| Hotline: 0983.970.780

Xứng đáng xã điểm

Thứ Hai 15/11/2010 , 10:37 (GMT+7)

Mặc dù mới triển xây dựng mô hình NTM chưa được hai năm, nhưng tính đến hết tháng 10/2010, xã Thụy Hương đã đạt chuẩn 13/19 tiêu chí.

Mặc dù mới triển xây dựng mô hình NTM chưa được hai năm, nhưng tính đến hết tháng 10/2010, xã Thụy Hương (Chương Mỹ, Hà Nội) đã đạt chuẩn 13/19 tiêu chí. Với bàn đạp thuận lợi như vậy, Thụy Hương đang tăng tốc để hoàn thành mục tiêu đến tháng 6/2011 cơ bản trở thành một xã NTM.

Thay da đổi thịt

Trong bốn xã được Hà Nội chọn thí điểm xây dựng mô hình NTM, Thụy Hương là địa phương có tốc độ xây dựng và chuyển biến rõ ràng, nhanh chóng nhất. Về Thụy Hương những ngày này, chúng ta dễ dàng hình dung được một bộ mặt NTM đã bắt đầu hình thành. Từ đường làng, ngõ xóm đến ruộng đồng đều như một đại công trường đang đẩy nhanh tiến độ thi công. Đoạn đường quan trọng nhất nối liền xã Thụy Hương với thị trấn Chúc Sơn và quốc lộ 6 cũng đang được gấp rút hoàn thành những km cuối cùng.

Chủ tịch UBND xã Thụy Hương Nguyễn Đức Học chia sẻ, Thụy Hương là một xã thuộc vùng ven sông Đáy cách Hà Nội 20km, kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất nông nghiệp. Khi bắt đầu triển khai xây dựng mô hình NTM, toàn thể cán bộ xã Thụy Hương không khỏi lo lắng vì không biết bắt đầu từ đâu và làm như thế nào. Nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của TP Hà Nội qua những cuộc họp dày đặc để phổ biến cách làm, cách tháo gỡ khó khăn vướng mắc cụ thể cho từng địa phương, Thụy Hương đã có bước tiến vượt bậc trong xây dựng NTM thời gian qua.

Nếu như năm 2009, Thụy Hương mới chỉ thi công được hơn 1,8/4,58km đường trục giao thông xã với kinh phí 2 tỷ đồng; đường thôn xóm thi công được 2/3,9km với tổng kinh phí 3,1 tỷ đồng; hệ thống thủy lợi kiên cố hóa được 2/4,16km với kinh phí 1,5 tỷ đồng, thì tính đến tháng 10/2010, gần như 100% công tác xây dựng cơ sở hạ tầng của Thụy Hương đã cơ bản hoàn thành. Xã cũng đã triển khai dự án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn quy mô 80 ha và đang triển khai lập dự án chuyển đổi 15 ha sang trồng trồng cây ăn quả, 10 ha trồng hoa, 10 ha nuôi trồng thủy sản và 9,5 ha chăn nuôi tập trung xa khu dân cư…

Việc đạt được nhiều tiêu chí chỉ trong một thời gian ngắn như vậy ghi nhận một nỗ lực rất lớn của lãnh đạo cũng như người dân xã Thụy Hương. Đến xã Thụy Hương đầu tháng 11/2010, hình ảnh những chiếc ôtô chạy dập dìu trên đường bê tông bóng loáng khiến tôi cứ tưởng đây là một thị trấn sầm uất nào đó. Nhà lưới, nhà xưởng trồng hoa và rau an toàn lừng lững giữa đồng khiến người dân nào trông thấy cũng phải trầm trồ khen ngợi. Nhà văn hóa xã, thôn được xây dựng, cải tạo khang trang vẫn còn nguyên mùi vữa, đi đâu cũng bắt gặp cảnh người dân bàn tán xôn xao việc quê mình đang trở thành xã NTM.

Dân đồng lòng là thắng 80%

Đang giám sát thợ hoàn thành khâu trang trí nhà văn hóa của thôn Trung Tiến, Trưởng thôn Bùi Xuân Nghiệp phấn khởi cho hay: Bản thân ông cũng như người dân xã Thụy Hương cảm thấy rất vinh dự khi được thành phố chọn thí điểm xây dựng mô hình NTM. Dù chưa hiểu rõ NTM cụ thể nó như thế nào nhưng những lợi ích thiết thực mà chủ trương đó đem người dân đã nhìn thấy rất rõ rồi.

 “Đường làng ngõ xóm ngày trước toàn đất đá bụi mù vậy mà chỉ trong chốc lát đã được đổ bê tông bóng loáng, hệ thống kênh mương cũng được xây dựng kiên cố đến tận ruộng, nước sản xuất luôn đầy đủ, cảnh ngồi bờ ruộng tranh nhau nước với chúng tôi giờ đã thành dĩ vãng. Ngay cả cột điện cũng được thay mới hay như cái nhà văn hóa của xóm tôi cũng từ chủ trương NTM mà có đấy chứ", ông Nghiệp hồ hởi khoe. Ông Nghiệp cho biết thêm, thấy nhà văn hóa của thôn hoành tráng quá nhiều bà con bảo sẵn sàng đóng góp tiền mua bàn ghế, loa đài, phông rèm.

Trưởng thôn Chúc Đồng 2 Trịnh Hữu Đạt tâm sự, từ lúc được phổ biến mô hình NTM, bản thân anh thấy rõ một luồng gió mới. Là một thanh niên trẻ mới ngoài 30 tuổi nên Đạt biết đó sẽ là cuộc cách mạng quy mô lớn nhất thay đổi bộ mặt nông thôn ở Thụy Hương nói riêng và cả nước nói chung. Để hiểu và nắm bắt chủ trương được tốt hơn, Đạt đã tranh thủ đi học thêm trên Sơn Tây để nâng cao trình độ và nhận thức.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt, thôn Tân Mỹ chia sẻ: “Từ khi có mô hình trồng hoa, tôi được HTX nhận vào làm việc đều đặn tại đây. So với làm ruộng thu nhập cao hơn nhiều. Sướng nhất là cứ hết tháng lại nhận được gần 2 triệu tiền lương nóng hổi, tôi cầm tiền đi thẳng ra chợ mua một con vịt về gia đình cải thiện luôn”.
Với bộ đồ nghề tưới đào trên vai, tôi ngồi sau xe chiếc xe Air Blade của anh nông dân Bùi Xuân Đoàn ở thôn Trung Tiến phi một mạch ra cánh đồng trồng đào theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã Thụy Hương. Anh Đoàn cho biết, khi xã họp phổ biến sẽ hỗ trợ vốn để chuyển đổi một phần diện tích đất trồng lúa sang trồng đào gia đình ông hưởng ứng ngay. Bởi người nông dân như ông khi được Nhà nước hỗ trợ tiền của, kỹ thuật sang trồng loại cây khác hứa hẹn năng suất cao hơn gấp nhiều lần thì chẳng có lí do gì gia đình ông không làm. Với hơn 3000 gôc đào này dự tính Tết Nguyên đán năm sau ông Đoàn sẽ thu về cả trăm triệu đồng.

Tham quan khu vực của HTX hoa Thụy Hương, ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ nhiệm HTX chia sẻ: Để có được khu trồng hoa như hiện nay, bản thân ông và lãnh đạo địa phương đã đưa chủ trương xây dựng NTM ăn sâu vào suy nghĩ của người dân qua chiến dịch mưa dầm thấm lâu, bởi một khi người dân đã thông tư tưởng rồi chỉ cần hô hào một tiếng là họ làm theo ngay, không cần mất công vận động nữa.

Ông Thắng cho biết thêm, từ khi UBND TP Hà Nội phê duyệt đề án xây dựng thí điểm mô hình NTM, Thụy Hương thành lập cùng lúc 3 HTX là: HTX rau an toàn, HTX hoa và HTX chăn nuôi. Trong đó, 50% là tiền ngân sách, 50% do xã viên tự đóng góp. Ông Thắng cười sảng khoái cho hay, khi nông dân tự bỏ tiền ra thì trách nhiệm của họ khỏi phải bàn. Cũng là HTX nhưng HTX đổi mới khác với mô hình HTX thời bao cấp trước kia. Ông Thắng chốt lại một câu chắc nịch rằng: Thay đổi được suy nghĩ của người dân, Thụy Hương chúng tôi đã thành công được 80% rồi.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất