| Hotline: 0983.970.780

Xuống núi học chữ

Thứ Ba 30/08/2011 , 10:17 (GMT+7)

Để các em học sinh được học cái chữ như hôm nay, thầy và trò Trường THCS Ba Nang (Đakrông, tỉnh Quảng Trị) phải vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ.

Thầy Hoàng Văn Luận kể, hồi mới lên dạy chữ ở Ba Nang, sốt rét rừng và lũ quét đã làm hai đồng nghiệp của thầy mãi mãi không trở về. Để các em học sinh được học cái chữ như hôm nay, thầy và trò Trường THCS Ba Nang (Đakrông, tỉnh Quảng Trị) phải vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ.

1. Ngày tựu trường cận kề. Trên rẻo cao Trường Sơn, các học sinh con em dân tộc Vân Kiều lần lượt xuống núi học chữ. Cũng như không ít bạn, lần xuống núi này của Hồ Văn Thế ở bản Tà Mên khó làm sao. Khó hơn cả khi Thế vác a - chói lên đỉnh núi Chu Căng Ta hái măng rừng và bắt con nai. Mặc dù bố mẹ rất thích cho Thế đi học nhưng lại sợ nuôi không nổi.  

Thầy hiệu trưởng Hoàng Văn Luận luôn động viên, chia sẻ những khó khăn với học sinh

Từ nhà của Thế đến trường trung tâm Ba Nang cách xa 20 km đường đi bộ. Nếu đi học thì mỗi tuần em sẽ trở về nhà một lần để lấy lương thực. Nghiệt cái, bố mẹ em không thể lo nổi cái ăn hàng ngày cho em. Đã vào tận bản xa, đến từng nhà vận động học sinh xuống núi học chữ nhưng thầy Hoàng Văn Luận, hiệu trưởng của trường THCS Ba Nang và nhiều thầy cô giáo khác vẫn chưa thể thuyết phục được bố mẹ của Thế cho con đến trường.

Nguy cơ nhiều học sinh người Vân Kiều không thể xuống núi học chữ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn đe doạ chuyện học của các em. Không thể để các em bơ vơ, trở về trường thầy Luận gửi công văn đến các cơ quan, đơn vị trong tỉnh để xin gạo, quyết tâm tìm mọi cách nuôi dạy học trò. Thư từ gửi đi đã nhiều, đợi khá lâu mà vẫn chưa có hồi âm. Nhiều hôm thầy Luận cùng các thầy cô giáo lo âu. Lẽ nào các em phải tự bơi giữa cuộc đời này?

Rồi điện thoại của thầy hiệu trưởng lại reo lên, tin vui từ đơn vị này, đơn vị khác gọi đến thông báo sẵn sàng tặng cho các em một vài tạ gạo để các em có cái ăn hàng ngày. Vậy là khâu lương thực cho học sinh bán trú bước đầu đã tìm được hướng giải quyết. Các thầy cô giáo lại tất tả và tự tin hơn khi trở lại bản năn nỉ học sinh xuống núi đi học.

Đã có được ít gạo “làm vốn” nên những trường hợp học sinh quá khó khăn thì nhà trường có thể cố gắng “bao sân” cho các em. Trong lần trở lại ấy, các thầy cô không quên tìm đến gia đình học sinh Hồ Văn Thế ở bản Tà Mên với lời hứa: Em cứ đi học, các thầy cô lo chuyện ăn ở cho em.

Tạm biệt bản Tà Mên chênh vênh trên đỉnh núi xa, rồi các thầy cô lại lên đường đến các bản lẻ như Bù, Ngược...những tên gọi mà mới nghe đã thấy xa xôi, hiểm trở để tiếp tục vận động từng em học sinh đến trường. Hôm tôi đến, thầy Hoàng Văn Luận vui mừng thông báo năm nay xã Ba Nang có được 73 học sinh xuống núi theo học lớp 6, nâng tổng số học sinh toàn khối THCS đến 198 em.

2. Ba Nang là một xã đặc biệt khó khăn, có nhiều thôn bản chung đường biên giới với nước Lào. Học sinh ở các bản xa có nơi phải đi bộ mất 40 km mới đến trường. Năm trước, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã xây cho các em một khu bán trú đàng hoàng.

Có được chỗ ở khô ráo, sạch sẽ để tránh mưa gió, nhưng chuyện cái ăn của các em là hết sức nan giải. Tất cả các học sinh ở khu bán trú phải tự túc toàn bộ sinh hoạt hàng ngày. Gia đình nào đời sống kha khá thì bố mẹ các em mang gạo đến tận trường cho con có ăn dần hàng tuần. Ngoài gạo ra, các bậc phụ huynh không chu cấp thêm cho con mình một cái gì nữa. Các em phải tự túc lao động trồng thêm hoa màu hay ra suối bắt cá, bắt ếch, nhái về làm thức ăn. Nhìn những học sinh bán trú mới bước vào lớp 6, ban đêm một mình cầm đèn dò dẫm đi bắt nhái, khiến không ít người ngậm ngùi.

Trong khu bán trú dân nuôi của trường THCS Ba Nang

Trong khu bán trú dân nuôi, không khó để tôi nhận ra em Hồ Văn Năng học sinh lớp 9. Em đã tự lao động kiếm tiền nuôi bản thân, không cần sự giúp đỡ gia đình. Mới nhìn đã thấy ở Năng toát lên tính cần cù chịu khó, không quản gian khổ, tự lập.

Năng là người dân tộc Vân Kiều. Học đến năm lớp 7, Năng không thể tiếp tục đi học vì gia đình em không còn gạo để chu cấp hàng tháng cho con. Biết được cái khó đang bủa vây lấy mình, Năng xin thầy cô cho em được phép nghỉ học ở nhà một năm để làm rẫy kiếm tiền. Ngày năng trình bày ý nguyện của mình, nhiều người thương em song vẫn không tin Năng sẽ thực hiện được giấc mơ ấy.

Thầy Nguyễn Văn Thể kể, mỗi lần về nhà bố mẹ hỏi con dạy học ở đâu, thầy chỉ tay lên trên đỉnh ngọn núi cao nhất mà nói ấy là nơi con đang công tác. Bố mẹ thầy hỏi lại ở giữa rừng xanh mà vẫn có người hả con? Thầy biết bố mẹ quan tâm, thương xót nên chỉ trả lời qua loa cho qua chuyện rồi tìm cách chuyển qua chuyện khác...

Thấm thoắt một năm trôi qua thật nhanh. Năng trở lại trường Ba Nang thông báo với thầy cô giáo em đã lo đủ tiền và xin được đi học. Thì ra, trong thời gian ở nhà ấy, Năng đã trồng được 4 sào sắn, thu hoạch bán được 17 triệu đồng. Năng gửi ngân hàng số tiền ấy để rút dần phục vụ cuộc sống. Mùa trồng sắn thứ hai, Năng lại kiếm thêm ngần ấy tiền nữa. Năm nay em bắt đầu vào học lớp 9 và tin rằng với "chiến lược" vừa học vừa làm, em sẽ kiếm đủ tiền về đồng bằng học lên cấp THPT. Câu chuyện của Năng khiến cho gần 100 học sinh ở khu bán trú xôn xao, thán phục.

3. Thầy Luận kể, có được học sinh xuống núi đi học, chỗ ở đàng hoàng, nhưng chuyện “đưa” cái chữ vào đầu các em không phải dễ dàng. Dạy và học ở miền núi, vùng cao khắc nghiệt rất nhiều so với đồng bằng. Khi nghỉ hè, học sinh trở lại rừng núi giúp gia đình làm nương rẫy. Nhiều em quên luôn tháng ngày, không nhớ thời điểm tựu trường. Thầy cô giáo không tìm đến từng nhà hay lên tận trên rẫy thông báo, động viên thì mùa tựu trường sắp đến, có không ít học sinh quên... đi học. Nên ngay từ đầu tháng 8 hàng năm, các thầy cô giáo đã kết thúc kỳ nghỉ hè, lên rừng đi tìm học trò của mình.

Sống và làm việc giữa rừng, nuôi dạy học trò, nhiều lúc người ta nghi ngờ lòng tốt của các thầy cô giáo. Họ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, gia đình. Hàng tháng vợ chồng mới được gặp nhau một lần, con cái phải gửi lại quê nhà nhờ ông bà giữ hộ.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khơi thông 'huyết mạch' những cánh đồng đất Cảng: Kênh mương 'cấp xã' chắp vá

HẢI PHÒNG Hệ thống công trình thủy lợi do các xã quản lý ở Hải Phòng được đầu tư từ lâu, đã xuống cấp do thiếu kinh phí tu sửa, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.