| Hotline: 0983.970.780

Xung quanh bài "Cựu TNXP bị cướp đất, chiếm nhà": Tranh chấp tài sản hay chiếm đoạt?

Thứ Tư 07/03/2012 , 09:16 (GMT+7)

Báo NNVN ra ngày 31/1/2012 đăng bài “Cựu TNXP bị cướp đất, chiếm nhà” phản ánh việc bà Nguyễn Thị Đềm ở thôn Yên Nội (xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội), bị Nguyễn Thế Thưởng cướp đất, chiếm ngôi nhà đang ở khiến bà phải đi ở nhờ, hành hung bà, cướp đoạt tài sản (lúa) của bà trên đất canh tác.

>> Cựu TNXP bị cướp đất, chiếm nhà

Sau khi báo đăng, tòa soạn nhận được Công văn số 25/TLĐ-CQĐT của cơ quan CSĐT Công an huyện Quốc Oai, do Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT ký, có nội dung: Vụ việc trên không có dấu hiệu hình sự mà là tranh chấp tài sản… Vì sau khi ông Nguyễn Thế Huân là chồng bà Đềm qua đời, bà Đềm cùng gia đình họp thống nhất chia cho anh Thưởng một phần tài sản của ông Huân để lại”.

Đọc nội dung công văn trên, chúng tôi rất ngạc nhiên trước cách nhìn nhận vấn đề của một cơ quan CSĐT cấp huyện. Thửa đất số 506, tờ bản đồ số 4 bản đồ địa chính xã Đồng Quang, có diện tích 427,4 m2 là tài sản chung của ông Huân, bà Đềm. Như vậy là bà Đềm có quyền sử dụng 1/2 diện tích ấy. Còn 1/2 diện tích đất của ông Huân, ông đã di chúc để lại cho Nguyễn Thế Thập. Đó là 1 bản di chúc hợp pháp, Nguyễn Thế Thập là người được thừa kế, sử dụng hợp pháp diện tích đất của ông Huân, không ai có quyền tranh đoạt. Và nếu muốn “chia cho anh Thưởng một phần tài sản (đất) của ông Huân để lại” thì chỉ Nguyễn Thế Thập mới có quyền chia, vì anh đang là chủ sử dụng hợp pháp diện tích đất ấy, bà Đềm hoàn toàn không có quyền chia di sản của ông Huân cho Nguyễn Thế Thưởng.

Cái mà cơ quan CSSĐT Công an huyện Quốc Oai cho là “bà Đềm cùng đại gia đình đã họp thống nhất chia cho anh Thưởng một phần tài sản của ông Huân để lại”, thực chất, được phản ánh bởi một “Biên bản họp đại gia đình” ngày 22/12/2009. Đại gia đình ông Huân gồm bà Đềm (vợ ông Huân); Thưởng, Thập (con trai ông Huân) và 5 người con gái ông Huân là các chị Gấm, Hằng, Nhung…Nhưng trong “cuộc họp đại gia đình” trên, ngoài bà Đềm và Thưởng ra, không người con gái ông Huân nào có mặt. Ngay cả Nguyễn Thế Thập, người đang sử dụng hợp pháp di sản của ông Huân, cũng không có mặt, mà lại có mặt 2 người là ông Thỏa, ông Xâm, là những người chẳng có một chút quyền lợi nào trong khối di sản của ông Huân cả. Thế thì họ làm sao có quyền giao cho Nguyễn Thế Thưởng 227 m2 đất di sản của ông Huân (thực tế ông Huân chỉ được sử dụng 213,7 m2 trong tổng diện tích 427,4 m2). Điều đáng nói nữa là ở giữa biên bản, người ghi biên bản đã cố ý để cách ra 2 dòng chứ không viết liền, để rồi sau đó không biết ai đã ghi thêm vào 2 dòng trống đó một câu “tôi là Nguyễn Thế Thập (con đẻ) đồng ý về giấy tờ của bố để lại nay đã hủy bỏ và đồng ý với nội dung trên” (cạnh đó có chữ ký) bằng một thứ chữ khác hẳn, nét mực khác hẳn.

Nguyễn Thế Thập khẳng định, đó không phải là chữ viết và chữ ký của anh. Người viết câu đó đã không hiểu rằng ngoài tòa án ra, không một cơ quan hay cá nhân nào có quyền hủy bỏ một di chúc hay tuyên bố di chúc đó vô hiệu. Việc người nào đó tự ý tuyên bố hủy bỏ di chúc của ông Huân là trái pháp luật.

Tóm lại, đó là một biên bản về nội dung thì bất hợp pháp, vì tất cả những người dự họp không ai có quyền đem di sản của ông Huân giao cho Nguyễn Thế Thưởng, về hình thức thì gian dối. Chị Nguyễn Thị Gấm, con gái ông Huân, cho biết cái biên bản này được Nguyễn Thế Thưởng xuất trình tại UBND xã Đồng Quang, nhưng đã bị UBND xã bác bỏ không công nhận, nó hoàn toàn không có giá trị pháp lý.

Dựa vào cái “biên bản” bất hợp pháp đó, Nguyễn Thế Thưởng không những chỉ chiếm đoạt ngôi nhà là tài sản chung của ông Huân, bà Đềm, nơi bà Đềm đã sinh sống gần 30 năm trời, mà còn cướp toàn bộ quyền sử dụng đất của Nguyễn Thế Thập (được thừa kế từ bố theo di chúc), cướp luôn 13,3 m2 đất thuộc quyền sử dụng của bà Đềm. Bài báo của chúng tôi trên NNVN đã chỉ rõ hành vi của Nguyễn Thế Thưởng có dấu hiệu cấu thành các tội “xâm phạm chỗ ở của công dân” và “cưỡng đoạt tài sản công dân” là hoàn toàn có căn cứ.

Thế mà ông thượng tá, Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an huyện Quốc Oai lại vẫn cho rằng cái “biên bản” kia là hợp pháp, biến hành vi có dấu hiệu cấu thành tội hình sự thành việc tranh chấp tài sản có tính chất dân sự. Hơn thế nữa, bài báo của chúng tôi còn chỉ rõ hành vi hành hung bà Đềm, cướp tài sản (lúa) của bà Đềm, nhưng cơ quan CSĐT Công an huyện Quốc Oai lại lờ đi hoàn không xem xét.

Đằng sau việc làm đó của cơ quan CSĐT Công an huyện Quốc Oai là gì?

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất