| Hotline: 0983.970.780

Xóa thuế VAT đối với TĂCN: Cơ hội cứu chăn nuôi nông hộ

Thứ Hai 10/11/2014 , 08:27 (GMT+7)

Quốc hội (QH) vừa thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế, trong đó có Thuế Giá trị gia tăng (VAT). 

Theo đó, nhiều mặt hàng vật tư đầu vào trong nông nghiệp, đặc biệt mặt hàng thức ăn chăn nuôi (TĂCN) đã được Chính phủ kiến nghị QH điều chỉnh hủy bỏ về 0% thay vì mức 5% hiện nay.

Xung quanh đề xuất xóa bỏ thuế VAT đối với mặt hàng TĂCN, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Dương (ảnh) – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi.

17-09-44_dscf1574

Nhiều ý kiến cho rằng, việc bỏ 5% thuế VAT đối với các mặt hàng nguyên liệu và TĂCN sẽ gây thất thu hàng ngàn tỉ đồng cho ngân sách, trong khi người chăn nuôi chưa chắc đã có lợi. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

Bản chất của thuế VAT là đánh cuối cùng vào người tiêu dùng, cụ thể đối với ngành chăn nuôi nói nôm na chính là đánh vào các bà nội trợ hằng ngày mua các sản phẩm chăn nuôi như thịt, trứng, cá...

Tuy nhiên, chúng ta đều biết đặc thù tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi ở Việt Nam hiện nay hầu hết là tiêu thụ qua kênh chợ lẻ, cả người bán và người mua đều chẳng bao giờ quan tâm tới thuế VAT làm gì. Có chăng thuế VAT thu được chỉ từ một số điểm siêu thị, nhưng số lượng sản phẩm chăn nuôi tiêu thụ qua kênh này lại vô cùng bé nhỏ.

Đối với các DN sản xuất trung gian trong chuỗi SX của ngành chăn nuôi như DN TĂCN hay các Cty chăn nuôi, họ sẽ được hoàn thuế VAT sau khi chứng minh cân đối được nguyên liệu đầu vào.

Vừa qua, trên diễn đàn QH có ý kiến cho rằng mỗi năm chúng ta thu thuế VAT từ TĂCN lên tới hàng nghìn tỉ đồng, nhưng tôi nghĩ đó chỉ là con số tổng thu, chứ nếu trừ đi khoản đã hoàn cho các DN chăn nuôi và DN sản xuất TĂCN thì còn lại chẳng đáng là bao.

Tóm lại, trên thực tế nhà nước sẽ không thu được bao nhiêu thuế từ nguồn thuế VAT đối với TĂCN, người tiêu dùng vẫn phải mua sản phẩm chăn nuôi giá cao, mà lại khiến hàng triệu người chăn nuôi nông hộ phải chịu sự cạnh tranh thiếu công bằng với các DN lớn, đồng thời giảm sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi trong nước trong bối cảnh ngành này đang chịu sức ép rất lớn. Vì vậy bỏ thuế này là việc cần phải làm ngay.

Ông nói đánh thuế VAT đối với TĂCN khiến người chăn nuôi nông hộ đang phải cạnh tranh thiếu công bằng với các DN chăn nuôi lớn. Vì sao vậy?

“Khoảng 30 - 40% sản lượng chăn nuôi trong nước hiện nay nằm trong số ít các DN chăn nuôi lớn, trong khi chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ chiếm tới gần 70% sản lượng, với số lượng hàng triệu người chăn nuôi.
Lâu nay, họ phải chịu oan 5% thuế VAT nhưng họ không biết điều đó.
Vì vậy, việc bỏ thuế VAT đối với TĂCN sẽ tạo sự cạnh tranh công bằng giữa chăn nuôi nông hộ với các DN chăn nuôi lớn, đồng thời tăng sức cạnh tranh của chăn nuôi trong nước trong bối cảnh chúng ta đang đàm phán nhiều hiệp định thương mại bất lợi cho ngành nuôi trong nước”. - Ông Nguyễn Xuân Dương.

Các DN chăn nuôi khi mua nguyên liệu hoặc TĂCN thành phẩm đương nhiên cũng sẽ phải chịu thuế VAT 5%. Tuy nhiên, do họ là đơn vị kinh tế, có con dấu, có hóa đơn nên họ có thể xuất được hóa đơn đầu ra, theo đó sẽ được hoàn lại số thuế VAT này.

Trong khi đó, các hộ chăn nuôi cá thể (người chăn nuôi phải đi mua TĂCN hoặc mua nguyên liệu TĂCN về tự trộn) do không phải là DN nên không có hóa đơn, và không được hoàn thuế VAT. Vì vậy họ phải “chịu trận” oan 5% thuế VAT này, nhưng khi bán sản phẩm ra thị trường, họ vẫn phải bán với giá ngang với các Cty chăn nuôi lớn.

Chẳng hạn: Giá thịt lợn trên thị trường hiện tại là 50 nghìn đồng/kg, chi phí TĂCN (đã bao gồm 5% thuế VAT) cho một con lợn đến khi xuất chuồng là 1 triệu đồng, DN chăn nuôi sẽ được hoàn lại 5% thuế VAT nên thực tế chỉ phải chi khoảng hơn 950 nghìn đồng/con, trong khi người chăn nuôi do không được hoàn thuế nên vẫn phải chịu nguyên chi phí TĂCN là 1 triệu đồng/con, và giá bán lợn vẫn chỉ được 50 nghìn đồng/kg như DN chăn nuôi.

Như vậy, mỗi con lợn xuất chuồng, người chăn nuôi nhỏ phải chịu thiệt gần 50 nghìn đồng so với DN chăn nuôi. Nghĩa là nếu áp thuế VAT, DN chăn nuôi giàu sẽ giàu thêm, còn người chăn nuôi nhỏ lẻ vốn đã khốn khó lại càng khốn khó, đặc biệt là khi giá bán sản phẩm chăn nuôi hằng ngày hiện đều do các DN chăn nuôi lớn quyết định.

DN chăn nuôi được hoàn thuế VAT đối với TĂCN, nhưng họ lại phải nộp các loại thuế khác như thuế thu nhập DN... Vậy bỏ thuế VAT có bất lợi cho họ và cản trở chủ trương đưa ngành chăn nuôi lên quy mô lớn không?

Chính phủ chỉ mới đề nghị Quốc hội thảo luận bỏ thuế VAT đối với TĂCN mà thôi, còn các chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng của DN chăn nuôi như là dây chuyền, thiết bị, nhà xưởng... vẫn sẽ được hoàn thuế VAT. Tôi nghĩ điều này vẫn sẽ tạo điều kiện cho các DN chăn nuôi đầu tư phát triển, chứ không có nhiều ảnh hưởng.

Thực tế lâu nay các DN chăn nuôi luôn được “hời” hơn người chăn nuôi nhỏ lẻ 5% giá bán, nhưng người chăn nuôi nông hộ vẫn tồn tại và phát triển được. Bây giờ bỏ thuế VAT, DN chăn nuôi sẽ phải tìm mọi cách để cạnh tranh với chăn nuôi nông hộ.

Ngược lại, chăn nuôi nông hộ sẽ có điều kiện phát triển sòng phẳng để tiến lên chăn nuôi lớn. Xét trên phạm vi quốc gia, giá bán sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam cũng sẽ giảm thêm 5% so với hiện nay nên khả năng cạnh tranh của nền chăn nuôi nước ta sẽ chỉ có lợi.

Vậy việc bỏ 5% thuế VAT liệu có giúp giá TĂCN giảm không?

Như đã nói, thuế VAT không đánh trực tiếp vào các DN sản xuất TĂCN nên việc bỏ hay không bỏ 5% thuế VAT hiện nay sẽ không ảnh hưởng tới giá thành TĂCN trong nước.

Bên cạnh đó, hiện nay hầu hết các mặt hàng nguyên liệu TĂCN nhập khẩu đều đã được bỏ thuế VAT đầu vào, và chỉ còn một số nguyên liệu chịu thuế NK nên điều này sẽ không tác động tới tình hình SX TĂCN trong nước mà chỉ giúp người tiêu dùng hưởng lợi, đồng thời tăng sức cạnh tranh cho chăn nuôi nước ta.

Các nước quanh khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippin, Hàn Quốc, Nhật Bản... từ lâu cũng đã không áp dụng thuế VAT đối với TĂCN nên không có lí do gì chúng ta lại duy trì nó.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
10 năm không được áp thuế GTGT, doanh nghiệp phân bón 'thiệt đơn thiệt kép'

Việc phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT kéo dài từ 2015 khiến doanh nghiệp sản xuất trong nước thiệt hại lớn, giá thành tăng, lợi nhuận giảm, vị thế cạnh tranh yếu.

Nắng nóng kéo dài cộng mùa vụ liên tục, cây lúa đối mặt nhiều bất lợi

Plastimula 1SL là giải pháp hỗ trợ cây lúa vượt qua ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài trong giai đoạn đầu vụ hè thu.

Aquavina đồng hành cùng người nuôi tôm ĐBSCL

Aquavina đặt nền móng cho sự thành công của người nuôi tôm tại ĐBSCL bằng việc cung cấp các sản phẩm thuốc thú y thủy sản chất lượng cao.

Bình luận mới nhất