| Hotline: 0983.970.780

Thâm nhập "thủ phủ" gia cầm lậu

Thứ Ba 19/11/2013 , 09:48 (GMT+7)

Gia cầm xuất xứ từ Trung Quốc vẫn ngày đêm tìm cách tuồn về Việt Nam, đặc biệt những ngày giáp Tết Nguyên đán. Trong vai người mua gà, PV đã thâm nhập thực tế...

Gia cầm xuất xứ từ Trung Quốc vẫn ngày đêm tìm cách tuồn về Việt Nam, đặc biệt những ngày giáp Tết Nguyên đán. Trong vai người mua gà, PV đã thâm nhập thực tế...

Điểm đến là lò giết mổ

Điểm chúng tôi đến là 11 lò giết mổ gia cầm. Trước mắt tôi nào máu, nào tiết, hóa chất, thau chậu, lông gà lông vịt quẳng vứt bừa bãi y như một bãi rác thải nhiều ngày chưa được làm mới với hỗn độn mùi hôi tanh nồng nặc. Và ít ai biết, những con gia cầm được giết mổ ở đây sẽ được đưa vào thùng xốp để xuyên biên vào thị trường Việt Nam.

Men theo đường rừng

Sống hơn hai chục năm trên khắp đất Quảng Tây – Trung Quốc, hơn nữa lại bán gạo ngay ở cổng chợ gia cầm - Bằng Tường nên có thể nói bà Nguyễn Thị Dinh (quê Vũ Thư - Thái Bình) không mấy xa lạ với các chiêu mánh khóe gian manh xảo quyệt trong làm ăn của những ông chủ, bà chủ tại chợ gia cầm, đặc biệt là đường đi của những lô hàng xuyên biên giới.

Cũng bởi cái không lạ lẫm đó mà trong chuyến về Việt Nam thăm quê vừa rồi bà Dinh mới ngớ người và khẳng định chắc nịch: Những con vịt người ta bỏ lên than quay đi quay lại trên phố phường Hà Nội và các tỉnh lân cận kia đa phần có xuất xứ từ Trung Quốc. Cái mác vịt cỏ và cái mùi thơm của hóa chất đã khiến người ta lãng quên cái vị bở, hôi của giống vịt Tàu. “Tôi lạ gì mấy con vịt đó! Vịt này từ Trung Quốc, muốn biết thì sang bên đó tôi dẫn anh mục sở thị chứ cần chi câu trả lời ở đâu” – bà Dinh chắc chắn như vậy.


PV cùng một số người đang đi đường rừng sang TQ

Lời nói của bà Dinh không phải không có căn cứ khi hàng đêm giới buôn gia cầm xuyên biên giới vẫn tìm cách vận chuyển về Việt Nam. Song vì tôi chưa thu xếp được công việc nên bà Dinh sang trước và hẹn tôi “cứ men theo đám cửu vạn chuyên vác hàng lậu, kiểu gì cũng sang được”.

Sáng sớm, màn sương vẫn còn bao phủ khắp vùng biên, chúng tôi đã kịp đặt chân đến cửa khẩu Cốc Nam. Chờ sương tan, tôi tạt vào quán bán bánh mì bên đường, nơi có hai cô gái ăn mặc gọn gàng, đang ngồi hơ tay bên bếp than.

Lấy chuyện muốn mua gà với số lượng lớn và muốn qua bên kia tham khảo giá cả, mặt khác phải đi lén kẻo các bao biên gà lậu biết sẽ thêm rắc rối, bà chủ niềm nở: Muốn mua gà thì có gì khó! Người ta vận chuyển gà đi qua đi lại thường xuyên mà. Những con đường kín thì người ta vác gà đi ban ngày cũng có mà đi đêm cũng có.

Còn những đường gần, chốn đông người qua lại như ở đây thì người ta đợi lúc đêm xuống rồi vác. Vì ở đây có biên phòng, có hải quan, anh ăn vụng thì phải biết giấu tay và giấu cho người để anh còn ăn vụng chứ!


Những con gia cầm ở chợ thực phẩm bán không hết sẽ được đưa vào đóng 
thùng đông lạnh

Hai cô gái ngồi bên cạnh biết tôi có ý "vượt biên", một cô tên Hoàng Thị Huế nói xen vào: “Đi sang kia à, đi đường rừng hay đi cửa khẩu?”. “Đi đường rừng” – tôi đáp. Cô ngồi bên cạnh giục: “Thế thì ăn nhanh đi, đi với chúng tôi, sang đến đó anh cứ đến chợ gia cầm hoặc đi đâu bảo xe ôm đưa đi”.

Cách cửa khẩu chừng 50m có một nhà xe, sau nhà xe có một con đường mòn. Tôi, Huế cùng 5 cô gái khác qua biên. Huế bảo, hàng trốn thuế, hàng nhập lậu đa phần đi bằng con đường này, hay như anh muốn mua gia cầm thì cũng đi đường này mà về nhưng phải đóng thuế cho một người canh lối đi, lên đến ranh giới hai nước anh sẽ gặp người đó và nên hỏi bà ấy về lịch trình cũng như nên thuê ai mang hàng qua cho.

Mới leo lên khỏi đoạn dốc, bở hơi tai, chúng tôi đã thấy người đàn bà thu vé đang khoanh tay đứng trên phiến đá bằng phẳng. Nghĩ, bà chính là kiểm soát viên của những chuyến hàng qua đây, một nhân chứng sống và là bằng chứng quan trọng. Tuy nhiên, đây chưa phải lúc bắt chuyện với bà, mà trước tiên là bám theo những cô gái qua biên nhập vào chợ gia cầm.

Thâm nhập lò giết mổ

Xét theo một nghĩa nào đó thì chợ gia cầm ở Lũng Vài – Trung Quốc chỉ là một điểm tập kết hàng hóa bao gồm cả gia cầm trong khoảng thời gian chờ vượt biên. Tại đây tập trung khá nhiều lái buôn, sẵn sàng cung cấp gia cầm sang Việt Nam. Nhận thấy đây chưa phải là thủ phủ của gia cầm nhập lậu, theo lời dặn dò của bà Dinh, tôi rút lui và lên xe tiến đến chợ Bằng Tường, nơi đó bà Dinh đang đợi dẫn đường.

Gặp bà Dinh, bà bảo: Vừa rồi qua đây tôi có biết thêm, có cả gà Việt Nam được vận chuyển sang đây nữa đấy. Gà Việt Nam sang đây được bán với một cái giá rất cao. Nhưng khoan hãy bàn chuyện đó, chúng ta nhanh đến các lò giết mổ gia cầm xem các xe chở gia cầm đông lạnh còn bốc hàng không, nếu còn thì may cho anh, anh có thể bám theo xe mà về là rõ đường đi lối lại ngay.

Trước mắt chúng tôi, những xe chở gà đang chuẩn bị đưa vào lò giết thịt. Bên trong là lò mổ với những con gà chưa kịp làm sạch lông được quẳng la liệt, máu be bét khắp nền xi măng. Nhúng con gà vào nồi nước trên bếp, ông chủ lò mổ họ Hoàng nói: Hôm qua giết mổ nhiều, bận từ sáng đến tối chiều. Nay gà không về, chỉ giết mổ độ hơn ba trăm con nên thảnh thơi được một chút.


Ông chủ Hoàng - người thường xuyên giết mổ gia cầm cho khách hàng Việt

Nói rồi ông lại cúi xuống cắt tiết gà, bên trong là vợ ông đang tuốt lông gà. Cũng lạ là những con gà bỏ vào nồi nước chưa đầy một phút lấy ra tuốt một cái từ đầu đến chân đã sạch trơn. Bà Dinh lý giải: “Người ta cho vào nồi nước đó một loại thuốc, chứ vặt lông thủ công như bên mình có đến đời mục thất mới xong hàng trăm con gà mỗi ngày”.

Nói đoạn, bà Dinh đưa chúng tôi đến một lò mổ khác cách lò mổ vừa rồi không xa. Quan sát, chúng tôi thấy cả một con lợn chừng 30kg được nhúng vào nồi nước mà trước đó 1 phút ông chủ có nhúng 3 con gà vào đó và chỉ bằng động tác tuốt từ đầu đến chân.

Theo ông chủ họ Trần này, người ta mua gia cầm ở chợ, rồi vận chuyển đến các lò mổ ở đây: “Thường thì họ phải báo trước, rằng sẽ mổ bao nhiêu con, mấy giờ chở gà đến và mấy giờ đến nhận hàng. Hàng có cho vào thùng xốp hay chỉ để ở ngoài.

Nói thực là hàng vận chuyển đi những đâu tôi không được rõ, song tôi có biết hôm nào giết mổ ồ ạt với số lượng lớn thì hôm đó chủ yếu đưa sang Việt Nam. Còn giết ít như hôm nay người ta chuyển đến các chợ nhỏ lẻ lân cận, hoặc mổ cho khách hàng tự mang về chế biến”.


Ông chủ Trần: “Tôi có biết hôm nào giết mổ ồ ạt với số lượng lớn thì hôm đó hàng chủ yếu đưa sang Việt Nam”

Tôi thắc mắc về những con gà, vịt được bày bán la liệt ngoài chợ, ông chủ này nói thêm, những con gia cầm đó đều được mổ ở đây. Nay bán không hết người ta lại bỏ vào thùng đá rồi cho lên ô tô xuất đi, việc bán được hay không không lấy gì làm lo lắng cả.

Nói xong ông chủ lại bắt tay vào công việc để lại trong chúng tôi một thắc mắc ai là người đứng sau các vụ vận chuyển gia cầm về Việt Nam. Rõ ràng, đây là một trong những điểm giết mổ gia cầm và đóng thùng đông lạnh để đưa vào nước. Bà Dinh cũng khẳng định chắc nịch như vậy khi bà sống và bán hàng ở đất này từ năm 1990 đến nay. Người ta lấy gia cầm ở đâu mang đến đây giết mổ và muốn lấy gia cầm sống để đưa về nước thì lấy ở đâu? Bà Dinh tiếp tục đưa chúng tôi đi tìm lời giải!

Theo bà Dinh, gia cầm đông lạnh ở Bằng Tường không phải là nhiều mà trên hết vẫn là ở Nam Ninh. Thường thì xe chở từ Nam Ninh ra, sẽ đổ một phần ở Bằng Tường và một phần chuyển ra biên giới Việt Nam dọc từ Cao Bằng cho đến Móng Cái.

Nhiều khách hàng Việt Nam lại sang Bằng Tường buôn lại nếu không bắt được mối hoặc không muốn bắt mối với các ông chủ bên Nam Ninh.

Dĩ nhiên, chợ gia cầm ở Bằng Tường và các lò mổ nơi đây vẫn đáp ứng được đầy đủ nhu cầu từ phía khách hàng bên Việt. Bởi thế, giới buôn gia cầm xuyên biên giới không ai xa lạ với chợ gia cầm trên đất Bằng Tường này nữa.

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Chỉ bàn làm, không bàn lùi'

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần 'chỉ bàn làm, không bàn lùi', ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương; vượt nắng, thắng mưa, hoàn thành tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Tây Ninh chấn chỉnh nhiều nhà máy tinh bột sắn gây ô nhiễm

Nhiều cơ sở sản xuất tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thường xuyên xả thải trực tiếp ra môi trường dù bị phạt nặng. Tỉnh này đang quyết liệt chấn chỉnh…

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngồi ở nhà, người dân Huế vẫn được cấp phiếu lý lịch tư pháp

THỪA THIÊN - HUẾ Từ ngày 22/4, người dân Huế có tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2 sẽ thực hiện thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh VneID.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm