| Hotline: 0983.970.780

Xử lý rơm làm thức ăn cho gia súc

Thứ Ba 21/03/2017 , 15:05 (GMT+7)

Từ các kết quả nghiên cứu đã được công bố cho thấy, rơm rất giàu carbohydrate, là một nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho động vật nhai lại.

Tuy nhiên, nguồn năng lượng được sử dụng bị hạn chế vì rơm có cấu trúc vách tế bào phức tạp, sự lên men của vi sinh vật trong dạ cỏ khó khăn do đó khả năng tiêu hóa không cao.

13-07-15_dscn0454
Sử dụng vôi và urê xử lí rơm làm nguồn thức ăn hiệu quả cho gia súc nhai lại
 

Để tăng hiệu quả sử dụng rơm làm thức ăn cho gia súc, cần áp dụng một số biện pháp nhằm thay đổi cấu trúc màng tế bào của rơm.

Theo bà Nguyễn Thị Liên Hương, Phòng Chăn nuôi và Thú y (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia), một trong những giải pháp đơn giản và hiệu quả nhất là dùng tác nhân hoá học (vôi và urê) làm mềm rơm, giúp gia súc tiêu hoá tốt hơn. Vôi không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ và bay hơi do đó có thể sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết khí hậu.

Do gia súc tiêu hóa rơm chưa xử lý là thấp, một lượng lớn không lên men ở dạ cỏ đã qua dạ cỏ và được lên men sau dạ cỏ, một phần không nhỏ được thải ra ngoài, dẫn đến phát thải nhiều khí mê tan hơn. Một số tài liệu khoa học nước ngoài đã chứng minh, sự tiêu hóa rơm được tăng lên đáng kể khi nó được ủ, gia súc dễ dàng tiêu hóa cellulose/hemicelluloses để cung cấp dinh dưỡng dồi dào hơn.

Bà Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, cách ủ rơm khá đơn giản, có nhiều loại hố ủ như: hố ủ nổi, hố ủ chìm, nửa nổi nửa chìm, ủ bằng bao ni lông... Hố ủ chìm dễ làm, ít tốn công và vật liệu, nhưng phải lưu ý một số điểm như: Địa điểm đào hố cao ráo, dễ thoát nước khi trời mưa, dễ che đậy; kích thước tuỳ theo số lượng gia súc hoặc lượng rơm cần ủ để thiết kế hố ủ cho phù hợp; thông thường, hố 1m3 ủ được 100kg rơm.

Về nguyên vật liệu, rơm: 100kg (rơm phải khô, sạch, có màu vàng sáng, không nấm mốc); Nước sạch: 100 lít; Urê: 2 kg; Vôi bột: 2kg; Dụng cụ: Xô, thùng tưới hoa sen (ô doa), cân, tấm bạt/ni lông.

Cách tiến hành ủ như sau: Dùng bạt/ni lông lót dưới đáy và xung quanh thành hố ủ. Rải đều 1 lớp rơm dày khoảng 20cm vào hố ủ, nén (dầm) cho chặt. Hòa 2kg urê và 2kg vôi bột vào 100 lít nước sạch, khuấy đều. Dùng bình hoa sen tưới đều dung dịch vôi, ure lên mặt lớp rơm trong hố. Vừa tưới vừa nén chặt, tưới từ từ để nước ngấm vào rơm mà không đọng ở đáy. Tiếp tục làm từng lớp 2, 3, 4 tương tự như lớp trên cho đến khi đầy hố ủ. Dùng bạt/ni lông che phủ thật kín hố ủ, trên cùng dùng đất đắp hoặc đè bằng các vật liệu nặng lên trên. Chú ý, luôn đậy kín hố ủ, không để nước mưa làm ướt rơm.

Theo kết quả thu được từ đề tài của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, sau khi ủ rơm khoảng 10 ngày có thể lấy rơm đã ủ cho gia súc ăn. Trước khi ăn kiểm tra chất lượng, nếu rơm ủ chất lượng tốt sẽ có màu vàng đậm, ẩm đều, rơm mềm, có mùi nồng của ammoniac, không bị mốc và không có nước ứ đọng trong hố.

Chú ý khi lấy rơm ra khỏi hố lấy lần lượt, sạch, gọn theo từng góc của hố ủ. Để rơm ra khỏi hố khoảng 30 phút rồi mới cho gia súc ăn. Nếu gia súc ăn rơm ủ lần đầu, cần tập cho ăn ít một, bằng cách trộn với cỏ tươi để cho quen, tăng dần, có thể cho gia súc ăn từ 1 - 3 kg/con/ngày.

 

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.