| Hotline: 0983.970.780

Xung quanh loạt bài Ồ ạt móc ruột tài nguyên ở Đông Nam bộ

Thứ Năm 12/08/2010 , 13:03 (GMT+7)

Chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của người dân địa phương.

Nhiều tuyến đường mới làm xong đã bị xe ben cày nát.
Sau khi loạt bài khởi đăng trên NNVN (từ số 157 - 159), chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của người dân địa phương. Các cơ quan chức năng cũng đã bày tỏ ý kiến riêng của mình với NNVN.

Ông Trịnh Tuấn Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa, Đồng Nai:

Ảnh hưởng tới dân cư đã giảm

Từ năm 2006 trở về trước, hoạt động nổ mìn khai thác đá làm ảnh hưởng đến nhà dân khu vực gần các mỏ đá là có. Vì vậy, ngày 28/12/2006 UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Sở Công nghiệp (nay là Sở Công thương) chủ trì kiểm tra và yêu cầu bắt buộc các cụm mỏ khai thác đá áp dụng phương pháp điều khiển vi sai phi điện và khống chế lượng thuốc nổ cho mỗi lần nổ để giảm thiểu ảnh hưởng đến các hộ dân lân cận và tác động tiêu cực đến môi trường xung quanh.

Đến nay, các ảnh hưởng làm rung chuyển nhà cửa khu dân cư, tiến ồn và bụi từ hoạt động nổ mìn và khai thác chế biến đá đã giảm. Bên cạnh đó, hàng năm các Cty khai thác mỏ đều phối hợp cùng với chính quyền địa phương (UBND các phường xã có hoạt động khai thác mỏ) thống kê mức thiệt hại của từng hộ và có hỗ trợ bằng tiền đối với các trường hợp ảnh hưởng đến hoa màu, hỗ trợ bảo hiềm y tế… theo quy định.

Ông Đặng Minh Hưng - Chủ tịch UBND huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương:

Huyện không đủ thẩm quyền xử lý

Nhiều năm qua, việc nổ mìn khai thác đá chúng tôi có nghe người dân phản ánh, khiếu nại. Mặc dù các doanh nghiệp đóng trên địa bàn có cam kết là sẽ phun sương (nước) trong việc xay nghiền đá để tránh bụi, tuy nhiên có lẽ do việc làm này đòi hỏi chi phí cao nên doanh nghiệp không thực hiện. Tuy vậy, trong những lần đi phối hợp kiểm tra cùng đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh có lẽ do được thông báo trước (theo đúng quy định, và việc thanh tra 1 năm 1 lần) nên chúng tôi thấy những doanh nghiệp này thực hiện rất tốt, có phun nước khi xay đá, có bảo hộ lao động cho công nhân…Nhưng có thể sau khi đoàn đi về thì họ không thực hiện nên mới gây ô nhiễm khiến người dân bức xúc. Trong khi đó huyện không đủ thẩm quyền để vào kiểm tra và xử lý. Hiện nay các doanh nghiệp này đã xin được gia hạn giấy phép khai thác đến hết năm 2013.

Ông Phạm Hữu Nghĩa,Trưởng phòng Khoáng sản Sở TN-MT Đồng Nai:

DN đối phó với đoàn kiểm tra

Hiện nay toàn tỉnh đang cho phép khai thác 46 mỏ đá và vật liệu xây dựng nhưng đến hết ngày 31/12/2010 sẽ có 10 mỏ phải đóng cửa hầm. Các mỏ đá sau khi khai thác tạo thành những hồ sâu tới 70 mét, hiện không có quy định nào yêu cầu phải san lấp lại nhưng tỉnh đã có chỉ đạo sẽ làm những hồ nước gắn liền công viên cây xanh và đã giao Sở Xây dựng và TP. Biên Hoà nghiên cứu sử dụng mặt bằng này có hiệu quả. Việc nổ mìn hiện nay đang được các mỏ áp dụng phương pháp điều khiển vi sai phi điện và khống chế lượng thuốc nổ cho mỗi lần nổ. Bên cạnh đó, các mỏ đã khai thác xuống khá sâu, cách mặt đất từ 50 đến 80 mét nên có lẽ khó có thể làm ảnh hưởng nhiều đến người dân được. Theo qui định, khu vực sàng, nghiền đá phải có hệ thống phun sương tại đầu băng tải đá, nhưng thực tế gần như doanh nghiệp không sử dụng do nước phải mua từ nơi khác chở đến, chi phí cho điện cũng không hề nhỏ. Do đó, họ chỉ sử dụng mang tính đối phó khi có cơ quan chức năng kiểm tra.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Chánh Thanh tra Sở TN - MT tỉnh Đồng Nai:

Cái khó là kế hoạch kiểm tra được báo trước

Chúng tôi chỉ can thiệp được vấn đề ô nhiễm trong khuôn viên khai thác đá, còn khi xe ben chở quá tải quá khổ, cơi nới thùng xe… thì thuộc thẩm quyền xử lý của CSGT. Theo qui định thì mỗi năm chỉ thanh kiểm tra các mỏ đá 1 lần về quản lý khoáng sản, an toàn lao động, ô nhiễm môi trường… trong đó việc kiểm tra về ô nhiễm là quan trọng nhất. Tuy nhiên, cái khó là kế hoạch kiểm tra đã được thông báo trước cho các doanh nghiệp khai thác đá nên họ có dư thời gian để chuẩn bị, đối phó. Chúng tôi mang thiết bị xuống hút không khi tại khu vực máy sàng nghiền, thế là họ dùng đến 3 vòi phun sương chĩa thẳng vào khu vực máy hút không khí đang hoạt động, vậy là chào thua.

Thượng tá Trần Minh Hữu,Trưởng phòng CSGT đường bộ CA tỉnh Bình Dương:

Xe ben lộng hành là có

Chúng tôi không bảo kê cho xe ben. Đã từ lâu, lãnh đạo CA tỉnh đã yêu cầu toàn bộ chiến sỹ CSGT cam kết không được làm, kinh doanh GTVT. Tình trạng xe ben lộng hành trên QL 1K là có, tuy nhiên do biên chế quân số trên địa bàn còn rất ít (chỉ khoảng 10 người) phụ trách địa bàn 2 huyện Thuận An và Dĩ An vừa làm tỉnh lộ vừa làm quốc lộ, do đó với lực lượng chỉ 10 người thì không đáp ứng đủ. Trong khi đó, các xe ben lộng hành là do chúng có lực lượng “chỉ điểm”, chuyên quan sát khi lực lượng CSGT ra quân tuần tra là thông báo ngay và các xe ben sẽ trốn hết. Trong khi đó, CSGT trên tuyến đường này chỉ thực hiện tuần lưu, không chốt chặn.

Trung tá Dương Thanh Hải, Phó Phòng CSGT CA tỉnh Đồng Nai:

CGST bị... theo dõi

Khu vực xã Hóa An, Biên Hòa thuộc quản lý của Đội CSGT TP. Biên Hòa. Trước kia chúng tôi từng phối hợp với Sở GTVT và chỉ đạo CSGT Biên Hòa lập kế hoạch làm quyết liệt để chấm dứt tình trạng xe ben “lộng hành”, chở đá cát quá quá tải, không che chắn phóng nhanh vượt ẩu trên quốc lộ 1K, tỉnh lộ 16… Quan điểm của Ban Giám đốc và Phòng CSGT là làm rất gắt gao, quyết liệt chứ không hề có chuyện làm ngơ hay “bảo kê” cho xe ben được. Chúng tôi mới vừa họp giao ban và cũng đã chỉ đạo các đơn vị phải làm thật nghiêm các xe vi phạm; không có chuyện nể nang quen biết để xin xỏ. Bên cạnh đó, nếu có bằng chứng về CSGT làm sai cũng sẽ phải xử lý nghiêm, kiên quyết. Tuy nhiên, có một cái khó là hiện lực lượng CSGT còn mỏng nên không thể ngày đêm chốt chặn tại một điểm được. Trong khi đó, giới tài xế họ rình mình chứ mình không rình được họ, thấy mình chốt là họ trốn ngay. Từ thông tin của NNVN cung cấp sắp tới phòng sẽ tham mưu cho Ban giám đốc công an tỉnh để có biện pháp xử lý triệt để.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.