| Hotline: 0983.970.780

Thứ trưởng trắng đêm thị sát lò mổ

Thứ Tư 18/04/2012 , 10:01 (GMT+7)

Rạng sáng 17/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu dẫn đầu đoàn công tác cùng Cục Thú y và Sở NN-PTNT TP. Hà Nội đã giành trọn một đêm trắng đột nhập vào các lò mổ và các chợ thực phẩm lớn tại TP. