| Hotline: 0983.970.780

Trâu bò nhập lậu bị thả nổi

Thứ Hai 19/11/2012 , 09:45 (GMT+7)

Long An có đường biên giới dài trên 137 km giáp 2 tỉnh Svây Riêng và Prây Ven của Campuchia (CPC), trong đó biên giới “đất liền đất” dài hơn 104 km. Thế nên, tình hình trâu bò nhập lậu ở đây đang rơi vào tình trạng thả nổi.

XÂM NHẬP VÙNG BIÊN

Long An có đường biên giới dài trên 137 km giáp 2 tỉnh Svây Riêng và Prây Ven của Campuchia (CPC), trong đó biên giới “đất liền đất” dài hơn 104 km. Thế nên, tình hình trâu bò nhập lậu ở đây đang rơi vào tình trạng thả nổi.

Ngày 12/11, QL 62 từ thị xã Tân An lên thị trấn Mộc Hóa lâu nay vốn nhỏ hẹp lại đầy ổ gà khiến chúng tôi phải chạy xe mất hơn 3 giờ mới đi hết đoạn đường dài 68 km. Anh Tuấn, CTV “ăn lương” của một Cty thuốc BVTV nước ngoài ở huyện Mộc Hóa giới thiệu tôi làm quen với thương lái có tên Út M., chuyên mua bán trâu bò từ CPC về VN.

Ông Út ngồi nhà đợi sẵn, không rào trước đón sau, bảo tôi: “Mục đích em lên đây thì anh biết rồi, bây giờ là phải đi ngay vì anh có hẹn bên đó mua 4 con trâu. Từ đây đi xe honda khoảng 7 km đến ấp Ong Nhơn Tây, thuộc xã biên giới Bình Hiệp thì bỏ xe ở đó. Sau đó mình đi đường tắt thêm 4 km qua tuyến đê biên giới giáp ranh với xã Thơ Mây, huyện Kông Pông Rồ, tỉnh Svây Riêng của CPC để vào nhà ông Kà-pheng mua trâu. Đường đi rất khó vì mấy hôm nay trời mưa nên lầy lội lắm”. Nói xong, ông Út hỏi tôi có mang theo máy ảnh không, tôi bảo: “Dạ, không. Em chụp bằng máy ĐTDĐ, anh yên tâm”. Ừ vậy đi! Qua bên đó lấy máy ảnh chụp bất tiện, em làm thế nào cho khéo là được - ông Út căn dặn.



Ông Kà-pheng dắt 4 con trâu đã bán cho thương lái Út M., trên con đường đất phía ranh giới CPC để đưa sang VN

Theo ông Út, chỉ riêng huyện Mộc Hóa đã có 7 - 8 thương lái chuyên đi mua bán gia súc lậu. Khoảng 1 tuần qua bên đó 2 lần đến từng nhà dân để mua gom. Thông thường một con bò (cóc) dao động 5 - 8 triệu đồng; trâu thì 10 - 15 triệu đồng/con (trâu Thái, trâu Sóc), tùy theo tuổi tác, mập ốm... Mua bán ở nhà dân hoặc ở bãi bằng tiền “tươi” (tiền Việt hay tiền Miên đều được). Mua số lượng lớn vài chục con trở đi nếu đi bằng con đường “danh chính ngôn thuận” phải đóng lệ phí cho trạm kiểm soát biên phòng 50 - 80 ngàn đồng/con là vô tư dắt qua trạm, đưa vào nội địa; còn số lượng ít hơn, từ 5 - 7 con trở lại thì đi chui qua chốt gác của CPC nằm sâu bên trong tuyến đê biên giới. Bằng cách này sẽ trốn được thuế của cả 2 bên.

Sau khi mua về VN, thương lái thường đem về các hộ chăn nuôi của xã Bình Hiệp, Bình Tân nuôi gia công thêm 15 - 20 ngày với giá 10 ngàn/ngày/con để vỗ béo trước khi xuất bán. Nổi tiếng nhất nuôi mướn gia súc từ CPC về VN là ông Lê Văn Mao (ấp Ông Nhơn Tây) nuôi trên 30 con, cứ một ngày ông thu tiền “gia công” là 10 ngàn đồng/con. Nuôi ít nhất là 10 ngày, cao nhất là 2 tháng thì giao lại cho thương lái. Theo tính toán, một con trâu, bò từ CPC đưa về nội địa tiêu thụ các lái trâu, bò kiếm lãi từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng.

Sau khi bỏ xe honda ở nhà người quen của ông Út M., chúng tôi từ QL62 đi bộ đường tắt bắt đầu vượt biên giới. Nói là vượt biên “cho oai” chứ thật ra ranh giới giữa VN với CPC được ngăn bởi một tuyến đê bằng đất rộng khoảng 4 m, bên này là ruộng, bên đó cũng ruộng lúa lúp xúp màu xanh ngát. Sau khi lội bộ qua mấy cánh đồng bên CPC, chúng tôi bước qua chốt của lính gác CPC trước khi tiến vào vùng trong sâu thuộc xã Thơ Mây để mua trâu. Tại đây có 3 nhân viên mang quân phục CPC đang ngồi ăn cơm, một người dường như đã quen mặt với ông Út M., nên hỏi bằng tiếng Việt lơ lớ: “Lần này ông mua mấy con trâu. Bao giờ về?”. “Có mấy con hà. Khoảng 5 giờ chiều về thôi”.

Tôi hỏi ông Út sao không đóng “hụi chết” cho chốt gác, ông cười bảo: “Tụi này đóng tiền hàng tháng rồi, cứ mỗi tháng là 50 USD cho mấy ổng, còn em thì đưa “bồi dưỡng” cho họ 50 ngàn vì người lạ. Sau khi mình coi trâu bò xong, nếu được thì người bên đó dắt về liền cho mình trong ngày. Họ chịu trách nhiệm dẫn gia súc cũng đi qua chốt gác đó. Do có mối quan hệ từ trước nên công tác vận chuyển rất thuận lợi, chẳng ai kiểm soát, thu tiền lệ phí gì nữa!”.


Nhập lậu trâu bò lén lút đi qua chốt gác “cóc” bên CPC chỉ nằm cách tuyến đê biên giới khoảng 2 km

Càng lọt sâu vào trong xã Thơ Mây chúng tôi đã nghe tiếng trâu bò cùng với tiếng thở phì phò, tiếng kêu nghé ọ, ùm bò, tiếng người CPC chăn dắt hò hét. Ông Út chỉ tay vào đàn bò khoảng đâu chục con đi trên lộ đất đá đỏ, nói: “Ở đây nhà nào cũng chăn nuôi trâu bò, trung bình 3 - 4 con. Nên ngày nào cũng vậy, muốn mua trâu bò trong dân là phải qua trước 8 giờ sáng, bởi nếu không là họ lùa trâu bò đi ăn cỏ hết. Còn qua trễ quá thì mua “xô” tại bãi Chanh Tria, cách nhà dân chừng 8 km. Ở đó đủ loại trâu bò, khỏe mạnh cũng có mà bệnh tật cũng nhiều do thương lái CPC thu gom về bán sỉ. Trong đó, có không ít con bệnh sùi cả bọt mép. Một bãi như vậy có chừng trên 100 con. Gặp may lúc con bò gầy bệnh, thương lái CPC bán rẻ 4 - 5 triệu/con. Mình mang về nội địa bán cho lò mổ lãi có khi 3 triệu/con trở lên. Nên lúc nào mua trong dân hết, tụi anh chọn cách mua xô, tuy phải đóng lệ phí bên đó mỗi con hết 100 ngàn, nhưng nhờ chịu khó dắt về qua đường tắt nên cũng có ăn”. Ông Út M. thú thật.

Sau khi thỏa thuận giá cả với ông Kà-pheng, ông Út M. đồng ý mua 4 con trâu với “giá xô” 55 triệu. Bình quân 1 con giá 13.750.000 đ. “Anh mua giá này là vô cỡ, mang về VN vỗ béo thêm 1 tháng, bán 1 con khoảng 18 triệu, sau khi trừ chi phí nuôi gia công, lãi 4 triệu/con. Sướng không?!” - ông Út M. cười nói hể hả.

Theo ông Phan Ngọc Châu (Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh Long An), hiện nay tại TP.HCM và các tỉnh lân cận tiêu thụ một ngày khoảng 1.000 con, tức 1 tháng tiêu thụ 30 ngàn con trâu bò. Với số lượng lớn như vậy thì người chăn nuôi ở TP.HCM, kể cả một số tỉnh lân cận không thể có đủ số lượng để đáp ứng đủ nhu cầu được. Vì vậy, việc thương lái buôn bán trâu bò nhập lậu gần như là điều mặc nhiên, khó tránh khỏi.(Còn nữa).

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.