| Hotline: 0983.970.780

Xin lỗi cây lúa nước

Thứ Bảy 01/09/2012 , 08:08 (GMT+7)

Cây lúa nước là tài sản thiêng của dân tộc này. Đời sống của cây lúa là tâm linh của làng xã Việt Nam. Có hô hào gì thì ta cũng là đất nước của nông dân và nông sản. Hãy có lời để cho cây lúa vị tha về những gì chúng ta đã làm tổn thương nó.

1. Những năm ấy các bà chị nhà nông của tôi còn tươi trẻ lắm. Ba mươi lăm năm trước thì họ xuân sắc là phải.

Họ cũng đi từ chiến tranh ra nhưng đi bằng con đường của thân phận họ: bầm dập vọng phu, nuôi con trong bom đạn và bám ruộng bám đồng làm ra hạt lúa. Họ keo sơn tin tưởng, rằng có hòa bình là có tất cả dù chiến tranh đã lần lượt hạ sát hết những người đàn ông của họ. Nói chung những người đàn bà góa bụa ấy bắt đầu một cuộc sống mới bằng niềm tin một phần cũng vì họ còn nguyên sức lực của những người đương sức.

Còn nhớ họ thường hỏi tôi: “Sao chưa thấy thành lập hợp tác xã nông nghiệp ở đây”? Từ thời chiến tranh họ đã sống bằng tin tức trên đài, hết nghe “miền Bắc thiên đường của các con tôi” thì đến Định Công, Vũ Thắng hợp tác xã toàn xã làm ăn náo nức thắng lợi ì đùng. Các bà góa trẻ chờ như đất đang chờ, làm lúa một vụ rị mọ thấp thỏi lắm, phải làm ăn lớn mới vui, mới mau giàu. Đất ở miền Tây này mà không cho giàu thì sẽ trái ý trời đó nghen.

Công cuộc hợp tác hóa tràn vào miền Nam như một cơn bão. Người ta đang cơn “thay trời đổi đất sắp xếp lại giang sơn”. Liên miên hội họp cào bằng chia và xẻ. Những cống những đập thủy lợi kiểu sông có đê ở miền Bắc được nhân rộng nơi nơi, ngày khánh thành xe cộ các quan hú còi kéo về rần rần, như đi hội. Hình như chỉ có một người dám lên tiếng chê bai, đó là giám đốc Nông trường Sông Hậu. Ông phẹt phẹt: “Đất ở trong này phải tận dụng thủy triều, mấy cha nội máy móc rồi, cầm chắc thất bại rồi!”.

Những bà chị của tôi bắt đầu nao núng: “Chia chác lại đất làm người ta mích lòng nhau, xốc xáo tùm lum. Ai đời nhà nông mà làm ăn theo tiếng kẻng, cha chung không ai khóc, kỳ cục quá!”. Bắt đầu nhìn thấy những đoàn ghe xuồng cắn đuôi nhau đi dài từ miệt trên xuống. Những đoàn người ngày đêm bất tận vừa đi vừa bán tháo tư trang ăn qua ngày, người ta bỏ đất tháo chạy công cuộc tập đoàn hóa hợp tác hóa. Họ là dân Bến Tre, quê hương Đồng khởi, là dân Long An, ngọn cờ của những hành động xé rào kinh động sau này.

Mười năm ấy (1976-1986), vùng đất miền Tây triền miên bão kép: ý chí trăm phần trăm tập đoàn hóa hợp tác hóa của các vị chóp bu và cuộc chiến với lũ Pôn Pốt. Những bà chị của tôi cay đắng tiễn con đi nghĩa vụ quân sự và cay đắng nhận chúng trở về với cây nạng gỗ, những đứa trẻ sinh trong chiến tranh và lại như cha chúng, cống hiến tuổi xuân cho trận mạc.

Đất nước mười năm ấy nào có hòa bình. Những người đàn bà úa tàn mọi nghĩa âm thầm nổi loạn theo kiểu của mình: họ làm ngơ với tập đoàn, mặc kệ gối vụ và năng suất, họ không tin tưởng dễ dàng như xưa nữa. Nông dân miền Tây kéo lên Sài Gòn biểu tình rậm rịch đòi làm ăn riêng rẽ, những bà chị của tôi ngoéo tay nhau: “Mấy ổng không sửa đổi, vợ liệt sĩ đây sẽ không tha!”. Con tôi hỏi nhỏ: “Các dì tham gia biểu tình thì mẹ đứng về bên nào?”. Tôi nghiêm mặt: “Con mà còn phải hỏi mẹ như vậy sao?”

2. Thời kỳ cởi trói bắt đầu. Không cởi trói thì chết chìm hết. Liên miên họp xóm họp ấp. Hồi ấy chưa có đèn pin Tàu rẻ tiền mau hỏng, các chị của tôi bó đuốc bằng lá dừa đi họp. Cãi vã thâu đêm. Người ta bảo làm cho đất đai trở lại nguyên trạng. Người ta muốn công và tội trong chiến tranh phải được thể hiện sòng phẳng trong cuộc chia chác này.

Nhưng gia tộc nào cũng bên này và bên kia, những người có công sẽ được sung túc còn những bà con lỡ vướng với bên thua sẽ thành dân làm thuê làm mướn cả sao? Và điều chỉnh thì một cái bờ mẫu cũng phải công bằng, với cả những người công trạng. Nông thôn không vui lên mà nông thôn lại buồn hơn. Đất đai cũng như lòng người, đã xốc xáo là phải xô lệch, đã tổn thương là phải mang sẹo.

Kỳ thực lúa là loại cây có sức sống diệu kỳ nhất mà con người nhận được từ ơn trời và nghĩa đất. Một hạt thóc bình thường ném xuống, một cây mạ nhanh chóng xanh lên, một giẻ lúa vạm vỡ hình thành, rồi thì sẽ là một bông lúa lúc lỉu. Các bà chị góa phụ của tôi hiểu hơn ai hết sự kỳ diệu ấy. Các chị âm thầm làm cuộc hàn gắn cho xóm ấp: làm ăn riêng tư rồi, người nào bỏ đi thì đã đi rồi, những người thua trận đã ở lại với bà con thì phải kèm cặp cho họ cũng giỏi đồng áng như mình.

Nhưng người giỏi và người lọng cọng đều chi phí nặng nhọc như nhau cho mọi thứ về cây lúa và, khi hạt thóc vào sân thì lúa rớt giá. Các chị tôi lại hoài nghi: “Hình như nông dân bị chính những Cty lương thực độc quyền ép giá”. Nhà nông thì chỉ nghĩ có vậy. Nhà nông đâu biết một ký u-rê, một chai thuốc bảo vệ thực vật cũng bị độc quyền nhập khẩu và phân phối lại, rồi một ký thóc của nông dân cũng hành trình của “mỗi mình ông nhà nước ấy” nên chỉ những tay trung gian ấy là thảnh thơi.

Chấm dứt cảnh đo bồ bắt ép nông dân bán nông sản và cũng chấm dứt cảnh cấm chợ ngăn sông, nhưng cũng đã có những thế lực núp bóng lộng hành khiến cây lúa như bị chơi khăm.

Đám con cái của các chị bắt đầu mày mò con đường của chính họ. Đất không bạc nhưng người đành phụ đất. Bắt đầu làn sóng đi “học may” trên thành, hiểu ngầm là đi làm cave. Cánh thanh niên thì ôm hận đi làm cu li, đi bán sức. Lần này đất cũng góa theo các chị. Nhà nông không chỉ “trông trời trông gió trông mưa” mà còn trông con, ngóng những đồng tiền cay cực của chúng gửi về.

Ban đầu còn e ngại với nhau, không ai dám nói trắng con mình ở đâu làm gì, có lẽ chỉ có trời biết cho họ.

3. Đất nước bước vào hội nhập. Cửa vừa hé thì đám con của các chị tôi đã ùa đi. Con gái đi làm vợ xứ người, con trai đi làm thuê khắp chốn. Rộng đường hơn nhưng cũng phiêu lưu hơn. Rủi ro là cái chắc. Bấy giờ tư thương và các công ty độc quyền lại giống nhau ở một điểm: mặc kệ nông dân.

Đất nước thành cường quốc xuất khẩu gạo nhưng cũng như cây chè hay cây cà phê, cây lúa cũng không được đoái hoài từ gốc. Vẫn là chuyện thời giá “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Nhưng trồng lúa vẫn dễ chịu hơn trồng dừa hay trồng mía, các chị của tôi dùng tiền “hiếu thảo” của đám con gái ban bờ ban liếp phục hồi lúa nước. Hứng khởi chừng được hai vụ thì lúa lại rớt giá, về lại thân phận của nó nhiều năm trước.

Lòng người chưa an thì mỗi tỉnh mỗi huyện là một quốc gia thu nhỏ, các dự án thi nhau mọc lên như nấm sau mưa. Đất lúa bị trưng dụng không thương tiếc. Người ta đang hô hào Nông thôn mới và Cánh đồng mẫu lớn, người ta có nhận ra nhưng chưa một ai nhận lỗi với cây lúa vì sao đời sống con người làm ra chúng lại thành nông nỗi ấy. Họ chưa khá lên vì đâu?

Những cánh đồng ấy đã có tự ngày xưa. Những tập đoàn mễ cốc cũng đã có tự ngày xưa. Làm như là chỉ có chúng ta mới biết tổ chức nông thôn và buôn bán. Tôi nhớ thời máy cày băng băng trong ký ức tuổi thơ mình, cánh đồng bạt ngàn có phú nông, trung nông và những người đi làm mướn cho trại chủ. Một xã hội không giai cấp là không tưởng. Những người giàu phá sản và những người nghèo giỏi lên, bao giờ cũng có hiện tượng ấy vì đó là quy luật đào thải của tự nhiên. Không ai giàu ba họ không ai khó ba đời. Nông thôn yên bình là vì nông thôn được sống theo quy luật.

Chúng ta đã can thiệp bằng rất nhiều lý thuyết, áp đặt thế này rồi áp đặt thế kia. Bắt đầu trả dự án treo lại cho nông dân, bắt đầu vận động cánh đống mẫu lớn, bắt đầu những tiêu chí giàu và sáng cho nông thôn. Được thôi, nhưng chúng ta đã dắt nông dân đi một đường vòng khủng khiếp.

Sẽ không có yên bình trong lòng người nếu như các tập đoàn mễ cốc công và tư không biết thương người làm ra hạt lúa. Sẽ không có ánh sáng thực nếu không có trí thức về cắm ở quê, không có trại chủ để làm ăn lớn và những chàng trai cô gái lớn lên không dám nuôi mộng ôm đất (thay vì ôm gói lấy chồng nước giàu hay đi làm con sen người ở cho xứ người ta).

Cây lúa nước là tài sản thiêng của dân tộc này. Đời sống của cây lúa là tâm linh của làng xã Việt Nam. Có hô hào gì thì ta cũng là đất nước của nông dân và nông sản. Hãy có lời để cho cây lúa vị tha về những gì chúng ta đã làm tổn thương nó. Mọi việc bắt đầu bằng trái tim và lòng người, không phải nhiều tiêu chí thì nông thôn sẽ tươi lên đâu.

Các bà chị góa bụa của tôi đã già, đã “rửa tay gác kiếm”. Nhưng các con của họ thì càng lúc càng xa, xóm ấp giống như nhà dưỡng lão không người tài trợ, buồn đến mức nói không nên lời.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất