| Hotline: 0983.970.780

20 triệu đồng và chuyện 1 thôn có 2 bệnh viện

Thứ Tư 11/04/2012 , 10:18 (GMT+7)

Điều lạ trong dự án Bệnh viện tư nhân Đại An là việc quy hoạch đi sau dự án. Những người hy sinh đất để phục vụ lợi ích cho DN mang danh nghĩa nửa kinh doanh, nửa dịch vụ này không biết có được hưởng lợi gì trong tương lai?

Điều lạ trong dự án Bệnh viện tư nhân Đại An là việc quy hoạch đi sau dự án. Câu chuyện tiền trảm hậu tấu, có dự án rồi mới bổ sung quy hoạch được xem là nguyên nhân của sự bất ổn. Chỉ có điều, những người hy sinh đất để phục vụ lợi ích cho DN mang danh nghĩa nửa kinh doanh, nửa dịch vụ này không biết có được hưởng lợi gì trong tương lai?

>> Cái lý của người dân

Chưa có quyết định đã thu hồi

Đã hơn 3 tháng kể từ ngày cưỡng chế thu hồi đất ở xã Thiệu Đô (Thiệu Hóa - Thanh Hóa), hơn 2 chục triệu đồng là số tiền đền bù trên 200m2 đất màu, GPMB, bao gồm cả tiền hỗ trợ việc làm mà nông dân Nguyễn Văn Quang, thôn I, nhận được tính đến thời điểm này (diện tích đất sát QL45 đó, nếu chuyển mục đích sang đất để xây dựng, phải có giá không dưới 800 triệu đồng thời điểm này tại Thiệu Đô). 20 triệu với nông dân là một số tiền lớn, gia đình anh có thể mua được hàng trăm con gà giống để chăn nuôi, nhưng chẳng thể đủ để có một kế sinh nhai bền vững khác trong những ngày tháng sắp tới của gia đình.  

Người dân tập trung tại dự án để phản đối những hành vi họ cho là sai luật

Anh Quang là một trong 10 hộ dân đã theo đuổi việc khiếu kiện từ hơn 1 năm nay, nhưng đầu năm 2012 vừa qua, do khó khăn trong cuộc sống, chính anh đã phải ký chấp nhận khoản tiền đền bù nói trên. “Chính quyền rồi thôn xóm đến và đem theo lệnh cưỡng chế. Đầu tiên tôi không ký. Nhưng dịp gần Tết, gia đình khó khăn quá, một lũ con nhỏ không có gì cho chúng ăn, tôi đành bấm bụng ký lấy tiền mang về trang trải sinh hoạt và học hành cho các cháu”, anh Quang tâm sự.

Nhận được cục tiền đền bù đất để rồi mất sinh kế vĩnh viễn là thực trạng chung của nhiều hộ nông dân nơi đây. Vẫn biết làm như thế là cực chẳng đã, nhưng cái khó nó bó cái khôn. Cũng có hộ dân muốn giữ lại mấy thửa đất để con cái mình sau này có tư liệu mà sản xuất, chính vì vậy, đất đổi đất là nguyện vọng của nhiều người dân ở Thiệu Đô. Thế nhưng, nguyện vọng chính đáng đó đến nay chưa có sự phản hồi từ chính quyền. Ông Lê Đình Dưỡng, thôn I, xã Thiệu Đô cho biết: “Xã gọi lên họp, hỏi nguyện vọng của nhân dân. Chúng tôi nói rằng muốn đổi đất lấy đất. Xã lại bảo không được. Như thế thì hỏi nguyện vọng của chúng tôi để làm gì?”.

Xã trả lời thế, người dân lại mang những nguyện vọng của mình đến huyện để hỏi cho ra lẽ. Nhưng dường như, những cán bộ của Phòng tiếp công dân huyện không mấy mặn mà với những vị khách không mời này. Trong chiến tranh, người dân đã hiến đất đai, nhà cửa phục vụ kháng chiến. Nhưng nay, đã mấy chục năm qua, cực chẳng đã, họ lại cầm lá đơn đi kiện về đất đai để một lần nữa làm rõ những điều trước đây họ vẫn tin là đúng.

Quyết định thu hồi đất ở Thiệu Đô do lãnh đạo UBND tỉnh ký. Và đến nay, đây vẫn là quyết định thu hồi đất duy nhất kể từ khi có dự án Bệnh viện Đại An. Theo Nghị định 181, căn cứ vào quyết định thu hồi diện tích đất của UBND tỉnh, TP, UBND huyện quyết định thu hồi diện tích đất cụ thể đối với từng hộ gia đình, cá nhân.  

Những hộ bị thu hồi đất được “chỉ mặt đặt tên” diện tích phải thu hồi

Điều đó có nghĩa rằng, UBND huyện Thiệu Hóa phải ra 1 quyết định thu hồi đất do lãnh đạo huyện ký dựa trên quyết định của UBND tỉnh. Tuy nhiên, theo phản ánh của những người dân bị thu hồi đất, đến thời điểm này, họ chưa hề nhận được bất cứ quyết định thu hồi đất nào từ phía UBND huyện. “Trình tự, thủ tục là anh phải thông báo đến người dân quyết định thu hồi đất. Mức giá đền bù cũng phải đối chất với dân. Việc đó không những chính quyền không làm, mà còn ra quyết định cưỡng chế, nói rằng người dân chống lại quyết định thu hồi đất. Vậy quyết định ấy là quyết định nào?”, ông Lê Đình Túc bức xúc hỏi.

Một thôn, 2 bệnh viện

Để trả lời cho câu hỏi này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa kiêm Chủ tịch HĐ bồi thường, GPMB dự án, ông Lê Xuân Đào, đã viện dẫn Nghị định 69, trong đó có điều khoản thực hiện chính sách xã hội hóa, ưu tiên các lĩnh vực y tế, giáo dục, TDTT… để khẳng định việc thu hồi đất của địa phương là đúng pháp luật. “Công trình này là công trình phúc lợi trong lĩnh vực y tế. Do đó, đất này là Nhà nước thu hồi chứ không phải thỏa thuận với dân”, ông Lê Xuân Đào phân tích.

Trên thực tế, trao đổi với PV NNVN, GS-TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, cũng khẳng định, Nhà nước thu hồi đối với những lĩnh vực ưu tiên xã hội hóa như y tế, văn hóa… Tuy nhiên, vị này cũng khẳng định, việc thu hồi đất phải nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.

Thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực y tế là chủ trương lớn và đúng đắn của Nhà nước. Và căn cứ của ông Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa cũng không có gì sai. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là vị lãnh đạo này dường như chưa đọc đầy đủ quy định của Nghị định 69, trong đó nêu rõ: “DN thực hiện xã hội hóa phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương”.  

Dự án này đang được chủ đầu tư huy động máy móc đẩy nhanh tiến độ

Thế nhưng, trong quyết định giải quyết khiếu nại ngày 15/10/2011 của UBND tỉnh Thanh Hóa do ông Lê Đình Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký, khẳng định, dự án Bệnh viện Đa khoa tư nhân Đại An tại xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa không nằm trong quy hoạch sử dụng đất của huyện Thiệu Hóa và kế hoạch sử dụng đất của xã Thiệu Đô được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trước đó, trong một văn bản gửi UBND tỉnh, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa cũng khẳng định điều này.

“Nghị định 69 có 1 điều khoản là căn cứ quan trọng để trả lời cho câu hỏi thu hồi đất ở xã Thiệu Đô đúng hay sai, đó là DN thực hiện các dự án mang tính xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa và TDTT được Nhà nước thu hồi và giao đất theo khung giá quy định của địa phương. Tuy nhiên, dự án phải nằm trong quy hoạch đã được duyệt. Nếu căn cứ theo điều khoản này thì dự án Bệnh viện Đại An chưa được thực hiện từ tháng 9/2010, vì lúc đó dự án chưa nằm trong quy hoạch, tức là người dân địa phương không bị thu hồi đất như trên thực tế. Sự mập mờ trong vận dụng luật đang khiến cho câu chuyện thu hồi đất ở Thiệu Hóa ngày càng trở nên phức tạp”, GS Đặng Hùng Võ.

Một điều trớ trêu mà người dân thuộc diện thu hồi đất của xã Thiệu Đô nêu lên, đó là tình trạng thôn I của xã này có tới… 2 bệnh viện. Bệnh viên đa khoa huyện Thiệu Hóa đặt ở đầu thôn, có 3 dãy nhà 3 tầng. Và, theo phản ánh của người dân, bệnh viện này cũng thường xuyên trong tình trạng… thừa giường. Bệnh nhân ít đến nỗi 1 trong 3 dãy nhà trên đã được Bệnh viện nhường lại để làm trụ sở cho Trung tâm Y tế dự phòng huyện. Một bệnh viện khác đang được gấp rút xây dựng mà không nằm trong quy hoạch, đó chính là Bệnh viện tư nhân Đại An ở phía cuối thôn, nơi mà người dân cho rằng là nguyên nhân cho việc khiếu kiện kéo dài.

Không có trong quy hoạch, nhưng tháng 9/2010, dự án này vẫn được triển khai GPMB. Một điều lạ là tận 3 tháng sau đó, đến tháng 12/2010, UBND huyện Thiệu Hóa mới ký quyết định bổ sung quy hoạch. Chính đại diện UBND xã Thiệu Đô và huyện Thiệu Hóa cũng đã thừa nhận điều này. Ông Hoàng Huy Cảnh, Chủ tịch UBND xã Thiệu Đô nói: “Khi thực hiện dự án này, diện tích đất bị thu hồi chưa nằm trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2010 - 2015”. Tuy nhiên, ông Lê Viết Đào thì cho rằng, sau khi DN xin thực hiện dự án, UBND tỉnh đã có văn bản cho phép huyện bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất 2011 – 2020.

GS Đặng Hùng Võ nhận xét, đối chiếu với các quy định về đất đai trong Nghị định 181 và 69 thì chính quyền địa phương đã thực hiện thu hồi đất có những điểm không đúng với quy định. Do vậy, cái sai nảy sinh từ gốc. “Câu chuyện tiền trảm hậu tấu, có dự án rồi mới bổ sung quy hoạch không lạ. Tuy nhiên, điều lạ là những người hy sinh đất để phục vụ lợi ích cho DN mang danh nghĩa nửa kinh doanh, nửa dịch vụ này không biết có được hưởng lợi gì trong tương lai?”, ông Võ nhận xét.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm