| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu thủy sản dự báo sẽ 'tăng tốc' từ Hiệp định TPP

Thứ Năm 04/02/2016 , 13:26 (GMT+7)

Hiện Mỹ và Nhật Bản là hai nước nhập khẩu tôm, cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong năm 2015, với tổng giá trị gần 1 tỷ USD. Dự báo, năm nay sẽ tăng khoảng 15% giá trị xuất khẩu vào hai thị trường này.


Chế biến tôm xuất khẩu tại Ninh Thuận. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)


Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường Mỹ, Nhật Bản và các thành viên khác trong khối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tăng sau khi hiệp định này chính thức được ký kết vào ngày 4/2.

Chuẩn bị cho thủy sản xuất khẩu

Ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, năm 2015 các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải đương đầu với nhiều khó khăn và thách thức. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 6,7 tỷ USD, giảm gần 15% so với năm 2014, chưa bao giờ xuất khẩu cả 3 mặt hàng chính là tôm, cá tra và cá ngừ đồng loạt giảm. 

Sự sụt giảm này chính là hồi chuông báo động để Hiệp hội phải nhìn lại và cùng nhau xây dựng chiến lược toàn diện trong bối cảnh cạnh tranh trong ngành thủy sản quốc tế.

Năm 2016, các Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu chính thức có hiệu lực, cộng với việc ký kết hiệp định TPP sẽ tạo thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào các thị trường này.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP lạc quan nhận định, từ trước đến nay, khi Việt Nam chưa tham gia các Hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng đã đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của các nước nhập khẩu. Chẳng hạn, xuất tôm vào thị trường Mỹ, các doanh nghiệp xuất khẩu phải làm theo tiêu chuẩn BAP (tiêu chuẩn thực hành thủy sản tốt nhất), ASC (tiêu chuẩn của Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản) , MSC CoC (tiêu chuẩn của Hội đồng quản lý biển) …

Do đó, khi TPP chính thức được hình thành, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cũng sẽ sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu. Đặc biệt, khi thuế suất sẽ giảm bằng 0% sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư mạnh hơn nữa từ khâu nuôi trồng, chế biến cho đến xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Theo ông Nguyễn Phước Bửu Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex 2, công ty đã đầu tư cho dây chuyền chế biến, xuất khẩu, áp dụng BAP. 

Công ty trang bị và mời các đơn vị từ Mỹ như Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm ( FDA ) sang đánh giá vùng nuôi, con giống, thức ăn và nhà máy chế biến, kiểm soát từ khâu đầu đến cuối. Ông Huy khẳng định, doanh nghiệp của ông đã sẵn sàng đáp ứng yêu cầu khắt khe của các bạn hàng đến từ Mỹ, Nhật Bản và các thị trường khó tính khác.

Phải nhìn nhận khách quan, thực tế hiện nay ở các tỉnh phía Nam rất ít doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản nắm bắt được đầy đủ thông tin thị trường và có kế hoạch đầu tư, sản xuất, chế biến thủy sản xuất khẩu bài bản như Công ty cổ phần Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cadovimex 2.

Các ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban cá nước ngọt VASEP và ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Ủy ban Tôm VASEP kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sâu sát hơn trong việc hoàn thiện chính sách phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, để đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế.

Trước mắt, cần giải quyết các khó khăn về Chương trình thanh tra cá da trơn (Farm Bill) tại thị trường Mỹ; nhanh chóng trình Chính phủ ban hành Nghị định cá tra thay thế Nghị định số 36/2014/NĐ-CP để tránh gián đoạn xuất khẩu cá tra.

Đối với sản xuất tôm, Bộ cần có những giải pháp để hạ giá thành nuôi, tỷ lệ sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm thấp, tăng chất lượng con giống để có sản lượng ổn định, giá nguyên liệu ổn định.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Ông Nguyễn Phước Bửu Huy chia sẻ, để tránh rủi ro cao khi doanh nghiệp chỉ bán hàng cho một thị trường, phía doanh nghiệp cũng phải chuyển hướng sang nhiều thị trường, nhằm chia đều cơ cấu thị trường. Khi thị trường này có nhiều rào cản, gây khó cho xuất khẩu thì các thị trường khác bình ổn, giúp cho việc xuất khẩu thủy sản không ách tắc. Cách thức này vừa giúp doanh nghiệp linh động trong chế biến, có doanh số, vừa giúp cho nông dân lưu thông hàng hóa mà không bị ép giá, thiếu đầu ra như thời gian vừa qua.

Ông Trương Đình Hòe nhấn mạnh, chỉ có những rào cản kĩ thuật gây khó khăn trong một thời điểm nào đó, nhưng các doanh nghiệp cũng đã xoay sở để hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường tốt. 

Khi TPP có hiệu lực, Việt Nam tăng cường vị thế của mình với các quốc gia nhập khẩu, đối trọng cân bằng trong quá trình đàm phán giá bán mà không cần phải nhượng bộ như khoảng thời gian trước đây. Trong trường hợp có tranh chấp, các doanh nghiệp Việt Nam cũng tận dụng được lợi thế thành viên trong Hiệp định này để tranh chấp công bằng, các thành viên phải tuân thủ các quy tắc đã được sáng lập theo Hiệp định.

Ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương cho biết, bên cạnh việc đầu tư công nghệ cho quy trình chế biến và xuất khẩu, đầu tư để đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa cũng là một phần quan trọng trong Hiệp định TPP. Khi sản phẩm trong nước đạt chất lượng cao thì người tiêu dùng sẽ lựa chọn và hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia thành viên trong Hiệp định không thể cạnh tranh với Việt Nam tại sân nhà. 

Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ “mang chuông đi đánh xứ người” mà còn phải chăm sóc thật tốt người tiêu dùng nội địa thì ngành thủy sản mới có thể đứng vững.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết, Bộ sẽ tiếp tục đồng hành và sát cánh cùng các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trước những khó khăn và thách thức của doanh nghiệp khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do và TPP.

Bộ cũng đã trình Chính phủ dự thảo cuối cùng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 36/2014/NĐ-CP và đang chờ ban hành. Về chương trình giám sát cá da trơn mà Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa mới công bố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cam kết sẽ để không bị gián đoạn xuất khẩu cá tra tại thị trường nhập khẩu lớn nhất này.

(TTXVN/VIETNAM+)

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm