| Hotline: 0983.970.780

Xuất nhập khẩu nông sản khuấy động nghị trường

Thứ Hai 12/11/2012 , 20:58 (GMT+7)

Mở đầu phiên chất vấn ngày 12/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã gặp hàng loạt các câu hỏi liên quan đến việc xây dựng thương hiệu gạo XK, đến NK đường, muối và hàng loạt các mặt hàng nông sản.

Mở đầu phiên chất vấn ngày 12/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã gặp hàng loạt các câu hỏi liên quan đến việc xây dựng thương hiệu gạo XK, đến NK đường, muối và hàng loạt các mặt hàng nông sản. Cùng với đó, giá xăng dầu, hàng tồn kho cũng được các ĐB đề cập sâu trong cuộc chất vấn.

Nông sản lên bàn nghị sự

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) làm nóng nghị trường bằng việc lo lắng cho thương hiệu gạo VN. “Nước ta là nước XK gạo đứng đầu thế giới, nhưng sản phẩm gạo VN giá rất thấp so với thị trường khu vực và thế giới. Do hạt gạo VN chưa có thương hiệu. Xin Bộ trưởng cho biết đã làm gì cho thương hiệu gạo VN? Đến bao giờ và làm thế nào để gạo VN có thương hiệu?”, bà Bé nêu câu hỏi.


Bốc xếp gạo xuất khẩu.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, năm 2012, dự kiến XK khoảng 7,5 - 7,8 triệu tấn gạo. Nhưng dù có lượng gạo XK lớn nhưng giá trị thu về không lớn, vì giá cả còn thấp nếu so sánh với một số nước như Thái Lan… “Thời gian qua, chúng tôi có phối hợp với Bộ NN-PTNT, khuyến cáo bà con nông dân trồng giống gạo chất lượng cao, thay vì các giống gạo cho năng suất cao nhưng giá trị thấp. Chúng tôi cũng cố gắng ký kết với các đối tác, gia hạn hiệp định XK gạo với một số nước như Ấn Độ, Philippines, Malaysia… đây là một trong những biện pháp căn cơ, góp phần tiêu thụ lúa gạo cho bà con nông dân”, ông Hoàng nói.


Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời chất vấn.

Không thỏa mãn với câu trả lời, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở Bộ trưởng Công thương: “ĐB Bé hỏi bao giờ có thương hiệu gạo VN, bao giờ có gạo VN chất lượng. Vấn đề này hay đấy, mới đấy!”.

Trả lời thêm, Bộ trưởng Hoàng nói, thời gian tới sẽ tăng cường xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản khi phối hợp với Bộ NN-PTNT.

Để làm rõ thêm, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo 4 khâu: Đưa cho nông dân giống gạo có chất lượng cao hơn, xây dựng cánh đồng mẫu lớn có sản lượng đồng đều, chất lượng cao, hỗ trợ nông dân xây dựng kho dự trữ bảo quản có chất lượng hơn và xúc tiến thương mại. Vấn đề là chúng ta phải làm mạnh hơn, đồng bộ. Chúng ta XK gạo năm nay là năm thứ 23 (từ 1990 đến nay), XK gạo từ chất lượng thấp sang chất lượng trung bình.


Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Nếu chúng ta lo thương mại tốt, tổ chức sản xuất tốt…, thì đến năm 2020, VN sẽ có sản phẩm tương ứng với chất lượng mà không chỉ gạo mà nhiều loại nông sản khác.

Cũng liên quan đến nông sản, ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) thông tin: Chưa bao giờ ngành thủy sản khó khăn như hiện nay. Có nghịch lý, tôm càng bệnh người nuôi càng sử dụng nhiều chất bảo quản càng đẩy ngành XK tôm khó khăn. Tại một thị trường XK tôm của Việt Nam đang bị kiểm soát hàm lượng chất bảo quản khá ngặt nghèo, sắp tới, thị trường này còn kiểm soát thêm dư lượng kháng sinh nhiều hơn… khiến nhiều nhà máy chế biến tôm VN thua lỗ. “Bộ trưởng có giải pháp gì giải quyết, để DN không dùng chất bảo quản?”, ĐB Tâm đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay, vừa qua, một số lô hàng thủy sản của chúng ta bị các nước NK viện lý do chất lượng, dư lượng kháng sinh lớn, đây là những nước chúng ta XK nhiều. Các hàng rào kỹ thuật này ảnh hưởng đến hoạt động XNK của chúng ta trong thời gian tới. “Bộ NN-PTNT đã có nhiều giải pháp hướng dẫn, yêu cầu các DN trong lĩnh vực chế biến thủy sản, bà con nông dân cần khắc phục việc sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc BVTV quá mức cho phép. Năm nào chúng tôi cũng ban hành tiêu chuẩn, quy định liên quan nên điều đầu tiên do người sản xuất, chế biến”, ông Hoàng giải thích.

Nói thêm về vấn đề này, ông Hoàng cho hay, khi các nhà NK có những yêu cầu khắt khe, vô lý, Bộ đều có thông tin nhờ Bộ Ngoại giao lên tiếng phản đối việc phân biệt đối xử, yêu cầu các nước bình đẳng đối với hàng hóa VN. Việc đối ngoại yêu cầu chống phân biệt đối xử đã có kết quả. Thời gian tới, chúng ta phải tìm thị trường mới ngoài Nhật, châu Âu, châu Mỹ qua các đàm phán Hiệp định thương mại tự do như với EU, Hàn Quốc… là những thị trường tiềm năng.

Giảm giá xăng “linh hoạt” trước chất vấn?

Đề cập ngay đến vấn đề thời sự là xăng dầu vừa giảm giá chiều hôm trước, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đặt câu hỏi, giá xăng dầu đã giảm ở kỳ họp thứ 3 năm ngoái và sau đó tăng vùn vụt. Ngay hôm qua, trước khi chất vấn, giá mặt hàng này lại giảm. Đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay sự “linh hoạt” của Bộ trưởng tại phiên chất vấn?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay, giảm giá xăng 500 đồng/lít là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Không thể có động thái như ĐB nói là “linh hoạt”.

ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) chất vấn: “Kinh doanh xăng dầu còn nhiều bất cập, vậy khi nào chúng ta có thị trường kinh doanh xăng dầu cạnh tranh? TCty xăng dầu lỗ lớn nhưng lương quá cao, thực chất thế nào?".

Giải thích vấn đề này, ông Hoàng cho biết, Nghị định 84 của Chính phủ cho phép các DN trong nước không phân biệt thành phần kinh tế có đủ điều kiện sẽ được xem xét trở thành đầu mối kinh doanh xăng dầu. Từ khi có nghị định này, chúng ta có thêm 4 DN ngoài quốc doanh làm đầu mối XNK và kinh doanh xăng dầu. Điều này nghĩa là đã có thị trường cạnh tranh xăng dầu, trừ các DN nước ngoài.

“Đỡ” thêm cho Bộ trưởng Hoàng, ông Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính giải thích, Nghị định 84 đang được Chính phủ tính toán sửa đổi. Hiện Bộ Công thương đang chủ trì và trong tháng 12 này sẽ cố gắng sửa. Về chính sách điều hành giá, liên bộ đã làm đúng theo quy định hiện hành. Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu 6 lần giảm, 6 lần tăng và không tạo ra lạm phát tâm lý, CPI vẫn giữ được ở mức thấp là kết quả tích cực. “Cứ Quốc hội họp thì giá xăng dầu giảm nhưng không liên quan mà do ảnh hưởng giá thế giới, chứ công tác điều hành giá xăng dầu rất minh bạch”, ông Huệ nói.

Liên quan đến việc kinh doanh thua lỗ nhưng lương vẫn cao ở Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng thông tin thêm, năm 2011 Petrolimex lỗ 1.423 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiền lương bình quân của đơn vị này trên 6 triệu đồng/người/tháng. Năm 2011, lương Chủ tịch HĐQT hơn 58 triệu đồng/tháng, ủy viên HĐQT kiêm Phó TGĐ 40 triệu đồng/tháng… So với năm 2010, Petrolimex có lãi và lương cao hơn khi Chủ tịch HĐQT và TGĐ 70,7 triệu đồng/tháng, Ủy viên HĐQT, Ủy viên HĐQT kiêm Trưởng ban kiểm soát, Phó TGĐ là 54,9 triệu đồng…

Vẫn phải NK đường theo cam kết WTO

Liên quan đến việc NK đường, trước câu hỏi của một số ĐB, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay, chúng ta đã đấu tranh với WTO giữ lại 4 mặt hàng trong nông nghiệp phải có hạn ngạch gồm trứng gia cầm, đường, muối và nguyên liệu thuốc lá. Khi đó, chúng ta phải cam kết duy trì hạn ngạch NK tối thiểu với thuế suất ưu đãi. Riêng đường năm 2012, theo cam kết chúng ta phải cấp hạn ngạch NK trên 100.000 tấn, nhưng chúng ta mới cấp 70.000 tấn.

“Liên quan đến đường, muối chúng tôi đều phối hợp với Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Mía đường để xem xét hạn ngạch, chứ Bộ Công thương không quyết định được. Vừa qua, cuối tháng 7, chúng ta công bố hạn ngạch. Nếu so với 65.000 tấn với 1.450.000 tấn đường tiêu thụ cả nước là không lớn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ ngành công bố hạn ngạch cụ thể hơn, tránh ảnh hưởng SX trong nước”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm