| Hotline: 0983.970.780

Yêu cầu của Trung tâm Nghiên cứu bò và Đồng cỏ Ba Vì là chính đáng

Thứ Ba 09/08/2011 , 11:15 (GMT+7)

BIẾN ĐÚNG THÀNH SAI

Trung tâm Nghiên cứu bò và Đồng cỏ Ba Vì đã thực hiện việc giao khoán đất hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cơ quan chức năng tỉnh Hà Tây (cũ) lại cho rằng Trung tâm thực hiện trái luật để thu hồi một phần đất của Trung tâm giao cho đơn vị khác, khiến CBCNV Trung tâm rất bức xúc.

Năm 1958, Trung đoàn 658 thuộc Sư đoàn 338 Bộ đội miền Tây Nam Bộ được lệnh đóng quân tại Ba Vì (tỉnh Sơn Tây cũ, nay là Hà Nội) với nhiệm vụ: Bảo vệ an ninh chính trị dọc hai tỉnh lộ 84 và 87, khai khẩn đất hoang để đưa vào sản xuất và chăn nuôi. Từ kết quả khai hoang đó, nông trường quốc doanh Ba Vì đã ra đời và sau một thời gian hoạt động, nông trường trở thành một đơn vị của Viện Chăn nuôi (Bộ NN - CNTP, nay là Bộ NN - PTNT).

Ngày 17/2/1989, Bộ NN - CNTP có Quyết định số 47/TCCB/QĐ, đổi tên và chuyển đổi chế độ quản lý một số tổ chức thuộc Viện Chăn nuôi. Theo đó, nông trường Ba Vì trở thành “Trung tâm Nghiên cứu bò và Đồng cỏ Ba Vì” (từ đây gọi tắt là Trung tâm), có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng.

Năm 1993, căn cứ luận chứng kinh tế - kỹ thuật đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND tỉnh Hà Tây đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho Trung tâm, với tổng diện tích 834,07 ha, trong đó đất dành cho thí nghiệm lâu dài 131 ha, đất vườn hộ 344,37 ha, đất trồng cây 159,37 ha, đất chuyên dùng và thổ cư 85,56 ha… thời hạn sử dụng đất được ghi trong sổ đỏ là “lâu dài”.

Năm 1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/CP, và kèm theo đó là “Quy định việc giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản trong các doanh nghiệp Nhà nước”. Điều 1 của quy định ghi rõ “Doanh nghiệp Nhà nước thực hiện việc giao khoán đất trong quy định này gồm: Nông trường quốc doanh; lâm trường quốc doanh; Cty; Xí nghiệp; Trung tâm; Trạm; Trại trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Theo điều 2 của quy định trên, thì các loại đất được giao khoán bao gồm đất nông nghiệp trồng cây lâu năm; đất nông nghiệp trồng cây hàng năm; đất lâm nghiệp (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất, đất trồng rừng được quy hoạch trồng cây lâm nghiệp) và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản. Trong đó “tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở các địa phương khác có vốn đầu tư vào sản xuất theo quy hoạch của bên giao khoán” nằm trong danh mục được ưu tiên nhận đất khoán, được ghi tại điều 3 của quy định trên.

Thực hiện sự chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tây (lúc đó là ông Nguyễn Đình Sở), sự chỉ đạo của UBND huyện Ba Vì và của Bộ trưởng Bộ NN - CNTP (lúc đó là ông Nguyễn Công Tạn) về thực hiện Nghị định 01/CP ngày 4/1/1995 của Chính phủ. Xét thấy Cty Nghiên cứu Đầu tư phát triển công nghệ Tây Nguyên (Cty NCĐTPT Tây Nguyên), một doanh nghiệp tư nhân, là đơn vị có đủ điều kiện nhận khoán, nằm trong danh mục ưu tiên của quy định ban hành kèm theo Nghị định 01/CP, nên ngày 13/6/1995, Trung tâm đã ký với đơn vị này bản “Hợp đồng giao và nhận khoán” số 02 với nội dung: Bên A (Trung tâm) giao khoán đất cho bên B (Cty NCĐTPT Tây Nguyên) diện tích đất (khoảng) 90 ha, để bên B thành lập vườn bảo tồn động, thực vật quý hiếm trong môi trường xanh, sạch.

Nhiệm vụ, cấu trúc chính của vườn bảo tồn, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, phương thức khoán và thời gian giao khoán được quy định rõ tại các điều 2,3,4, 5,6 của Hợp đồng. Diện tích giao khoán nằm trong chi tiết các loại đất nông nghiệp của sổ đỏ Trung tâm được cấp. Vị trí mà Trung tâm giao khoán cho Cty NCĐTPT Tây Nguyên là khu vực đập Gốc Gạo (dân địa phương gọi là khu Hang Vàng). Hợp đồng giao nhận khoán này được Viện Chăn nuôi, Bộ NN - CNTP xác nhận. Như vậy, việc giao khoán này là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.

Ngày 2/4/2008, UBND tỉnh Hà Tây ban hành Công văn số 1451/UBND-NN “V/v đầu tư Công viên điều dưỡng và Nghĩa trang”, cho phép Cty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ Hoa Sen nghiên cứu khảo sát tại khu vực Trung tâm Nghiên cứu bò và Đồng cỏ Ba Vì. Và chỉ 9 ngày sau (11/4/2008), UBND tỉnh Hà Tây đã có Quyết định số 879/QĐ-UBND, thu hồi 91 ha đất mà Trung tâm đã giao khoán cho Cty NCĐTPT Tây Nguyên, giao cho UBND TP Sơn Tây quản lý, với lý do là Trung tâm đã “Giao đất cho Cty NCĐTPT Tây Nguyên không đúng với quy định của pháp luật”.

Quyết định này của UBND tỉnh Hà Tây khiến lãnh đạo và CBCNV Trung tâm vô cùng bức xúc, bởi Trung tâm giao khoán đất cho Cty NCĐTPT Tây Nguyên theo Nghị định 01/CP chứ không giao đất. Và thứ hai, việc giao khoán đó là hoàn toàn đúng theo quy định của Luật Đất đai năm 1993; Luật Khuyến khích đầu tư trong nước ngày 22/6/1994; Nghị định 01/CP ngày 4/1/1995 của Chính phủ; Luật Cty và Doanh nghiệp tư nhân. Và mặc dù Trung tâm chưa hề nhận được quyết định thu hồi đất, UBND TP Sơn Tây cũng chưa nhận bàn giao, nhưng trong các ngày 12/5 và 21/5/2008, Sở TN - MT tỉnh Hà Tây vẫn chủ trì cuộc họp “thực hiện Quyết định số 879/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tây”. Cuộc họp đã không mang lại kết quả vì Trung tâm không chấp nhận ký biên bản bàn giao đất.

Có thể nói đây là một trong hàng loạt quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, được UBND tỉnh Hà Tây ký một cách “cấp tập trước giờ G” (ngày tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội). Mãi đến ngày 3/6/2008, Trung tâm mới được UBND tỉnh Hà Tây gửi quyết định thu hồi đất nói trên. Cũng trong ngày đó, Trung tâm đã có văn bản kiến nghị gửi UBND, Sở TN - MT tỉnh Hà Tây, đề nghị trước khi thu hồi, cần giao cho Thanh tra làm rõ nội dung việc Trung tâm “Giao đất cho Cty NCĐTPT Tây Nguyên không đúng với quy định của pháp luật”.

 Và chỉ khi đã làm rõ được nội dung đó, tức là nếu Trung tâm có sai phạm, thì UBND tỉnh Hà Tây mới được dùng những sai phạm đó làm căn cứ để thu hồi diện tích đất trên của Trung tâm, nhưng không được trả lời. (Còn nữa)

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất