| Hotline: 0983.970.780

Tổng giám đốc Vinashin: Sau ba năm sẽ hồi phục!

Thứ Năm 08/07/2010 , 14:39 (GMT+7)

Tổng Giám đốc Vinashin nói với việc tái cơ cấu, tập đoàn này sẽ cố gắng trả hết món nợ và gây dựng lại niềm tin, tên tuổi của chính mình.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinashin Trần Quang Vũ

 
Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) Trần Quang Vũ đã thẳng thắn thừa nhận việc đầu tư quá dàn trải cho các dự án, trình độ, năng lực hạn chế của đội ngũ lãnh đạo tập đoàn, đặc biệt là trong công tác quản lý tài chính.

Ông cũng cho rằng với việc tái cơ cấu, sự quan tâm của Chính phủ, sự nỗ lực, dám đối mặt với khó khăn của Vinashin, Tập đoàn này sẽ cố gắng trả hết món nợ và gây dựng lại niềm tin, tên tuổi của chính mình.

Tổng giám đốc Trần Quang Vũ trao đổi với phóng viên Vietnam+ về khoản nợ, vấn đề cơ cấu lại tập đoàn đang được dư luận quan tâm.

Tham vọng quá vội vàng


- Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập đoàn kiểm điểm làm rõ những sai phạm của những tập thể, cá nhân. Ông cảm thấy thế nào về trách nhiệm của mình trong câu chuyện đang xảy ra với Vinashin?

Ông Trần Quang Vũ: Chúng tôi cho rằng việc này là cần thiết. Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban điều hành tập đoàn đã họp, thông báo đến từng đồng chí lãnh đạo việc phải làm bản kiểm điểm cá nhân. Tôi cũng đang viết kiểm điểm và sẽ viết một các trung thực nhất.

Nhưng ngày nào còn làm ngồi điều hành Vinashin, chúng tôi sẽ phải suy nghĩ rất nhiều về câu chuyện này và làm hết mình để trải qua giai đoạn này.

- Nếu không có đợt tái cơ cấu này, thì Vinashin có rơi vào tình trạng xấu nhất là vỡ nợ không?

Ông Trần Quang Vũ:
Vinashin hoàn toàn không mất tiền. Đơn giản là tiền vay về được chuyển thành đất, thành tàu đang đóng dở dang. Trước hết chúng tôi phải đảm bảo đời sống cán bộ nhân viên, tiếp tục duy trì sản xuất để tạo nguồn thu  nhằm thanh toán công nợ, giảm bớt tiến tới chấm dứt nợ với các nhà thầu, các nhà cung cấp vật tư. Chúng tôi nợ họ lâu quá, chúng tôi lấy làm tiếc vì việc này làm cho họ rất khó khăn. Và điều quan trọng nhất là chúng tôi hiểu rằng không nên dựa dẫm, mà chúng tôi phải đứng lên đi bằng đôi chân của mình.

Tập đoàn cũng sẽ quyết liệt rà soát lại tất cả các dự án, tài sản, cái nào không cần thiết thì bán để tập trung trả nợ, phục hồi sản xuất.

- Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng hiện nay là trình độ, năng lực hạn chế của đội ngũ lãnh đạo tập đoàn, đặc biệt là trong công tác quản lý tài chính thông qua việc mua tàu và đầu tư. Ông có nhìn nhận thực tế này như thế nào?


Ông Trần Quang Vũ:
Việc quản lý và xây dựng đội ngũ mất rất nhiều thời gian. Khi tập đoàn mới thành lập, thị trường rất tích cực và chúng tôi nhận được rất nhiều đơn hàng. Đơn hàng tới tấp đổ về đã kích thích chúng tôi. Kết quả là tập đoàn tập trung quá nhiều vào các đơn hàng và ký hợp đồng mà chưa quan tâm đúng mức đến công tác hệ thống quản lý.

- Ngoài dự án phục vụ cho công nghiệp đóng tàu, Vinashin còn đầu tư bất động sản, tài chính?


Ông Trần Quang Vũ: Thực ra, số vốn đầu tư ra ngoài ngành của chúng tôi không nhiều, chỉ 6-7% trong tổng tài sản hơn 90.000 tỷ đồng. Khi thị trường khởi phát, rất nhiều ngành nghề nhìn thấy lợi nhuận, kích thích người kinh doanh.

- Đối với những khoản nợ Chính phủ bảo lãnh cho Vinashin vay nước ngoài thì việc trả nợ có vấn đề gì không?

Ông Trần Quang Vũ: Hiện các khoản nợ mà Chính phủ bảo lãnh chúng tôi vẫn duy trì trả nợ đúng hạn. Lần này khi thu được tiền về, việc trả nợ cả trong và ngoài nước sẽ tốt hơn.

- Trong thời gian ngắn, Vinashin đã thành lập ra hàng chục công ty cổ phần, ông nhìn nhận thế nào về hiệu quả hoạt động của những công ty này?


Ông Trần Quang Vũ: Việc kết nạp các công ty cổ phần nhằm tạo thêm nguồn lực và tận dụng được kinh nghiệm quản lý của nơi khác để tạo nên sức mạnh, nhanh chóng đạt được mục tiêu nội địa hóa ngành công nghiệp tàu thủy. Tuy nhiên, kết quả không được như mong muốn. Hiện nay đa số các công ty cổ phần hoạt động không hiệu quả.

Tham vọng của chúng tôi quá vội vàng và cần xử lý rất quyết liệt những tồn tại này.

- Sau khi đã chuyển một số dự án, đơn vị cho Petrovietnam (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Vậy đối với một số đơn vị hoạt động không hiệu quả còn lại thì tập đoàn có tiếp tục cơ cấu lại không?

Ông Trần Quang Vũ: Khi chúng tôi không đủ lực để đầu tư thì tốt hơn hết là chuyển cho các đơn vị khác, họ đang có nhu cầu đầu tư.

Ngoài ra, trong thời gian tới, tập đoàn sẽ quyết liệt rà soát lại tất cả các đơn vị. Các công ty cổ phần nào hoạt động không hiệu quả, không đúng ngành nghề thì chúng tôi sẽ rút vốn.
 
- Theo ông, Vinashin có bị teo đi khi giảm các đơn vị và nhiều dự án bị chuyển giao?

Ông Trần Quang Vũ: Vinashin chỉ teo đi cái phần mà bị đắp nhiều thịt vào, chưa phải là sức mạnh. Các dự án chuyển giao đó chưa ra tiền thì chưa thể nói là teo đi. Những dự án đó làm giảm lượng mỡ dư thừa để chúng tôi đi nhanh hơn. Nếu các công ty đó ra tiền rồi mà phải chuyển giao thì sẽ đau đớn lắm, nhưng đó là lượng mỡ dư thừa thì việc teo đi đó là tốt cho Vinashin.

Thiếu quyết liệt về mô hình quản lý

- Từ khi nào Vinashin cảm nhận được khó khăn đang đến với mình và vào thời điểm đó Vinashin đã làm gì để giải quyết khó khăn?

Ông Trần Quang Vũ: Một số người trong ban lãnh đạo chúng tôi đã cảm nhận câu chuyện này tại hội nghị tổng kết 2007, đã có những ý kiến đề nghị tăng cường quản lý, thậm chí thay đổi phương pháp quản lý.

Đến 2008, có nhiều ý kiến tranh luận về mô hình quản lý và đỉnh điểm của nó là đầu 2009, đã có những tranh luận gay gắt. Có ý kiến cho rằng tham vọng vẫn mở ra, bởi khi thị trường ổn định trở lại, tiền huy động được thì lấy dự án đâu ra mà làm. Nhiều ý kiến cho rằng mình đang mất uy tín, không nơi nào cho vay nữa, nên bán nhanh đi để co cụm tập trung cho sản xuất chính.

Chúng tôi suy nghĩ quá dài, tôn trọng ý kiến của nhau quá lâu, dẫn đến đầu 2010 mới đưa ra quyết định bán tất cả các tài sản không cần thiết, tập trung lại cho sản xuất chính. Lúc đó thì đã trở nên hơi muộn.

- Tại sao Vinashin không nhìn nhận nghiêm túc ngay từ lúc đó để có biện pháp kịp thời?


Ông Trần Quang Vũ: Thời điểm đó chúng tôi vẫn hy vọng thị trường sớm ổn định trở lại và có thể huy động được vốn. Đó là nguyên nhân chính chúng tôi không ra tay.

- Vậy theo ông đợt khủng hoảng này sẽ làm chậm sự phát triển của Vinashin?


Ông Trần Quang Vũ: Nó gây khó khăn chứ không làm chậm sự phát triển. Chúng tôi có thể có sai lầm nhưng chúng tôi cũng tự hào đã đạt được điều thần kỳ là trong thời gian ngắn đã đóng được những con tàu khó nhất trên thế giới, trừ những tàu quân sự. Thành tựu về mặt kỹ thuật đóng tàu thì chúng tôi đã đạt. Có chậm lại là kế hoạch nội địa hóa ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam.

Đây là cơ hội tốt để Vinashin lấy lại hình ảnh của mình. Phải trả hết các khoản nợ. Phải đối mặt với khó khăn, nhận khuyết điểm thì mới có thể đi lên được. Niềm tin đã mất thì không còn gì để nói.

- Vậy tập đoàn đặt mục tiêu đến khi nào sẽ trở lại hoạt động bình thường, ổn định để phát triển?


Ông Trần Quang Vũ: Thành công lớn nhất của Vinashin là đã tiến bộ về trình độ khoa học, kỹ thuật. Chúng tôi sẽ tổng cải cách công tác quản lý. Sau 3 năm nữa Vinashin sẽ phục hồi được, sau 5 năm chúng tôi sẽ lấy lại được tên tuổi của mình.

- Xin cảm ơn ông!

(Theo Vietnam+)

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm