| Hotline: 0983.970.780

Xót xa xen lẫn tiếc nuối khi tự mình phải phá bỏ ngôi nhà cổ gần 200 tuổi

Thứ Tư 17/01/2018 , 10:05 (GMT+7)

Câu chuyện bà Kiều Thị Thảo ở thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm, TX Sơn Tây (Hà Nội) thuê cả tốp thợ phá bỏ ngôi nhà cổ gần 200 tuổi đã lan truyền khắp vùng. Bà phá bỏ ngôi nhà do chính quyền lộ liễu kiểu trùng tu gian dối và bất lực trong việc giải quyết tranh chấp.

17-31-47_nh-1-phi-truoc-ngoi-nh-co-b-tho-bi-ph
Phía trước ngôi nhà cổ bị bà Thảo phá


Nhất bên trọng, nhất bên khinh!

Ngôi nhà bà Thảo có nguồn gốc của lý trưởng Đường Lâm trước kia nên có kiến trúc nghệ thuật tuyệt đẹp nhất làng. Bà Thảo mua lại một phần ngôi nhà cổ này từ năm 1992, một nửa thuộc sở hữu của gia đình bà Nguyễn Thị Gan. Ngôi nhà có chung sở hữu là bà Thảo và bà Gan nằm trong 99 ngôi nhà cổ loại 1 và loại 2 có niên đại từ 100 - 200 năm ở làng cổ Đường Lâm được ưu tiên đầu tư, tu bổ vì có giá trị đặc biệt.

Có mặt tại ngôi nhà, chúng tôi không khỏi xót xa khi một nửa ngôi nhà cổ đã bị phá dỡ tan hoang. Bà Thảo thuê hẳn một tốp thợ về tháo dỡ toàn bộ mái ngói phía trước và một phần phía sau, để lộ ra cả một không gian trống rỗng. Phần còn lại gồm khung gỗ, tường, cửa ra vào, bà cũng dự định dỡ bỏ tiếp.

Các "cụ" cột gỗ gần 200 tuổi đời không thể chống chọi với mối mọt và mưa gió nên cứ vỡ vụn theo thời gian. Trong khi đó, nửa còn lại ngôi nhà thuộc sở hữu của gia đình bà Gan vẫn cổ kính với mái ngói nâu, cửa gỗ vững chắc. Để phân chia ranh giới, một bức tường bằng tôn được dựng lên ở gian giữa.

Tâm sự với chúng tôi, bà Thảo vừa bức xúc vừa tiếc nuối khi buộc phải phá dỡ ngôi nhà cổ. Theo bà Thảo, ngôi nhà nằm trong quần thể các giá trị cổ kính của di tích quốc gia Làng cổ Đường Lâm. Bởi vậy, nhà nước đã bỏ ra gần 1 tỉ đồng trùng tu.

Là chủ nhà nhưng bà không hề biết việc nghiệm thu và quyết toán gần 1 tỷ đồng được “rót” vào ngôi nhà? Bà càng bức xúc hơn khi mới qua 5 năm trùng tu, ngôi nhà đã xuống cấp không thể cứu vãn nổi. “Cùng chung một ngôi nhà nhưng nửa nhà tôi thì họ dùng vật liệu kém chất lượng, giờ đã hỏng hết còn vật liệu tốt, họ dồn hết sang nhà bên cạnh”, bà Thảo chia sẻ.

17-31-47_nh-2-cung-1-mi-ngoi-nhung-lo-ro-kieu-trung-tu-gin-doi
Cùng 1 mái ngói nhưng lộ rõ kiểu trùng tu gian dối
Để kiểm chứng những lời “gan ruột” của bà Thảo, chúng tôi trèo lên mái nhà thì đúng là lộ rõ kiểu trùng tu gian dối. Mái ngói một nửa ngôi nhà bà Thảo đã đen kịt, vỡ vụn còn 1 nửa thuộc sở hữu của gia đình bà Gan vẫn đỏ tươi, tươm tất như vừa lợp mới.

Khi được hỏi vì sao lại “ra tay” triệt hạ di sản được bảo vệ, bà Thảo ngập ngừng, bà biết làm vậy là sai, là vi phạm cả Luật Di sản và đạo đức xã hội nhưng bà không còn cách nào khác. Nếu cứ để ngôi nhà thì con cháu bà không ai dám vào sinh sống bởi mối mọt, mưa dột cứ thông thống lọt vào nhà.
 

Tranh chấp chưa có hồi kết?

Ngoài lý do “gian dối và bất công trong trùng tu di tích”, theo bà Thảo, còn có tranh chấp giữa gia đình bà Thảo với hai hộ dân khác. Cụ thể, bên cạnh tranh chấp ranh giới “gian giữa” của ngôi nhà với gia đình bà Gan, phần đất trước ngôi nhà còn tranh chấp với ông Kiều Văn Lý.

Hơn 10 năm trước, bà Thảo đã nộp hồ sơ xin cấp sổ đỏ lên UBND xã Đường Lâm. Tuy nhiên, cán bộ xã đã làm thất lạc hồ sơ gốc của bà nên việc giải quyết sổ đỏ cho gia đình bà cứ “nhùng nhằng” từ đó đến nay.

Nghi ngờ cán bộ xã Đường Lâm “ém” hồ sơ, bà Thảo đã đội đơn đi khắp nơi kêu cứu nhưng mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ. Bất lực, bà đành thuê cả luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích của mình nhưng chỉ nhận được những lời hứa suông.

17-31-47_nh-3-b-tho-d-co-bn-ph-bo-ngoi-nh-l-di-sn-gn-200-tuoi
Bà Thảo đã cơ bản phá bỏ ngôi nhà

Tại thông báo kết luận hội nghị ngày 20/10/2017 của UBND TX Sơn Tây “về việc thống nhất phương án giải quyết đơn của bà Kiều Thị Thảo liên quan đến nhà, đất...” đã nêu rõ, địa phương đã quan tâm vấn đề này và năm 2016, đã hỗ trợ kinh phí đo đạc bản đồ khu đất có đơn tranh chấp kể trên.

Để giải quyết dứt điểm, UBND TX giao cho UBND xã Đường Lâm “tiếp tục làm việc với các gia đình, thống nhất mốc giới xong trước ngày 15/11/2017” và hướng dẫn công dân lập hồ sơ thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu cho hộ gia đình bà Thảo, bà Gan, ông Lý các diện tích đất không tranh chấp.

Tuy nhiên, năm 2017 đã qua, năm 2018 cũng gần hết tháng 1 nhưng sự việc vẫn không có gì tiến triển. Đấy là lý do vì sao bà Thảo đã lên cơn thịnh nộ và “cả gan” phá dỡ ngôi nhà cổ là di sản được bảo vệ rất nghiêm ngặt.

Có thể do tiên lượng việc làm của bà Thảo, trước đó, ngày 9/1/2017, ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng BQL Di tích làng cổ Đường Lâm đã ký văn bản khẩn thiết gửi UBND TX Sơn Tây kêu gọi vào cuộc sớm để tránh việc bà Thảo sẽ phá dỡ nửa “ngôi nhà cổ có giá trị về kiến trúc nghệ thuật với niên đại gần 200 năm và đã được nhà nước trùng tu năm 2011”.

Tuy vậy, cố gắng của ông Trưởng BQL cũng không thể cưỡng lại được bao dồn nén của bà Thảo nhiều năm qua. Để rồi căn nhà cổ gần 200 tuổi đã bị chính chủ nhân của nó phá dỡ như 1 sự phản kháng kiểu trùng tu gian dối và bất lực trong giải quyết tranh chấp của chính quyền TX Sơn Tây.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.