| Hotline: 0983.970.780

Xử lý xác gia súc, gia cầm vứt tại Hưng Yên và Phú Thọ

Thứ Tư 01/03/2017 , 13:15 (GMT+7)

​Theo phản ánh của một số cơ quan báo chí, hiện tượng vứt xác lợn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và xác gia cầm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, gây ô nhiễm môi trường và có nguy lây lan dịch bệnh rất cao.

NNVN đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Cục Thú y về vấn đề này.
 

Gà chết tại tỉnh Hưng Yên không phải do CGC

​Ngay sáng 27/2, Cục Thú y đã cử đoàn công tác đi kiểm tra đột xuất tình hình dịch bệnh trên địa bàn xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên và làm việc với địa phương.

Qua kiểm tra thực tế một số hộ chăn nuôi và trao đổi với người dân tại các xóm Tân Tiến, Đoàn Kết, Thống Nhất của thôn Đông Tảo Nam  - nơi có hiện tượng gà chết hàng loạt theo phản ánh của cơ quan truyền thông cho thấy, tại xóm Tân Tiến, tình hình dịch bệnh trên gia cầm vẫn ổn định, tuy nhiên trước đó (dịp trước Tết) trong xóm có một số gia cầm mắc bệnh, chết nghi do bệnh tụ huyết trùng gia cầm, số lượng gà mắc bệnh, chết không nhiều, chết rải rác, người dân đã dùng kháng sinh điều trị và đàn gà đã khỏe mạnh trở lại.

​Tại xóm Đoàn Kết và Thống Nhất, từ tháng 1/2017 (dịp trước Tết) cho đến nay, trong xóm có hiện tượng gà mắc bệnh, chết; một số người chăn nuôi thiếu ý thức không báo chính quyền địa phương và cơ quan thú y để xác định nguyên nhân bệnh, đã vứt bao xác gà xuống dòng kênh thủy lợi gây ô nhiễm môi trường.

Kiểm tra thực tế tại đoạn kênh thủy lợi chảy qua địa bàn xóm Đoàn Kết và Thống Nhất có hơn 10 bao tải chứa xác gà, lợn lẫn lộn (các giống, nhiều lứa tuổi, thời gian phân hủy khác nhau, số lượng khoảng 80 con gà, 10 con lợn).

Như vậy số xác gà, lợn nêu trên có thể xuất phát từ những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gần kênh thủy lợi chảy qua địa bàn xã Đông Tảo; số gà, lợn này chết rải rác thành nhiều đợt với nhiều chủng loại, trọng lượng khác nhau. Do người dân không báo cho thú y đến kiểm tra, mổ khám, lấy mẫu xét nghiệm nên chưa thể xác định chính xác nguyên nhân bệnh.

Tuy nhiên, theo phản ánh thì có thể là do bệnh tụ huyết trùng; kết hợp với điều kiện thời tiết lạnh hiện nay làm giảm sức đề kháng của vật nuôi nên gà, lợn dễ bị mắc bệnh và chết.

UBND xã Đông Tảo cho biết thực tế trên địa bàn có một số hộ chăn nuôi có gia cầm mắc bệnh, chết nhưng không báo cho chính quyền địa phương mà lại vứt bỏ ra môi trường. Xã sẽ tổ chức vớt và xử lý xác động vật vứt trên kênh.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Hưng Yên, Phòng Nông nghiệp huyện Khoái Châu, UBND xã Đông Tảo, hiện nay tình hình chăn nuôi gà của địa phương vẫn bình thường, không có hiện tượng gà chết hàng loạt; ổ dịch CGC A/H5N1 xảy ra gần đây nhất tại huyện Khoái Châu là vào tháng 6/2012 (gần 5 năm).

Theo báo cáo của cơ quan thú y, tỉnh đã tập huấn cho 70 hộ chăn nuôi gà trên địa bàn xã Đông Tảo về phòng chống bệnh cho gia cầm từ tháng 12/2016; đã chỉ đạo quy hoạch khu tham quan gà Đông Tảo phục vụ khách du lịch để hạn chế người ngoài vào các hộ chăn nuôi con giống; đã lập kế hoạch hỗ trợ 2.000 hộ chăn nuôi gà trên địa bàn xã Đông Tảo chăn nuôi theo tiêu chuẩn VIETGAHP.

Từ tháng 12/2016, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật năm 2017, theo đó tỉnh hỗ trợ miễn phí 2,5 triệu liều vacxin cúm Navet Vifluvac, dự kiến tiêm ngay trong tháng 3/2017. Tỉnh Hưng Yên đã bắt đầu thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng từ ngày 25/2/2017.

Cục Thú y đã yêu cầu và hướng dẫn địa phương thực hiện ngay việc trục vớt các bao tải chứa xác gia cầm để tiêu hủy, xử lý môi trường dòng kênh bảo vệ sức khỏe người dân trong khu vực và ngăn ngừa dịch bệnh lây lan; tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm để xử lý; thực hiện ngay công tác tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi không vứt xác động vật ra nơi công cộng gây ô nhiễm môi trường và làm lây lan dịch bệnh, báo ngay cho thú y và chính quyền khi phát hiện gia súc, gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, chết không rõ nguyên nhân; tiếp tục thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng đợt 1/2017 do Bộ NN-PTNT phát động; cơ quan thú y tổ chức lấy mẫu đối với các trường hợp nghi ngờ gia súc, gia cầm mắc bệnh để xác định tác nhân gây bệnh; tổ chức vớt và xử lý xác động vật vứt trên kênh theo đúng quy định để bảo đảm vệ sinh môi trường.
 

Kiểm tra, xử lý hiện tượng lợn chết tại tỉnh Phú Thọ

Sáng ngày 27/2, Cục Thú y đã cử đoàn công tác đi kiểm tra, đồng thời yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Thọ xác minh thông tin theo phản ánh của các cơ quan truyền thông. Theo báo cáo nhanh của địa phương, việc vứt rác thải và xác lợn chết ra ngoài môi trường tại xã Hùng Long, Vụ Quang thuộc huyện Đoan Hùng được phản ánh ngày 8/2. Ngay sau đó, UBND tỉnh Phú Thọ đã có văn bản chỉ đạo xử lý.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy có 13 bao xác lợn đang phân hủy được vứt tại bãi rác tự phát giáp ranh giữa xã Hùng Long và xã Vụ Quang thuộc huyện Đoan Hùng.

Theo người dân ở khu vực này, số xác lợn được đưa về từ nhiều nơi trong khoảng thời gian từ trước Tết Nguyên đán. Theo báo cáo của địa phương, chăn nuôi lợn trên địa bàn xã Hùng Long, Vụ Quang và 3 xã xung quanh rất phát triển, ước tính khoảng 45 ngàn con lợn; các dịch bệnh nguy hiểm ở lợn như LMLM, tai xanh, dịch tả lợn... chưa xuất hiện trên địa bàn; tuy nhiên một số bệnh thông thường khác như tiêu chảy, viêm phổi, tụ huyết trùng vẫn phát sinh lẻ tẻ và gây chết lợn.

Kết hợp với việc giá lợn xuống thấp, chăn nuôi thua lỗ, một số hộ chăn nuôi không chăm sóc lợn... làm giảm sức đề kháng của đàn lợn, dễ mắc các bệnh thông thường; một số hộ thiếu ý thức không muốn tốn chi phí và công sức cho việc tiêu hủy lợn nên đã vứt bỏ xác lợn ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường.

Địa phương đã tổ chức thu gom, đốt và chôn lấp toàn bộ số xác lợn; tổ chức vệ sinh, phun khử trùng khu vực có xác lợn và hố chôn; tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi không vứt xác động vật ra nơi công cộng gây ô nhiễm môi trường và làm lây lan dịch bệnh, đồng thời phải báo ngay cho thú y và chính quyền khi phát hiện động vật có dấu hiệu mắc bệnh, chết không rõ nguyên nhân.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Bình luận mới nhất