| Hotline: 0983.970.780

Xung quanh việc xét tặng Giải thưởng Nhà nước: Chuyện lạ ở hội đồng văn học

Thứ Ba 23/08/2011 , 09:11 (GMT+7)

Số lượng tác giả đề cử giải thưởng Hồ Chí Minh cũng như Giải thưởng Nhà nước trong năm nay của loại hình văn học chiếm nhiều nhất.

Nhà văn Nguyên Ngọc và nguyên mẫu anh hùng Núp trong tác phẩm Đất nước đứng lên

Theo danh sách đề cử lên Hội đồng Nhà nước, số lượng tác giả đề cử giải thưởng Hồ Chí Minh cũng như Giải thưởng Nhà nước của loại hình văn học chiếm nhiều nhất. Nếu như năm 2007, duy nhất nữ sĩ Anh Thơ được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh thì năm nay, có tới 12 nhà văn được đề cử giải này. Phải chăng chỉ với hơn 5 năm nền văn học của chúng ta đã đạt được thành tựu rực rỡ?

Theo quan niệm thông thường, những tác phẩm xuất sắc vừa có giá trị nghệ thuật cao vừa có giá trị tư tưởng lớn. Không thể coi những tác phẩm xuất sắc là những tác phẩm “chết yểu”, có tuổi thọ ngắn hơn tuổi đời tác giả. Những tác phẩm xuất sắc phải là những tác phẩm có tuổi thọ vượt xa tuổi đời của các tác giả...Với quan niệm như vậy thì rất mừng khi danh sách đề cử lên Hội đồng Nhà nước có tới 12 tác giả Giải thưởng Hồ Chí Minh và 74 nhà văn ở Giải thưởng Nhà nước cho đợt xét năm 2001 này.

Danh sách các tác giả có tác phẩm được đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh gồm: Hoàng Tích Chỉ, Lê Lựu, Đỗ Chu, Hồ Phương, Ma Văn Kháng, Hà Minh Đức, Phạm Tiến Duật (đã mất), Hữu Thỉnh, Nguyên Ngọc, Lê Văn Thảo, Bùi Hiển (đã mất) và Thanh Thảo.

Nhìn vào danh sách này, chúng ta thấy trừ nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ ra còn nhà văn nào cũng đã được trao thưởng Nhà nước từ đợt 1 hoặc 2. Điều này có phạm quy không? Không. Quy chế không cấm. Và khi nhận ra điều này, có lẽ các hội đồng cơ sở khác sẽ “ngã ngửa” khi không biết “lách quy chế” để tiếp tục đề cử những tác giả từng được trao Giải thưởng Nhà nước trong loại hình nghệ thuật của mình.

Nhìn vào bảng kê các tác phẩm, cụm tác phẩm đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh hẳn chúng ta sẽ một lần nữa thấy “lạ” và “ngỡ ngàng”. Thử điểm một vài tác phẩm đề cử của một vài nhà văn xem sao. Nhắc đến nhà văn Ma Văn Kháng, phần đông bạn đọc nhớ ngay đến “Mùa lá rụng trong vườn” xuất bản năm 1985 - thời kỳ đổi mới. Tác phẩm đã được đạo diễn Quốc Trọng dựng thành phim truyền hình “Mùa lá rụng” thu hút người xem thành một hiện tượng.

 Nhắc đến nhà văn Nguyên Ngọc bạn đọc nhớ ngay tới “Đất nước đứng lên” với hình tượng anh hùng Núp hay truyện ngắn “Rừng Xà nu”. Nhắc đến nhà văn Lê Lựu, hình ảnh anh Giang Minh Sài lại hiện ra trong tác phẩm “Thời xa vắng”. Năm 2003, tác phẩm đã được chuyển thể thành phim truyện nhựa do đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh đạo diễn. Nhắc đến nhà văn Hồ Phương, hầu như ai cũng nhớ tới “Cỏ non” và nhân vật anh Nhẫn chăn bò. Truyện này cũng đã được đưa vào chương trình sách giáo khoa lớp 9...

Thế nhưng, “lạ” chưa, thay vào những tác phẩm "đỉnh cao" này lại là những tác phẩm khác. Với nhà văn Ma Văn Kháng, là: "Truyện ngắn chọn lọc Ma Văn Kháng", và ba tiểu thuyết: "Mưa mùa hạ", "Côi cút giữa cảnh đời", "Gặp gỡ ở La Pan Tẩn"; với nhà văn Hồ Phương là hai tiểu thuyết: "Ngàn dâu", "Những cánh rừng lá đỏ"; với nhà văn Nguyên Ngọc là: "Rẻo cao" (truyện ngắn); với nhà văn Lê Lựu là: "Sóng ở đáy sông" (tiểu thuyết)...

Sự "lạ" này do quy chế quy định không cho phép ghép những tác phẩm đã được trao Giải thưởng Nhà nước với tác phẩm khác thành cụm tác phẩm để tiếp tục được đề cử trao Giải thưởng Hồ Chí Minh. Vậy là những tác phẩm không phải là “đỉnh” của tác giả lại được đưa ra để đề cử. Ai cũng “ngầm hiểu” Giải thưởng Hồ Chí Minh là cao hơn Giải thưởng Nhà nước vì tiêu chí “chặt” hơn, mặt khác, số lượng các tác giả được đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh bao giờ cũng chỉ bằng một phần nhỏ số lượng của Giải thưởng Nhà nước. Vậy thử hỏi: Giải thưởng Hồ Chí Minh là trao cho tác phẩm dưới “tầm” của tác phẩm Giải thưởng Nhà nước hay Giải thưởng Hồ Chí Minh là để trao cho cá nhân các tác giả?

Một chuyện “lạ” khác trong danh sách đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước có hai nhà biên kịch điện ảnh được xét ở Hội đồng cơ sở văn học. Đó là Hoàng Tích Chỉ và Nguyễn Thị Hồng Ngát. Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ được đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh với chùm kịch bản: "Trên vĩ tuyến 17" (Kịch bản phim truyện); "Biển gọi" (Kịch bản phim truyện); "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" (Biên kịch thứ nhất phim truyện); "Em bé Hà Nội" (Biên kịch thứ nhất phim truyện); "Mối tình đầu" (Biên kịch thứ nhất phim truyện), "Thành phố lúc rạng đông" (Biên kịch thứ nhất phim tài liệu). Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát với chùm kịch bản: "Canh bạc", "Cha tôi và hai người đàn bà", "Trăng trên đất khách".

Kết thúc bài viết, chúng tôi thiết nghĩ: Ở lần xét sau, Hội đồng cơ sở Hội Nhà văn nên tính toán: Nếu định “dự kiến” tác giả nào có thể sẽ được Giải thưởng Hồ Chí Minh ở đợt sau nữa thì nên đề cử luôn vào danh sách đợt đang xét. Như vậy sẽ tránh được tình trạng một tác giả hưởng cả hai giải, mà tác phẩm xét giải thưởng “thấp hơn” lại “đỉnh hơn” tác phẩm ở giải cao. Mặt khác cũng tạo điều kiện để các nhà văn khác có cơ hội được vinh danh.

Lý giải điều này, ông Nguyễn Hải Anh, Vụ Trưởng Vụ Thi đua khen thưởng - Bộ VHTTDL, cho biết: “Quy chế cho phép các nhà biên kịch có quyền được chuyển kịch bản sang xét đề cử ở Hội đồng cơ sở văn học”. Về vấn đề này, cũng có ý kiến băn khoăn: Trước nay ở Việt Nam, kịch bản điện ảnh hầu hết là để làm phim chứ không phải để đọc như một tác phẩm văn học. Và nếu không xét nhà biên kịch ở lĩnh vực điện ảnh thì nên xét ở lĩnh vực sân khấu. Vì bên sân khấu cũng có nhà biên kịch. Dẫu sao kịch bản điện ảnh và kịch bản sân khấu cũng có nét tương đồng. Hơn nữa, hiện tại chúng ta cũng đang ghép hai loại hình sân khấu và điện ảnh trong Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh đấy sao?

Lại nhìn vào cụm tác phẩm của nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ, chúng ta thấy những tên phim thu hút người xem và đạt đỉnh cao điện ảnh một thời như: "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm"; "Em bé Hà Nội"; "Mối tình đầu"; "Thành phố lúc rạng đông". Tất cả mấy bộ phim này đều do Hải Ninh đạo diễn. Đạo diễn Hải Ninh đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Vậy nên, nếu xét ở khía cạnh cống hiến cho điện ảnh, Hoàng Tích Chỉ có lẽ cũng xứng đáng ở Giải thưởng Hồ Chí Minh. Thế nhưng, trong những kịch bản này, Hoàng Tích Chỉ lại đóng vai trò là Biên kịch thứ nhất phim truyện. Không hiểu khi xét, các thành viên của Hội đồng có tính đến Biên kịch thứ hai sẽ “tranh cãi” đóng góp của họ cũng ngang bằng Hoàng Tích Chỉ, thậm chí họ còn cho rằng những chi tiết của họ có phần còn hay hơn? Còn với nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, kịch bản “Canh bạc” đã từng gây xôn xao dư luận một dạo rằng: Kịch bản phải hay không phải chuyển thể từ truyện ngắn “Canh bạc gá vợ” của Nguyễn Thành Phong?

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất