| Hotline: 0983.970.780

Xuân về trên vai áo

Thứ Năm 19/01/2017 , 08:20 (GMT+7)

Những ngày cuối năm, chúng tôi ngược dốc lên A Mú Sung - “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” - bởi biết rằng ở nơi đó, nơi địa đầu Tổ quốc, những chiến sĩ biên phòng vẫn đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất biên cương.

Mùa xuân này, các anh vẫn không ngủ để dân bản đón giao thừa và những ngày tết thật vui vẻ, bình yên.
 

Tết ở đồn vui như ở nhà

Đồn biên phòng A Mú Sung những ngày giáp tết không khí thêm náo nức. Các cán bộ, chiến sĩ tranh thủ thời gian dọn dẹp lại đơn vị, trang trí thêm những dây đèn nháy lên các thân cây để đồn thêm ấm áp đón xuân về. Những khu tiểu cảnh xanh tươi màu cỏ và cây cối, những chậu cảnh đủ loại luôn nở hoa rực rỡ bốn mùa, những gốc đào đã bung nụ nở hoa khoe sắc đón xuân về, còn khu chăn nuôi luôn sạch sẽ, vườn rau xanh mướt, ao nuôi cá cũng rất quy củ.

12-34-48_1
12-34-48_3
Các chiến sĩ đồn biên phòng A Mú Sung chắc tay súng bảo vệ biên cương
 

Thượng tá Trần Văn Khoa, Chính trị viên Đồn Biên phòng A Mú Sung chia sẻ: Đồn biên phòng A Mú Sung đóng chân ở biên giới “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, quản lý 26,902km đường biên giới đi qua địa bàn 2 xã vùng sâu, vùng xa của Bát Xát là Nậm Chạc và A Mú Sung với 4 cột mốc được đánh số từ 90 đến 94. Công việc của người chiến sĩ biên phòng nơi địa đầu Tổ quốc cũng không ít khó khăn vì địa hình đồi núi hiểm trở, sông suối dài, đường tuần tra nhiều đoạn dân cư thưa thớt, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều vất vả. Nhưng với tinh thần kiên cường, các chiến sĩ luôn vượt qua mọi hoàn cảnh, bất chấp gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ở nơi biên giới, những người lính biên phòng luôn gần gũi, gắn bó với nhân dân các dân tộc, giúp bà con nâng cao trình độ dân trí, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Năm nay, đồn biên phòng A Mú Sung có thêm 3 thành viên mới, đó là những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, được đồn nhận đỡ đầu và đón về đồn nuôi dưỡng, chăm lo ăn học.

Cháu Lầu A Vềnh, dân tộc Mông, nhà ở thôn Bản Pho, xã A Mú Sung, sinh năm 2006, học lớp 5, mẹ bỏ đi khỏi địa phương, bố làm ruộng nuôi 3 con nhỏ, cuộc sống rất khó khăn. Hai cháu Tẩn Láo Lở và Vàng Láo Tả, dân tộc Dao, đều sinh năm 2004, học lớp 7, nhà ở xã Nậm Chạc, chung hoàn cảnh bố mất sớm vì tai nạn, mẹ một mình nuôi 3 anh chị em ăn học…

Thượng tá Khoa bảo mới đầu các cháu được đón về đồn còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng bây giờ đã coi đồn là nhà, coi các cán bộ, chiến sĩ ở đồn là người thân, cùng tham gia các hoạt động và sinh hoạt ở đồn theo đúng nền nếp. Hàng ngày, các cháu được chiến sĩ đưa, đón đi học đúng giờ. Thỉnh thoảng, người nhà các cháu vẫn đến đồn thăm hỏi. Khi các cháu nhớ nhà sẽ được các chiến sĩ đưa về thăm gia đình. Bố mẹ các cháu đều rất phấn khởi, yên tâm khi thấy con ở đồn thêm khỏe mạnh, học tập tiến bộ, gia đình nào cũng hứa sẽ cho con đi học đến hết lớp 12.


Các chiến sĩ biên phòng A Mú Sung chăm sóc vườn rau xanh
 

Tết này, đồn biên phòng A Mú Sung tổ chức cho chiến sĩ mổ lợn, gói bánh chưng ăn tết thật vui, có thêm các chiến sĩ nhí nữa không khí sẽ càng đầm ấm, giúp các chiến sĩ ở lại trực tết vơi đi nỗi nhớ nhà. Đó cũng là sự kết nối làm cho tình cảm quân dân thêm bền chặt.

Gặp gỡ 3 chiến sĩ nhí của đồn Biên phòng A Mú Sung, tôi hỏi tết này các cháu có thích ăn tết ở đồn không? Lầu A Vềnh, cậu bé có mái tóc vàng hoe, đôi mắt rất tinh anh, láu lỉnh, nhanh miệng nói: “Cháu sẽ xin các chú về nhà thăm bố mẹ mấy hôm rồi lại xuống đồn biên phòng ăn tết với các chú bộ đội. Tết ở đồn biên phòng được các chú bộ đội mua cho quần áo, giầy dép mới, nghe các chú đàn hát vui hơn ở nhà”. Hai em Tẩn Láo Lở và Chảo Láo Tả cũng nói đồn biên phòng cũng là nhà của chúng cháu, ăn tết ở đồn cũng vui như ở nhà mình.
 

Chào Tổ quốc nơi ngã ba sông

Tôi theo chân các chiến sĩ biên phòng A Mú Sung xuống thăm Tổ Kiểm soát lưu động Lũng Pô, nằm ở ngã ba sông nơi giao nhau giữa dòng suối Lũng Pô là biên giới Việt - Trung với sông Hồng từ Trung Quốc chảy vào lãnh thổ Việt Nam. Ở đây, gió từ sông Hồng thổi lên lồng lộng quanh năm.

12-34-48_5
Cột cờ Lũng Pô
 

Thượng úy Đào Văn Ninh, Tổ trưởng Tổ kiểm soát lưu động Lũng Pô cho biết: Điều kiện sinh hoạt của các chiến sĩ cũng còn không ít khó khăn vì trạm xây dựng đã lâu, nay đã xuống cấp, đường tuần tra biên giới dài, mùa mưa đường trơn lầy lội khó đi. Vào mùa khô, Lũng Pô thường thiếu nước, có thời điểm chiến sĩ phải đi xin nước của nhà dân về dùng. Nhưng dù khó khăn đến mấy, ngày tết cũng như ngày thường, người lính biên phòng đều nâng cao tinh thần cảnh giác, bám nắm địa bàn, bảo vệ vững chắc từng tấc đất biên cương.

Hỏi chuyện thêm tôi biết được thượng úy Ninh có vợ làm ở Công an tỉnh và con trai mới được 5 tuổi. Tết năm ngoái, cả hai vợ chồng đều phải trực tết ở đơn vị, con phải gửi nhờ ông bà ngoại trông giúp. Năm nay, công việc bộn bề, thượng úy Ninh vẫn gác lại nỗi nhớ vợ con, xung phong ở lại Lũng Pô trực tết cùng anh em chiến sĩ.

Đến Lũng Pô, tôi có dịp tới thăm công trình cột cờ Lũng Pô với cờ đỏ sao vàng vươn cao tung bay trong gió, soi bóng xuống dòng sông Hồng cuộn đỏ. Đây là công trình mới được tuổi trẻ Lào Cai chung tay xây dựng, nằm ngay gần Tổ Kiểm soát lưu động Lũng Pô. Cột cờ được xây dựng với tổng kinh phí 12 tỷ đồng, có tổng chiều cao là 41m, trong đó phần thân 31,43m. Đây là con số rất đặc biệt vì đó cũng là độ cao của đỉnh Fansipan - nóc nhà Đông Dương. Lá cờ Tổ quốc của cột cờ Lũng Pô có diện tích 25m2, cũng là con số tượng trưng cho 25 dân tộc anh em sinh sống ở Lào Cai.

12-34-48_6
Ngã ba Lũng Pô “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt"
 

Tôi đứng trên cột cờ Lũng Pô nhìn ra bát ngát đất A Mú Sung nơi thượng nguồn sông Hồng và dòng sông cuộn đỏ chảy về xuôi mà cảm xúc trào dâng thật khó diễn tả. Cột cờ Lũng Pô như một sự khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, cũng thể hiện sự tri ân của tuổi trẻ Lào Cai với sự hi sinh xương máu của các thế hệ cha anh. Và ngày hôm nay, nơi màu cờ in bóng xuống dòng sông mẹ, những người lính trẻ biên phòng vẫn ngày đêm vững vàng tay súng không ngơi nghỉ để giữ gìn sự bình yên cho mảnh đất địa đầu Tổ quốc.

Dưới ngọn cờ Tổ quốc thiêng liêng nơi ngã ba sông địa đầu đất nước, không ai nói, nhưng chúng tôi đều giơ tay chào cờ và hát Quốc ca, như một mệnh lệnh từ trái tim, trong lòng trào dâng lên niềm tự hào xúc động. Nhìn ra núi đồi xa xa, màu hoa đào bừng lên trong nắng xuân rực rỡ. Sau buổi tuần tra vất vả, trên vai áo người chiến sĩ biên phòng A Mú Sung vẫn còn vương những cánh hoa đào.

Vâng, mùa xuân đã về rồi trên vai áo quân hàm xanh “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”!

12-34-48_7
Trạm biên phòng Lũng Pô

  • Rủ nhau đi hái lộc rừng
    Phóng sự 18/03/2024 - 06:00

    Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.

  • Mùa hoa mộc miên
    Phóng sự 15/03/2024 - 06:00

    Mộc miên, loài cây chung thủy với tháng Ba, cứ độ sau xuân lại rạo rực tự đốt cháy mình thắp lửa những góc trời, từ vùng đồng rừng đến những miền quê yên ả…

  • Hang Táu - miền cổ tích còn phong kín
    Phóng sự 12/03/2024 - 06:05

    Hang Táu là một thung lũng được giấu kín giữa bốn bề núi. Trời đất như chừa ra một khoảng đất tương đối bằng phẳng chỉ để cỏ cây khoe sắc...

  • Chuyện giữ rừng giữa biển
    Phóng sự 11/03/2024 - 06:15

    Qua Tết Nguyên đán, vùng đảo Tây Nam Tổ quốc bước vào cao điểm mùa khô, lực lượng chức năng bắt đầu ‘mướt mồ hôi’ với công tác giữ rừng trên các hòn đảo…

  • Bà Xuân 'hủi'
    Phóng sự 08/03/2024 - 08:45

    Từng là giáo viên mầm non nhưng đến nay nữ y tá Nguyễn Thị Xuân đã có gần 40 năm đồng hành cùng những bệnh nhân tại trại phong Quả Cảm - Bắc Ninh.

  • Những 'bông hồng' trên mâm pháo
    Phóng sự 08/03/2024 - 06:30

    Đó là những nữ dân quân trẻ tuổi thuộc Đại đội pháo phòng không 37 ly ở Đồng Hới, Quảng Bình. Bất kể trong điều kiện thời tiết nào, họ vẫn hăng say luyện tập…

  • Thu hoạch tiêu, nghề nguy hiểm
    Phóng sự 06/03/2024 - 06:33

    Nghề hái tiêu nhìn bên ngoài có thể dễ dàng nhưng công việc luôn đứng trên thang cao, tai nạn có thể ập đến bất cứ lúc nào. Đây được xem là nghề nguy hiểm.

  • Gã họa sĩ lập dị móng tay dài cả mét
    Phóng sự 05/03/2024 - 09:08

    Sau hơn 30 năm nuôi móng tay, ông Huyền không thể tự chủ trong sinh hoạt hàng ngày nhưng lại là họa sỹ nổi tiếng vùng biển.

  • Độc đáo chuyện học trên đảo Hòn Chuối
    Phóng sự 04/03/2024 - 06:54

    Ngày mới tập làm quen với con chữ, học sinh của 'lớp học tình thương’ trên đảo Hòn Chuối được người thầy mặc áo lính tập trung dạy làm người, hình thành nhân cách…

  • Chuyện ông 'Thìn rồng' ở đền Đô
    Phóng sự 02/03/2024 - 06:00

    Về Từ Sơn, hỏi chuyện 'ông Thìn rồng', đứa trẻ lên 6 cũng tỏ tường bởi ông là người may mắn hai lần ghi được khoảnh khắc đám mây hình rồng trên đỉnh đền Đô.

  • Ngày hội của những chàng trai
    Phóng sự 01/03/2024 - 06:00

    Mới ngày nào, họ còn là những học sinh, sinh viên, hay lao động tự do, nay đã chỉnh tề trong bộ quân phục màu xanh, chuẩn bị lên đường làm nghĩa vụ quân nhân.

  • Nổi nênh nghề rọ tôm trên hồ Thác Bà
    Phóng sự 26/02/2024 - 10:05

    YÊN BÁI Nghề đan rọ tôm có lúc mai một bởi xuất hiện công nghệ đánh bắt hiện đại, nguồn tôm cá ít dần theo thời gian, nhưng bà con vẫn cần mẫn thủy chung với nghề.

Xem thêm
Hà Lan sẵn sàng giúp Việt Nam đạt mục tiêu về xuất khẩu nông sản

Trưa 19/3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan họp song phương với đoàn công tác Hà Lan do Bộ trưởng Chính sách Tự nhiên và Nitơ Christianne van der Wal dẫn đầu.

Đồng Tháp đặt mục tiêu thành tỉnh kiểu mẫu nông nghiệp sinh thái

Mục tiêu là biến Đồng Tháp trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp và trở thành trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Nghệ An thiệt hại hơn 667 tỷ đồng do thiên tai

Đã thành thông lệ, thiên tai thường xuyên rình rập và đe dọa Nghệ An bất kỳ lúc nào. Riêng năm 2023, tỉnh này thiệt hại hơn 667 tỷ đồng do thiên tai.