| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 20/03/2013 , 08:46 (GMT+7)

08:46 - 20/03/2013

Xóa "tiến sĩ giấy"

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tuyên bố thu hồi quyết định đào tạo trình độ tiến sĩ ở 57 chuyên ngành đối với 27 viện, học viện, trường đại học trên phạm vi cả nước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tuyên bố thu hồi quyết định đào tạo trình độ tiến sĩ ở 57 chuyên ngành đối với 27 viện, học viện, trường đại học trên phạm vi cả nước.

Đây là biện pháp xử lý kiên quyết nhất từ trước tới giờ của Bộ GD-ĐT đối với việc đào tạo tiến sĩ vốn bị đánh giá là tràn lan, hình thức và là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bùng nổ “tiến sĩ giấy”, tức là những người chỉ có học vị tiến sĩ mà không có trình độ, đóng góp gì đáng kể cho sự phát triển của nước nhà.

Sau khi công bố quyết định trên, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT phát biểu trên báo rằng, “Bộ GD-ĐT hi vọng đây sẽ là “cú hích” đối với các trường trong chấn chỉnh hoạt động đào tạo. Bộ thay đổi cách thức quản lý cũng chỉ mong muốn nhìn thấy được sự chuyển động tích cực của các trường”.


Ảnh minh họa

Quả thực, việc thu hồi quyết định đào tạo trình độ tiến sĩ trên diện rộng (57 chuyên ngành thuộc 27 cơ sở đào tạo) có thể là một cú sốc lớn đối với nhiều trường, đặc biệt là các trường lớn như Học viện Hải quân, Học viện Quân y, ÐH Mỏ địa chất, ÐH Sư phạm Hà Nội, ÐH Bách khoa Hà Nội, ÐH Thủy lợi… Hình thức xử lý này là cao hơn hẳn so với việc đình chỉ tuyển sinh, vốn được xem là biện pháp “giơ cao đánh khẽ” của các cơ quan quản lý. Giờ đây, nếu muốn được tuyển sinh trở lại, các cơ sở đào tạo này sẽ phải thực hiện quy trình xin cấp phép từ đầu đối với các chuyên ngành vừa bị rút giấy phép. Đây cũng là lời cảnh báo nghiêm khắc của cơ quan quản lý đối với các cơ sở đào tạo tiến sĩ khác, những nơi đang bỏ ngỏ chất lượng đào tạo mà chỉ chăm chăm chạy theo số lượng tuyển sinh vì mục tiêu lợi nhuận.

Vì thế, đây rõ ràng là một việc làm cần thiết và đúng đắn của Bộ GD-ĐT nhằm nâng cao chất lượng đào tạo học vị tiến sĩ tại Việt Nam, đặc biệt là khi số lượng tiến sĩ ở nước ta đang tỷ lệ thuận với số lượng và chất lượng của các công trình nghiên cứu, phát minh hữu ích.

Tính đến cuối năm 2012, Việt Nam có khoảng 24.000 tiến sĩ và 9.000 giáo sư, phó giáo sư nhưng số công trình nghiên cứu khoa học công bố lại nằm vào nhóm thấp nhất các nước Đông Nam á. Khoảng 70% tiến sĩ không làm nghiên cứu khoa học mà chỉ làm các chức vụ hành chính, quản lý và giảng dạy tại các trường đại học, học viện. Cùng với đó, việc đầu tư kinh phí cho nghiên cứu khoa học còn thấp và chưa được sử dụng hiệu quả, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu thiếu và lạc hậu đã dẫn đến hệ quả tất yếu là Việt Nam chỉ đứng thứ 76/141 quốc gia trong bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu năm 2012.

Thêm một số liệu chứng minh sự bất ổn trong việc đào tạo ồ ạt tiến sĩ mà không kiểm soát chất lượng là số người có trình độ tiến sĩ đang giữ cương vị lãnh đạo từ hàm Thứ trưởng trở lên ở Việt Nam cao gấp 5 lần Nhật Bản trong khi chất lượng điều hành các cơ quan nhà nước lại khó có thể sánh được với nước bạn.

Thực tế, tình trạng “chạy đua” bằng cấp đã diễn ra ở Việt Nam nhiều năm bởi đây là một trong những yêu cầu cơ bản nhất để được tuyển dụng vào nhiều cơ quan, tổ chức, đặc biệt là các cơ quan nhà nước vốn nặng về quản lý hành chính. Cũng chính việc coi trọng thành tích ảo này đã khiến nhiều tiêu cực nảy sinh trong công tác đào tạo mà nghiêm trọng nhất là việc “mua” bằng và giả mạo bằng cấp.

Bởi vậy, việc thu hồi quyết định đào tạo tiến sĩ nhằm “siết” chất lượng đào tạo, từng bước xóa bỏ tình trạng “tiến sĩ giấy” đang diễn ra tràn lan là một quyết định rất đúng đắn và đáng hoan nghênh của Bộ GD-ĐT.

Bình luận mới nhất