| Hotline: 0983.970.780

Yếu tố con người ở Đức Thọ

Thứ Năm 08/11/2012 , 09:52 (GMT+7)

Đức Thọ được đánh giá một trong những huyện đi đầu của tỉnh Hà Tĩnh trong phong trào xây dựng NTM.

Ông Võ Công Hàm
Đức Thọ được đánh giá một trong những huyện đi đầu của tỉnh Hà Tĩnh trong phong trào xây dựng NTM. Chủ tịch UBND huyện Võ Công Hàm chia sẻ với NNVN những kinh nghiệm trong quá trình xây dựng NTM ở Đức Thọ.

Ông có thể nói về tiến trình XD NTM ở Đức Thọ?

Phải nói rằng, công cuộc XD NTM ở Đức Thọ thực sự là cuộc cách mạng "ăn sâu bén rễ" trong lòng mỗi người dân. Vì thế, sau gần 2 năm triển khai, Đức Thọ đã vận dụng được các nguồn ngân sách đầu tư 8,4 tỉ đồng mua 6.000 tấn xi măng hỗ trợ các xã bê tông hoá hơn 80 km đường GTNT, kênh mương nội đồng; 2,2 tỉ đồng mua giống cây, con; hỗ trợ thành lập mới HTX từ 50-70 triệu đồng/HTX…

 Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 21 mô hình HTX, 18 tổ hợp tác về môi trường, tín dụng, chế biến nông sản, chăn nuôi. Thành lập 23 DN; xây dựng hơn 20 mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao như mô hình SX các giống lúa chất lượng cao RVT, P6, chăn nuôi lợn quy mô đạt từ 500 con trở lên. Đào tạo nghề cho trên 1.000 lao động. Đồng thời, kêu gọi con em xa quê ủng hộ trên dưới 30 tỉ đồng XD NTM.

Yếu tố nào khiến Đức Thọ có được kết quả đó thưa ông?

Có được kết quả như trên, trước hết phải là yếu tố con người. Khi bắt tay thực hiện XD NTM, chúng tôi có đợt khảo sát về năng lực của từng Chủ tịch xã, nếu xã nào Chủ tịch không đủ năng lực phải sang vị trí khác để thay vào đó là những Chủ tịch mới có năng lực đảm nhận trọng trách Chủ tịch xã.

Từ yêu cầu trên chúng tôi đã luân chuyển 7 cán bộ chủ chốt các phòng, ban đầu mối của huyện như: Trưởng phòng NN- PTNT về làm Chủ tịch xã Liên Minh, Trưởng phòng LĐ- TB & XH về làm Chủ tịch xã Trường Sơn, Phó Chánh thanh tra huyện về làm Chủ tịch xã Đức Dũng, Bí thư Huyện đoàn về làm Bí thư Đảng ủy xã Đức Lộc...

Đây là những hạt nhân đi đầu trong tất cả mọi phong trào ở cơ sở và họ đã thực sự đóng góp đắc lực cho thành quả hôm nay. Bên cạnh đó, việc giao ban, trực chỉ đạo hằng tuần, hằng tháng; phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn cụ thể, địa phương nào làm tốt thì có thưởng, làm kém thì phê bình, khiển trách. Triển khai tốt các cơ chế, chính sách của tỉnh trong việc hỗ trợ phát triển SX, nâng cao thu nhập cho người dân cũng là những nguyên nhân tạo nên thành công bước đầu.

Đấy là kinh nghiệm từ huyện, còn các tác động khác?

Việc ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách của TW, của tỉnh như: Nghị Quyết 26-2008-TW; Quyết định 24/2011/QĐ-UBND; Quyết định 43, 26, 19/2012/QĐ-UBND… của Trung ương và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần đắc lực hỗ trợ người dân phát triển SX kinh tế; khuyến khích, động viên mỗi người dân chung tay góp sức XD NTM.

Bên cạnh mặt tích cực, các cơ chế, chính sách trên cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Tôi lấy ví dụ, Quyết định 24/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định, cơ sở chăn nuôi lợn giống bố mẹ có quy mô 1.000 con trở lên được hỗ trợ 600 triệu đồng/cơ sở. Nếu với định mức này, 99% hộ chăn nuôi không chỉ ở Đức Thọ mà toàn tỉnh sẽ khó có thể tiếp cận bởi nguồn vốn đầu tư của người chăn nuôi hạn chế, hầu hết các hộ dân phải đi vay ngân hàng về đầu tư.

Để nuôi được 1.000 con lợn nái bố mẹ, chi phí đầu tư chuồng trại, mua giống ít nhất cũng mất trên dưới 10 tỉ đồng. Với chi phí ban đầu bỏ ra lớn như vậy thì việc tiếp cận nguồn hỗ trợ 600 triệu đồng là một điều không thể. Thậm chí khi huyện quyết định hạ định mức hỗ trợ 100 triệu đồng/cơ sở nuôi 100 con lợn nái thì cũng chỉ mới có 1 hộ dân thực hiện được mô hình này.

Theo tôi Trung ương, tỉnh nên cần kịp thời điều chỉnh, hạ định mức hỗ trợ trong các cơ chế, chính sách để đại bộ phận người dân tiếp cận với nguồn ưu đãi của Nhà nước.

Về định hướng, thưa ông?

Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm 2020 Đức Thọ sẽ có 1 xã về đích 19 tiêu chí NTM; các xã còn lại mỗi xã tăng từ 1-2 tiêu chí. Khuyến khích người dân hợp tác với DN xây dựng các mô hình chăn nuôi lợn quy mô trên 500 con trở lên; xây dựng mô hình làng kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu trên cơ sở gìn giữ nét đẹp làng quê Việt Nam ở xã Tùng Ảnh; hỗ trợ các HTX tính dụng ở Đức Nhân, Đức Lạng đi vào hoạt động.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4, từng bước quản lý, chỉ đạo các xã triển khai chương trình thường xuyên, sát đúng với điều kiện cụ thể từng địa phương, phấn đấu đến năm 2015 toàn huyện có 15/30 xã, thị trấn (50%) đạt NTM.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Ninh Bình phấn đấu thêm 30 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên

Theo Sở NN-PTNT Ninh Bình, năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên và có thêm sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao.

Bình luận mới nhất