| Hotline: 0983.970.780

Xuất vốn, giống “giải hạn” cho miền Trung

Thứ Sáu 02/07/2010 , 09:28 (GMT+7)

Sau một tuần tức tốc kiểm tra, rà soát hạn hán tại các tỉnh miền Trung, 3 đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã có báo cáo tổng kết thiệt hại, kèm theo đề xuất phương án hỗ trợ các tỉnh.

* Hỗ trợ 300 tỷ để được 5.000 tỷ  

Trước tình hình hàng loạt tỉnh miền Trung đang dính đại hạn “kêu” kinh phí hỗ trợ từ TƯ, hôm qua, sau một tuần tức tốc kiểm tra, rà soát hạn hán tại các tỉnh miền Trung, 3 đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã có báo cáo tổng kết thiệt hại, kèm theo đề xuất phương án hỗ trợ các tỉnh. 

Theo báo cáo của đoàn công tác do Tổng cục Thủy lợi đi các tỉnh Tây Nguyên, đến thời điểm này, việc gieo cấy lúa và hoa màu vụ hè thu 2010 đã cơ bản hoàn thành. Mấy ngày qua, các tỉnh Tây Nguyên đã có mưa nhỏ đến mưa vừa trên diện rộng nên tình hình hạn hán đã bớt căng thẳng, lúa hè thu và hoa màu qua được cơn nguy kịch và phát triển tốt. Tuy nhiên, cũng như nhiều tỉnh miền Trung, các tỉnh Tây Nguyên hiện đang đề xuất xin được hỗ trợ kinh phí mua giống cho các diện tích lúa và hoa màu vụ hè thu bị hạn, phải gieo lại hồi đầu vụ, cũng như kinh phí phục vụ bơm tưới trong thời gian tới. Tổng cộng 3 tỉnh Tây Nguyên "xin" gần 22 tỉ đồng.

Trong khi đó, 2 đoàn công tác của Cục Trồng trọt vừa trở về từ các tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ cho biết, diện tích hạn hiện tập trung chủ yếu tại 3 tỉnh Bắc Trung bộ (Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh) với trên 90 nghìn hecta, trong đó hạn nặng trên 50 nghìn hecta (chủ yếu tại Thanh Hóa). Đến thời điểm này, khoảng trên 15 nghìn hecta tại vùng này có khả năng sẽ bị mất trắng. Ngoài ra, còn có khoảng 90 nghìn hecta hiện vẫn chưa có nước để cấy, trong khi khung thời vụ đang sắp hết.

Trước tình hình này, Cục Trồng trọt đề xuất, Chính phủ cần xuất cấp ngay giống cây trồng ngắn ngày dự phòng từ nguồn của địa phương và dự trữ quốc gia. Đồng thời, phải hỗ trợ ngay bằng tiền mặt cho các tỉnh bị hạn chủ động mua các giống lúa ngắn ngày, bởi hiện nguồn dự trữ quốc gia các giống lúa hết sức hạn chế về số lượng và chủng loại. Cục Trồng trọt cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ gấp kinh phí TƯ cho các tỉnh nạo vét kênh mương, tiền điện bơm nước vượt định mức, tiền dầu, máy bơm nước...để kịp thời chống hạn. Theo rà soát của Cục Trồng trọt, tổng kinh phí các địa phương đề nghị hỗ trợ đến thời điểm này khoảng hơn 300 tỉ đồng tiền mặt cùng hơn 760 tấn thóc giống, 130 tấn ngô giống, 10 tấn giống rau. Phần lớn nguồn kinh phí, giống cần gấp rút tập trung ngay cho các tỉnh Bắc Trung bộ. 

Thảo luận về những đề xuất hỗ trợ, đại diện Bộ Tài chính đồng tình về phương án hỗ trợ 100% tiền điện bơm nước vượt định mức cũng như hoàn toàn thống nhất việc hỗ trợ kinh phí nạo vét kênh mương, tiền dầu, kinh phí mua máy bơm…phục vụ chống hạn. Tuy nhiên, Bộ này không nhất trí việc hỗ trợ tiền mặt cho các địa phương mua giống, bởi vì việc hỗ trợ giống do thiên tai đã được quy định rõ trong Quyết định số 142 (ngày 31/12/2009) của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Đại diện của Bộ Tài chính nêu thêm lí do, việc hỗ trợ giống là phải cân nhắc vì các địa phương có đề nghị hỗ trợ hiện chỉ thấy xin hỗ trợ tiền điện, dầu, kinh phí nạo vét kênh mương…chứ không thấy xin hỗ trợ giống. Vì vậy, đại diện Bộ này đề xuất nếu địa phương cần hỗ trợ giống thì cứ xuất cấp từ dự trữ quốc gia chứ không hỗ trợ bằng tiền mặt như đề xuất của Bộ NN-PTNT.

Về số kinh phí và phạm vi hỗ trợ, đại diện Bộ Tài chính cũng “bác” số liệu do các đơn vị của Bộ NN-PTNT tổng hợp và cho biết, mặc dù kinh phí và số địa phương xin hỗ trợ Bộ NN-PTNT đã tổng hợp nhưng địa phương muốn được hỗ trợ thì vẫn phải có văn bản đề nghị gửi Chính phủ xem xét. Bởi thực tế, nhiều địa phương tự có kinh phí để hỗ trợ chống hạn nên không cần xin kinh phí TƯ hỗ trợ. Kiểu đặt vấn đề ngược của "ông giữ tiền" khiến các đề xuất hỗ trợ từ các đoàn công tác của Bộ NN- PTNT có lúc tưởng chừng không giải quyết được. 

Về việc hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn, đại diện Văn phòng Chính phủ đồng tình với đề xuất hỗ trợ, nhưng các địa phương cũng như Bộ NN-PTNT cần báo cáo rõ kế hoạch, phương pháp hỗ trợ cụ thể ra sao thì mới hỗ trợ được.
Trước những vướng mắc này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng, nếu không kịp thời hỗ trợ ngay thì thiệt hại nửa triệu tấn lúa, mất đứt hơn 5.000 tỉ đồng là thấy rõ. Trong khi đó, tổng kinh phí hỗ trợ chống hạn sơ bộ chỉ có 300 tỉ đồng, chưa bằng 5% số thiệt hại. Vậy nên bỏ ra 300 tỷ để được mấy ngàn tỷ hay ngồi chờ sau này đi cứu đói người dân? “Hạn như năm nay phải xem là thiên tai đột xuất. Nếu cứ phải tuân theo cơ chế hỗ trợ như Quyết định 142, chờ các tỉnh rà soát, tổng hợp, rồi báo cáo, được Chính phủ đồng ý…thì chắc phải hết tháng 7 mới có hỗ trợ!” – Thứ trưởng Bổng quyết liệt.

Để giải quyết những “lấn cấn” về cơ chế hỗ trợ giữa Bộ NN-PTNT và Bộ Tài chính, đại diện Văn phòng Chính phủ tại cuộc họp hôm qua nêu đề xuất: "Tình hình rất gấp, địa phương nào đang chống hạn thiếu cái gì thì lập tức tạm ứng kinh phí hỗ trợ ngay cái đó, với tinh thần địa phương chủ động kinh phí trước đã. Thiếu dầu mua dầu, thiếu máy bơm mua máy bơm, thiếu giống thì mua giống, sau đó sẽ tổng hợp, kiểm tra và báo cáo Chính phủ sau, không phải chờ tới lúc rà soát tổng hợp, rồi mới xin Chính phủ đồng ý nữa”.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất