| Hotline: 0983.970.780

Xuân trên quê hương mới

Thứ Năm 10/02/2011 , 09:08 (GMT+7)

Tròn 25 năm kể từ khi rời Hà Tây (cũ) đi kinh tế mới tại huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng), có lẽ năm nay người dân nơi đây có cái tết khấm khá nhất.

Tròn 25 năm kể từ khi rời Hà Tây (cũ) đi kinh tế mới tại huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng), có lẽ năm nay người dân nơi đây có cái tết khấm khá nhất. Từ 28 đến 30 tết, đi đâu chúng tôi cũng nghe tiếng cười nói từ các thôn xóm, bản làng; tiếng người í ới rủ nhau đi chợ sắm tết. 

1. "Năm nay nhà tôi ăn tết vui lắm chú ạ, ông xã mua hẳn con heo mọi hơn 20kg để làm thịt; đã lâu rồi, năm nay con cái đi làm ăn xa mới quây quần đông đủ”, bác Đinh Thị Bình ở thôn 4, xã Hà Đông (Đạ Tẻh) phấn khởi cho chúng tôi biết. Bác Bình tâm sự tiếp: “Nhà tôi rời Phú Xuyên (nay là Hà Nội) từ năm 1986 theo diện đi kinh tế mới. Vào đây nhà trồng cà phê, điều, tiêu… dù cuộc sống rất khó khăn nhưng gia đình cũng cố gắng cho con ăn học. Bốn người con nhà tôi đều học hành đến nơi đến chốn và nay đã lập nghiệp ở các thành phố và có công ăn việc làm ổn định. Năm nay các cháu về đủ cả nên trước tết phải đi tìm mua heo mọi về ăn tết. 25 năm đi kinh tế mới, năm nay nhà tôi ăn tết to nhất bởi năm qua điều, tiêu cũng được mùa được giá”. 

Năm nay nhiều gia đình ở Đạ Tẻh đón tết với hoa đào để đỡ nỗi nhớ quê hương

Tại nhà bác Bình, thấy chúng tôi bất ngờ vì có cây đào Bắc khá đẹp, bác Bình giải thích: Hồi ở ngoài Bắc, năm nào nhà tôi cũng chưng cành đào cho có không khí tết. 24 năm ăn tết ở đây rồi không có đào nên thấy nhớ quá, năm nay có điều kiện nên tôi phải đặt người quen mang từ Nam Định vào chưng cho đỡ nhớ quê hương. Cứ đến gần tết là người dân lại đi tảo mộ, gói bánh chưng, bánh tét và mâm hoa quả cúng ông bà theo đúng văn hoá cổ truyền ngoài quê nên không khí tết còn rất rộn ràng không như ở thành phố. Tuy vậy, hiện nay hầu hết thanh niên lớn lên dù có học hay không cũng đi ra các thành phố làm việc, thế nên nhà cửa ruộng vườn giao lại hết cho các ông bà già, mai mốt chúng tôi già yếu không làm được thì sẽ ra sao...

2. Chúng tôi đến nhà chú Ngô Quốc Doanh, thôn 5, xã Hà Đông khi chú đang hí húi cùng mọi người mổ heo đụng. Chú Doanh là thôn trưởng thôn 5, nhờ có nghề thợ xây khéo tay nên được nhiều chủ thầu ở khắp nơi mời gọi đi làm với lương bổng khá hậu hĩnh nhưng chú quyết ở nhà bám đất bám ruộng. Ở nhà, chú vừa làm vườn vừa nuôi cá và nấu rượu. Chú bảo, thu nhập nếu so với thành thị thì chẳng đáng là bao nhưng ở quê là khá lắm rồi thì đi làm gì cho khổ, lại xa vợ xa con.

Từ vùng đất hoang hoá, quê hương mới hiện ra đầy vẻ no ấm

Theo chú Doanh, năm nay bốn nhà ăn đụng (ăn chung) con heo hơn một tạ. Năm nào cũng thế, cứ gần tết là nhà chú cùng mấy anh em hùn tiền mua một con heo để ăn tết vừa tươi ngon lại rẻ. Năm 1986, gia đình chú Doanh rời Hà Nam vợ chồng dắt díu nhau vào huyện Đạ Tẻh để làm kinh tế mới. Cuộc sống ban đầu rất vất vả do nơi đây rừng núi hoang vu, người dân thưa thớt. Lúc đầu nhiều người chịu không nổi phải bỏ đất, bỏ nhà trở về quê do căn bệnh sốt rét hoành hành rất kinh khủng. Thế nhưng nhờ cần cù, chịu khó, người dân vùng kinh tế mới đã vượt qua khó khăn thử thách, cuộc sống ngày một no ấm ổn định.

Điều đáng mừng hơn, năm nào ở xã Hà Đông cũng có khá nhiều con em thi đậu các trường đại học, cao đẳng và năm sau cao hơn năm trước. Đến nay, chỉ mình xã Hà Đông đã có hàng trăm con em thi đậu đại học và công tác ở các ngành nghề trong đó nhiều người làm việc ở các bộ, ngành.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Quốc Trịnh (ở thôn 4) cho biết, hồi mới vào đây làm kinh tế, đường đi lối lại chỉ là đá sỏi hoặc là đường đất, thế nhưng hiện nay đường nhựa đã trải phẳng lỳ khiến bao người dân vui mừng. Vui mừng hơn, một tuyến đường chạy thẳng từ Mỹ Đức nối với Lộc Bắc (Bảo Lộc) đang mở ra sẽ biến con đường này không còn là “đường cụt”, đồng thời tạo đà thông thương cho nơi đây thêm điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế trong thời gian tới. Theo anh Trịnh, năm nay người dân nơi đây làm ăn thuận lợi nhờ giá cả nông sản ở mức cao và ổn định do đó đón một cái tết kha khá, nhà nào cũng có heo, có gà để ăn. Mặc dù thế, nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn và khó phát triển bền vững do quỹ đất để canh tác chưa nhiều, chưa tập trung đồng thời chưa có một định hướng đúng đắn về mô hình kinh tế trồng cây gì thì thích hợp, nuôi con gì thì kinh tế...

Các lễ hội truyền thống đều được người dân tổ chức

Gặp tôi, chú Nguyễn Văn Thắng, ở thôn 1 phấn khởi khoe, nhà có 2 cô con gái thì một cô đang học Đại học Ngân hàng TP.HCM và một cô vừa tốt nghiệp ra trường đi làm cho Cty nước ngoài. Đứa học Đại học Ngân hàng năm nào cũng nhận được học bổng, nên vừa rồi chú đã mua tặng cái “láp - tốp” trị giá hơn chục triệu để động viên con ăn học. Nhà chú Thắng có 4 người con nhưng chỉ duy có người con đầu là phải nghỉ học sớm do lúc đó mới từ quê vào, kinh tế quá khó khăn. Còn lại ba người con sau này đều được gia đình quan tâm cho ăn học đến nơi đến chốn. Tôi hỏi: Năm nay nhà chú ăn tết to không? Chú Thắng vừa cười vừa cho biết: Ở đây hầu hết nhà nào cũng ăn đụng heo, cùng mổ heo, cùng làm cùng ăn nên vui lắm. Nhà tôi thì vừa ăn đụng và cũng nuôi được hơn hai chục con gà nên ăn xả láng.

Dù thế, khi trao đổi thẳng thắn với chúng tôi nhiều người dân vẫn còn trăn trở, 25 năm đi kinh tế mới nhưng hiện nay đời sống của không ít người dân còn gặp khó khăn do giá cả nông sản thường xuyên biến động, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cây trồng còn phức tạp làm ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng sản phẩm làm ra. Không những thế, kiểu canh tác manh mún mạnh ai lấy làm nên chưa tạo ra được sản phẩm đồng đều nói gì đến số lượng lớn khiến cho thương lái hay làm giá. Ngoài ra, có một thực tế là người dân còn làm theo phong trào, hễ cây gì, con gì được giá là đổ xô nuôi trồng.  

3. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) vui mừng cho biết, năm nay là năm mà người dân Đạ Tẻh đón cái tết tuyệt vời nhất, không khí đón xuân rất phấn khởi và đầm ấm. Năm qua, các cây trồng chủ lực của huyện như dưa hấu, mía, điều, tiêu… đều được mùa được giá nên các địa phương có điều đón tết rất sung túc. Qua thống kê sơ bộ cho thấy, tết năm nay sức mua tại chợ Đạ Tẻh (chợ duy nhất của huyện) tăng đột biến so với năm trước và cao kỷ lục nhất từ trước tới nay. Bên cạnh đó, trước tết lãnh đạo huyện cũng đi thăm và tặng quà từng gia đình chính sách, hỗ trợ gạo, thực phẩm cho đồng bào có cuộc sống khó khăn.

Huyện cũng tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí như hội hoa xuân, các trò chơi như đua thuyền ở hồ Đạ Hoai, hội vật ở xã Mỹ Đức cùng các trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc nên năm nay thực sự một cái tết no ấm, yên bình đã về với người dân trên quê hương mới...

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất