| Hotline: 0983.970.780

Xứ kim chi trọng dụng lao động Việt

Thứ Năm 30/08/2012 , 09:48 (GMT+7)

Qua 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao VN - Hàn Quốc (1992-2012), đã có 63.000 lao động VN sang làm việc tại xứ sở kim chi.

Ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước

Trao đổi với NNVN, ông Phan Văn Minh, GĐ Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS) được thực hiện từ năm 2004, đến nay có khoảng 63.000 lao động VN sang làm việc tại Hàn Quốc.

Người lao động theo chương trình này chủ yếu là lao động phổ thông, làm việc trong ngành SX chế tạo (79%), nông nghiệp (10%), xây dựng (8,8%), ngư nghiệp và dịch vụ (2,2%). Hiện 13.960 hồ sơ của đợt lao động thi tiếng Hàn năm 2011 đã được gửi sang để chờ chủ sử dụng lựa chọn...

Qua 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao VN - Hàn Quốc (1992-2012), đã có 63.000 lao động VN sang làm việc tại xứ sở kim chi. Đây được coi là thị trường tiềm năng nhất trong các thị trường tiếp nhận lao động VN. Tuy nhiên, tình trạng lao động làm việc bất hợp pháp ở nước bạn ngày càng gia tăng.

Khát lao động VN

Việc XKLĐ sang Hàn Quốc của trung tâm có suôn sẻ không, thưa ông?

Năm 2011 là năm thành công của chúng tôi khi đưa được nhiều lao động nhất sang Hàn Quốc từ trước đến nay theo chương trình EPS với xấp xỉ 13.000 người (chiếm 27% tổng số lao động đến làm việc tại Hàn Quốc). Riêng 6 tháng đầu năm 2012 đã có hơn 6.348 lao động đi theo chương trình này.

Tuy nhiên số liệu 6 tháng đầu năm mà tôi cung cấp cho bạn là con số “đẹp”. Những tháng cuối năm sẽ có sự thay đổi bởi nước bạn thông báo cho chúng tôi tỷ lệ lao động VN đang làm việc bất hợp pháp chiếm khá cao, đồng nghĩa với việc nhiều người sẽ buộc phải về nước. Phía Hàn cũng đề nghị VN có biện pháp quyết liệt để hạn chế được tỷ lệ bỏ trốn này. Ngoài ra, họ sẽ kiểm soát chặt chẽ hợp đồng của lao động hết hạn và coi đó là tiêu chí để cấp hạn ngạch trong năm tới.

Theo ông đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động VN ở lại bất hợp pháp sau khi kết thúc hợp đồng. Thứ nhất, người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc với thu nhập ổn định, trung bình từ 25-30 triệu đồng mỗi tháng. Số tiền này về VN không dễ gì kiếm được. Thứ hai, tuy cũng có thể quay lại nhưng họ vẫn do dự vì không phải 100% đều được trở lại làm việc. Thứ ba, khi trở về, cơ hội tìm được việc làm trong nước với thu nhập ổn định không hề đơn giản.

Cũng có một bộ phận lao động phải trả phí rất cao cho bọn cò mồi. Bây giờ muốn ở lại để trả chi phí đó và cũng có chút tiền để dành đến lúc không còn đủ sức lao động nữa. Đây cũng được coi là lý do cơ bản khiến cho người lao động bỏ trốn, không về nước đúng thời hạn.

Trước tình trạng lao động VN bỏ trốn nhiều, Hàn Quốc nhiều lần thông báo sẽ cắt giảm hạn ngạch LĐXK, nhưng thực tế, tỷ lệ lao động VN sang đó vẫn khá ổn định. Phải chăng họ đang rất “khát” lao động VN nên không thể dừng?

Bạn nói đúng. Hàn Quốc đang có nhu cầu lớn về nhân lực. Nhưng họ lại quan tâm nhiều đến lao động làm việc đúng thời hạn và không chấp nhận lao động làm việc bất hợp pháp. Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với địa phương có người đi XK đang bỏ trốn, đề nghị gia đình động viên con em họ về nước đúng hạn.

Thậm chí chúng tôi còn hiến kế cho Hàn Quốc nhiều biện pháp mạnh hơn như yêu cầu người lao động nộp tiền đặt cọc trước khi xuất cảnh khỏi nước này; giữ lại khoảng 25% tiền lương hàng tháng để gửi trả họ sau khi hết hợp đồng lao động... Về mặt chủ trương thì Hàn Quốc tán thành nhưng lại không chấp nhận thực hiện, bởi họ cho rằng, nó liên quan đến quyền lợi của người lao động.

Mới đây, Hàn Quốc đã đồng ý chủ trương trả số tiền lương còn lại cho người lao động nào về nước đúng hạn. Lao động sẽ được trả tiền ngay tại sân bay trước lúc xuất cảnh.

Nhiều lần Hàn Quốc thông báo tạm dừng tiếp nhận lao động VN, đó có phải là biện pháp răn dạy người làm công?

Theo tôi chẳng ai mong muốn đưa ra quyết định đó cả nhưng nó lại là biện pháp cần thiết phải đưa ra nhằm ngăn chặn tỷ lệ lao động bỏ trốn đang có xu hướng gia tăng. Nhiều chủ sử dụng lao động Hàn Quốc nhận xét rằng, lao động VN rất chăm chỉ, thông minh và nhanh tiếp thu trong công việc...

Phải tự soi mình

Có nhiều giải pháp hạn chế nhưng tỷ lệ lao động bỏ trốn vẫn cao. Tại sao chúng ta không nghĩ đến “lỗi” cũng bắt nguồn từ chính chủ sử dụng lao động Hàn Quốc?

Chúng tôi cũng nghĩ đến tình huống này rồi, thậm chí còn cử người quản lý VN bên đó tìm hiểu. Phía Hàn có kể về trường hợp người lao động VN đánh bạc bị cảnh sát truy đuổi đã trèo lên mái nhà và tử vong sau khi nhảy xuống đất. Thế rồi báo chí nhiều nước đăng tải đã ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của Chính phủ nước bạn.

 Phía họ cũng nói thẳng: Truy quét lao động bỏ trốn là cần thiết nhưng họ không muốn áp dụng. Vì vậy, theo tôi, lúc này chúng ta cần thiết phải tự soi lại mình trước khi nước bạn có nhiều quyết định “xấu”.

Nhìn thấy khó khăn như vậy, liệu Trung tâm Lao động ngoài nước- đơn vị duy nhất được phép tiếp nhận lao động đi theo chương trình EPS có vượt qua không?

Không hề đơn giản, nếu không nói đến hai chữ: Cực khó. Nguyên nhân bởi danh sách lao động đủ điều kiện làm việc tiếp sau 3 năm hết hợp đồng đều bị mã hoá nên chúng tôi không thể nào tìm được lao động đó từng ở đâu, địa chỉ như thế nào... Đây là khó khăn lớn nhất hiện nay mà VN đang gặp phải trong quá trình quản lý lao động.

Để khắc phục tình trạng trên, trong mẫu hồ sơ mới nhất, Hàn Quốc đã cho phép có dòng ghi chú “người lao động ghi lại địa chỉ nhà riêng” để có thể trực tiếp liên hệ với gia đình người lao động nếu sau này có chuyện bất trắc xảy ra.

Thời gian tới chúng ta có hướng đi nào để tháo gỡ tình trạng trên?

Chúng tôi sẽ phối hợp Cục QLLĐNN tổ chức nhiều hội thảo có mời các cơ quan thông tấn báo chí của Hàn Quốc đang làm việc tại VN để tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách ưu đãi mà hai nước đang triển khai. Đặc biệt là chính sách ưu đãi, ưu tiên người lao động về đúng thời hạn được quyền trở lại Hàn Quốc làm việc.

Ngăn chặn lao động xuất khẩu không về nước

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu 12 địa phương từ Nghệ An trở ra phía Bắc cần thống nhất biện pháp quản lý đối với những lao động ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp.

Đặc biệt 3 địa phương là Hà Nội, Nghệ An và Hải Dương có nhiều người lao động không trở về nước nhiều nhất cả nước (mỗi địa phương đều trên 300 người). Bộ LĐ-TB&XH cần nghiên cứu, xem xét việc giữ lại một phần tiền gửi về nước của người lao động.

Gần đây nhất, Hàn Quốc cũng dành cho VN chế độ ưu đãi đặc biệt đối với những lao động “trung thành”, trong suốt 4-5 năm không đổi chủ sử dụng lao động thì trong thời gian 3 tháng (kể từ ngày về nước), lao động đó có quyền trở lại làm việc ngay mà không phải kiểm tra tiếng Hàn. Đến thời điểm này có 136 lao động nằm trong diện đặc biệt này.

Nâng cao trình độ tay nghề

Ông dự báo thế nào đối với thị trường XKLĐ sang Hàn Quốc những tháng cuối năm này?

Đó là số lượng người đưa sang XKLĐ sẽ giảm đi nhiều, tập trung vào nhiều đối tượng đã hoàn thành hợp đồng và về nước đúng thời hạn. Đối tượng này sẽ được ưu tiên hàng đầu và cũng nhằm khuyến khích lao động nên về nước đúng thời hạn. Trung tâm cũng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để những lao động này hoàn thành sớm nhất hồ sơ để tiếp tục được sang làm việc tại Hàn Quốc.


Những lao động VN “trung thành” đang làm thủ tục tái xuất cảnh sang Hàn Quốc

Nhiều ưu đãi cũng kèm nhiều biện pháp xử lý nghiêm hơn. Đó là Chính phủ Hàn Quốc cũng chính thức áp dụng xử phạt đối với chủ sử dụng lao động bất hợp pháp (tối đa 20.000 USD/lần vi phạm), bị cấm vĩnh viễn không sử dụng lao động nước ngoài hoặc cấm hẳn hoạt động. Còn với người lao động bất hợp pháp sẽ bị xử phạt tối đa 40 triệu Won hoặc phạt tù tối đa 12 tháng…

Trình độ tay nghề của lao động VN luôn là trở ngại cho phía bạn, làm gì để khắc phục tình trạng này, thưa ông?

Bất cập này chúng tôi đã nhìn thấy từ rất lâu. Dù đối tượng tuyển chọn đúng cả về nghề, độ tuổi (từ 18-34), thế nhưng tuổi này, lao động lại bỏ trốn nhiều nhất. Bên cạnh đó, phần lớn lao động VN xuất thân là nông thôn, nhưng sang Hàn Quốc lại không muốn làm nông nghiệp mà đòi chuyển đổi sang nghề có thu nhập cao như SX chế tạo máy… Phía bạn cũng có quy định chặt chẽ lắm, đăng ký hồ sơ dự tuyển ngành nào thì phải làm ngành đó.

Xin cảm ơn ông!

Thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt-Hàn

Tại hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ hai tại Seoul (Hàn Quốc), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa 2 nước.

Phía Hàn Quốc khẳng định tiếp tục coi VN là một đối tác quan trọng hàng đầu về hợp tác phát triển và đầu tư. Hàn Quốc sẽ xem xét các đề xuất hợp tác của VN trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển, KH-CN, GD-ĐT, GT- VT, xây dựng, nông nghiệp, trong đó có dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc TPHCM-Cần Thơ và dự án xây dựng vườn ươm công nghệ tại TP Cần Thơ, tài trợ dự án mở rộng quốc lộ 1. 

2 bên tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực lao động và dạy nghề, đồng thời phối hợp chặt chẽ nhằm giải quyết các vấn đề liên quan; nhất là trong lĩnh vực hỗ trợ và bảo vệ kiều bào, trong đó có cộng đồng phụ nữ VN kết hôn với người Hàn Quốc.

Xem thêm
Thả 4,7 triệu con tôm giống ra biển Gành Hào

Bạc Liêu Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội Nghinh Ông huyện Đông Hải lần thứ XXI năm 2024.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm