| Hotline: 0983.970.780

Rừng nghiến Hà Giang đang bị phá nát

Thứ Tư 07/03/2012 , 09:51 (GMT+7)

Cả nghìn cây nghiến cổ thụ đường kính 1 - 2 m bị đốn hạ và tuồn qua bên kia biên giới trong sự bất lực của lực lượng chức năng huyện Vị Xuyên và Quản Bạ (Hà Giang).

Mấy tháng gần đây, tại huyện Vị Xuyên và Quản Bạ (Hà Giang), vấn nạn khai thác gỗ nghiến trái phép khu vực giáp biên giới Trung Quốc diễn ra vô cùng nóng bỏng, phức tạp. Đã có cả nghìn cây nghiến cổ thụ đường kính 1 - 2 m bị đốn hạ và tuồn qua bên kia biên giới trong sự bất lực của lực lượng chức năng địa phương.

>> Tan nát rừng đầu nguồn Sơn Hồng

 PHÓ CHỦ TỊCH XÃ, TRƯỞNG THÔN, CÔNG AN VIÊN ĐỀU THAM GIA PHÁ RỪNG

Chúng tôi có mặt tại xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên, một trong những điểm nóng nhất về nạn khai thác gỗ nghiến trái phép tìm hiểu nguyên nhân vì sao tình trạng phá rừng diễn ra âm ỉ tại đây nhiều tháng qua mà các cơ quan chức năng chưa thể dập tắt. Sự xuất hiện đột ngột của chúng tôi được người dân chào đón bằng những ánh mắt săm soi. Trao đổi với Chủ tịch UBND xã Minh Tân Nguyễn Xuân Thảo, chúng tôi mới hay biết mọi động tĩnh của người lạ hay cán bộ xã thời gian gần đây đều nằm trong tầm ngắm của các đối tượng lâm tặc. Được biết, vừa qua một phó chủ tịch UBND xã Minh Tân đã bị bắt vì liên quan đến khai thác, vận chuyển, buôn bán trái phép gỗ nghiến. Bản thân ông Thảo mới được huyện điều động từ nơi khác về cũng nhằm mục đích ngăn chặn vấn nạn khai thác gỗ nghiến nhức nhối này.

Ông Thảo cho biết, Minh Tân là xã biên giới giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, đường biên lên tới 11,5 km. Xã hiện có 1.368 hộ dân với 5.781 nhân khẩu, tỉ lệ hộ nghèo trên 72%. Trong đó, có 2 thôn ở giáp khu vực biên giới là Hoàng Lỳ Pả và Mã Hoàng Phìn đa số là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Tuy nhiên, nạn khai thác gỗ nghiến trái phép không chỉ diễn ra ở hai thôn giáp biên mà các thôn Tả Lèng, Thượng Lâm, Tân Sơn thuộc xã cũng xảy ra tình trạng tàn sát rừng nghiến cổ thụ trong Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Phong Quang đem bán cho đầu nậu bên kia biên giới. Ông Thảo không ngần ngại thừa nhận, từ khi xuất hiện những đối tượng người Trung Quốc sang lôi kéo, mua chuộc người dân khai thác gỗ nghiến bán cho chúng với giá cao, lúc đỉnh điểm giữa năm 2011, có thôn gần như nhà nào cũng đi phá rừng, khai thác gỗ nghiến, nhiều nơi cả trưởng thôn, công an viên cũng tham gia khai thác gỗ vì lợi nhuận quá cao.


Những cây nghiến có đường kính 1- 2 mét bị chặt hạ la liệt trong Khu BTTN Phong Quang

Theo anh Thào Mý Vư - Phó Bí thư Đảng uỷ xã Minh Tân (một cán bộ biên phòng mới được tăng cường xuống xã), tính đến thời điểm hiện tại số lượng cây nghiến bị chặt hạ xã thống kê được từ năm 2011 đến nay đã vào khoảng 500 - 600 cây, tương đương 5.000 - 6.000m3. Với những cây nghiến đường kính từ 1 - 2 mét, sau khi cắt thành khúc dày khoảng 4cm được bán tại rừng với giá 200.000 - 400.000 đồng/khúc, nhưng chỉ cần vận chuyển trót lọt qua bên kia biên giới giá của nó lên tới 300 - 600 nhân dân tệ, tương đương 1 - 2 triệu đồng tiền Việt Nam. “Bình thường, phụ nữ, trẻ em ngày vận chuyển được một khúc nghiến, thanh niên ngày vận chuyển được 2 - 4 khúc, tính ra số tiền kiếm được một ngày lên tới vài triệu đồng. Đó là lý do người dân các thôn, xã xung quanh Khu bảo tồn bất chấp tất cả ra sức chặt phá rừng nghiến hàng nghìn tuổi, thậm chí chống trả lực lượng chức năng, phá hoại tài sản của người dám tố cáo. Đã có một cán bộ kiểm lâm bị lâm tặc ném đá đứt ngón tay và một gia đình bị lâm tặc xô trâu ngã xuống vực. Bản thân chúng tôi lần nào vào càn quét lâm tặc ra xe cũng bị thủng cả 4 bên lốp”. Anh Vư nói.


Hiện trường lâm tặc bỏ chạy để lại

KIỂM LÂM CÓ CŨNG NHƯ KHÔNG

Sau khi hoá trang thành người dân địa phương cũng như chuẩn bị lương thực cho một chuyến đi vào Khu BTTN Phong Quang, bỗng cán bộ xã Minh Tân đổi ý không đưa chúng tôi đi vào khu rừng nghiến bị phá nữa với lí do mới có một cây nghiến cổ thụ bị lâm tặc cưa đổ chắn ngang đường không đi qua được mà trong khu vực đó còn sót nhiều bom mìn chưa rà phá sau chiến tranh? Vậy là chúng tôi đành phải tự đi thực địa tại thôn Tân Sơn, một thôn mà theo nhiều nguồn tin, tình trạng phá rừng nghiến diễn ra vô cùng nóng bỏng. Quả thực, đi dọc con đường đá cấp phối với hai bên đường san sát nhà dân, chúng tôi thấy gia đình nào cũng có đà xẻ gỗ và có gỗ nghiến để trong nhà. Ngay cạnh cánh đồng của thôn, một cây nghiến cổ thụ đường kính 1 mét vừa bị chặt hạ cách đây không lâu nằm phơi mưa nắng. Xung quanh cây nghiến, đất đá từ trên núi lăn xuống lấp hết cả ruộng vườn của bà con, có những tảng đá to bằng cả cái nhà. Nhìn bằng mắt thường cũng biết đây là lối mòn do lâm tặc lao gỗ từ trên núi xuống tạo thành.


Các đối tượng vận chuyển gỗ nghiến trái phép bị bắt giữ

Ông C, một người dân tại thôn Tân Sơn xót xa cho biết, chỉ trong mấy tháng gần đây mà lâm tặc đã dùng cưa máy chặt hạ mấy trăm cây nghiến cổ thụ ở cánh rừng sau nhà ông. Sau khi cắt lấy phần thớt nghiến vuông vắn bán cho đầu nậu, chúng vứt bỏ lại tất cả đầu thừa đuôi thẹo trên rừng vô cùng lãng phí. Không chỉ vậy, rất nhiều cây nghiến sừng sững ngay cạnh thôn cũng bị lâm tặc dùng cưa máy xẻo đi từng miếng “thịt gỗ” một cách vô cùng tinh vi. Để chứng minh, ông C dẫn tôi tới tận chỗ mấy cây nghiến bị “xẻo thịt”. Thật quá bất ngờ, chúng tôi không thể tin được vào mắt mình khi cây nghiến cổ thụ bị lâm tặc cắt đứt một phần ba thân cây chỉ để lấy một miếng gỗ đem bán.

 

Phó hạt trưởng Bách thú thật, hiện lực lượng kiểm lâm của Hạt Phong Quang có 12 người thì mất 5 cán bộ văn phòng, còn lại 7 cán bộ chuyên môn thì 4 người đang đi học đại học tại chức. Thử hỏi với 3 kiểm lâm còn lại mà phải bảo vệ hơn 8.000 ha rừng nghiến đặc dụng gần khu vực biên giới và đối phó với đội quân lâm tặc "đông như quân Nguyên" và thông thuộc địa bàn như lòng bàn tay thì khác gì trứng chọi đá.

Biết được đối tượng phá rừng, cách thức phá rừng và nơi tiêu thụ gỗ lậu, tại sao tình trạng phá rừng tại Khu BTTN Phong Quang không thể ngăn chặn tận gốc rễ? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Việt Bách - Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Phong Quang, đơn vị chính chịu trách nhiệm bảo vệ rừng nghiến tại Khu BTTN Phong Quang phân bua: Do khu vực phá rừng nằm sát biên giới, cách xa trung tâm xã cả ngày đường đi bộ, lực lượng kiểm lâm mỏng, đối tượng phá rừng lại là chính người dân địa phương nên công tác bảo vệ rừng rất khó khăn. Theo ông Bách, để vận chuyển một khúc gỗ nghiến sang bên kia biên giới bán cho đầu nậu đơn giản hơn rất nhiều so với vận chuyển về trung tâm các xã xung quanh Khu bảo tồn. Chính vì thế mà từ năm 2011 đến nay, hàng chục vụ bắt giữ của kiểm lâm hay các tổ liên ngành ít khi mang được tang vật về trụ sở do đường khó đi và quá xa. Mặt khác, không người dân nào dám nhận vận chuyển gỗ ra vì sợ các đối tượng trả thù. Vậy là sau khi lực lượng chức năng rút đi, lâm tặc lập tức quay trở lại tiếp tục khai thác, vận chuyển gỗ nghiến đem bán cho đầu nậu đánh xe tải đợi sẵn ngay sát biên giới.

Theo nhiều nguồn tin, các đối tượng đầu nậu bên kia biên giới còn cung cấp cả hàng trăm chiếc cưa xăng cho người dân sống cạnh các khu rừng nghiến đặc dụng nên chỉ trong vòng chưa đầy 10 phút lâm tặc đã “thanh toán” xong một cây nghiến cổ thụ có đường kính 1 - 2 mét. Khi lực lượng chức năng đến nơi chúng đã kịp tẩu tán, đến khi lực lượng rút đi chúng lại lên phá rừng xẻ gỗ bình thường. Ông Bách cho biết, trước đây tỉnh Hà Giang và huyện Vị Xuyên đã từng thành lập tổ công tác liên ngành với sự phối hợp của lực lượng kiểm lâm, biên phòng, công an và chính quyền xã Minh Tân lập chốt chặn tại các lối mòn dẫn qua bên kia biên giới hiệu quả thu được khá cao, nhưng do không có kinh phí duy trì nên khi lực lượng này giải thể, tình trạng khai thác lại nóng trở lại.

 
Một cây nghiến mới bị lâm tặc chặt hạ tại thôn Tân Sơn, xã Minh Tân

 

 

 

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm