| Hotline: 0983.970.780

Xử ép người bị hại

Thứ Hai 31/03/2014 , 10:07 (GMT+7)

Sau khi tòa tuyên án, cả đại diện Viện Kiểm sát nhân dân lẫn đại diện UBND huyện đều khẳng định: Tòa xử trái pháp luật, gây thiệt hại cho nguyên đơn,...

Một vụ xử án hi hữu vừa được tổ chức ở huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh). Sau khi tòa tuyên án, cả đại diện Viện Kiểm sát nhân dân lẫn đại diện UBND huyện đều khẳng định: Tòa xử trái pháp luật, không khách quan, gây thiệt hại cho nguyên đơn, tiền hậu bất nhất...

Người mất đất bị xử ép

Như NNVN đã thông tin trong bài viết "Lo mất đất vì tòa hành xử khó hiểu" (đăng ngày 5/1/2014), phản ánh việc ông Trần Ngọc Vinh (trú tại thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) kiện ông Nguyễn Văn Sỹ về việc ngang nhiên lấn chiếm đất đai. Thêm vào đó, cách hành xử khó hiểu của TAND huyện Hương Khê khi tổ chức đo đạc phục vụ quá trình xét xử có nhiều động thái ủng hộ phía bị đơn, khiến ông Vinh phải gửi đơn cầu cứu.

Ngày 21/3, TAND huyện Hương Khê đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự này. Kết quả phiên tòa đúng như nguyên đơn đã lo ngại. TAND huyện Hương Khê đã bác đơn kiện của ông Trần Ngọc Vinh.

Theo các văn bản pháp lý và hồ sơ đất đai ở huyện Hương Khê, năm 1992, ông Vinh mua của ông Sỹ một thửa đất rộng 270m2 tại khối 12, thị trấn Hương Khê. Ngày 12/11/1994, UBND huyện Hương Khê có Quyết định cấp GCNQSDĐ. Tháng 4/2004, ông Vinh cho con trai là Trần Tiến Dũng thửa đất trên, đã làm hồ sơ thủ tục. Năm 2012, ông Sỹ trở chứng rào một phần đất của ông Vinh lại, khiến gia đình ông không xây dựng được.

Ông Vinh phải làm đơn kiện. Nội dung đơn phản ánh, ông Sỹ cố tình làm sai so với thực địa thửa đất để lấn chiếm đất của mình khoảng 2m chiều ngang, 25m chiều dài. Sự việc càng trở nên rắc rối khi chuẩn bị xét xử, TAND huyện Hương Khê có nhiều động thái ủng hộ phía bị hại là ông Sỹ. Không tin tưởng tòa, ông Vinh đành phải làm đơn cầu cứu gửi Báo NNVN và các cơ quan liên quan nhờ giúp đỡ.

Quá trình chuẩn bị xét xử, TAND huyện Hương Khê gần như bỏ qua vai trò của cơ quan quan trọng nhất về đất đai là Phòng Tài nguyên- Môi trường (TN-MT) huyện Hương Khê. Tất cả các quy trình đo đạc đều được Phòng TN-MT và UBND huyện Hương Khê thực hiện nghiêm túc, rõ ràng. Nhưng không hiểu vì lý do gì TAND huyện Hương Khê lại một mực đo đạc theo yêu cầu của bị đơn.

“Tại sao TAND huyện Hương Khê không căn cứ vào hai văn bản quan trọng nhất là bản đồ đo đạc năm 1993 và bản đồ đo đạc năm 2003 để làm việc mà lại khăng khăng đòi đo theo ý kiến của bên bị đơn là ông Sỹ? Tòa trừ một diện tích đất (cắt 2 góc đất ra ngoài không tính) của ông Sỹ ra để làm gì? Quy trình cấp sổ đỏ cho các gia đình là đúng. Việc tranh chấp là do ông Sỹ chiếm đất của gia đình ông Vinh”, ông Phan Quốc Lập, Trưởng phòng TN-MT huyện Hương Khê phân tích.

Quá thất vọng với cách làm việc không giống ai của TAND huyện Hương Khê nên mặc dù đại diện cho Phòng TN-MT huyện tham gia buổi đo đạc nhưng ông Lập nhất quyết không ký vào biên bản. Trước khi tổ chức xét xử, trao đổi với NNVN, bà Trịnh Thị Thiện, Chánh án TAND huyện Hương Khê phàn nàn: "Những lời ông Lập nói là ...thiếu tình cảm. Giả sử tòa có sai thì nói một câu là được".

Còn rất nhiều chuyện tréo ngoe mà TAND huyện Hương Khê thực hiện trong quá trình chuẩn bị xét xử vụ án. Ví như họ có văn bản đề nghị Phòng TN-MT giao đất thực địa cho gia đình ông Vinh. Giao đất thực địa là thẩm quyền của UBND thị trấn Hương Khê, nếu Phòng TN-MT mà giao đất thực địa rồi thì cần gì đến tòa xử nữa?

Trong văn bản xác định ranh giới thửa đất của ông Vinh, ông Sỹ từng ký rõ rành rành là diện tích 270m2. Nhưng tất cả những văn bản này TAND huyện Hương Khê đều phớt lờ bỏ qua ý kiến tham mưu của Phòng TN-MT, tổ chức xét xử theo chiều hướng "xử ép người bị hại”.

Tòa xử trái pháp luật?

Sau khi có bản án, cả đại diện chính quyền huyện Hương Khê là Phòng TN-MT và đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hương Khê đều cho rằng TAND huyện Hương Khê xử án không khách quan.

Ngày 27/3, ông Cao Xuân Bắc, kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hương Khê cho biết: "Từ khi bắt đầu thụ lý đến đem ra xét xử Viện Kiểm sát nghiên cứu rất kỹ lưỡng hồ sơ. Quá trình xét xử, Viện thấy rằng Tòa án không khách quan, không đúng theo quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho quyền lợi của nguyên đơn".

Ông Bắc phân tích: Thứ nhất, kết quả thẩm định ngày 5/1/2013 của TAND huyện Hương Khê không đảm bảo tính pháp lý. Ngày 22/10/2004, UBND huyện Hương Khê cấp bìa đỏ cho ông Sỹ với diện tích 908 m2, nhưng hiện nay ông Sỹ sử dụng thừa ra so với quyết định cấp đất là 90,4 m2.

Thứ hai, việc TAND huyện Hương Khê bác đơn khởi kiện của ông Trần Ngọc Vinh là trái với pháp luật. Thứ ba, TAND hủy GCNQSDĐ của ông Trần Bính không có căn cứ pháp lý, giữa ông Bính và ông Vinh không có tranh chấp, ông Vinh chỉ làm đơn kiện chủ đất cũ là ông Nguyễn Văn Sỹ thôi.

Ngoài ra ông Bắc cũng cho biết thêm: Trong hồ sơ vụ án 2 lần thẩm định khác nhau. Lần thứ nhất qua nghiên cứu hồ sơ vụ án đúng theo pháp luật. Lần thẩm định thứ hai không khách quan vì trừ ra 131,6 m2, trên thực tế nó nằm trong khuôn viên đất của ông Sỹ được UBND huyện cấp GCNQSDĐ. Cách xét hỏi nghiêng về ông Sỹ và ông Bính, không đảm bảo chính xác gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn. Tuyên án không rõ ràng, hủy GCNQSDĐ của ông Bính nhưng không có các chế tài kèm theo.

Chung quan điểm với ông Bắc, ông Phan Quốc Lập bức xúc: "GCNQSDĐ của ông Trần Bính là đúng. Việc ông Sỹ giao đất không đủ cho ông Vinh là có thực tế, ông Vinh kiện là có căn cứ. Vấn đề mà Tòa án hủy GCNQSDĐ của ông Bính là sai, vì ông Bính là một hộ gia đình có nguồn gốc đất ở từ trước 15/10/1993, đã qua hai lần đo đạc trên bản đồ chính quy và được cấp đổi hai lần 1993, 2003, số diện tích đất của ông Bính có giảm đi sau mỗi lần đo đạc vì lí do làm đường.

Vấn đề tranh chấp, khiếu nại phải căn cứ vào hồ sơ, nếu không căn cứ theo hồ sơ thì sẽ không có cơ sở. Khi giải quyết vấn đề cần phải xem xét tính đúng đắn của nó, huyện xét thấy tòa tuyên như vậy là không đúng".

Dư luận cho rằng, vì bà Trịnh Thị Thiện, chánh án TAND huyện Hương Khê có mối quan hệ mật thiết với luật sư phía bị đơn là ông Nguyễn Văn Sỹ nên mới cố tình đạo diễn để “lái” phiên tòa theo hướng lạ đời như vậy?

Ông Ngô Xuân Ninh, PCT UBND huyện Hương Khê thẳng thắn thừa nhận sự việc như thế là nhiều bất cập, cần phải xem xét.

 “Quản lý Nhà nước trên cơ sở hồ sơ. Hồ sơ là căn cứ để cơ quan pháp luật đưa ra xem xét và xử lý. Thực trạng nguồn gốc sử dụng nếu phù hợp với quy hoạch, đủ hay thiếu thì phải tôn trọng chứ không thể theo một chiều. Nếu cơ quan xét xử không tuân thủ hồ sơ thì quá trình xét xử sẽ gặp khó khăn. Trường hợp tòa vẫn tuyên án mà không căn cứ vào các hồ sơ pháp lý, lại đi căn cứ vào biên bản đo đạc theo yêu cầu của bị đơn thì thi hành án thế nào được”, ông Ninh nói.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất