| Hotline: 0983.970.780

Xem xét toàn diện Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật

Thứ Tư 30/10/2013 , 09:48 (GMT+7)

Ngày 29/10, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, nhiều ý kiến đóng góp của ĐBQH đã được tiếp thu chỉnh lý…

Ngày 29/10, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, nhiều ý kiến đóng góp của ĐBQH đã được tiếp thu chỉnh lý…

Quy rõ trách nhiệm

Tính đến nay, dự thảo Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật (BV&KDTV) đã được tiếp thu ý kiến của 52 đoàn ĐBQH trong kì họp 5 và UBTVQH tại phiên họp thứ 20. Hầu hết các ý kiến đóng góp của ĐB đều đã được ghi nhận và chỉnh lý trong nội dung Dự thảo Luật BV&KDTV trình trước QH lần này.

Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật, nhiều ĐBQH đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của Bộ NN-PTNT là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và UBND các cấp trong quản lý nhà nước về BV&KDTV; làm rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các bộ, cơ quan có liên quan trong quản lý nhà nước về BV&KDTV; phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước giữa UBND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã trong việc quản lý nhà nước về BV&KDTV, đặc biệt là trách nhiệm của UBND các cấp trong phòng, chống dịch, huy động nguồn lực khi xảy ra dịch bệnh, quản lý việc kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV, tuyên truyền giáo dục người dân trong sử dụng thuốc BVTV; nên quy định rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong việc quản lý thuốc BVTV.

Nghiên cứu tiếp thu các ý kiến trên, dự thảo Luật mới đã chỉnh sửa quy định rõ trách nhiệm của Bộ NN-PTNT là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về BV&KDTV, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về BV&KDTV.

Quy định rõ Bộ NN-PTNT có trách nhiệm hướng dẫn, tập huấn về sử dụng, vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy thuốc BVTV và cấp giấy chứng nhận xông hơi khử trùng. Đồng thời quy định cụ thể về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, cấp huyện và xã trong công tác quản lý nhà nước về BV&KDTV, đặc biệt trong các hoạt động huy động nguồn lực, tổ chức chống dịch và quản lý thuốc BVTV trên địa bàn...

Tổ chức xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương

Hệ thống cơ quan chuyên ngành về BV&KDTV đã được quy định trong Pháp lệnh BV&KDTV hiện hành từ năm 1993. Đến nay, hệ thống này đã được hình thành ổn định từ Trung ương tới cấp huyện.

Theo đó, ở Trung ương là Cục BVTV; cấp tỉnh là Chi cục BVTV trực thuộc Sở NN-PTNT, cấp huyện là các trạm BVTV trực thuộc Chi cục BVTV. Đồng thời, theo vùng sinh thái đã hình thành được 9 Chi cục KDTV vùng và 4 Trung tâm BVTV trực thuộc Cục BVTV.

Tuy nhiên, với diện tích cây trồng tăng mạnh (gấp hơn 6 lần so với năm 1993), diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, lượng hàng hóa thuộc diện KDTV xuất khẩu, nhập khẩu ngày càng lớn thì tổ chức hệ thống cơ quan này cần được kiện toàn, đặc biệt ở cấp huyện, xã để đáp ứng nhu cầu sản xuất.


Phun thuốc BVTV cho lúa ở ĐBSCL

Vì vậy, dự thảo Luật mới đã quy định theo hướng hệ thống cơ quan BV&KDTV được tổ chức từ Trung ương đến địa phương, đồng thời giao cho Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức hệ thống cơ quan này trên cơ sở rà soát, điều chỉnh hợp lý hệ thống tổ chức hiện có cho phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về BV&KDTV.

Trong điều kiện nước ta đang phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa thì vấn đề kiểm soát dịch bệnh thực vật, bảo đảm an toàn thực phẩm trở nên hết sức quan trọng, đặc biệt là trên địa bàn cấp xã. Do vậy, cũng có ý kiến đề nghị nên quy định rõ đối với các xã có tỷ trọng sản xuất nông nghiệp lớn phải bố trí một cán bộ chuyên môn theo dõi về BVTV.

Tuy nhiên, theo pháp luật về cán bộ, công chức thì ở cấp xã hiện có 1 chức danh công chức theo dõi về 4 lĩnh vực: địa chính, nông nghiệp, xây dựng và môi trường. Bên cạnh đó, theo quy định của Thông tư 61/2008/TTLT-BNN-BNV thì ở cấp xã có nhân viên chuyên môn, kỹ thuật hợp đồng; cộng tác viên làm công tác khuyến nông, khuyến ngư hợp đồng theo quyết định của UBND cấp tỉnh; UBND cấp xã có thể lập Ban nông nghiệp gồm các cán bộ, nhân viên kỹ thuật trên địa bàn để quản lý, điều phối hoạt động về nông nghiệp.

Như vậy, nhân lực chuyên môn ở cấp xã hoàn toàn thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh quyết định.

Nhập thuốc ngoài danh mục trong trường hợp đặc biệt

Việc nhập khẩu thuốc BVTV ngoài danh mục cũng đang là vấn đề gây tranh cãi, một số ĐB cho rằng chỉ nên sử dụng thuốc trong danh mục cho phép ở VN nhưng nhiều ý kiến tán thành với việc cho phép sử dụng thuốc BVTV chưa có tên trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam trong một số trường hợp đặc biệt. Nhưng đề nghị làm rõ điều kiện được sử dụng thuốc BVTV chưa có trong Danh mục.

Về vấn đề này, theo UBTVQH, thuốc BVTV là vật tư nông nghiệp nhưng cũng là hóa chất độc hại nên phải được quản lý, kiểm soát chặt chẽ và chỉ được sử dụng thuốc có trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.

Hiện tại, trong điều kiện diễn biến dịch bệnh thực vật rất khó lường thì việc sử dụng một số loại thuốc BVTV nhập khẩu chưa có trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam để sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt là cần thiết.

Tuy nhiên, cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động này để tránh bị lợi dụng, gây hậu quả xấu cho sức khỏe con người và môi trường.

Vì vậy, tiếp thu các ý kiến ĐBQH, các nội dung quy định nói trên đã được ghi rõ trong dự thảo Luật mới quy định về điều kiện được nhập khẩu thuốc BVTV chưa có trong Danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam để sử dụng trong một số trường hợp cụ thể và việc nhập khẩu các loại thuốc này phải có giấy phép và chỉ được sử dụng theo đúng mục đích ghi trong giấy phép.

Cùng với nội dung này, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về nghĩa vụ chủ thực vật trong sử dụng thuốc; nghĩa vụ của người sử dụng thuốc; cấm các hành vi sử dụng thuốc trái quy định.

Cấm đưa đất vào Việt Nam

Cấm đưa đất vào Việt Nam là một trong những nội dung mới được QH xem xét đưa vào dự thảo Luật lần này vì đất là môi trường sống của thực vật nhưng đất cũng là vật thể có khả năng mang theo nhiều sinh vật gây hại.

Tuy nhiên, nếu quy định cấm tuyệt đối việc đưa đất vào Việt Nam thì đồng nghĩa với cấm nhập khẩu thực vật mang theo đất, ảnh hưởng đến việc nhập khẩu thực vật sống dùng để nghiên cứu khoa học, làm giống, kinh doanh cây cảnh...

Pháp luật nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc... đều quy định cấm nhập khẩu đất, trừ một số trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Do vậy, tiếp thu ý kiến trên, dự thảo Luật đã chỉnh sửa theo hướng quy định cấm đưa đất vào Việt Nam, trừ trường hợp được chấp thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT.

Còn đối với hành vi đưa đất từ vùng này sang vùng khác ở trong nước thì Luật không cấm nhưng khi vận chuyển phải tuân thủ quy định về kiểm dịch nội địa và áp dụng các biện pháp xử lý vật thể KDTV theo quy định.

Tổ chức, cá nhân có thuốc phải chịu trách nhiệm tiêu hủy

Dự thảo Luật mới cũng quy định khá cụ thể về việc tiêu hủy, thu gom, xử lý thuốc BVTV. Theo đó trách nhiệm tiêu hủy thuốc BVTV là các tổ chức, cá nhân có thuốc buộc phải tiêu hủy. Đối với thuốc BVTV vô chủ, không rõ nguồn gốc thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo UBND cấp dưới và các cơ quan có liên quan trong việc tiêu hủy và bố trí kinh phí để thực hiện.

Riêng đối với việc thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng thì kinh phí sẽ được lấy từ nguồn ngân sách địa phương. Luật cũng bổ sung quy định về nghĩa vụ của người sử dụng thuốc BVTV trong việc thu gom bao gói thuốc BVTV, trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc quy định địa điểm thu gom, tổ chức thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; đồng thời bổ sung quy định cấm đối với hành vi thải bỏ thuốc và bao gói thuốc BVTV trái quy định của Luật BV&KDTV.

Có thể xử lý hình sự

Về việc sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV giả, theo UBTVQH, đây là hàng hóa kinh doanh có điều kiện. Do vậy, theo pháp luật về thương mại, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành thì thuốc BVTV giả khi bị phát hiện, ngoài việc bị xử lý hành chính còn phải thực hiện biện pháp bổ sung là tiêu hủy. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì tổ chức, cá nhân có thuốc BVTV giả còn phải bị xử lý hình sự.

ĐB Mai Thị Anh Tuyết (An Giang): Gia tăng điều kiện bắt buộc với DN

Việc nông dân ở các địa phương quá lạm dụng thuốc BVTV đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Luật BV&KDTV cần quy định như thế nào để hạn chế tình trạng này, thưa bà?

Ở địa phương chúng tôi, để giảm thiểu sự lạm dụng thuốc BVTV, các cơ quan chuyên ngành xây dựng các mô hình 3 giảm, 3 tăng và vận động bà con tham gia. Đây là mô hình hiệu quả và đã triển khai ở nhiều nơi.

Tại dự thảo Luật BV&KDTV lần này cũng đã có quyền và nghĩa vụ của tổ chức cá nhân sử dụng thuốc BVTV theo đó người sử dụng thuốc phải thực hiện nguyên tắc bốn đúng: đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách. Phải tuân thủ đúng thời gian cách ly như hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc.

Về quản lý thuốc, hiện chúng ta có tới hơn 3.000 loại thuốc BVTV được đăng ký, các doanh nghiệp tự xây dựng qui trình sử dụng thuốc, khuyến khích nông dân sử dụng thuốc với số lượng lớn nhằm đạt lợi nhuận. Luật BV&KDTV có điều chỉnh thực trạng này?

Theo tôi, để thắt chặt quản lý cách tốt nhất là phải gia tăng các điều kiện buộc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thuốc BVTV phải đảm bảo. Có những doanh nghiệp uy tín nhưng cũng có những doanh nghiệp nhỏ sẵn sàng cạnh tranh không lành mạnh và hậu quả luôn để cho người nông dân phải gánh chịu.

Luật BV&KDTV, quy định rõ về điều kiện kinh doanh thuốc, quyền và nghĩa vụ của người sản xuất, kinh doanh; thời hạn của giấy phép. Ngoài ra cũng có những chế tài kèm theo đối với những tổ chức cá nhân vi phạm pháp luật.

Xin cảm ơn bà!

Xem thêm
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Apple xác định Việt Nam là một cứ điểm trên toàn cầu

Đây là lần đầu tiên ông Tim Cook tới Việt Nam. Trước đó, vào tháng 5/2022 tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Giám đốc điều hành Apple.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.