| Hotline: 0983.970.780

Khu công nghiệp... bốc mùi!

Thứ Năm 14/03/2013 , 09:21 (GMT+7)

KCN Hòa Trung (xã Lương Thế Trân - Cái Nước - Cà Mau) quanh năm bốc mùi hôi thối, nước xả thải đen ngòm, tanh hôi. Mùi hôi thối theo chiều gió, nước bẩn theo sông rạch gây ô nhiễm làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân trong vùng.

KCN Hòa Trung (xã Lương Thế Trân - Cái Nước - Cà Mau) quanh năm bốc mùi hôi thối, nước xả thải đen ngòm, tanh hôi. Mùi hôi thối theo chiều gió, nước bẩn theo sông rạch gây ô nhiễm làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân trong vùng.

Mùi hôi thối cuốn theo chiều gió

Mùi hôi thối phát tán trong không khí từ khí thải và nước thải các xí nghiệp chế biến đầu vỏ tôm đã thành mùi “đặc trưng” KCN Hòa Trung. Những người đi ngang qua đây, một tay phải bịt mũi, một tay lái xe phóng cho thật nhanh.

Bà Nguyễn Thị Sơn, 60 tuổi, ở ấp Hòa Trung, có 3 công đất nuôi tôm nhưng không dám lấy nước vì ô nhiễm, chỉ giữ nước tự nhiên. Bà có người chồng bệnh nặng, rồi chết, phải đưa đi chôn ở Ngã Năm (Sóc Trăng) vì sợ bị giải tỏa và mùi hôi thối.

Ông Trần Công Minh làm nghề chạy xe ôm, nói: “Tôi dầm mưa dãi nắng chạy xe ôm đây đó còn đỡ, vợ con tôi ở đối diện Cty TNHH MTV Kim Hồng - Cà Mau (Cty Kim Hồng) chuyên chế biến đầu vỏ tôm phải sống trong mùi hôi thối quanh năm”.

Gia đình ông Trần Công Minh có 7 người thì có 4 người viêm mũi mãn tính. Cty Kim Hồng dùng a-xít phân hủy đầu vỏ tôm, khói a-xít bao trùm khu dân cư. Cô thợ may Hồng Cẩm mở hiệu may tại gia nói: “Hôm trước, cháu của tôi là Trần Thị Linh Lanh, 3 tuổi, hít khí thải, bị sặc phải cấp cứu, thở ô-xy mấy ngày. Cha mẹ tôi giận quá, điện báo cho UBND xã Lương Thế Trân vụ việc nhưng rồi cũng qua, không giải quyết”.


Đầu vỏ tôm tràn ra đường KCN Hòa Trung

Bà Lâm Thị Khéo, 57 tuổi, ở ấp Hòa Trung, nói: “Em tôi bán một phần đất vì nghe họ nói xây dựng xí nghiệp chế biến tôm xuất khẩu, sẽ có việc làm cho con cháu. Nhưng khi họ xây dựng xí nghiệp chế biến đầu vỏ tôm, thối rình, đang kiếm người sang hết đất để đi xứ khác”.

Nước sông đổi màu, tanh hôi

Các xí nghiệp chế biến thủy sản KCN Hòa Trung đều có đường xả nước thải bằng ống nhựa, chui dưới lòng đất, xuyên qua đường giao thông, để xuống kinh xáng Lương Thế Trân. Từ đây, nước kinh xáng pha lẫn, hòa tan với nước sông rạch của TP Cà Mau, huyện Cái Nước, Đầm Dơi, Trần Văn Thời ảnh hưởng đến sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản hàng ngàn hộ dân.

Khi tiếp cận hiện trường, chúng tôi phát hiện ống xả nước thải của Cty Kim Hồng, Cty CP Quốc tế JBICHEM Cà Mau… xả nước đen ngòm, tạo thành 2 màu đen và trắng đục trên kinh xáng Lương Thế Trân. Liên lạc với Thanh tra Sở TN-MT, Phòng cảnh sát môi trường Cà Mau để báo cáo sự việc, những người có trách nhiệm cho biết đã kiểm tra, chờ kết quả, xử lý sau.

Chi cục bảo vệ môi trường Cà Mau cho biết, các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở KCN Hòa Trung đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường, hệ thống xử lý nước thải. Nhưng các doanh nghiệp có vận hành xử lý, nước thải đạt tiêu chuẩn thải ra môi trường hay không thì không nhận được câu trả lời.

Ông Phạm Văn Toản, ở ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú (Cái Nước) nhiều năm nay, đại diện hơn 100 người đi kiện mùi hôi thối từ không khí, từ nước thải nhưng không kết quả. Ông Toản bức xúc: “Chúng tôi phát hiện sông đổi màu đen ngòm, cá tôm chết là do các xí nghiệp xả thải ra sông. Bà con nuôi tôm không dám lấy nước nuôi tôm, sợ tôm chết, đi thưa kiện thấy không xử lý nghiêm nên đành thôi”.

Phạt cho tồn tại

Ông Trần Quốc Văn, Phó Chủ tịch xã Lương Thế Trân, nói: “Chúng tôi có tổ môi trường. Bà con tố cáo xí nghiệp xả mùi hôi thối, xả nước bẩn ra môi trường. Anh em đến kiểm tra, lập biên bản, rồi quay về. Thẩm quyền xử phạt vi phạm xả thải hôi thối, xả nước thải bẩn ra môi trường thuộc Sở TN-MT Cà Mau”.

Ông Văn cho biết, khi các xí nghiệp xử lý đầu vỏ tôm, khí a-xít giăng mờ đường, mùi hôi thối rất khó chịu. Cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân bị đảo lộn.

Bà Nguyễn Thị Sơn, nói: “Bà con chúng tôi ở đây chịu hết nổi, muốn bán đất đi nơi khác. Chỉ cán bộ ngồi xe máy lạnh, đóng cửa kín mít, không bị hôi thối như bà con”.

Bà con kiện thưa dài dài cũng từng động lòng Phòng Cảnh sát môi trường Công an Cà Mau, Thanh tra Sở TN-MT Cà Mau. Cán bộ môi trường lấy mẫu nước thải, xét nghiệm và từng xử phạt hành chính các doanh nghiệp vi phạm gây ô nhiễm.

Cụ thể, ngày 11/4/2012, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau quyết định xử phạt hành chính Cty CP Quốc tế JBICHEM Cà Mau 285 triệu đồng do chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải đã chế biến đầu vỏ tôm gây mùi hôi thối, xả thải nước bẩn. Ngay sau đó, doanh nghiệp có đơn xin thi hành nộp phạt từ từ thành 3 lần. Ông Lê Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chấp nhận, cho nộp phạt 3 lần nhưng hạn chót là ngày 11/1/2013.

Ngày 21/11/2012, Thanh tra Sở TN-MT Cà Mau lấy mẫu nước thải của Cty TNHH MTV Kim Hồng (KCN Hòa Trung) nhưng hơn một tháng vẫn chưa xử lý. Ông Nguyễn Sính, Phó Chánh thanh tra Sở TN-MT Cà Mau nói: “Mẫu nước phải gởi đến Phòng xét nghiệm của Sở Khoa học-Công nghệ, rồi Chi cục bảo vệ môi trường Cà Mau xác định các chỉ tiêu nào vượt mới xử lý được”.

KCN Hòa Trung (giai đoạn 1) rộng 352 ha, có 10 dự án, với vốn đăng ký 1.147,49 tỷ đồng, lấp đầy 10,10%. Vì qui hoạch chạy theo đuôi doanh nghiệp nên xảy ra tình trạng da beo, 151 hộ dân mắc kẹt trong KCN nồng nặc mùi hôi thối, nước tanh hôi.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú (Cái Nước) nói: “Phạt hành chính các doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường thì bà con không đồng tình. Bà con yêu cầu chính quyền phải làm sao cho các xí nghiệp dừng xả mùi hôi, nước thối ra môi trường. Phạt cho tồn tại, rồi lén lút thải ra môi trường cũng bằng không”. 

Khi quy hoạch đuổi theo nhà máy 

KCN Hòa Trung hình thành từ kiểu “doanh nghiệp đi trước, Nhà nước theo sau”. Các doanh nghiệp mua đất của người dân trước, rồi sau đó chính quyền mới qui hoạch KCN nên tổng thể KCN da beo. KCN Hòa Trung (giai đoạn 1) hơn 200 ha thì có 151 hộ dân còn mắc kẹt, chưa nhận tiền bồi thường vì giá rẻ.

Ông Nguyễn Việt Lập, Phó Trưởng ban Khu kinh tế Cà Mau cho biết: “KCN Hòa Trung ra đời đã có các doanh nghiệp trong đó rồi. Nói về quy hoạch rất cần thiết nhưng quá khó. KCN không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, mạnh ai nấy xây dựng nên khó kiểm soát xả thải”.

KCN Hòa Trung bốc mùi là điểm nóng ô nhiễm môi trường ở Cà Mau bao lâu nay. Nước thải vô tư xả bẩn ra môi trường nước. Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường trở thành yêu cầu bức xúc của người nuôi tôm TP Cà Mau, Cái Nước, Trần Văn Thời, Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.

Xem thêm
Thủ tướng nêu 3 nhiệm vụ quan trọng trong quy hoạch tỉnh Lạng Sơn

Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát 3 nhiệm vụ hết sức quan trọng với Lạng Sơn trong thực hiện quy hoạch tỉnh.

Phú Thọ thiệt hại khoảng 34,5 tỷ đồng do mưa dông

Ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ chịu thiệt hại vô cùng nặng nề khi hàng trăm ha lúa, ngô, chuối, rau màu... bị đổ ngã và không thể phục hồi.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngồi ở nhà, người dân Huế vẫn được cấp phiếu lý lịch tư pháp

THỪA THIÊN - HUẾ Từ ngày 22/4, người dân Huế có tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2 sẽ thực hiện thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh VneID.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm