| Hotline: 0983.970.780

XK cá tra 2011: Chấn chỉnh giá bán

Thứ Tư 20/10/2010 , 09:17 (GMT+7)

Ngày 19/10/2010, tại TP HCM, Bộ NN-PTNT và VASEP đã tổ chức Hội nghị đánh giá lại xuất khẩu cá tra 9 tháng đầu năm nay và bàn giải pháp xuất khẩu cá tra năm tới.

Ngày 19/10/2010, tại TP HCM, Bộ NN-PTNT và VASEP đã tổ chức Hội nghị đánh giá lại xuất khẩu cá tra 9 tháng đầu năm nay và bàn giải pháp xuất khẩu cá tra năm tới.

Phải có giá sàn

Theo VASEP, trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra được 472.586 tấn, đạt giá trị 1,014 tỷ USD. Điều đáng chú ý là do sản lượng cá rô phi của Trung Quốc năm nay bị giảm 20% do ảnh hưởng thời tiết, sản lượng khai thác cá ngừ của nhiều nước, lãnh thổ như Philippines, Đài Loan, Chile, giảm mạnh …, đã góp phần khiến cho nhu cầu cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới trong năm nay tăng cao. 8 tháng đầu năm nay, lượng cá tra xuất khẩu tăng 7,5% cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá cá tra lại vẫn chuyển động theo hướng ngược lại, tức là càng ngày càng giảm, và hiện đã xuống tới mức thấp kỷ lục, kéo dài từ đầu năm tới nay. Trong khi những năm trước đây, giá cá tra giảm khoảng 1-2 tháng là lại tăng trở lại.

Ở thị trường Mỹ, giá cá tra liên tục giảm trong các năm qua, với mức giảm bình quân 6%/năm, trong khi sản lượng xuất khẩu vào đây gia tăng đáng kể. Ngoài ra, giá cá tra hiện đang có sự chênh lệch khá lớn giữa những thị trường tương tự nhau. Chẳng hạn, EU là một thị trường có tính liên thông cao, vậy mà giá xuất khẩu vào các nước thuộc khu vực này có sự chênh lệch khá cao. Ba nước EU nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam là Tây Ban Nha, Đức và Hà Lan (chiếm 55% lượng cá tra Việt Nam xuất khẩu vào EU), có giá bình quân chênh nhau từ 0,3-0,4 USD/kg.

Bởi thế, việc giá cá liên tục giảm và có những dấu hiệu bất thường như trên, đã được nhìn nhận chủ yếu là từ nguyên nhân chủ quan. Theo đó, việc các doanh nghiệp đang mạnh ai nấy bán, cạnh tranh thị phần bằng cách giảm giá đi kèm với đó là hạ chất lượng sản phẩm thông qua tỷ lệ mạ băng …, là nguyên nhân chính kéo giá cá tra xuất khẩu bình quân của Việt Nam liên tục đi xuống. Ông Ngô Phước Hậu, Chủ tịch HĐQT Cty Agifish (An Giang), thẳng thắn thừa nhận: “Lâu nay, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra thường cạnh tranh nhau bằng cách đua nhau giảm giá xuống. Đây là một cuộc cạnh tranh hết sức sai lầm, cho dù nó đã giúp cho con cá tra Việt Nam nhanh chóng mở thêm được nhiều thị trường mới”. Chính việc đua nhau giảm giá này, không chỉ khiến cho giá xuất khẩu cá tra Việt Nam đã xuống khá thấp, mà còn khiến cho nhiều nước nhập khẩu không hài lòng, vì gây ảnh hưởng xấu tới một số sản phẩm cá của họ.

Chính vì thế, trong 4 nhóm giải pháp xuất khẩu cá tra 2011 mà VASEP đưa ra, thì việc tăng giá xuất khẩu trung bình được đặt lên hàng đầu. Theo đó, việc thiết lập ngay giá sàn là vấn đề cấp thiết. Giá sàn sẽ được thiết lập dựa trên các yếu tố chi phí, trong đó giá nguyên liệu được tính trên cơ sở giá thành sản xuất nguyên liệu, đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi tiếp tục tái đầu tư. Trên cơ sở định mức tiêu hao tiên tiến, chi phí chế biến cho từng thị trường, sẽ xác lập được giá sàn cho từng nhóm thị trường cụ thể.

Theo ông Ngô Phước Hậu, cần xây dựng ngay giá sàn thu mua cá tra nguyên liệu, đảm bảo cho người nuôi có lãi, đồng thời, các doanh nghiệp sẽ không dám ký xuất khẩu giá thấp. Chẳng hạn, với chi phí sản xuất như hiện nay, nếu đặt ra mức giá sàn cá tra nguyên liệu là 18.000 đ/kg, thì nông dân sẽ có lãi, và giá xuất khẩu sẽ được nâng lên. Còn theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lương Lê Phương, cần xây dựng cá giá sàn cá nguyên liệu và giá sàn cá xuất khẩu. Giá sàn xuất khẩu nên theo từng khu vực thị trường, mà không nên tính riêng từng nước nhập khẩu. Nếu chúng ta nâng được giá cá xuất khẩu lên thì sẽ không còn lo bị thị trường nào đó kiện chống bán phá giá nữa.

Chấn chỉnh “cung – cầu”

Thứ trưởng Lương Lê Phương định hướng, trong thời gian tới, tất cả các vùng nuôi cá tra đều phải đạt chứng nhận GlobalGAP. Các doanh nghiệp cần có vùng nuôi riêng, đảm bảo được ít nhất 50% nhu cầu cá tra nguyên liệu. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần phải tập tung nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng cho con cá tra …
Một trong những nguyên nhân cũng có tác động tới việc giảm giá xuất khẩu trung bình trong những năm qua là sản lượng cá tra trong nước tăng quá nhanh, có lúc cung vượt cầu. Chính vì thế, việc ổn định sản lượng ở mức cung bằng hoặc thấp hơn cầu là rất cần thiết. Ông Trần Nguyên Hiển, PGĐ Cty Docifish (Đồng Tháp) cho rằng trong 3 năm tới, nước ta không cần phải tăng sản lượng cá tra mà chỉ cần tập trung vào nâng cao chất lượng. Nếu làm được như thế, giá cá xuất khẩu chắc chắn sẽ tăng lên.

Ông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, chiến lược phát triển cá tra đến năm 2020 cần phải xem lại, vì quá chú trọng vào việc nâng cao sản lượng để nâng giá trị. Thay vào đó, nên tập trung vào việc nâng cao giá trị giá tăng để nâng giá trị xuất khẩu cá tra. Còn trong thời gian tới, sản lượng cá tra duy trì được như hiện nay là tốt nhất. Tuy nhiên, điều này lại khó thuyết phục địa phương, vì tỉnh nào cũng đang theo quán tính sản lượng năm sau phải cao hơn năm trước. Về điều này, Thứ trưởng Lương Lê Phương cũng cho rằng, sản lượng cá tra nên được giữ ổn định trong thời gian từ 3-5 năm. Bộ NN-PTNT sẽ làm việc với các địa phương để thống nhất sản lượng cá tra ở mức hợp lý nhất.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất