| Hotline: 0983.970.780

Tôm, hễ thả là chết!

Thứ Tư 11/04/2012 , 09:55 (GMT+7)

Các cơ quan chuyên môn đang điều tra tìm nguyên nhân thiệt hại tôm nuôi đồng thời khuyến cáo người nuôi nên xử lý diệt khuẩn, không vội vã thải nguồn nước trong các ao tôm bị thiệt hại ra kênh - mương công cộng, làm cho mức độ lây lan dịch bệnh nghiêm trọng hơn.

Thả là chết, nên chẳng bà con nào dám thả, còn số đã thả thì gần như mất trắng do hoại tử gan tụy cùng bệnh đốm trắng.

>> Tôm chết do giống
>> Giải pháp giảm rủi ro trong nuôi tôm
>> Mầm họa của người nuôi tôm Bình Định
>> Tôm ''chết yểu'' 
 

Những vuông tôm bỏ hoang vì tôm hễ thả là chết khiến bà con chán nản không muốn đầu tư

Thả là chết

Theo thống kê của Chi cục Nuôi trồng thủy sản Trà Vinh, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 18.300 hộ thả nuôi hơn 1,4 tỷ con giống tôm sú trên diện tích gần 18.500 ha mặt nước. Trong đó có gần 4.000 hộ thả nuôi tôm theo hình thức công nghiệp và bán công nghiệp, với số lượng con giống hơn 500 triệu con. Và một thực trạng đang báo động là trong thời gian gần đây hiện tượng tôm nuôi bộc phát nhiều loại dịch bệnh, làm cho gần 2.900 hộ nuôi tôm bị thiệt hại hơn 233 triệu con giống. Trong đó 3 xã bị thiệt hại nặng nhất là Mỹ Long Nam, Hiệp Mỹ Đông và Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang với 1.126 hộ, thả tổng số hơn 155 triệu con giống. Xã Mỹ Long Nam là địa phương có diện tích nuôi tôm theo hình thức công nghiệp thiệt hại trên 70%, có nơi diện tích tôm nuôi bị thiệt hại trên 90%. Lần đầu tiên địa phương này có diện tích thả nuôi theo hình thức công nghiệp bị thiệt hại nặng nhất kể từ trước đến nay.

Ông Phạm Văn Liêm, Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Nam, cho biết: Đến thời điểm này bà con đã xuống giống khoảng 604 ha, chiếm 70% diện tích nhưng đã có 70% diện tích thả nuôi thiệt hại. Tôm chết có triệu chứng bơi lờ đờ vào bờ rồi lật ngang chết. Xác định ban đầu của cán bộ kỹ thuật là do gan tụy chiếm đa số. Nguyên nhân xác định do bà con thả nuôi trước lịch thời vụ để nhằm bán được giá. Ngoài ra do ảnh hưởng của thời tiết năm nhuận thành ra không lường trước được hậu quả.

Để tìm hiểu cụ thể tình hình tôm nuôi ở xã Mỹ Long Nam, chúng tôi đến khu vực cầu Ván thuộc ấp Tư. Hình ảnh chứng kiến là hàng loạt ao nuôi tôm theo hình thức công nghiệp đã rút cạn nước, trơ trọi lại nền đáy. Các bệ quạt nước còn treo lơ lửng trong ao, hoang vắng lạnh lùng. Ông Nguyễn Quốc Việt, một hộ nuôi tôm tại khu vực này cho biết: Đầu vụ đã thả 260.000 con giống trong 3 ao có tổng diện tích 1 ha. Tôm nuôi được 22 ngày tuổi thì bắt đầu có hiện tượng chết dần 2 ao và đến nay thì xem như thiệt hại trắng.

Hoang mang không rõ vì sao?

Nói về hiện tượng tôm nuôi bị thiệt hại, anh Nguyễn Quốc Việt cho biết: Hiện tượng tôm đi vào bờ, nó không chịu xuống, được hai mươi mấy ngày là tấp mé rồi chết. Năm nay tôi thả sớm hơn năm rồi có mười mấy ngày mà chết quá dữ. Cũng không biết chúng bị sao nữa? Bà con ở đây không ai biết trọi. Dịch bệnh diễn ra hết sức phức tạp, mà hầu hết diện tích tôm nuôi bị thiệt hại đều có liên quan đến bệnh gây hoại tử gan tụy, chúng tôi rất lo lắng vì chưa biết được nguyên nhân vì sao?

Tương tự tại 2 ấp Đồng Cò và Khúc Ngay, xã Hiệp Mỹ Đông bà con nuôi tôm cũng đang rất hoang mang vì tôm nuôi bị chết xảy ra liên tiếp, nước kênh rạch tháo tán loạn. Ông Mai Văn Phượng, ở ấp Đồng Cò có 3 ao tôm trên diện tích 9.000 m2 đã lâm nạn. Ông Phượng cho biết: Sau khi xử lý nước xong ngày 10/3 thì tiến hành thả nuôi 350.000 con giống. Tôm được 15 ngày tuổi thì bắt đầu kéo đàn và yếu dần. Một tuần sau tôm bắt đầu chết. Ông Phượng thở dài: Cũng không biết tôm chết do bệnh lây lan hay do đâu, giống như bệnh dịch, luồng gió gì đó, chứ đâu phải như hàng năm nó chết theo từng vùng. Năm nay tôm chết nguyên cả khu vực luôn. Bà con vô cùng lo lắng vì không biết phòng trị như thế nào. Hiện tượng dẫn đến tôm chết có nhiều biểu hiện khác thường như kéo đàn, tấp mé hoặc rớt đáy, người nuôi khó phát hiện.

Ông Mai Văn Phượng ấp Đồng Cò xã Hiệp Mỹ Đông huyện Cầu Ngang buồn rầu vì tôm nuôi đã bị chết hết

Khuyến cáo tạm ngừng thả giống

Trước thực trạng này, các cơ quan chuyên môn đang điều tra tìm nguyên nhân thiệt hại tôm nuôi đồng thời khuyến cáo người nuôi nên xử lý diệt khuẩn, không vội vã thải nguồn nước trong các ao tôm bị thiệt hại ra kênh - mương công cộng, làm cho mức độ lây lan dịch bệnh nghiêm trọng hơn.

Ở Bến Tre hiện cũng đã có trên 150 ha tôm chết non, chết yểu. Để kịp thời ngăn chặn, hạn chế dịch bệnh xảy ra trong thời gian tới, Sở NN - PTNT Bến Tre khuyến cáo người nuôi tôm tại các xã: Phú Long, Đại Hòa Lộc, Thạnh Trị, Thạnh Phước, Bình Thắng, huyện Bình Đại; Tân Xuân, Bảo Thuận, Bảo Thạnh, huyện Ba Tri nên tạm ngưng thả giống vào thời điểm hiện nay. Thường xuyên theo dõi điều kiện môi trường, thời tiết, kết quả quan trắc môi trường của Trung tâm KN – KN, khi nào môi trường nuôi thật sự ổn định mới tiếp tục thả giống. Tôm nuôi có dấu hiệu bị nhiễm bệnh, người nuôi không được tự ý xả nước thải, xác tôm chết ra môi trường tự nhiên, phải báo ngay cho Ban quản lý vùng nuôi, UBND xã hoặc Phòng NN – PTNT huyện hoặc Chi cục Nuôi trồng thủy sản để được hướng dẫn cách ly, tiêu hủy kịp thời, tránh lây lan trên diện rộng.

Cách xử lý ao tôm bệnh

Trường hợp ao bị bệnh đốm trắng: Dùng chlorin để xử lý ao nuôi với hàm lượng 30 ppm (với chlorine có hàm lượng 70%), ít nhất sau 15 ngày mới rút nước khỏi ao chứa vào ao chứa nước thải. Vớt sạch tôm chết ra khỏi ao để tiêu hủy, sau đó tiến hành cải tạo đáy ao và phơi ao, thời gian 1 tháng. Dùng hóa chất để tiêu diệt mầm bệnh còn lại trong ao như: formol với hàm lượng 100ppm phun đều khắp ao và phun vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối; hoặc dùng chlorin với hàm lượng 50ppm phun đều khắp ao vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối. Việc phun hóa chất có thể lặp lại 2 - 3 lần trong thời gian phơi ao. Sau quá trình cải tạo, cách ly ít nhất 1 tháng có thể tiến hành thả nuôi trở lại.

Trường hợp ao bị bệnh gan tụy: Có thể thu hoạch nếu tôm lớn và còn tươi sống, ngược lại nếu tôm còn nhỏ và chết nhiều có thể ngưng cho ăn, ngưng quạt nước hoặc thổi khí, dùng hóa chất sát khuẩn mạnh (như: formol, GDA, BKC...) để sát khuẩn ao nuôi, có thể 2 - 3 ngày lặp lại 1 lần, ít nhất sau 15 ngày mới rút nước khỏi ao chứa vào ao chứa nước thải. Vớt sạch tôm chết ra khỏi ao để tiêu hủy, tiến hành cải tạo đáy ao và bón vôi nung (CaO) hoặc vôi tôi Ca(OH)2 với liều 50kg-70kg/1.000m2, sau đó tiến hành phơi ao (khoảng 1 tháng). Dùng hóa chất để tiêu diệt mầm bệnh còn lại trong ao như: formol với hàm lượng 100ppm phun đều khắp ao và phun vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối hoặc dùng chlorin với hàm lượng 50ppm phun đều khắp ao vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối. Việc phun hóa chất có thể lặp lại 2 - 3 lần trong thời gian phơi ao. Sau quá trình cải tạo, cách ly ít nhất 1 tháng có thể tiến hành thả nuôi trở lại. Chú ý cần ngâm rửa đáy ao cho đến khi pH ổn định trước khi lấy nước vào ao.

Lưu ý: Tuyệt đối không sử dụng các chất diệt giáp xác có nguồn gốc là thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình cải tạo ao, xử lý nước. Đối với tôm đang nuôi, người nuôi cần thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, môi trường, tình hình dịch bệnh để có biện pháp quản lý ao nuôi phù hợp, bổ sung một số khoáng chất cần thiết nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi, đặc biệt thường xuyên theo dõi kết quả quan trắc môi trường để có biện pháp quản lý ao nuôi cho tốt.

(Tài liệu kỹ thuật Sở NN - PTNT Bến Tre)

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.