| Hotline: 0983.970.780

Vẫn nằng nặc xin trồng cao su

Thứ Sáu 25/03/2011 , 08:40 (GMT+7)

Đến thời điểm này, tổng cộng 7 tỉnh trồng cao su tại Trung du MNPB đã có hơn 2.400 hecta cao su bị ảnh hưởng nặng nề do rét đậm rét hại gây ra. Trong số này, khoảng hơn 1.000 hecta gần như bị chết hoàn toàn. Bốn tỉnh Đông Bắc, mặc dù có diện tích cao su vừa bị thiệt hại nặng nề nhất nhưng có vẻ như không hề nao núng.

Trước tình hình nhiều diện tích cao su tại các tỉnh Trung du MNPB bị thiệt hại nặng nề vì rét đậm, rét hại gây ra, hôm qua, Bộ NN- PTNT cùng lãnh đạo UBND các tỉnh bị thiệt hại đã có cuộc họp đánh giá tình thiệt hại và tìm giải pháp phát triển cây cao su trong thời gian tới.  

>> Cao su Đông Bắc đồng loạt chết giấc: Bài học đắt giá cho sự nôn nóng
>> Hà Giang: Trồng cao su, thu hoạch...củi

Theo tổng hợp của Cục Trồng trọt đến thời điểm này, tổng cộng 7 tỉnh trồng cao su tại Trung du MNPB đã có hơn 2.400 hecta cao su bị ảnh hưởng nặng nề do rét đậm rét hại gây ra. Trong số này, khoảng hơn 1.000 hecta gần như bị chết hoàn toàn. Hơn 1.400 hecta hại còn lại có thể có khả năng phục hồi tùy theo mức độ, tuy nhiên ít nhất phải đến tháng 5/2011 mới có thể đánh giá chính xác về khả năng phục hồi của những diện tích này. Đáng chú ý nhất trong cuộc họp hôm qua, là trong khi hơn 2.400 hecta cao su bị thiệt hại nặng nề, vậy nhưng các địa phương gần như không nao núng, mà  lại tiếp tục có ý kiến tha thiết xin được Chính phủ cho quy hoạch để tiếp tục được trồng cao su.   

Các giống cao su chịu rét kém tại Phú Thọ đã bị chết hoàn toàn do rét

Bốn tỉnh Đông Bắc, mặc dù có diện tích cao su vừa bị thiệt hại nặng nề nhất nhưng có vẻ như không hề nao núng. Ông Doãn Văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai lạc quan nhận xét: Trong cái rủi có cái may! Mặc dù đợt rét vừa qua khiến cho khoảng 25 hecta cao su (chiếm gần 20% tổng diện tích) của tỉnh bị thiệt hại nặng nề, trong đó khoảng 5 hecta chết hoàn toàn. Tuy nhiên, đợt rét hơn 50 năm mới có một lần như vừa qua âu cũng là một dịp hiếm có để chọn lọc được những giống cao su chịu được rét. Mặc dù chưa được Chính phủ quy hoạch, tuy nhiên hiện Lào Cai đã đưa việc phát triển cây cao su vào Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh.  

“Năm nay Lào Cai vẫn sẽ giữ kế hoạch trồng mới ít nhất là 2.000 hecta cao su. Quan điểm của tỉnh từ năm 2011 là sẽ đưa cao su vào trồng diện tích lớn, trồng đại trà luôn chứ không phải thử nghiệm, thử nghiếc gì nữa. Một nhiệm kỳ chỉ có 5 năm thôi, nếu không trồng nhanh, ngồi chờ thử nghiệm thì cây trồng khác lại sẽ nhảy vào thay thế ngay! Vì thế sắp tới, tỉnh tha thiết mong được Chính phủ sớm cho vào quy hoạch phát triển cao su ở MNPB” – ông Hưởng sốt sắng. 

“Nhất trí cao” với quan điểm của ông Hưởng, ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cũng tiết lộ, mặc dù chưa được Chính phủ quy hoạch nhưng HĐND và UBND tỉnh Phú Thọ đã phê duyệt xong quy hoạch phát triển cây cao su, thậm chí xác định đây là chương trình phát triển kinh tế và đầu tư trọng điểm. Trước mắt năm 2011, Phú Thọ sẽ phấn đấu trồng mới ít nhất từ 700-1.000 hecta cao su (hiện mới có 110 hecta thử nghiệm). Vì vậy, mong muốn lớn nhất thời điểm này của tỉnh là Chính phủ sớm đưa Phú Thọ vào quy hoạch phát triển cao su. Để mở đường cho kế hoạch trồng cao su được thuận lợi, ông Phúc nói cần phải hoàn thành ngay cơ sở pháp lí, cấp QSDĐ cho các diện tích đất mà dân góp góp...  

Trong khi đó, ba tỉnh Tây Bắc mặc dù diện tích cao su quy hoạch hiện đã vượt 7,5 nghìn hecta so với quy hoạch chung của Chính phủ nhưng có vẻ vẫn chưa muốn dừng lại. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La - ông Cầm Văn Chính khẳng định, ngoài 6 huyện hiện đã có cao su, tỉnh này đã “dọn sẵn” khoảng hơn 2.000 hecta đất dọc theo hệ thống sông Mã thuộc huyện Mộc Châu, sẵn sàng đón tiếp cây cao su của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam về trong thời gian sớm nhất... 

Đến năm 2010, 6 tỉnh Trung du MNPB đã có quy hoạch phát triển cao su với tổng diện tích đến năm 2020 khoảng 83,5 nghìn hecta – vượt so với Quyết định 750/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 23,5 nghìn hecta. Trong đó 4 tỉnh vùng Đông Bắc mặc dù chưa có trong quy hoạch của Chính phủ nhưng hiện đã trồng xấp xỉ 2.000 hecta, hầu hết đều là giống chịu rét kém và thiệt hại rất nặng nề trong đợt rét cuối năm 2010, đầu năm 2011.

Cũng xung quanh quyết tâm tiếp tục phát triển cây cao su, lãnh đạo các tỉnh Trung du MNPB chỉ ái ngại về vấn đề giống. Bởi qua đợt rét vừa qua, một loạt bộ giống cao su năng suất cao như PB260, RRIM600, RRIV4, RRIC100... đều đã bị hạ “nốc ao” vì rét. Chỉ còn vài giống như IAN 873 hay Vân Nghiên 77-2, Vân Nghiên 77-4... là còn chịu được rét mà thôi. Vì vậy lo ngại là nếu như sắp tới hay ngay như năm 2011 này, tỉnh nào cũng ào ạt trồng mới cao su thì rất có thể giá giống sẽ bị thổi lên chót vót. Trong khi đó, các giống Vân Nghiên 77-2, Vân Nghiên 77-4 hiện nay đều phải nhập hoàn toàn từ Trung Quốc...  

Trước lo lắng này, các tỉnh đều đề nghị Bộ NN-PTNT phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam nhanh chóng thành lập ngay một trung tâm giống cao su tại Trung du MNPB. Đồng thời, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) trong thời gian sớm nhất phải đặc cách, công nhận bộ giống cao su chịu rét thì các DN mới có thể NK giống về với số lượng lớn để phục vụ cho các tỉnh trồng mới. 

Liên quan đến khâu giống, Thứ trưởng Bộ NN-PTT Bùi Bá Bổng cho rằng, đối với các tỉnh vùng Đông Bắc, nhất định phải trồng giống chịu rét tốt và chấp nhận năng suất trung bình. "Tuy nhiên, cũng rất lo lắng, liệu cứ trồng cao su chịu rét, sống được rồi, nhưng ít năm sau nó không có mủ, hay năng suất quá thấp thì sao? Vì thế tinh thần là các tỉnh Trung du MNPB phát triển cao su vẫn phải thận trọng chắc chắn. Đặc biệt các tỉnh Đông Bắc, thời gian tới sẽ giao Viện Quy hoạch Thiết kế nông nghiệp tiến hành rà soát, quy hoạch chi tiết trình Chính phủ” – Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nói.

Ông Nguyễn Hồng Phú- Phó TGĐ Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam: 

“Ngoài nguyên nhân khách quan của thời tiết, có lẽ là công tác về giống cao su và khảo sát quy hoạch vùng trồng cao su MNPB chưa kỹ. Mặc dù Tập đoàn đã lựa chọn giống thích hợp cho khí hậu khắc nghiệt vùng Đông Bắc, nhưng thời gian và điều kiện đánh giá khảo sát các giống chưa hoàn thiện. Hiện tại Tập đoàn chưa có đánh giá chính xác về thiệt hại về kinh tế, nhưng chắc chắn là thiệt hại về giống và công trồng tại các tỉnh Đông Bắc là khá lớn. Trước mắt, Tập đoàn sẽ triển khai xin phép Bộ NN-PTNT cho NK giống để trồng lại ở các diện tích thiệt hại nặng (chết hoàn toàn hoặc chết 2/3 cây). Các diện tích bị thiệt hại nhẹ sẽ phải trồng dặm.”

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.