| Hotline: 0983.970.780

Xoá những mảnh vá của rừng

Thứ Sáu 02/01/2015 , 08:15 (GMT+7)

Chỉ sau 3 năm, màu xanh bạt ngàn của rừng cao su đang xoá dần những mảnh vá của rừng Yên Bái.

Sau mấy chục năm phá rừng làm nương rẫy, núi non tỉnh Yên Bái như đang khoác trên mình tấm áo vá rách tả tơi. Phía sau tấm áo rách đó là hàng ngàn hộ dân nghèo khó nổi lênh trên khắp các sườn núi mù sương. Chỉ sau 3 năm, màu xanh bạt ngàn của rừng cao su đang xoá dần những mảnh vá của rừng...

Đâu rồi những kiếp tiều phu?

Cách nay hơn hai chục năm tôi cùng ông Phạm Đức Hảo - Phó trưởng Ban Tuyên giáo huyện Văn Chấn ngược núi lên xã Nghĩa Sơn, mảnh đất ngang trời nằm chót vót trên đầu nguồn dòng Nậm Tộc. Đây là nơi cư trú của đồng bào Khơ Mú, từng đoàn phụ nữ gánh củi xuống chợ Mường Lò bán.

Ông Hảo nhiều năm dạy học ở đây nên thông thạo mảnh đất nơi đây như chuyện về dân tộc họ được truyền miệng từ đời này qua đời khác.

Xưa kia người Khơ Mú Nghĩa Sơn sống ở vùng núi phía Nam Trung Quốc, họ bị người Hán đánh đuổi buộc họ phải dạt xuống vùng núi phía Bắc Việt Nam. Trên đường di cư họ chặt cây cối, lấy lá chuối để lợp nhà, khi lá chuối vàng ủng, họ lại bồng bế, gùi nhau đi tìm vùng đất mới.

Đời nọ nói tiếp đời kia, họ men theo các sườn núi và dấu chân các loài thú rừng tới Nghĩa Sơn. Do tập quán canh tác phá rừng làm nương chọc lỗ tra hạt nên mới có câu “Xá ăn theo lửa, Thái ăn theo nước”. Nghĩa là: Cuộc sống của người Xá gắn liền với nương rẫy, còn cuộc sống người Thái gắn với ruộng đồng.

Sống ở giữa lưng chừng núi dốc dựng, không có đất để làm ruộng người dân chủ yếu làm nương rẫy, họ sống du canh du cư bám theo những mảnh nương trôi nổi khắp các sườn núi, sau khi rừng đã hết họ không còn cách nào khác phải ngược lên những cánh rừng cheo leo trên các sườn núi đá chặt củi mang xuống TX. Nghĩa Lộ bán.

10-25-42_h2
Vườn ươm cao su của Cty

Buổi sáng họ rồng rắn nhau lên núi, buổi chiều từng đoàn phụ nữ gánh củi xuống cánh đồng Mường Lò. TX. Nghĩa Lộ cách nay vài năm tới chỗ nào cũng thấy người Khơ Mú đứng cạnh những bó củi chờ người tới mua. Nay thì hiếm hoi mới thấy một vài người đứng bán củi, bởi người dân thị xã bây giờ không mấy nhà đun củi, họ chủ yếu đun ga, nên nghề kiếm củi của người Khơ Mú Nghĩa Sơn dần bị teo đi.

Chị Lường Thị Hiền ở bản Nậm Tộc hơn hai chục năm đi lấy củi kể: Nhà em có ba sào ruộng thôi, do ở trên cao luôn thiếu nước, nên lúa chẳng tốt lắm, mỗi năm thu được khoảng 4-5 tạ thóc, bởi thế gia đình thiếu đói quanh năm.

Chị Hiền theo mẹ lên rừng lấy củi từ năm 9-10 tuổi, sau khi lấy chồng chị vẫn đi lấy củi. Buổi sáng dậy từ khi trời còn tối đất lên rừng Tộc Nọi, kiếm được gánh củi, về tới nhà đã 12 giờ trưa. Sau khi nấu nướng, ăn cơm xong lại vội gánh xuống chợ Mường Lò. Mỗi gánh củi chỉ bán được 25.000-30.000 đồng, gánh nào to thì bán được 50.000 đồng. Số tiền ấy đủ mua vài cân gạo và mấy con cá khô...

Chị Hiền thở dài: Nhà em bây giờ tạm đủ ăn, em không đi lấy củi gần chục năm nay rồi, chồng em là Vì Văn Minh thì đi làm thuê kiếm tiền mua sắm và cho trẻ con đi học...

Lên Nghĩa Sơn bây giờ không còn nhìn thấy từng đoàn nữ tiều phu gánh củi xuống chợ như cách nay mấy năm trước. Những nữ tiều phu dạo nào bây giờ đang ở đâu?

Đắm đuối với cây cao su

Đã hai lần tôi cùng ông Trương Công Tuyên, Tổng Giám đốc Cty Cao su Yên Bái lên Nghĩa Sơn. Tôi vô cùng bất ngờ, con đường bây giờ không phải là con đường mòn ngập ngụa bùn đất và khấp khểnh bước chân trâu như hơn hai chục năm trước, ô tô chạy thẳng lên tới đầu bản. Điều khiến tôi kinh ngạc vùng đất hoang hoá sau mấy chục năm người dân nơi đây chọc lỗ tra hạt đến nỗi cỏ dại cũng không lên nổi nay đã phủ kín màu xanh của cây cao su.

10-25-42_h3
Công nhân đội Suối Quyền làm cỏ trong bồn cao su

10-25-42_h4
Công nhân đội An Bình tỉa cành tạo tán cho cây cao su

Năm 2010 Cty CP Cao su Yên Bái vận chuyển gần 200.000 cây cao su giống từ miền Nam ra trồng tại hai huyện Văn Chấn và Văn Yên bằng các giống: GT1, RRim 600, Ric 121, Lai Hoa 83/85, với diện tích 330ha. Cây cao su đang thắp lên những hy vọng cho người dân góp đất tham gia trồng cao su. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, chỉ qua một mùa đông toàn bộ diện tích trồng cao su bị xóa sổ.

Ông Trương Công Tuyên, PGĐ Cty Cao su Măng Rang được Tập đoàn Cao su Việt Nam điều thẳng lên Yên Bái tháng 4/2012 đảm nhiệm chức vụ TGĐ Cty Cao su Yên Bái. Việc thay đổi nhân sự nhằm tạo ra bước ngoặt cho Cty Cao su Yên Bái vượt lên chính mình.

Rút kinh nghiệm từ sự thất bại của mùa trồng cao su năm trước, thay việc vận chuyển cây giống từ miền Nam ra, ông Tuyên tổ chức ươm giống tại chỗ để cây thích nghi với điều kiện thời tiết vùng cao Tây Bắc, đẩy vụ trồng lên sớm hơn vào đầu mùa xuân và giữa mùa mưa, khi vào vụ rét thì cây đã phát triển nên có sức chịu đựng.

Năm 2012 trồng 300,8 ha bằng các giống: IAN 873, VNg 77-4, VNg 77-2, năm 2013 đưa diện tích cao su lên 1.475 ha, năm 2014 tổng diện tích Cty cao su Yên Bái đã trồng 2.095 ha. Trải qua mấy mùa đông buốt giá đến nay cây cao su đã vượt lên quá đầu người xanh ngằn ngặt, xoá dần những mảnh áo vá của rừng.

10-25-42_h5
Phát cỏ trên đồi cao su xã Nghĩa Sơn

Tôi có cảm giác lúc nào ông Tuyên cũng nghĩ về cây cao su. Bởi thế, khi nghe tin đồi cao su Nghĩa Sơn bị trâu cọ sừng làm tróc vỏ hơn chục cây ông vội lên ngay. Cứ nhìn gương mặt của ông trước những cây cao su bị thương tôi cảm thấy như ông đang đau đớn lắm. Dường như đối với ông cây cao su là tình yêu lớn nhất, vợ ông phải la lên rằng: Anh chọn tôi hay chọn cây cao su đấy? Ông bảo tôi: Không có tình yêu với cây cao su thì không làm được đâu anh ạ…

Thay đổi những kiếp người

Trở lại Nghĩa Sơn lần này tôi đi tìm câu trả lời: Những nữ tiều phu truyền kiếp ở nơi này đi đâu rồi? Đội trưởng đội cao su Nghĩa Sơn Nguyễn Văn Khoa dẫn tôi lên đồi cao su. Quá bất ngờ trước một vùng đất cách nay ba năm còn hoang hóa những sim mua, bìm bìm và cỏ dại nay đã phủ xanh điệp trùng cao su.

Tổng diện tích cao su đội Nghĩa Sơn trồng từ năm 2012 đến nay là 380 ha ở 7 xã: Nghĩa Sơn, Phúc Sơn, Hạnh Sơn, Thạch Lương, Sơn A, Phù Nham và thị trấn nông trường Nghĩa Lộ. Ngoài 34 công nhân có hơn 200 hộ là đồng bào các dân tộc Khơ Mú, Thái, Mường góp đất cùng Cty trồng cao su.

Người Khơ Mú Nghĩa Sơn góp 110 ha đất trồng cao su, nhiều nhất trong 7 xã. Ở đây có 18 công nhân và hơn 20 hộ nhận khoán, trong số 18 công nhân thì có 2 cặp vợ chồng đều là công nhân của Cty. Nguyễn Văn Khoa dẫn tôi tới nhà Vì Thị Linh ở bản Nậm Tộc, mới hay Lò Văn Quân vừa đến nhà Linh ở rể.

10-25-42_h6
Niềm vui của vợ chồng Vì Thị Linh và Lò Văn Quân đội cao su Nghĩa Sơn

Linh cho hay, hai vợ chồng cô nhận khoán 7 ha cao su, cao su đang trong giai đoạn trồng mới nên công việc chưa nhiều, mỗi tháng chỉ làm 10-15 ngày, lương bình quân mỗi tháng khoảng 3 đến 3,5 triệu đồng, nhưng có tháng được 5 triệu đồng.

Trước đây Linh cũng trong đội ngũ tiều phu, từ ngày vào làm công nhân cao su thì Linh không đi bán củi nữa. Cô lắc đầu: Mỗi gánh củi hôm nào bán được giá thì được 50.000 đồng, nhiều hôm tối nhọ mặt người mới về tới nhà. Nay vào làm công nhân cao su không còn vất vả như trước nữa bác ạ…

Trong số 18 công nhân cao su đội Nghĩa Sơn thì Vì Văn An năm nay mừng nhất. Anh vừa được Cty hỗ trợ 30 triệu đồng để làm một ngôi nhà sàn mới. Nhà cũ của anh là một căn lều lụp sụp nằm trên sườn núi cao bập bùng gió.

10-25-42_h7
Vì Văn An trước ngôi nhà mới dựng được hỗ trợ của Cty cao su Yên Bái

Do làm công nhân cao su nên anh tích lũy được 20 triệu đồng rồi vay anh em 20 triệu đồng cộng với số tiền Cty hỗ trợ anh đã dựng được ngôi nhà mới sàn và vách đều lịa ván. Đó là ngôi nhà mà vợ chồng An bấy lâu mơ ước. Anh bảo tôi: Nếu không vào làm công nhân cao su thì cháu vẫn ở trên núi kia bác ạ… Nói rồi An quay mặt đi nhìn về phía đồi cao su trước mặt, cây cao su đã làm thay đổi cuộc đời anh và nhiều cuộc đời khác trên mảnh đất này...

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất