| Hotline: 0983.970.780

Xoay hướng

Thứ Năm 01/03/2018 , 07:01 (GMT+7)

Hai nhà cách nhau một cái hàng rào. Là hàng xóm, nhưng lại là ruột thịt. Bên kia, bà Lý, chị gái. Bên này, ông Cẩn, là em. Hai nhà đều có đất rộng. Tuy vậy...

Tuy vậy, cái nhà bà Lý lại làm sát hàng rào với ông Cẩn. Nhà này làm cũng đã hơn chục năm. Nó hơi chướng so với phía nhà bên ông Cẩn.

Nhưng đấy là lịch sử, là chuyện từ xa xưa. Với lại, bà Lý làm nhà ở đất nhà bà, có can dự gì đến ông Cẩn? Để khắc phục cái “chướng” vì nhà bà Lý, ông Cẩn làm nhà lùi vào trong, cách xa cái hàng rào. Phía giáp nhà bà Lý là một cái sân rộng. Như vậy thì cũng ổn, ai sinh hoạt nhà nấy, khi có việc sang nhà nhau, tuy gần nhà xa ngõ đấy, nhưng cũng chẳng sao. Năm thì mười họa mới có việc, chứ có phải thường xuyên đâu.

Duy có chuyện vừa mới xảy ra, khiến hai gia đình lời qua tiếng lại. Số là khi cải tạo cái nhà, bà Lý bèn chuyển nhà vệ sinh riêng một chỗ. Có nhà tắm, nhà xí, làm theo thiết kế mới. Nhưng có điều (chắc là bà Lý cũng vô tình thôi) đã để cái nhà xí “ngoảnh lưng” về phía sân nhà ông Cẩn. Có nghĩa là “ngoảnh lưng” về phía cửa chính nhà ông Cẩn.

Khi biết chuyện, ông Cẩn bèn sang nói chuyện với bà Lý, rằng bà nên bố trí cái nhà xí đi chỗ khác. Đất còn rộng mênh mông, thiếu gì chỗ làm nhà vệ sinh? Ai lại để nhà vệ sinh ở ngay trước mặt nhà người khác?

Kể ra nếu chưa làm, có thể bà Lý đã cho nhà xí ra chỗ khác. Nhưng chuyện đã rồi. Phá đi làm lại thì xót của. Rồi vin vào cái lý, đất tôi làm, tôi muốn làm gì chả được? Nghe bà Lý cãi cùn, ông Cẩn bèn “xuống thang”: “Thôi thì bà đặt chỗ nào tùy bà, nhưng chỉ yêu cầu bà quay cái hướng nhà xí, nghĩa là từ chỗ “quay lưng” nay xoay một góc chín mươi độ, để tránh việc “chổng mông” sang nhà hàng xóm”.

Dù đã “xuống thang” như thế, nhưng bà Lý nhất định không nghe. Vậy là từ đó hai nhà giận nhau. Giận đến mức thù nhau, không thèm nhìn mặt nhau, dù là hai chị em ruột.

Câu chuyện đến tai ông trưởng họ. Ông ta bèn sang nhà bà Lý, thuyết phục rằng: “Ở thành phố thì không nói làm gì, nhưng ở nông thôn, đến “Ăn còn phải trông nồi, ngồi còn phải trông hướng” chị đổi lại cái hướng nhà xí thì có mất gì? Đã không mất gì, lại được tình làng nghĩa xóm, được tình anh em họ hàng”.

Nghe vậy, bà Lý thủng thẳng: “Ông làm việc họ, thì cái việc gì liên quan đến họ, hãy can thiệp vào. Việc họ can dự gì đến cái nhà xí của tôi?”. Nghe tức mình, nhưng ông trưởng họ đuối lý. Dù vậy, trước khi ra về, ông còn đe một câu: “Thì mặc xác nhà chị. Ấy có cãi nhau, đừng có gọi chúng tôi đến can thiệp. Nhá!”.

Vậy là câu chuyện “nhà xí” đi vào “ngõ cụt”, nếu không có chuyện cái toa-let của bà Lý bỗng nhiên bị sự cố. Mọi cái, tắc thì thông. Nhưng đằng này, không biết trẻ con đánh rơi hay nghịch ngợm thế nào, mà thông mãi chả được. Cực chẳng đã, bà Lý đành mời thợ đến xử lý.

Ông thợ này vốn từng là thợ sửa nhà, sửa khu phụ cho bà Lý, nên thông thuộc lắm. Chả hiểu nghe ai, mà ông lại biết cả cái vụ hai nhà từ mặt nhau, vì cái hướng ngồi của nhà xí. Ông bèn tư vấn cho bà Lý thế này: “Chỉ còn cách dỡ cái bệ cũ đi, xây bệ mới. Công sửa có khi còn tốn kém hơn công xây mới”.

Bà Lý nghe bùi tai, bèn bảo: “Thôi thì tùy bác, miễn sao cho thông, cho ổn là được. Vậy hết bao nhiêu?”. Ông thợ phát ra cái giá “siêu rẻ” khiến bà Lý vốn keo kiệt, cũng không cằn nhằn lấy nửa lời. Sau khi công việc hoàn tất, ông thợ bèn chốt cái cửa nhà xí lại, phán rằng: “Phải ba hôm nữa mới sử dụng được. Gia đình bà tạm thời tìm chỗ “giải quyết” nhé”.

Đến ngày thứ ba, bỗng bà Lý thấy ông Cẩn lò dò sang, bộ mặt tươi tỉnh. Bà Lý còn chưa hiểu chuyện gì, thì ông Cẩn đã lên tiếng trước: “Em phải sang để cảm ơn bác! Thôi mọi chuyện coi như xí xóa. Bác đừng để bụng”. Bà Lý ngạc nhiên: “Cảm ơn cái gì? Tôi làm gì mà phải cảm ơn?”. “Chả là thế này, bác đã xoay lại cái hướng ngồi của nhà xí. Ấy cũng vì cái hướng ngồi, mà hai gia đình bất hòa. Nay… mọi chuyện đã qua. Dù sao em cũng phải cảm ơn bác!”.

Bà Lý giật nảy mình, vội vàng mở chốt cái nhà xí mới sửa. Thì ra ông thợ đã đổi lại cái hướng ngồi. Nghĩa là xoay đi chín mươi độ…

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm