| Hotline: 0983.970.780

Yếu đê bao, dân lãnh đủ

Thứ Hai 01/08/2011 , 10:19 (GMT+7)

Hàng trăm hộ dân ở các địa phương thuộc các huyện vùng Đồng Tháp Mười (tỉnh Long An) vẫn đang “cười như mếu” vì vụ này năng suất thấp lại phải chịu cảnh gặt chạy lũ với chi phí quá cao.

Mặc dù cơ bản đã thu hoạch xong lúa hè thu nhưng hàng trăm hộ dân ở các địa phương thuộc các huyện vùng Đồng Tháp Mười (tỉnh Long An) vẫn đang “cười như mếu” vì vụ này năng suất thấp lại phải chịu cảnh gặt chạy lũ với chi phí quá cao.

Có mặt tại huyện Vĩnh Hưng và Tân Hưng vào sáng 27/7, chúng tôi ghi nhận hầu hết diện tích lúa bị ngập nước sâu đã được thu hoạch xong. Tuy nhiên, trên khắp các nẻo đường người dân tận dụng khoảng trống để phơi lúa, cầu mong lúa ráo vỏ để bán được cao hơn 1.000-2.000 đồng/kg, hòng kiếm đồng lời từ vụ gặt.

ĐÀNH BÁN LÚA ƯỚT

Bác Nguyễn Thị Hoà, một người dân ấp Mới, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng cho hay, năm nay do thời tiết không thuận lợi nên hầu hết các trà lúa thơm Đài Loan, xuống đầu vụ hè thu chỉ cho năng suất khoảng 4,8-5 tấn/ha (thấp hơn năm ngoái 1-1,2 tấn/ha). Với năng suất như thế này, trong khi mức đầu tư lên tới 17-18 triệu/ha thì người dân gần như không có lãi nếu bán lúa tươi. Tuy nhiên, do ngay từ đầu tháng 7 lũ về sớm khiến khoảng gần 500 ha lúa ở xã Vĩnh Thuận bị ngập nặng. Người dân phải thu hoạch chạy lũ khi lúa vừa chín được khoảng 80-85%, thêm vào đó những tuần gần đây trời liên tục mưa nên không thể phơi lúa, đành phải bán lúa ướt với giá rẻ.

Anh Lê Văn Qưới, một người dân khác (cũng ngụ tại ấp Mới) thì cho biết, hiện nay thương lái ở nhiều địa phương đổ lỗi cho việc người dân phơi nhiều nắng làm chất lượng gạo giảm nên đã hạn chế mua lúa thơm Đài Loan loại khô mà chỉ mua lúa ướt. Anh Qưới cho biết, năm ngoái giá lúa khô loại này bán được 6.700 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện trong kho của gia đình anh còn khoảng hơn 10 tấn nhưng không thể bán được. “Nếu chỉ bán lúa ướt thì tính khéo coi như huề vốn, còn nếu phải thêm công cán thuê cắt bằng xuồng thì coi như chịu lỗ” - anh Qưới nói.

Rời Vĩnh Thuận, chúng tôi đến cánh đồng ngập nước tại ấp Rọc Đô, xã Vĩnh Trị. Tại đây, nhiều người dân cho biết, cách nay khoảng 1 tuần, hơn 30 ha lúa bị ngập nặng, nhiều khoảnh trũng, nước ngập tới cổ bông vì thế nếu không gặt nhanh sẽ bị thối gốc và nảy mầm. Do máy gặt không thể vào ruộng được nên người dân phải mướn nhân công gặt tay. Việc này làm tăng chi phí sản xuất lên khoảng 500.000 đồng/ha, trong khi giá bán bị thương lái ép xuống còn 5.600-5.700 đồng/kg do hạt xanh còn nhiều vì gặt vội.

VỐN VỪA ÍT VỪA CHẬM

Theo quan sát của chúng tôi, dọc theo các tuyến kênh nội đồng ở các khu vực thuộc huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng mới chỉ có một số nơi hoàn thành bờ đê lửng chắn lũ. Đa số những địa bàn ngập nước nặng như các xã Vĩnh Thuận, Vĩnh Trị, Tuyên Bình Tây… (huyện Vĩnh Hưng), Vĩnh Thạnh, Vĩnh Lợi, Hưng Hà… (huyện Tân Hưng), hiện các địa phương mới chỉ thi công được một phần bờ bao chống lũ, rất ít nơi hoàn thiện công trình kịp thời cứu đồng lúa trong vụ hè thu này.

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Minh Sơn, Phó phòng NN- PTNT huyện Vĩnh Hưng cho biết, bất cập lớn nhất hiện nay dẫn tới tình trạng đê bao luôn đi sau lũ là ở khâu bố trí vốn. Theo ông Sơn, nguồn vốn dành cho việc nạo vét kênh mương và xây các đê lửng hiện nay là quá ít so với nhu cầu thực tế. Hơn nữa công tác bố trí vốn lại được triển khai quá chậm nên khi có tiền thì địa phương dù có gấp rút triển khai cũng không thể kịp.

Đơn cử tại huyện Vĩnh Hưng, ông Sơn cho biết, nguồn vốn ngân sách của tỉnh dành cho việc nạo vét kênh mương nội đồng và xây đê bao trong năm 2011 là 8 tỷ đồng. Trong khi đó, để đảm bảo củng cố, hoàn thiện 26 công trình đê bao và nạo vét kênh mương trên địa bàn huyện cần phải có kinh phí tối thiểu là 22 tỷ đồng. Ông Sơn cũng cho rằng, việc cấp vốn đáng ra phải được triển khai ngay từ đầu năm nhưng mãi đến tháng 5 các địa phương mới nhận được tiền để triển khai. Vì thế chỉ có thể tập trung cố gắng hoàn thiện những địa bàn có nguy cơ ngập nặng chứ không thể làm hết được.

Theo ông Sơn, trong các năm tới, bên cạnh việc triển khai mạnh giải pháp đắp đê bao ngăn lũ, các cơ quan chức năng của tỉnh cần tính đến việc chuyển một phần vốn dành cho việc nạo vét kênh mương nội đồng để tập trung cho các dự án xây trạm bơm điện. “Hiện nay xây một trạm bơm điện loại vừa hết khoảng 400 triệu đồng, chi phí nạo vét một kênh mương cũng phải lên tới 600-700 triệu đồng. Vì thế nguồn vốn này có thể chuyển bớt sang để xây dựng trạm bơm. Ở Vĩnh Hưng hiện hay mới chỉ có 3 trạm bơm lớn, trong khi đó để đảm bảo tưới, tiêu cho toàn huyện thì ít nhất cũng cần 100 trạm bơm cỡ vừa. Khi có dự án, khuyến khích cho DN đầu tư làm trạm, sau đó tập huấn, phổ biến cho nông dân bỏ thói quen gieo sạ nhỏ lẻ, sai khuyến cáo thì có thể hạn chế được rất nhiều thiệt hại do lũ tràn vào đồng lúa” - ông Sơn nói.

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.