| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu gạo tiếp tục trông cậy vào các thị trường gần

Thứ Tư 18/10/2017 , 13:20 (GMT+7)

Ngày 17/10, tại TP.HCM, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển thị trường XK gạo Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030. 

Các ý kiến ở Hội nghị đều cho rằng các thị trường gần và truyền thống vẫn sẽ tiếp tục là thị trường chủ lực của gạo Việt Nam trong những năm tới.

14-58-20_xk_go_trong_thi_truong_gn
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL

Chiến lược phát triển thị trường XK gạo Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 7 năm nay. Mục tiêu của Chiến lược là giảm dần lượng gạo hàng hóa XK nhưng giữ ổn định và tăng trị giá xuất khẩu gạo. Cụ thể, đến 2020 XK khoảng 4,5 - 5 triệu tấn gạo, đến 2030 XK khoảng 4 triệu tấn gạo/năm.

Về chủng loại gạo XK, đến 2020, giảm tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình xuống không quá 20% tổng lượng gạo XK; gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 25%; tỷ trọng gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica chiếm khoảng 30%; gạo nếp chiếm khoảng 20%; các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng 5%.

Đến năm 2030, tỷ trọng gạo trắng thường chỉ chiếm khoảng 25%, trong đó gạo phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 10% tổng lượng gạo XK; gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica chiếm khoảng 40%, gạo nếp chiếm khoảng 25%; tăng dần tỷ trọng các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo (khoảng trên 10%).

Về thị trường, đến năm 2020, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 60% tổng kim ngạch XK gạo, thị trường châu Phi chiếm khoảng 22%, thị trường Trung Đông chiếm khoảng 2%, thị trường châu Âu chiếm khoảng 5%, thị trường châu Mỹ chiếm khoảng 8%, thị trường châu Đại Dương chiếm khoảng 3%. Đến năm 2030, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 50% tổng kim ngạch XK gạo, thị trường châu Phi chiếm khoảng 25%, thị trường Trung Đông chiếm khoảng 5%, thị trường châu Âu chiếm khoảng 6%, thị trường châu Mỹ chiếm khoảng 10%, thị trường châu Đại Dương chiếm khoảng 4%.

Theo ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thực tế XK gạo hiện nay cho thấy tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp trung bình và thấp đang giảm mạnh, trong khi tỷ trọng của gạo thơm, nếp, gạo Japonica tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm nay, gạo thơm chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng lượng gạo XK Việt Nam với 26,32%, gạo nếp đứng thứ 3 với 23,43%. Còn gạo trắng phẩm cấp trung bình chỉ chiếm 9,05% và gạo trắng phẩm cấp thấp là 4,65%.

So với các loại gạo XK chủ lực, gạo Japonica tuy mới chiếm 1 tỷ trọng khiêm tốn là 4,12% nhưng đây là một bước tiến đầy ấn tượng của loại gạo này, khi mà cách đây mấy năm không ai nghĩ Việt Nam có thể XK được gạo Japonica. Hiện gạo Japonica của Việt Nam đang được XK sang các nước ở châu Đại Dương và một số nước châu Á. Việt Nam đang là nước XK gạo nếp số 1 thế giới. Còn ở chủng loại gạo thơm, Việt Nam chỉ có 2 đối thủ cạnh tranh là Thái Lan và Campuchia.

Ông Đỗ Hà Nam, TGĐ Cty CP tập đoàn Intimex, cho rằng, định hướng giảm mạnh gạo trắng phẩm cấp trung bình và thấp là đúng, vì đây là những loại gạo mà Việt Nam càng ngày càng khó cạnh tranh trên thị trường thế giới do có nhiều nước cùng sản xuất, XK. Chẳng hạn, ở thị trường Trung Quốc, trong khi một số loại gạo của Việt Nam đang chiếm thế thượng phong hay XK tốt như nếp, gạo thơm, thì gạo trắng rất khó cạnh tranh về giá với sản phẩm cùng loại của Pakistan, Myanmar…

Cũng theo ông Đỗ Hà Nam, thị trường XK gạo của Việt Nam về lâu dài vẫn là các thị trường gần, truyền thống. Bởi gạo không phải là mặt hàng mang tính toàn cầu mà là mặt hàng mang tính khu vực. Trong các thị trường gần và truyền thống của Việt Nam, Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường quan trọng nhất do nhu cầu NK gạo của nước này rất lớn, lớn hơn cả lượng gạo XK của Việt Nam. Với nhu cầu NK lớn như vậy, Trung Quốc rất cần nguồn cung cấp từ Việt Nam, do gần gũi về địa lý và người tiêu dùng ở nhiều tỉnh Trung Quốc đã quen sử dụng gạo Việt Nam. Điều quan trọng nhất hiện nay là làm sao ổn định được thị trường Trung Quốc. Điều này cần tới nỗ lực của Chính phủ bằng việc ký kết được với Trung Quốc những hiệp định thương mại song phương có liên quan đến sản phẩm gạo.

Ông Huỳnh Minh Huệ cũng cho rằng thị trường gần và thị trường truyền thống vẫn sẽ tiếp tục là những thị trường quan trọng nhất của gạo Việt Nam. Bởi nhu cầu của những thị trường gần và truyền thống phù hợp với điều kiện sản xuất của Việt Nam. Do đó, tận dụng các lợi thế cạnh tranh để củng cố và phát triển các thị trường gần và truyền thống vẫn sẽ là ưu tiên số 1 trong sản xuất, XK gạo những năm tới.

Xem thêm
350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.