| Hotline: 0983.970.780

Yêu lầm

Thứ Tư 23/06/2010 , 12:55 (GMT+7)

Cả chồng cháu lẫn gia đình nhà chồng đều không ra gì, vậy mà cháu lại bùi tai về làm vợ anh, đến giờ tỉnh ra thì đã muộn...

Ảnh minh họa
Kính gửi cô Dạ Hương!

Cháu lấy chồng đã được 3 năm. Chồng cháu làm ở BĐVH xã, thu nhập thấp không đủ nuôi con, giá cả đắt đỏ, cùng với biến đổi khí hậu, cuộc sống ngày mỗi khó khăn hơn. Cháu không nghề nghiệp gì, làm nương rẫy, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà vẫn không đủ cho sinh hoạt gia đình. Cháu phải lặn lội suốt ngày, không được nghỉ ngơi hay không được vui chơi gì cả.

Cháu sống với ông bà nội và bố mẹ chồng nữa. Cháu thấy như mình làm dâu dưới thời phong kiến vậy, làm mà vẫn bị chê bai, nói xấu. Hồi trước khi chưa về làm dâu nhà này, cháu đã biết nhà họ hay cãi cọ. Khi về cháu thấy họ thật khó tính, cổ hủ, phân biệt. Làm lụng chân tay mỏi nhừ, đau nhức, mới 3 năm mà cháu sụt mất 12 ký, xanh xao, mất ngủ. Chồng cháu ít khi để ý đến vợ, cháu như người góa bụa vậy. Cháu chui lủi trong rừng một mình để tìm cây nhớt đập vỏ đem về bán lấy tiền nuôi con. Chồng cháu còn hay tật rượu chè, say xỉn. Cháu hay đi vay mượn hàng xóm để qua việc và ông bà ngoại cũng hay phụ giúp.

Cuộc đời thật chua cay, nghiệt ngã. Chẳng lẽ cháu sống để cứ bị sỉ nhục, lăng mạ sao? Nhiều lúc cháu nghĩ chết để khỏi phải nghĩ và phải khổ, chắc ở đó sẽ thoải mái hơn cuộc sống bây giờ. Cháu đã khóc đến cạn khô nước mắt nhưng tất cả đã chấm hết. Vợ chồng vẫn ngủ chung giường như mà hai người đàn ông vậy.

Mới đây người bạn cũ của cháu nhắn tin hỏi thăm. Cháu cũng nhắn tin lại, thuần túy hỏi thăm nhau mà thôi. Nhưng mà chồng cháu nghi ngờ, đuổi cháu ra khỏi nhà, vứt quần áo cháu ra đường. Bố chồng cũng hùa theo con trai, bố mẹ cháu bị kéo vào cuộc bảo có chứng cứ đi rồi ông bà sẽ lôi cháu về đánh chứ không đợi đến chồng cháu ra tay. Nhưng họ lấy đâu ra chứng cứ? Cháu đã thanh minh giải thích nhưng họ đâu có nghe, bố chồng còn xông vào đánh cháu nữa.

Giờ cháu đau khổ và hoàn toàn tuyệt vọng. Cháu đã chọn lựa vội vàng, tự chuốc lấy đau khổ. Bố mẹ và anh em đã cấm từ đầu mà cháu đâu có nghe. Cháu đã bùi tai khi chồng cháu dỗ dành, không ngờ anh làm ở BĐVH còn nợ tiền công quỹ nữa. Con cháu quá nhỏ, cháu bỏ đi sao đành nhưng cũng muốn ly hôn để chấm dứt tất cả. Cháu mới 25 tuổi, còn quá trẻ, cháu muốn giải quyết ổn thỏa đâu ra đó rồi cháu sẽ ra đi.

Cháu gái ở Nà Mường (Mộc Châu, Sơn La)

Cháu thương mến!

Cô biết, càng ở vùng xa thì cuộc sống của người phụ nữ càng cơ cực. Cô đã đi qua Sơn La và mấy tỉnh Tây Bắc đất nước, thấy suối cạn thấy đồi núi trọc, thấy người dân bế tắc mưu sinh, ai ma lanh thì buôn lậu hàng từ Trung Quốc sang, ai rù rờ thì vào rừng đào măng hái củi làm nương nuôi lợn lây lất, ai giàu thì mới có trang trại vườn cây ao cá. Sự chênh lệch giàu nghèo ở đâu cũng có nhưng ở đô thị có nhiều nghề để làm mướn nuôi thân, ở vùng sâu ai mướn mà làm? Đàn ông nói chung dễ sa vào tệ nạn, bỏ lửng người phụ nữ với cái thân còm mà còn phải lo cho con.

Cô nghĩ mãi về trường hợp cháu. Nghe tả thì rất nghèo và cơ cực, sao lại có điện thoại di động để nhắn tin cho bạn? Cô lạc hậu tình hình hay cái thứ di động ấy nó rẻ đến mức không cần có thì cũng có được. Nhưng máy cũng là tiền, rồi phải có tiền nuôi cái máy ấy chứ. Vậy là không hoàn toàn tăm tối như cô hình dung, đúng không? Chính vì không hoàn toàn tăm tối nên người ta mới có nữ quyền, mới muốn vùng lên dù ngày ngày phải vào rừng lấy vỏ nhớt.

Cháu đã lấy chồng vội vã như cháu nói. Là do gia đình bên chồng không chuẩn mực đạo đức, bên cháu đã nhìn thấy và can ngăn. Nhưng phàm mấy cô gái trẻ có nghe người lớn đâu, càng ngăn càng làm già, có cô thì thành công nhưng đa phần là thất bại. Chồng không ra gì, bố mẹ chồng không thương yêu, giờ họ lại muốn làm to chuyện bạn học của cháu để thành một vụ bỏ nhau do yếu tố vợ ngoại tình. Cháu có bẻ nạng chống trời nổi không? Chắc là không. Nhưng cháu có gan chấp nhận ly dị để được giải phóng không? Hoàn cảnh cháu nếu đứa con là chỗ để người ta làm giá với cháu thì có khi cũng phải nhân nhượng, họ nuôi được thì để họ nuôi đi, cháu nội trai nhà họ mà.

Có người cô khuyên hòa giải. Có người cô khuyên cân nhắc, có người cô khuyên “bỏ của chạy lấy người”. Lời khuyên của cô cũng chỉ để tham khảo, cháu cần bình tĩnh, khôn ngoan suy xét và thận trọng phản ứng, ít nhất cũng để bảo toàn tính mạng, nhé.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm