| Hotline: 0983.970.780

“Xóm Đài Loan” ở Đông Tân

Thứ Ba 14/12/2010 , 09:54 (GMT+7)

Sở dĩ như vậy vì trên 80% số hộ trong xóm có người đang làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là ở Đài Loan.

Chị Nguyễn Thị Anh vừa trở về sau 8 năm làm việc
Sở dĩ người dân gọi xóm 5 thôn Thượng Liệt (hay còn gọi là làng Giắng) bằng cái tên ấy, vì trên 80% số hộ trong xóm có người đang làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là ở Đài Loan.

Thượng Liệt thuộc xã Đông Tân (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). Nếu như năm 1999, mới chỉ có 5 người thì hiện tại, Đông Tân có trên 400 người đang lao động có thời hạn ở gần một chục nước trên thế giới. Có những người về rồi lại đi, đến lần thứ ba thứ tư. Có nhà ba, bốn người cùng đi. Vợ Bí thư chi bộ, vợ trưởng thôn, vợ phó công an xã hiện cũng đang làm việc ở nước ngoài. Ông Ngô Văn Vang, chủ tịch UBND xã, cho biết:

- Từ năm 2000 đến năm 2003, tổng thu nhập bình quân của toàn xã đạt khoảng 12 tỷ một năm, chủ yếu là từ lúa, chưa trừ chi phí. Nếu trừ đi, thì chỉ còn chừng 7 đến 8 tỷ, trong khi đó người lao động ở nước ngoài đã gửi về mỗi năm 2,4 tỷ. Hiện tại, số tiền của người đang lao động ở nước ngoài gửi về hàng năm lên tới 12 đến 14 tỷ. Nhưng đó chỉ là con số mà xã nắm được qua các kênh thông tin chính thức, chắc chắn số thực tế còn lớn hơn nhiều, vì người lao động còn gửi tiền về thông qua nhiều con đường khác.

Xóm 5 bây giờ không khác gì phố, mà còn hơn cả phố, vì không phải chịu cảnh nhà nọ nằm khít cạnh nhà kia, bức bối tù túng. Do đất vườn khá rộng, lại có tiền do thân nhân gửi về, người ở nhà xây thành biệt thự, có vườn cây, ao cá, không khí thoáng đãng, ở thích hơn nhiều so với ở phố.

Anh Bùi Văn Nam ở trong một biệt thự giữa 2 sào vườn. Anh cho biết, nhà làm năm 2007, hết hơn 200 triệu. Làm nhà xong thì chị Nguyễn Thị Sử, vợ anh, sang Ma Cao giúp việc cho một gia đình bên ấy với mức lương quy ra VND là 6 triệu/tháng, ăn ở chủ bao toàn bộ. Mỗi năm được về chơi 10 ngày vẫn được tính lương. Khi đi, phải nộp 14 triệu. Số lương chị gửi về từ đó đến nay đã hoàn toàn đủ trang trải cho ngôi nhà và còn có dư được một ít nữa.

Chị Nguyễn Thị Anh vừa từ Đài Loan về được mấy hôm, kể rằng chị sang đấy từ năm 2003, cũng giúp việc gia đình, lương được 8 triệu VND/tháng. Muốn gia hạn hợp đồng nữa cũng vẫn được, nhưng chị bảo lần này về là về hẳn, có chút vốn liếng, sẽ tìm cách phát triển sản xuất ở quê…

Làm việc với lãnh đạo xã Đông Tân, chúng tôi thấy nổi lên một điều rất khác so với cách làm của nhiều địa phương khác, đó là tinh thần trách nhiệm rất cao của lãnh đạo xã đối với người dân của mình trong việc xuất khẩu lao động. Mỗi năm, có rất nhiều đơn vị về Đông Tân tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng xã dứt khoát chỉ chọn một đơn vị để hợp tác, và đơn vị đó dứt khoát phải có giấy giới thiệu của Sở LĐ-TBXH, nghĩa là Sở đã có sự thẩm định. Có giấy rồi, xã vẫn cử người lên tận đơn vị đó để tìm hiểu năng lực thực tế của họ. Ông Ngô Văn Vang bảo:

- Người của doanh nghiệp tuyển lao động về làm việc với xã, dứt khoát phải là giám đốc hoặc phó giám đốc, tức là những người đủ tư cách đại diện cho pháp nhân là đơn vị tuyển người, họ có đủ thẩm quyền quyết định được những vấn đề nảy sinh trong quá trình tuyển, và họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tuyển người của họ. Làm như vậy để nếu có chuyện gì xảy ra, chúng tôi còn có chỗ mà đòi hỏi, bảo vệ người dân của mình... Với xã, thì chúng tôi giao cho các đoàn thể đứng ra hợp tác với đơn vị được chọn. Như tuyển phụ nữ đi Đài Loan, Hàn Quốc…giúp việc gia đình, thì Hội Phụ nữ lo. Đi Malaysia chẳng hạn, tuyển nam giới, thì Hội Nông dân sẽ lo. Như vậy các đoàn thể không dẫm chân lên nhau. Sau đó, sẽ có một hội nghị gồm người lao động, đoàn thể, UBND xã, đơn vị tuyển lao động, nhằm phân định rõ trách nhiệm của các bên. Khi lao động đã đi làm việc rồi, xã vẫn liên hệ chặt chẽ với đơn vị tuyển để giải quyết những vướng mắc nảy sinh…

Có lẽ chính tinh thần trách nhiệm rất cao đó đối với công dân của mình, đã khiến Đông Tân trở thành một trong những xã có số lượng người đi lao động ở nước ngoài nhiều nhất, và không ai bị rơi vào hoàn cảnh “mất tiền chỉ để được biết nước ngoài vài tháng” do những doanh nghiệp rởm đưa qua.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất