| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu gạo bao nhiêu là vừa?

Thứ Hai 22/04/2013 , 09:47 (GMT+7)

Trong mấy năm qua, xuất khẩu gạo Việt Nam liên tục đạt những kỷ lục mới về lượng. Những kỷ lục mà 5-6 năm trước ít ai nghĩ tới. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu thì lại đi ngược chiều với lượng, và hiện đang ở mức thấp nhất trong những nước xuất khẩu chính.

Trong mấy năm qua, xuất khẩu gạo Việt Nam liên tục đạt những kỷ lục mới về lượng. Những kỷ lục mà 5-6 năm trước ít ai nghĩ tới. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu thì lại đi ngược chiều với lượng, và hiện đang ở mức thấp nhất trong những nước xuất khẩu chính.

Qua đó, ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận của nông dân cũng như của cả các doanh nghiệp. Điều này đang đặt ra câu hỏi: có nên xuất khẩu quá nhiều gạo hay không?

Gạo càng nhiều càng dễ bị ép giá

Nếu không tính 2008 (vì là năm đột biến về giá gạo do khủng hoảng lương thực toàn cầu), thì có thể nói 2011 là năm “vàng son” của lúa gạo nước ta, khi giá xuất khẩu bình quân đạt trên 493 USD/tấn, lượng gạo xuất khẩu lần đầu tiên vượt ngưỡng 7 triệu tấn (đạt 7,105 triệu tấn), giá trị xuất khẩu cũng lần đầu tiên vượt ngưỡng 3 tỷ USD (đạt 3,507 tỷ USD). Mọi chỉ số về giá bán, giá trị và khối lượng xuất khẩu đều vượt trội so với năm 2010.

Thế nhưng ngày vui “ngắn chẳng tày gang”. Khi Ấn Độ cho xuất khẩu gạo trở lại và gia tăng rất mạnh lượng gạo xuất khẩu qua từng năm nhờ lượng tồn kho khổng lồ, các nước như Myanmar, Campuchia cũng tham gia ngày càng tích cực hơn trên thị trường gạo thế giới, trong khi đó các nước nhập khẩu lớn như Philippines, Indonesia... đẩy mạnh tự sản xuất để hạn chế và tiến tới ngừng nhập khẩu gạo, thì việc xuất khẩu gạo của Việt Nam ngày càng trở nên khó khăn.

Giá gạo xuất khẩu ngày càng giảm, vì thế đã ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp và nhất là người trồng lúa. Năm 2012, Việt Nam lập tiếp kỷ lục mới về lượng gạo xuất khẩu (7,72 triệu tấn), nhưng kim ngạch lại giảm trên 50 triệu USD so năm 2011 do giá gạo bị giảm tới gần 50 USD/tấn. Quý 1 năm nay, giá gạo xuất khẩu bình quân tiếp tục giảm so với giá bình quân cả năm ngoái. Hiện tại, giá gạo Việt Nam đang ở mức dưới giá thành (gạo 5% tấm) khi chỉ còn 380-390 USD/tấn.

Do giá gạo xuất khẩu xuống quá thấp, doanh nghiệp chỉ từ hòa tới lỗ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp cũng đã có nỗ lực “giải cứu” giá gạo, nhưng bất thành. Hồi đầu tháng 2, để nâng giá gạo Việt Nam, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) quyết định điều chỉnh giá hướng dẫn (giá sàn) một số chủng loại gạo xuất khẩu.

Trong đó, gạo 5% tấm được điểu chỉnh tăng lên 10-15 USD/tấn so với giá thị trường khi đó là 395-400 USD/tấn. Ngay lập tức, các khách hàng Trung Quốc đồng loạt ngưng mua toàn bộ. Cực chẳng đã, VFA lại phải bỏ cái giá sàn gạo 5% tấm. Khách hàng Trung Quốc “được thể dễ lấn tới” ra tay ép giá gạo loại này xuống còn 390 rồi 380 USD/tấn.


Việt Nam đang sản xuất quá nhiều lúa gạo

Xin nói rõ là cũng như trong năm vừa rồi, trong quý 1/2013, khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam là Trung Quốc. Trong tổng số 3,576 triệu tấn gạo đã được ký hợp đồng xuất khẩu đến hết tháng 3 (đã tính cả 517 ngàn tấn ký từ năm 2012 chuyển sang), Trung Quốc chiếm tới 1,5 triệu tấn. Thành ra khi khách hàng Trung Quốc đồng lòng ra tay ép giá, các doanh nghiệp Việt Nam đành phải từ bỏ ngay ý đồ “nổi dậy”, tiếp tục cắn răng bán gạo giá thấp.

Tại sao VFA và các doanh nghiệp lại phải chịu lép vế như vậy? Ngoài những ý kiến cho rằng do doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu bản lĩnh, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bán giá thấp để giành mối hàng nên bị nhà nhập khẩu lợi dụng, sự trầm lắng từ các thị trường khác..., cũng còn có nguyên nhân Việt Nam đang dư quá nhiều gạo nên dễ bị khách hàng nước ngoài dựa vào đó để ép giá. Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký VFA, cho hay, năm nay, lượng gạo hàng hóa dư ra có thể xuất khẩu lên tới trên 8 triệu tấn. 

Xuất bao nhiêu là vừa?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Bích cho rằng, đây là câu hỏi không thể trả lời chung, mà tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của thị trường thế giới. Xét trên tổng thể, thị trường gạo thế giới từ trước tới nay có lẽ vẫn thuộc loại thị trường nhạy cảm bậc nhất, bởi chỉ cần lượng cung thừa hoặc thiếu vài triệu tấn thôi thì giá gạo thế giới đã có thể giảm mạnh hoặc tăng mạnh rồi.

Trong điều kiện như thế, với vị thế của quốc gia xuất khẩu gạo nhiều thứ hai thế giới, chỉ cần Việt Nam tăng hoặc giảm lượng gạo xuất khẩu vài triệu tấn, chắc chắn giá gạo thế giới sẽ thay đổi theo chiều hướng tiêu cực hoặc tích cực đối với tất cả các quốc gia xuất khẩu gạo khác.

Có hai vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trong cuộc chơi này. Thứ nhất, trong từng điều kiện cụ thể, cần cố gắng để bán gạo được giá nhất. Hiện tại, Việt Nam đã là quốc gia thuộc loại “đi tiên phong” trong việc kéo giá gạo thế giới xuống thấp, chứ không phải là giá gạo thế giới giảm mạnh, bởi lẽ, các số liệu thống kê của FAO cho thấy, giá gạo thế giới quý I năm nay vẫn tăng 2%, trong đó gạo Indica chất lượng cao tăng 3,1%, còn gạo Indica chất lượng thấp cũng tăng 0,7%.

Do “đi tiên phong” nên các doanh nghiệp phải giảm mạnh giá để tăng tốc xuất khẩu. Vấn đề ở đây có lẽ là do những quan ngại về việc người Thái sẽ “bung hàng” và Ấn Độ cũng có kho gạo dự trữ kỷ lục, cho nên Việt Nam đã sớm giảm giá mạnh như vậy để giành thị trường.

Đây là lo ngại thiếu cơ sở. Bởi vì, Chính phủ Thái Lan gần như chắc chắn sẽ không thể giảm quá mạnh giá gạo xuất khẩu xuống tới mức có thể cạnh tranh với Việt Nam, còn giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ cũng gần như chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng. Nếu vậy, với việc để giá gạo xuất khẩu rơi tự do như vậy và sẽ còn tiếp tục đứng ở mức rất thấp trong khoảng ba tháng tới, rất có thể chúng ta đã rơi vào tình trạng tự mình hại mình.

"Việt Nam cần cân nhắc duy trì xuất khẩu ổn định một lượng gạo nhất định, và kiểm soát nguồn cung để giảm áp lực xuất khẩu, một phần đất sản xuất lúa không hiệu quả cần quyết liệt chuyển sang cây trồng khác kinh tế hơn. Tôi cho rằng, chỉ nên duy trì ổn định sản lượng gạo dư ra để xuất khẩu ở mức 4-5 triệu tấn mỗi năm là vừa. Giảm cung có nghĩa tạo cơ hội tăng giá xuất khẩu gạo, tăng hiệu quả sản xuất”, TS Trần Tiến Khai.

Thứ hai, trong khi xuất khẩu nhiều thứ hai thế giới, Việt Nam lại đang tăng tốc nhập khẩu ngô, đậu tương... để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, trước hết là nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Do vậy, vấn đề đặt ra có lẽ là không nên xuất khẩu gạo bằng mọi giá, mà cần tính tới việc gia tăng sản lượng ngô và đậu tương để đáp ứng nhu cầu của chính Việt Nam trong những năm tới.

Tuy nhiên, nếu theo đuổi mục tiêu đó, chắc chắn cả hệ thống sẽ phải vào cuộc, chứ không thể để nông dân tự phát được. Thực tế cho thấy, với năng suất vẫn còn rất thấp, ngô và đậu tương của nông dân không thể cạnh tranh được với ngô và đậu tương nhập khẩu.

TS Trần Tiến Khai (ĐH Kinh tế TP.HCM) thẳng thắn nêu quan điểm: “Chúng ta nên xác định sản xuất lúa đảm bảo đủ gạo ăn cho người dân cả nước là chính. Còn dư được bao nhiêu thì cho xuất khẩu để thu thêm ngoại tệ. Thực tế chúng ta đang tốn kém chi phí nhiều hơn để sản xuất, để có sản lượng lúa gạo lớn hơn, nhưng giá gạo xuất khẩu, hiệu quả kinh tế từ xuất khẩu gạo lại giảm đi.

Thành ra, chúng ta đang giúp thế giới có gạo giá rẻ để ăn, đang làm công tác an ninh lượng thực cho thế giới, nhưng chính nông dân Việt Nam là người chịu thiệt thòi trực tiếp khi góp phần tạo ra dư cung này".

+ TS Trần Tiến Khai (ĐH Kinh tế TP.HCM): “Chúng ta vẫn đang chạy theo sản lượng, khuyến khích tăng sản lượng lúa gạo. Thậm chí còn có tham vọng vươn lên vị trí số 1 về xuất khẩu gạo. Đó là 1 điều sai lầm. Bởi với điều kiện đất đai của nước ta mà sản xuất ra một lượng lúa gạo không chỉ đủ để nuôi 90 triệu dân và đứng thứ 2 về xuất khẩu gạo đã là quá tốt rồi”.

+ TS Nguyễn Công Thành (Viện KHKTNN Miền Nam): Khi mục đích an ninh lương thực đã bảo đảm, nhưng mục đích xuất khẩu không đảm bảo giá trị tương xứng, thì cũng không cần khuyến khích nông dân sản xuất lúa tăng nhiều vụ/năm.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất