| Hotline: 0983.970.780

Xung quanh cái chết bí ẩn của người đầu tiên bay vào vũ trụ

Chủ Nhật 24/04/2016 , 13:30 (GMT+7)

Người đầu tiên của Nhân loại bước vào vũ trụ là người Nga, phi công Xô Viết, Thiếu tá Yuri Gagarin. Chiến công và tên tuổi của Yuri Gagarin đã lan truyền khắp năm châu bốn biển, trở thành niềm tự hào không chỉ của nhân dân Xô Viết mà của các dân tộc trên khắp hành tinh.

09-19-23_trng-7
Thiếu tá Yuri Gagarin và gia đình

12/4/2016, kỷ niệm 55 năm con người đặt bước chân vào khoảng không gian vũ trụ! Dù tới nay công việc mở đường khám phá các hành tinh xa xôi đã là thành tựu của nhiều quốc gia, nhưng toàn thế giới vẫn phải công nhận thực tế này: Người đầu tiên của Nhân loại bước vào vũ trụ là người Nga, phi công Xô Viết, Thiếu tá Yuri Gagarin. Chiến công và tên tuổi của Yuri Gagarin đã lan truyền khắp năm châu bốn biển, trở thành niềm tự hào không chỉ của nhân dân Xô Viết mà của các dân tộc trên khắp hành tinh.

Ngày 27/3/1968, Yuri Gagarin đã tử nạn trong một buổi huấn luyện bay tập bình thường. Sự ra đi đột ngột của con người được cả thế giới ngưỡng mộ và yêu mến này, cho đến tận hôm nay vẫn còn ẩn chứa nhiều điều chưa sáng tỏ và cũng là nguyên cớ để đẻ ra rất nhiều giả thuyết, ức thuyết và các giai thoại có thật và thêu dệt nên...

Cứ 5 năm một lần, “đến hẹn lại lên” như người ta thường nói, lại có cuộc phỏng vấn những phi hành gia, những kỹ sư, những phi công - nghĩa là những ai đã từng tham gia vào việc nghiên cứu thảm kịch xảy ra vào ngày 27/3/1968 với chiếc máy bay tiêm kích huấn luyện UTI MiG-15, gây nên cái chết của hai phi hành gia Yuri Gagarin và Vladimir Seregin. Mỗi lần phỏng vấn như vậy, mọi người lại nói tới những giả thuyết rất riêng, của từng người trong bọn họ.

Thật lạ lùng... Một Ủy Ban nhà nước để tìm hiểu thảm kịch này đã ra đời! Một cuộc nghiên cứu cặn kẽ, có một không hai đã diễn ra! Hàng trăm con người tinh thông, am tường nghề nghiệp liên quan đã bắt tay vào việc để làm sáng tỏ những nguyên nhân dẫn tới cái chết của một người nổi tiếng nhất trên hành tinh!

Còn gì nữa đây? Tại sao vẫn có sự tấm tức, nỗi hoài nghi?

Có phải bởi vì những kết luận của cái Ủy ban quốc gia kia cho đến tận hôm nay vẫn còn nằm trong chiếc tủ niêm phong kín? Hay chứng cứ đặc biệt có một không hai về cái chết của Yuri Gagarin vẫn chỉ là câu chữ trong bài điếu văn: “Thảm kịch đã xảy ra trong chuyến bay thực tập?”. Và trong bài điếu văn này không tìm thấy một dòng nói về những nguyên nhân đích thực dẫn tới cái chết của các phi công...

Điều gì đã diễn ra trong ngày tháng Ba dữ dằn đó? Điều gì đã xảy tới với những phi công giàu kinh nghiệm, từng trải, điều khiển những chiếc máy bay quen thuộc của chính mình?

Về nhiều phương diện, bài viết này dựa trên những chất liệu mà Igor Ivanovist Cuznetsov đã thâu gom trong vòng 8 năm trời lại đây. Vào năm 1968, I. Cuznetsov- 33 tuổi, cấp bậc Thiếu tá và là chuyên viên về trang thiết bị máy bay của Viện Không quân thuộc Bộ Quốc phòng Liên Xô (Viện này vào những năm tháng đó nắm vững những phương pháp hiện đại nhất trong việc nghiên cứu diễn tiến bay). Anh được cử tham gia Hội đồng của các kỹ sư “điều tra vụ Gagarin và Seregin”.

Năm tháng qua đi, I.Cuznetsov nhìn lại tấn thảm kịch đầy bí ẩn với những hiểu biết mới mẻ về xử thế của con người, về chất lượng máy móc trong tình huống xẩy ra tai nạn.

Cánh rừng bị đào bới trong bán kinh chừng 3 km

Xin hãy được bắt đầu từ chính cái Ủy Ban ra đời vào năm 1968 mà kết luận của cái Ủy ban ấy cho tới nay không một ai biết cả. Thật là kỳ, khi hầu như tất cả các giả thuyết và các tin đồn đại lại được dựng nên bởi chính những chuyên gia tham gia vào các cuộc nghiên cứu kia. “Ủy ban nhà nước về việc làm sáng tỏ cái chết của Phi công vũ trụ, Anh hùng Liên Xô, đại tá Yuri Gagarin và Anh hùng Liên Xô, đại tá - kỹ sư V.C. Seregin” được thành lập ngày 28 tháng Ba; trong thành phần của Ủy ban này có 4 Tiểu ban như sau:

- Tiểu ban nghiên cứu về việc huấn luyện bay cho phi đội, kiểm tra việc tổ chức và các khâu bảo đảm cho các chuyến bay trong ngày 27 tháng 3.

- Tiểu ban nghiên cứu và phân tích các cấu trúc vật chất của máy bay YTI MiG- 15.

- Tiểu ban đánh giá trạng thái sức khỏe của phi công trước và sau thời gian bay, não bộ của người hy sinh.

- Tiểu ban của KGB (Cơ quan an ninh Nga), giải thích “theo kiểu của riêng họ”.

Không quên khu rừng Kirgiatsoc, nơi xảy ra tai nạn là một cánh rừng rậm. Thời tiết đương nhiên đang là tháng Ba lạnh giá. Tuyết ngập tới thắt lưng. Cái hố mà chiếc máy bay rơi khoét lủng sâu tới 6 mét.

Cú rơi mạnh đến nỗi phi cơ nặng tới 5 tấn tan tành hệt như một chiếc bình pha lê rớt xuống sàn bê tông. Những chi tiết của chiếc máy bay UTI MiG-15 ướt đẫm nhiên liệu, trộn lẫn với đất và tuyết. Những người lính cày ngang dọc những cánh rừng phía Đông Nam và phía Tây cách cái hố chừng 5 kilomet, cả ở hướng Bắc, cách cái hố tới 12 kilomet. Sang đến giữa tháng Tư trong bán kính khoảng 3 kilomet cỏ non hoàn toàn bị séo nát.

Nơi phi cơ rơi đất cát như đã bị sàng qua một cái rây. Phải có bộ óc tưởng tượng ghê gớm lắm mới nghĩ được rằng đã thâu gom tới hơn 90 phần trăm những gì chiếc máy bay UTI MiG-15 còn sót lại như người ta đã cho công bố. (Trong những trường hợp tương tự thu gom được từ 40 đến 60 phần trăm cũng đã là kết quả quá tuyệt hảo rồi).

09-19-23_trng-4
Yuri Gagarin là người đầu tiên của Nhân loại bước vào vũ trụ

Địa điểm xẩy ra thảm họa tìm thấy ngay. Từ trên không người ta nói rằng đã nhận ra những chóp trắng của hai chiếc dù mà phi công sử dụng. Ấy thế nhưng không tìm thấy hai chiếc dù đó. Hố sâu được phát hiện trong rừng rậm. Sáu tiếng đồng hồ sau xung quanh địa điểm xẩy ra thảm họa đã bị bao vây chặt. Những chuyên viên đầu tiên vào ngày 28 tháng Ba được đưa tới quan sát nơi chiếc máy bay rơi thực sự đã bị sốc: Họ không hề thấy hai chiếc dù của phi công! Nhưng dây dù không hề bị đứt mà bị cắt rời ra khá cẩn thận...

Giả thuyết 1:

Có sự phá hoại! Vậy hãy giải thích vì sao những chiếc dù biến mất? Có người nào đã lấy hai chiếc dù ra để phi công không thể vọt khỏi máy bay! Những kẻ ác độc đã chuẩn bị từ trước tai họa, chính vì vậy không còn khả năng để hai phi công tự cứu mình.

Sự biến mất những chiếc dù, tự chúng đẻ ra giả thuyết và ức thuyết, với thời gian dần dà tập trung về một điểm: Liệu có phải một kẻ có quyền lực lớn nào đó trên cao đã ra lệnh thủ tiêu Gagarin, để làm nhòa nhạt đi vinh quang và tiếng tăm quá lớn của anh khiến mọi sự biến, sự kiện khác bị lu mờ? Để nhắm đánh đổ công lao của vị tiền nhiệm nào đó và vun vén cho vị trí và chỗ đứng vừa chiếm lĩnh của mình?

Cũng lại ít ai biết được rằng ba ngày sau khi thảm kịch xảy ra, những nhân viên KGB tìm thấy hai chiếc dù tại một ngôi làng gần nơi xẩy ra sự cố. (Vào thời gian đó công việc của Ủy Ban điều tra hoàn toàn giữ bí mật, không một mẩu tin tức nào được rò rỉ ra ngoài. Thậm chí các kỹ sư trong một Tiểu ban cũng không được phép bàn bạc với nhau về kết quả của cuộc điều tra).

Mọi điều hóa ra hết sức giản đơn... Trước khi có cuộc phong tỏa kín đặc bảo vệ chiếc máy bay, những tên trộm trong ngôi làng nọ đã đánh cắp hai cái dù, đơn giản chỉ để dùng làm vải may chăn hoặc màn che cửa. Thiết tưởng, nếu dân làng ấy được biết ai ngồi trong chiếc máy bay đó, chắc họ sẽ chặt tay mấy tên trộm. Khi hai cái dù bị cắt sẻ ra thành nhiều mảnh được mang tới phòng thí nghiệm, các điều tra viên sửng sốt, tại sao trên những mảnh vải dù có vương máu? Ấy thế nhưng ở nơi máy bay rơi lại hoàn toàn không có máu - thi thể hai phi công đã tan nát vì cú va đập quá mạnh. Xem xét lại, trên những mảnh dù kia không phải là máu. Những tên trộm đã dấu những mảnh vải dù trong đống phân súc vật!

Còn một khẳng định nữa thuộc thói thông thái rởm của Ủy ban điều tra. Trong việc soi xét đến từng milimet các lớp đất người ta đã tìm thấy những chiếc lông của loài chim dẻ cùi.

Giả thuyết 2:

Ngay lập tức một giả thuyết đã nảy sinh: Hay phi cơ của Gagarin đụng phải chim và vì thế bị sé toang trong chớp mắt? Những viện sỹ - điểu học được mời ngay tới. Những nhà khoa học này giải thích không hề có chút chứng cớ gì chứng tỏ phi cơ đã đụng phải chim chóc. Và các chuyên gia ngành điểu học còn xác định rõ rệt hơn: có một con chim ác bạc tấn công một con dẻ cùi. Thậm chí các viện sỹ còn xác định được con ác bạc tấn công con dẻ cùi từ hướng nào?

Một Tiểu ban khác tìm kiếm thảm kịch xảy ra với Yuri Gagarin bằng cách soi xét kỹ càng những người gần gũi, thân quen của hai phi công. Dĩ nhiên dễ dàng hiểu ra những ai nằm trong Tiểu ban này. Ví như trong danh sách những người bị nghi ngờ có chị vợ của nhân viên kỹ thuật chuyên làm nhiệm vụ kiểm tra máy bay trước khi cất cánh. Nhiều năm trước khi xẩy ra thảm họa chị này làm việc ở hồ chứa nước vùng Khimsky và có tiếp xúc với vợ của Tùy viên văn hóa Đại sứ Mỹ ở Moskva. Về sau, mọi điều sáng tỏ: chị ta gặp vợ vị tham tán Mỹ kia chỉ là sự tình cờ gỉa thuyết

Giả thuyết 3:

Seregin và Gagarin say rượu. Sao đây, hai Anh hùng Liên Xô, cùng chơi trò đùa giỡn khi bay lên bầu trời? Và không ai can gián họ ư? Đúng là hai hôm trước chuyến bay, tại Trung tâm đào tạo phi công vũ trụ nhân sinh nhật một người bạn, Seregin và Gagarin có uống hai chai vang. Sang ngày 26, không ai trong hai người tìm tới bất cứ một thứ nước có cồn nào nữa.

Trong câu chuyện truyền miệng Yuri Gagarin cũng đã bị xếp vào hàng ngũ những người thích say sưa. Việc này không phải không có nguyên do. Tất cả được bắt đầu từ sau ngày 12 tháng Tư năm 1961 và không chịu ngưng lại. Chạm cốc và chạm cốc với các nguyên thủ các quốc gia, với các vị tướng lĩnh, trong các cuộc tiệc tùng ở nước ngoài. Ai chẳng muốn níu kéo phi hành gia vũ trụ đầu tiên đến với mình và làm một ly!

- Đừng lên mặt thế! Không muốn cạn một ly với bọn này sao? Yuri Gagarin từng bước phải học cách đẩy lùi những trò khiêu khích như vậy. Vào năm 1967 anh mới chỉ 33 tuổi. Muốn bước chân vào quyền lực ư? Không hề! Anh quyết định phải bay vào vũ trụ một lần nữa! Và muốn làm được điều đó thì phải thành thục điều khiển những chiếc máy bay phản lực hiện đại.

Nhưng ngày 27 tháng Tư không phải là ngày tốt đối với cả Gagarin và Seregin. Đã có trục trặc xảy ra khi Gagarin đáp xe khách tới sân bay Tsakalov. Ngồi vào ghế rồi, anh chợt nhớ ra đã quên thẻ vào sân bay ở nhà.

- Đừng quay về làm gì! Không có thẻ anh vẫn được vào sân bay thôi. Mọi người đều biết anh mà! - Các phi công khuyên can anh.

- Ồ, như thế là thiếu nghiêm túc - Gagarin đáp lại bè bạn và quay trở về nhà.

Quay trở về... Với các phi công đây là một điềm gở không nên có. Bạn hữu khuyên anh hãy hoãn chuyến bay tập. Nhưng anh không nghe.

Cũng trong buổi sáng hôm ấy, một điều gì đó không vui đã xẩy ra với kỹ sư Seregin. Anh bực bội khi trò chuyện với vị tướng chỉ huy Trung tâm huấn luyện phi hành gia. Và anh đã bước lên máy bay với gương mặt ảm đạm.

Giả thuyết 4:

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là sự yếu kém về mặt kỹ thuật của chúng ta. Máy bay cũ, mọi bộ phận đã hao mòn, bộ phận đo đạc khí tượng không gây tin cậy để cho phép tiến hành những cuộc bay tập. Trong giả thuyết này quả là có nhiều phần trăm sự thật! Chiếc máy bay thám hiểm thời tiết hạ cánh chỉ cách lúc máy bay của Gagarin cất cánh khoảng trên dưới một phút. Trên chiếc UTI MiG-15 của Gagarin chưa đặt “hộp đen”. Có máy tự ghi tốc độ và độ cao đấy, nhưng hôm đó người ta quên nạp giấy cho máy. Chuyến bay cần tới hai máy định vị: một về tốc độ, một về độ cao. Với một thời điểm, một địa điểm có tới 7 máy cung cấp dữ liệu cho chiếc UTI MiG-15. Nhưng ngày hôm đó máy báo độ cao không làm việc. “Chuyện nhỏ” ư?

Ủy ban Nhà nước giải thích với một máy bay tập luyện những “chuyện nhỏ” như vậy không ảnh hưởng gì. Cho tận tới lúc va chạm với mặt đất các máy móc báo độ cao và tốc độ như vậy vẫn hoạt động bình thường. Nhưng lại có những cứ liệu khác chứng minh chính sự trục trặc của chúng gây ra thảm họa cho chiếc máy bay.

Giả thuyết 5:

Một trong những nhà nghiên cứu thảm họa của máy bay UTI MiG-15, Thiếu tướng Sergei Mikhailovist Berlosterkovsky đã chứng minh một cách đầy sức thuyết phục rằng, máy bay của Gagarin và Seregin đã gặp một cơn lốc xoáy khiến máy bay buộc phải hạ thấp độ cao và mất thăng bằng. Giả thuyết này đã được một phi hành gia nổi tiếng khác là Aleksei Arkhipovist Leonov đồng tình ủng hộ.

