| Hotline: 0983.970.780

Xem "kiệu bay" ở Phú Đô

Thứ Sáu 27/02/2015 , 06:15 (GMT+7)

“Trống giục, kiệu bay, lòng náo nức/ Loa truyền vào hội, dạ hân hoan”. Những câu thơ trên đã phản ánh đúng không khí lễ hội làng bún Phú Đô (nay là phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội)./ Lòng tham và cuồng vọng cá nhân vào lễ hội

Theo ngọc phả, đình Phú Đô thờ các vị thành hoàng gồm Lý Thiên Bảo (tức Đức Thánh Cả, anh trai của Lý Nam Đế), Đinh Dự và Mãn Đường Hoa (tổ nghề ca trù), 2 bà hoàng người làng Phú Đô là Nguyễn Thị An (Hoàng hậu, vợ vua Lê Anh Tông), Nguyễn Thị Phương (Nguyên phi, vợ vua Lê Anh Tông), Hồ Nguyên Thơ (tổ nghề bún).

Để tỏ lòng biết ơn công lao các vị thành hoàng, cứ 5 năm một lần (từ mùng 8 đến mùng 9 Tết) làng lại tổ chức lễ hội rước thánh nhằm tỏ lòng biết ơn công lao các vị, đồng thời cầu một năm mới may mắn, sung túc và bình an cho dân làng cũng như khách thập phương.

Lễ hội được chia làm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần hội diễn ra vui vẻ náo nhiệt với lễ rước kiệu Đức Thánh Cả, Đức Ông và Hai Bà.

Lễ rước được tiến hành từ đình làng xuống Quán, xuống Cầu Đôi,xuống bãi Tế Yến, và sau đó rước các ngài về đình làng thì hết một ngày đêm. Đây là phần quan trọng và được dân làng quan tâm, ngóng chờ nhất.

Sáng mồng 8 Tết, có mặt tại bãi Tế Yên làng Phú Đô, chúng tôi được chứng kiến sự thăng hoa của 7 chiếc kiệu thánh “bay” khắp đường làng, ngõ phố trong tiếng reo hò hân hoan của dân làng cũng như khách thập phương về dự lễ. Tiếng trống, tiếng chiêng càng khiến lễ hội thêm rộn rã, náo nhiệt.

Trong lễ trình thánh xuân Ất Mùi 2015 này, có 15 đoàn tham dự lễ rước. Đây là một nét đẹp văn hóa được gìn giữ và duy trì qua nhiều thế kỷ.

Chứng kiến hàng trăm người hộ vệ, chúng tôi có chút lo âu vì lỡ đâu sẵn gậy gộc, cờ quạt kia, chẳng may vì chút lộc thánh mà người ta lao vào tranh cướp thì không phải đầu cũng phải tai. Rồi tâm lý “tả tơi xem hội” đã khiến chúng tôi vượt qua tất cả.

Suốt lễ rước, 7 chiếc kiệu lúc đi thong thả, lúc lắc lư, lúc chạy ầm ầm như bay khiến người xem dạt cả vào tường. Nhưng tuyệt nhiên, không diễn ra những cảnh xô đẩy, giẫm đạp lên nhau. Ai cũng hồ hởi.

Xem hội Phú Đô mà lại nghĩ về Hội Gióng. Đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể nhưng những hình ảnh ẩu đả nhau vì lộc thánh trong lễ khai mạc Hội Gióng ở Sóc Sơn năm nay đã khiến cho lễ hội mất đi vẻ đẹp.

Trao đổi với NNVN, GS.TS Kiều Thu Hoạch, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian, nhận định đó là thói xấu xuất hiện trong đời sống hiện đại. “Xưa kia, lễ hội là tranh, còn nay đến hội là cướp”. Khi đời sống hóa tầm thường chen lấn đã khiến cho mỹ tục có nhiều vết nhọ. Điều đáng lưu ý là, cứ lễ hội nào có phát lộc, là nơi đó con người lao vào cướp lộc đến bươu đầu, sứt trán!

GS.TS Kiều Thu Hoạch cho rằng, việc coi được lộc thánh là may mắn cho cả năm chỉ là ngộ nhận. Vấn đề quan trọng là những ứng xử trong cuộc sống hằng ngày!

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất