| Hotline: 0983.970.780

Ý kiến của Cục Trồng trọt về bài báo “Cơ cấu giống lúa quá bảo thủ”

Thứ Hai 26/12/2011 , 09:42 (GMT+7)

Cục Trồng trọt thấy cần phải cung cấp cho báo và bạn đọc những thông tin chính xác hơn và thảo luận làm rõ một số vấn đề báo nêu...

Thăm quan canh đồng sản xuất lúa giống ở An Giang

Cục Trồng trọt hoan nghênh, tiếp thu những góp ý đúng đắn, xây dựng để tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh các văn bản pháp luật liên quan và đề xuất cơ chế chính sách phù hợp nhằm làm cho giống mới đến với nông dân ngày càng nhiều hơn, nhanh hơn, hiệu quả sản xuất cao hơn.

>> Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc: Sẽ phải thay đổi cách quản lý về giống
>> Đã thành lỗi hệ thống!
>> Vấn đề giống, cần một “hệ điều hành mới”
>> Bao Công ở đâu?
>> Cơ cấu giống lúa quá bảo thủ

Tuy nhiên, Cục Trồng trọt thấy cần phải cung cấp cho báo và bạn đọc những thông tin chính xác hơn và thảo luận làm rõ một số vấn đề báo nêu.

1. Về số lượng giống lúa công nhận chính thức

Thống kê 5 năm 2007-2011 cả nước có 43 giống lúa lai và 51 giống lúa thuần được công nhận chính thức. Trong đó giống công nhận cho các tỉnh phía Bắc gồm 39 giống lúa lai và 25 giống lúa thuần, còn lại là công nhận cho các tỉnh phía Nam.

Như vậy ở phía Bắc, bình quân mỗi năm chỉ có 5 giống lúa thuần mới được công nhận. Nếu như năm 2003-2004 diện tích lúa gieo cấy bằng giống lúa do các đơn vị trong nước chọn tạo chỉ là 12,5%, thì năm 2009 theo thống kê của Cục Trồng trọt tỷ lệ này đã tăng lên 21,5% và đến nay khoảng 35-40%.

Về lúa lai nhìn con số giống được công nhận là nhiều so với diện tích gieo cấy lúa lai 650 nghìn ha. Tuy nhiên, giống lúa lai có những đặc thù riêng. Trong số 39 giống công nhận cho phía Bắc có 19 giống các đơn vị trong nước có hạt bố mẹ, còn lại 20 giống của các công ty nước ngoài. Trong số 19 giống chúng ta có dòng bố mẹ thì tổng diện tích hạt lai năm 2011 cao nhất mới chỉ đạt gần 1.450 ha, sản lượng 3.000 tấn, mới đáp ứng dưới 25% nhu cầu.

Thực tế, hàng chục giống lúa lai được công nhận nhưng không có mặt trong sản xuất do không có đủ hạt giống nhập nội hoặc sản xuất trong nước bấp bênh, giá thành quá cao, không cạnh tranh được với giống khác.

Hiện có trên 30 công ty nước ngoài đang có hoạt động khảo nghiệm, sản xuất, kinh doanh giống lúa lai tại nước ta, trong đó chủ yếu là các công ty Trung Quốc, đã tạo nên sự sôi động trên thị trường giống lúa lai, trong khi tổng diện tích lúa lai cả nước chỉ khoảng 650 nghìn ha, chiếm 9% diện tích lúa. Cần nhìn nhận đây là điều tích cực có lợi cho sản xuất, thông qua đó nhiều giống mới, giống tốt được khảo nghiệm, công nhận đưa vào sản xuất.

 2. Về quy định sản xuất thử

Sản xuất thử thực chất là bước khảo nghiệm giống trong điều kiện sản xuất đại trà, trước đây ta gọi là khu vực hóa giống, nhằm khẳng định ưu điểm, hạn chế của giống; đồng thời để nông dân tiếp cận với giống mới, một bước không thể thiếu trong quá trình đưa giống mới vào sản xuất.

Thủ tục công nhận giống sản xuất thử được quy định trong Pháp lệnh giống 2004 và cụ thể hóa trong Quyết định 95/2007/QĐ-BNN. Trong 5 năm qua ngoài số giống được công nhận chính thức nêu trên có khoảng 115 giống lúa được công nhận sản xuất thử, trong đó đến nay 26 giống đã bị loại bỏ vì quá 3 năm sản xuất thử nhưng chưa được công nhận.

Theo quy định sản xuất thử trên quy mô diện tích nhất định, dưới sự theo dõi đánh giá của Sở NN- PTNT. Tuy nhiên, nhiều đơn vị sản xuất thử vượt quá quy mô, không báo cáo địa phương, thậm chí quảng cáo rùm beng vi phạm quy định, làm rối thêm thị trường giống.

Nhằm tiếp tục đổi mới, đơn giản hóa thủ tục hành chính, Cục Trồng trọt đã trình Bộ dự thảo Thông tư sửa đổi Quyết định 95/2007/QĐ-BNN từ cuối năm 2010, tuy nhiên theo Nghị quyết 57/NQ-CP thì Thông tư sẽ ban hành sau khi Pháp lệnh Giống cây trồng 2004 sửa đổi bỏ thủ tục công nhận sản xuất thử.

Trong dự thảo Cục Trồng trọt đã đề xuất các biện pháp thay thế thủ tục công nhận sản xuất thử như tác giả giống có thể tiến hành khảo nghiệm sản xuất đồng thời với khảo nghiệm quốc gia (khảo nghiệm cơ bản), tăng cường vai trò của các Sở trong việc đánh giá, đề nghị công nhận giống hoặc coi trọng kết quả khảo nghiệm sản xuất, thậm chí là căn cứ quyết định khi có sự khác biệt với kết quả khảo nghiệm cơ bản…

3. Về cơ cấu giống do Sở NN- PTNT khuyến cáo

Theo Pháp lệnh Giống cây trồng 2004, giống trong Danh mục giống được phép sản xuất, kinh doanh thì mọi tổ chức, cá nhân có quyền sản xuất, kinh doanh. Danh mục giống do Bộ ban hành là văn bản pháp luật. Giống được vào Danh mục phải qua khảo nghiệm, sản xuất thử, được công nhận có sự khác biệt với các giống khác ít nhất 1 tính trạng đặc trưng, đồng nhất, ổn định và phải hơn giống đối chứng ít nhất một trong số các chỉ tiêu về năng suất, chất lượng, đặc tính nông học, khả năng chống chịu sâu bệnh, ngoại cảnh bất lợi…

Tuy nhiên, giống cây trồng là cơ thể sống, phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện môi trường. Giống được công nhận có trong Danh mục thì nguy cơ rủi ro cho sản xuất là rất thấp hoặc được cảnh báo trước. Tuy nhiên trên từng địa bàn, chân đất, tiểu vùng sinh thái, mức đầu tư thâm canh… khác nhau thì vẫn có sự khác nhau giữa các giống, mặc dù chúng đều là giống được công nhận.

 Vì vậy, từ lâu nay trước mỗi vụ sản xuất trên cơ sở thực tế đa số các Sở đều ban hành cơ cấu giống lúa để định hướng sản xuất, trong đó có các giống chủ lực và những giống bổ sung cho trà, loại đất, cơ cấu gieo trồng…

Trước hết cần khẳng định cơ cấu giống khuyến cáo là cần thiết giúp nông dân và chính quyền cơ sở định hướng chỉ đạo sản xuất. Nhất là đối với nước ta nông dân còn nhỏ lẻ, nhiều nơi chưa tiếp cận đầy đủ thông tin về giống, lại trong bối cảnh thị trường giống lúa đang cạnh tranh giữa hàng trăm công ty lớn nhỏ. Nhìn chung cơ cấu giống các tỉnh, thành phố xây dựng được thảo luận công khai, thể hiện trách nhiệm với nhân dân địa phương, tình trạng như báo nêu chỉ là cá biệt.

Tuy nhiên, cần hiểu rõ đây không phải là văn bản pháp luật, không có tính chất bắt buộc như Danh mục giống (trừ trường hợp có hỗ trợ từ ngân sách thì cơ quan nhà nước có quyền chỉ định giống được hỗ trợ). Nông dân có thể lựa chọn giống khác để sản xuất và doanh nghiệp có quyền bán giống khác nếu có người mua, tất nhiên giống có trong Danh mục và phải thực hiện đầy đủ các quy định khác của pháp luật.

Như vậy, trước mắt cũng như lâu dài nông dân là người quyết định việc sử dụng giống. Vì vậy, trước và cả sau khi giống được công nhận, doanh nghiệp cần chủ động trình diễn, làm mô hình cho nông dân mắt thấy, tai nghe; Sở có trách nhiệm giúp đỡ, theo dõi để công khai minh bạch thông tin về giống mới. Việc này cũng được quy định trong dự thảo Thông tư mới.

4. Sẽ đổi mới quản lý giống cây trồng

Như trên đã nêu dự thảo Thông tư thay thế Quyết định 95/2007/QĐ-BNN về khảo nghiệm và công nhận giống đã được Cục Trồng trọt chuẩn bị từ năm 2010, với những đổi mới quan trọng nhằm bỏ thủ tục sản xuất thử, rút ngắn thời gian từ khảo nghiệm đến công nhận giống lúa có thể xuống 3- 4 vụ.

Cục Trồng trọt cũng đã chủ động đề xuất sửa đổi Pháp lệnh Giống cây trồng từ năm 2008. Năm 2010 Bộ đã đề nghị Chính phủ xây dựng Luật Nông nghiệp, trong đó bao gồm lĩnh vực giống cây trồng, tuy nhiên đến nay dự án Luật này vẫn chưa được Quốc hội đưa vào kế hoạch xây dựng Luật, Pháp lệnh.

Rõ ràng, phương thức quản lý nào cũng có tích cực và hạn chế. Lựa chọn mô hình và đổi mới phương thức quản lý như thế nào cho phù hợp với sự phát triển của ngành giống cây trồng nước ta cần tiếp tục được thảo luận trong thời gian tới.

Trong bối cảnh như vậy việc Báo NNVN như một diễn đàn để chia sẻ các kiến nghị, đề xuất cũng là cách tốt để đi đến sự thống nhất.  Ví dụ, nước Mỹ và nhiều nước khác không công nhận, không có danh mục giống, từ khảo nghiệm đến đưa giống vào sản xuất đều do doanh nghiệp và nông dân thỏa thuận quyết định. Bởi nông dân họ sản xuất lớn, am hiểu kỹ thuật và pháp luật, trong khi nông dân nước ta đa phần còn nhỏ lẻ, vốn đầu tư thấp, dễ bị tổn thương. Số lượng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống của họ rất ít, tiềm lực to lớn, trách nhiệm xã hội và tuân thủ luật pháp cao; trong khi nước ta chỉ riêng ở phía Bắc năm 2011 có tới 65 đơn vị gửi gần 200 giống lúa mới để khảo nghiệm; sự chênh lệch quá lớn giữa các doanh nghiệp nước ta về năng lực (do Luật Doanh nghiệp quá thông thoáng) và trách nhiệm cộng đồng.

Vì vậy, Pháp lệnh giống 2004 chọn phương thức quản lý giống theo danh mục (các nước châu Âu mặc dù phát triển cao nhưng vẫn quản lý giống theo cách này và rất chặt chẽ). Khi quản lý theo danh mục giống, thì luôn xuất hiện mâu thuẫn giữa yêu cầu rút ngắn thời gian khảo nghiệm với yêu cầu phải đánh giá đúng, chính xác, không gây rủi ro cho sản xuất. Trong trường hợp này, cách tốt nhất để giải quyết mâu thuẫn là giao quyền cho doanh nghiệp và nông dân chủ động quyết định như mô hình của Mỹ.

(*): Tác giả hiện là Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất