| Hotline: 0983.970.780

Giải cứu các đại dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công thương:

Xử lý kiên quyết và không đổ thêm tiền

Thứ Sáu 24/02/2017 , 09:20 (GMT+7)

Sau khi Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo xử lý tồn tại, yếu kém của một số doanh nghiệp ngành Công thương, trong thời gian từ giữa tháng 12/2016 tới cuối tháng 1/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ...

Sau khi Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo xử lý tồn tại, yếu kém của một số doanh nghiệp ngành Công thương, trong thời gian từ giữa tháng 12/2016 tới cuối tháng 1/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng với các thành viên Ban Chỉ đạo đã trực tiếp thị sát tại các dự án nhằm mục đích tìm biện pháp giải cứu. Tuy nhiên, thực trạng tại những đại dự án thua lỗ nhiều nghìn tỷ đồng không khác gì mớ bòng bong.
 

Thuốc cho những khối ung nhọt khổng lồ?

Cụ thể, Phó Thủ tướng và đoàn công tác đã thị sát tại các đơn vị: Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy phân đạm Hà Bắc, Nhà máy DAP Đình Vũ, Nhà máy DAP Lào Cai, dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol Dung Quất, dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Sa và dự án Nhà máy gang thép Lào Cai... Xem xét cơ sở hạ tầng, thiết bị, công nghệ, dây chuyền sản xuất, tình hình sản xuất kinh doanh, nghe lãnh đạo nhà máy và lãnh đạo các Bộ, ngành báo cáo về quá trình quyết định đầu tư, lập, thực hiện kế hoạch đầu tư, xây dựng, hoàn thiện và vận hành của hai nhà máy, thực trạng hoạt động, tình hình tài chính, yếu kém, thua lỗ...

12-27-06_nh-2-dung-qut
Thực trạng tại dự án Ethanol Quảng Ngãi
 

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cũng tổ chức cuộc họp lần thứ nhất vào trung tuần tháng 12/2016 nhằm thống nhất cách thức hoạt động và xây dựng các báo cáo đánh giá tổng thể mọi mặt của từng dự án trên tinh thần đề cao tối đa trách nhiệm cá nhân người đứng đầu của mỗi bộ, cơ quan, đơn vị.

Tinh thần quyết liệt, khẩn trương nhưng thực trạng quá nhiều vấn đề nan giải. Các đại dự án với những món nợ, thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng không khác gì những khối ung nhọt khổng lồ.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), nơi có 4 trong tổng số 12 dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ, tính đến hết 9 tháng đầu năm 2016, lỗ lũy kế của dự án Nhà máy đạm Hà Bắc khoảng 1.450 tỉ đồng (lỗ kế hoạch 2 năm đầu là 723 tỉ đồng); dự án Nhà máy đạm Ninh Bình đang gánh số lỗ lũy kế khoảng 2.700 tỉ đồng, trong khi lỗ kế hoạch chỉ khoảng 1.055 tỉ đồng; nhà máy đạm DAP Lào Cai lỗ 281 tỉ đồng chỉ riêng nửa đầu năm 2016…

Đối với những dự án nhiên liệu sinh học kém hiệu quả, rất nhiều phương án đã được đặt ra, kể cả cho phá sản, tuy nhiên số tiền thua lỗ, lãng phí tại các dự án này quá kinh khủng.

Nhà máy Sản xuất Nhiên liệu sinh học Phú Thọ, phương án cũng được đưa ra là nhà thầu - TCty Xây lắp Dầu khí (PVC) - tiếp tục triển khai dự án với một số thuận lợi nhất định. Ngoài ra, phương án thanh lý hợp đồng với PVC, chủ đầu tư thuê đơn vị khác tổ chức thực hiện tiếp dự án cũng đang được cân nhắc.

Đối với dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, để vận hành lại trong năm 2017, Cty CP Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung (BSR-BF) đề nghị các cổ đông góp bổ sung vốn lưu động 51 tỉ đồng. Khi đó, doanh thu kế hoạch 6 tháng đầu năm 2017 dự kiến là 155 tỉ đồng với chi phí 210 tỉ đồng; lỗ cả năm 154,4 tỉ đồng do khấu hao, lãi vay, chênh lệch tỉ giá… Trong khi đó, với phương án 2 là gia công sản phẩm E100 cho DNTN Phú Lợi với chi phí 2.600 đồng/lít, sản lượng 11.000 m2 E100 thì có thể lỗ đến 165,1 tỉ đồng.

Với dự án đầu tư khai thác mỏ sắt Quý Sa và xây dựng Nhà máy Gang thép Lào Cai, ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Cty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM) - đơn vị thực hiện - cho biết chất lượng kỹ thuật, công nghệ thiết bị bảo đảm, nhiều chỉ tiêu vượt thiết kế và việc thua lỗ hoàn toàn do cơ chế thị trường.

Với dự án Nhà máy Sản xuất xơ sợi Đình Vũ do Cty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) làm chủ đầu tư, phương án đầu tiên được đưa ra là cho phá sản. Một phương án khác là doanh nghiệp tự duy trì sản xuất, sau đó thoái vốn. Theo kế hoạch, đến năm 2019, dự án này có thể bù được chi phí và có lãi nếu như có các “kim bài”: xử lý triệt để vấn đề tài chính thông qua điều chỉnh tổng mức đầu tư hoặc tăng vốn điều lệ; áp thuế suất nhập khẩu đối với sản phẩm sợi DTY từ 3% đến 5%... Phương án cuối cùng là hợp tác với đối tác nước ngoài.
 

Không đổ thêm tiền

Tại buổi làm việc ngày 22/2, Ban Chỉ đạo đã thảo luận báo cáo của Bộ Công thương về tổng quan hiện trạng, tình hình tài chính, kỹ thuật, pháp lý và các phương án xử lý cho từng dự án, nhà máy trong nhóm 12 đơn vị yếu kém của ngành Công thương theo nguyên tắc thị trường và các quan điểm đã được xác định trong Nghị quyết số 05, Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Phải xử lý kiên quyết, khẩn trương, Nhà nước không bỏ thêm tiền cho các dự án này”.

Bên cạnh đó, các cơ quan thanh tra, kiểm toán, công an cũng báo cáo bổ sung thêm các kết luận làm việc của các cơ quan này đối với một số nhà máy nhằm củng cố thêm dữ liệu về nguyên nhân, thực trạng yếu kém của các nhà máy để phục vụ cho việc đề xuất phương án xử lý. Việc phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm toán, công an trong thời gian tới sẽ xác định, làm rõ và xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân gây thua lỗ, thất thoát tài sản của Nhà nước.

Từ thực tiễn của Cty Đạm Ninh Bình, Phó Thủ tướng chỉ đạo Ban Quản lý dự án Nhà máy sơ sợi Đình Vũ PVTex, Ethanol Quảng Ngãi… khẩn trương tính toán sự cần thiết, chi phí bỏ ra so với lợi ích thu về… để tái khởi động nhà máy do đã ngừng hoạt động trong thời gian dài.

Không thể chậm trễ!

“Việc không thể chậm trễ, các Bộ, ngành, đơn vị liên quan phải bám sát nhiệm vụ, sớm hoàn thiện các phương án xử lý để trình Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định, không để tiếp tục kéo dài tình trạng yếu kém, gây thiệt hại cho Nhà nước”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công thương tiếp thu ý kiến phát biểu và kết luận tại cuộc họp để hoàn thiện báo cáo, các phương án xử lý cả về cơ sở pháp lý, nội dung, so sánh chi phí và lợi ích từng phương án, đề xuất lựa chọn phương án, điều kiện thực hiện, lộ trình thực hiện phương án để Ban Chỉ đạo báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2017.

 

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.