Giả thuyết 6:

Giả thuyết này được nhà du hành vũ trụ thứ 2 German Sepanovist Titov chia sẻ. Theo ông chiếc UTI MiG-15 đụng độ với một quả bóng thám không và sé một khoảng hở trên thân máy bay. Chiếc UTI MiG-15 trong giây lát mang thương tật.

- Khi nào nghỉ hưu tôi sẽ tìm tới cánh rừng nơi đó, đến đúng chỗ chiếc máy bay rơi... Đáng tiếc sao, German Titov đã mất vào năm 2000.

Những người lính đã tìm thấy tại vùng UTI MiG-15 rơi có tới hàng chục quả bóng thám không. Tất cả đều đã cũ.

Bốn mươi năm sau

Ủy ban Nhà nước đã đào bới, soát xét, lục lạo tất cả. Tính tới cả vận tốc khi máy bay lao xuống đất, góc nghiêng của máy bay và khả năng tự giải thoát ra khỏi thảm họa của chiếc máy bay.

Nhưng tất cả dữ kiện thu thập được không gặp nhau trên bức tranh chung. Và một kết luận duy nhất đã không diễn ra. Hoàn toàn không thể diễn ra được! Từ đây cả những giả thuyết về việc máy bay rơi, cả những kiến giải về lối thoát có thể của phi công đều không gây được sự xác thực và độ tin cậy.

- Với sự hiểu biết vào những năm tháng đó hoàn toàn không thể tìm ra kiến giải đúng – Chuyên viên dày dạn kinh nghiệm I. Ivanovist Cuznetsov khẳng định.

Vậy người ta đã làm gì vào những năm tháng ấy? Chả lẽ một Ủy ban nhà nước đầy quyền lực đến như thế cũng không đào bới tới gốc rễ sự thật sao? Những kỹ sư, những chuyên gia y tế, những phi công tài năng chẳng lẽ đành chịu bó tay không thể nào trả lời nổi câu hỏi: Phi hành gia số một của trái đất chết vì nguyên do gì sao?

Chỉ biết cái Ủy ban kia lặng lẽ giải tán. Mọi tài liệu thâu gom được chui vào phong bao ngoài đề hai chữ “Tuyệt mật”!

...Bốn mươi năm đã trôi qua. Có lẽ đã đến lúc cần mở kho lưu trữ ra và thử soi rọi ánh sáng vào một trong những thảm họa hàng không nhiều bí ẩn nhất của thế kỷ 20. Igor Ivanovist Cuznetsov tin chắc rằng, hiện nay với kỹ thuật mới, với những hiểu biết mới về cơ thể con người biết tự điều tiết trong những tình huống cực kỳ hiểm nghèo, chúng ta hầu như tin tưởng một trăm phần trăm để nói rằng đã có điều gì xảy ra với chiếc máy bay của Gagarin và Seregin.

Và chỉ trong giây lát xác lập đúng bức tranh về chuyến bay của chiếc máy bay UTI MiG-15!

Một ý kiến khác

- Tôi còn nhớ rõ vào năm 1987 cha tôi đã kể với tôi vì sao người ta không muốn làm sáng tỏ những gì đã xảy ra với Gagarin và Seregin - Viện sỹ hàn lâm Valentin Glusko, con trai của Viện sỹ hàn lâm Aleksandr Glusko nhớ lại - Cha tôi cho rằng vấn đề không phải ở sự rối rắm, phức tạp của sự kiện xảy ra ngày 27 tháng 3 năm 1968, mà ở chỗ người ta không có ý định làm minh bạch sự kiện ấy trước bàn dân thiên hạ.

Theo ý kiến của cha tôi các ông chủ trong Điện Kremli thuở đó không mảy may có ý muốn đào bới cho ra sự thật. Chính vì thế việc tổ chức phối hợp công việc giữa các Tiểu ban đã không xảy ra. “Kết quả cuối cùng thật trớ trêu - cha tôi nói với tôi - bất cứ một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, có kiến thức nào dường như cũng đều có những đóng góp lớn lao hơn rất nhiều những ai muốn tìm ra kết luận cuối cùng về cái chết của nhà du hành vũ trụ đầu tiên”.

Cha tôi có ấn tượng là có một nguyên cớ nào đó không cho phép rút ra những kết luận khách quan. Nhưng đó là nguyên cớ gì đây?

(KTGĐ số 15)

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm