| Hotline: 0983.970.780

Xử vụ "đặc cách" 200 học sinh vào lớp 10

Thứ Tư 17/11/2010 , 15:02 (GMT+7)

Bộ GD&ĐT đang xem xét xử lý sai phạm trong tuyển sinh lớp 10 năm học 2010-2011 ở Hải Phòng.

Tờ trình của Sở GD&ĐT Hải Phòng gửi UBND thành phố về đề nghị xét trúng tuyển bổ sung cho một số trường hợp gia đình chính sách, có công với thành phố Hải Phòng

Ngày 16/11, Phó Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT, ông Phạm Văn Tại cho biết, Bộ đang xem xét xử lý sai phạm trong tuyển sinh lớp 10 năm học 2010-2011 ở Hải Phòng.

Theo thông tin ban đầu, mùa tuyển sinh năm 2010, Hải Phòng đã "hợp thức hóa" cho hơn 200 học sinh từ trượt thành đậu vào lớp 10 - THPT công lập. Về hình thức, các gia đình có con thi trượt thuộc diện trên chỉ cần có đơn xin xét trúng tuyển gửi Sở GD&ĐT.

Tất cả các đối tượng học sinh thuộc diện "đặc cách" vào 25 trường THPT công lập trên địa bàn đều không đủ điểm trúng tuyển cả nguyện vọng (NV)1 và NV2. Do vậy, Sở GD&ĐT Hải Phòng mới có tờ trình và được UBND thành phố phê duyệt đồng ý về "chủ trương đề nghị của Sở".

Qua kiểm tra thực trế, số 255 học sinh được Sở GD&ĐT Hải Phòng đặc cách trúng tuyển có đến gần 100 trường hợp là con, em (tự nhận) của lãnh đạo các cấp trong ngành giáo dục Hải Phòng. Số còn lại đều có bút phê của lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố, các sở Tài chính, Nội vụ, VHTT&DL, Y tế, Công an, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Hội Liên hiệp Phụ nữ...

Đáng nói hơn, trong danh sách 25 trường THPT công lập nhận học sinh diện "đặc cách" có mặt cả trường điểm như: Trường THPT Ngô Quyền, THPT Thái Phiên, Lê Quý Đôn, Trần Nguyên Hãn...

Đề nghị trái luật của Sở GD&ĐT Hải Phòng

Trong công văn ký ngày 14/7/2010 gửi UBND thành phố Hải Phòng, ông Đỗ Thế Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, đề nghị xét trúng tuyển bổ sung cho một số trường hợp gia đình chính sách, có công với thành phố...

Theo đó, những đối tượng được "liệt" vào danh sách đặc cách trúng tuyển thể hiện trong tờ trình của sở ngày 14/7/2010 gồm: Con, cháu gia đình chính sách, lão thành cách mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, những cháu mồ côi, những cháu là Vận động viên có tham gia đội tuyển thành phố thi đấu toàn quốc có công với thành phố, có công với ngành GD-ĐT nói chung và giáo dục Hải Phòng nói riêng.

Nội dung công văn cũng ghi rõ: “Qua công tác tiếp dân, Sở GD&ĐT nhận được một số đơn của gia đình chính sách, gia đình có công với sự nghiệp giáo dục và thành phố, các cháu mồ côi, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn… chưa đủ điểm chuẩn vào học.

Mỗi gia đình một hoàn cảnh, song đều có chung một nguyện vọng thiết tha xin cho con, em, cháu ruột hoặc cháu đỡ đầu… được vào học lớp 10 tại các trường công lập. Các đơn thư này đều có xác nhận và đề nghị của các cơ quan có thẩm quyền ở cơ sở hoặc thành phố”.

Đề nghị trái luật này đã được UBND thành phố Hải Phòng thông qua về mặt chủ trương chỉ năm ngày sau đó tại Quyết định số 4142 do ông Nguyễn Trọng Thai ký "đồng ý về chủ trương đề nghị của Sở" ngày 19/7/2010.

Tuy nhiên, điều đáng nói, trong tờ trình được UBND thành phố Hải Phòng đồng ý cho sở xem xét cho những đối tượng diện "đặc cách" chỉ thiếu không quá 1 điểm so với điểm chuẩn vào trường. Thế nhưng, trên thực tế có đối tượng thiếu đến 2,5 điểm vẫn được sở "duyệt".

Dẫu biết rằng, UBND cấp tỉnh/thành phố là cơ quan có trách nhiệm phê duyệt phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT hàng năm tại các địa phương. Nhưng, với công văn này, Sở GD&ĐT Hải Phòng không chỉ tham mưu cho UBND thành phố để hợp thức hóa việc làm trái quy định mà còn "qua mặt" UBND thành phố Hải Phòng. 

Các đối tượng xét "đặc cách" không đúng quy chế

Trao đổi với báo chí, Phó GĐ Sở GD&ĐT Hải Phòng Vũ Văn Trà cho biết, việc xét tuyển đặc cách đã làm nhiều năm ở Hải Phòng không chỉ riêng năm 2010, còn cụ thể là năm nào ông không nhớ.

Hiện nay, UBND TP Hải Phòng đã yêu cầu Sở GD&ĐT Hải Phòng báo cáo và có ý kiến về những vấn đề đặt ra.

Thông tin từ Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, đến nay, Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành năm 2006 chưa có điều chỉnh, bổ sung bất cứ nội dung nào. Và theo quy chế nêu trên, đối tượng "Những cháu mồ côi; Con, cháu của những gia đình có công với thành phố, có công với ngành GD&ĐT nói chung và giáo dục Hải Phòng nói riêng..." chưa có trong quy định hiện hành. Còn trường hợp "những cháu có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn", Bộ GD&ĐT đang tính toán để bổ sung vào đối tượng ưu tiên trong năm 2011.

Nếu chiếu theo Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, có phải Sở GD&ĐT thành phố Hải Phòng đang “cầm đèn” chạy trước.

Còn đứng trên quan điểm của cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, Thanh tra Bộ đã có văn bản yêu cầu Sở GD&ĐT Hải Phòng báo cáo. Đến khi có văn bản báo cáo của Sở, nếu Bộ thấy làm sai quy chế thì sẽ đề nghị UBND TP Hải Phòng xử lý.

Quan điểm mà bà Nghĩa đưa ra là “Tôi không tin là lãnh đạo tỉnh, thành phố có thể đưa ra một chủ trương sai với quy định của cơ quan quản lý nhà nước. Chỉ có những cá nhân cụ thể, do đọc chưa kỹ quy định nên làm sai, và ai sai thì cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý kỷ luật cá nhân đó”.

Còn trước đó, chiều 4/11, Đại tá Trịnh Công Quý, Trưởng phòng Bảo vệ Chính trị Nội bộ, Công an thành phố Hải Phòng cho biết công an đã vào cuộc xác minh vụ việc để xử lí theo pháp luật.

(Theo VnMedia)

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.