| Hotline: 0983.970.780

Yên tâm sản xuất mía

Thứ Năm 04/10/2012 , 09:43 (GMT+7)

Hậu Giang là tỉnh có diện tích trồng mía lớn nhất khu vực ĐBSCL, với diện tích khoảng 15.000 ha.

Máy bơm công suất lớn do CASUCO tài trợ cho xã Hiệp Hưng

Hậu Giang là tỉnh có diện tích trồng mía lớn nhất khu vực ĐBSCL, với diện tích khoảng 15.000 ha. Tuy nhiên, do phần lớn diện tích mía được trồng ở vùng trũng nên năm nào người dân cũng phải thu hoạch mía chạy lũ.

Mía chưa đủ độ chín nên năng suất và chữ đường rất thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập. Để tránh tình trạng này, tỉnh đã đầu tư 153 tỷ đồng xây dựng hệ thống đê bao và vận động doanh nghiệp tài trợ máy bơm chống ngập úng cho vùng mía nguyên liệu, giúp nông dân yên tâm SX.

Cty CP Mía đường Cần Thơ (CASUCO) vừa làm lễ bàn giao máy bơm công suất lớn cho những hộ nông dân trồng mía ở ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng (Phụng Hiệp, Hậu Giang) để bơm rút nước chống úng cho vùng mía nguyên liệu, nhằm kéo dài thời gian thu hoạch.

Đây là 1 trong tổng số 15 chiếc máy bơm mà Cty dự kiến sẽ đầu tư trong năm nay cho các vùng đê bao bảo vệ mía đang được khẩn trương hoàn thành ở huyện Phụng Hiệp, với tổng trị giá trên 1,1 tỷ đồng. Ông Phan Văn Tâm, một hộ dân trồng mía ở ấp Quyết Thắng vui mừng: “Có được hệ thống đê bao và máy bơm chống ngập úng cho cây mía nông dân chúng tôi ai cũng phấn khởi. Trước đây có năm lũ về sớm, mía mới 7-8 tháng đã phải thu hoạch, giờ có thể neo lên 10-11 tháng, khi đó năng suất và chữ đường đều cao nên bán sẽ đạt lợi nhuận tối ưu nhất”.

Theo ông Tâm, với hệ thống đê bao hoàn chỉnh này, nông dân không chỉ chủ động về thời gian thu hoạch mà cả trong khâu xuống giống mía vụ mới. Do không có máy bơm nên mọi năm phải xuống giống 2-3 lần mới xong, có khi vừa đặt mía hom vài ngày là bị mưa lớn gây ngập úng buộc phải dỡ lên. Vừa tốn công vừa tốn giống. Giờ thì yên tâm rồi.

Đây sẽ là tiền đề để tiến tới cơ giới hóa trong SX mía. Do không bị ngập lũ nên nông dân có thể san lấp để tạo ra liếp mía lớn hơn, giúp dễ dàng đưa các loại máy đào hộc xuống giống, bón phân, máy thu hoạch mía vào hoạt động. Từ đó góp phần làm hạ giá thành SX, nâng cao thu nhập...

Ông Trương Văn Hiền, Chủ nhiệm Câu lạc bộ 200 (năng suất mía đạt từ 200 tấn/ha trở lên do CASUCO thành lập) ở ấp Quyết Thắng chia sẻ: “Hàng chục năm nay, cứ mỗi khi mùa mưa lũ về là nông dân trồng mía ở đây lại nơm nớp lo sợ. Vì nước ngập bờ là buộc phải thu hoạch dù mía còn non, bán không có giá… Giờ có được hệ thống đê bao hoàn chỉnh, nước lên thì chỉ việc nổ máy bơm ra là xong, yên tâm chờ tới ngày mía chín. Do không còn áp lực thu hoạch mía chạy lũ nên nông dân có thể thu hoạch rải vụ, tránh được tình trạng thiếu nhân công”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp Trần Văn Thắng cho biết, Phụng Hiệp là huyện chuyên SX nông nghiệp với cây trồng, vật nuôi chủ lực là mía, lúa và thủy sản. Riêng về cây mía, toàn huyện có hơn 9.000 ha, phần lớn đều bị ảnh hưởng khi lũ về. Do đó, trước mắt tỉnh đã đầu tư hệ thống đê bao cho hơn 5.000 ha thuộc địa bàn các xã Hòa An, Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng, thị trấn Cây Dương và Búng Tàu. Đồng thời vận động DN tài trợ máy bơm cho nông dân ở những vùng mía nguyên liệu đã đầu tư. Đây sẽ là cơ hội tốt cho nông dân yên tâm trồng mía, vì đã chủ động được từ khâu xuống giống đến thu hoạch.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang khẳng định, việc đầu tư hệ thống đê bao bảo vệ vùng nguyên liệu mía trên địa bàn tỉnh sẽ mang lại lợi ích nhiều mặt. Nông dân sẽ chủ động được thời vụ xuống giống cũng như thu hoạch, mía đủ độ chín nên sẽ góp phần tăng thu nhập. Nguồn nguyên liệu tăng lên sẽ góp phần làm tăng sản lượng đường, nhà máy cũng có lợi.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất