đá Lộc Trung, và đã giành phần thắng.

Tuy nhiên, trong suốt hơn 1 tiếng trò chuyện, dù rất thú vị, nhưng ông chỉ say sưa nói về những chuyện ở các địa phương khác, còn mỗi khi tôi nhắc đến tình trạng khai thác cát ngay sát nhà ông thì ông lại lảng sang chuyện khác!

 

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bị đá đè tử vong khi đào dúi rừng

Ông Tẩn Phù Dìn ở xã Trịnh Tường (huyện Bát Xát, Lào Cai) đã bị đá đè tử vong trong khi đào bới đất để bắt dúi rừng tại khu vực rừng vầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm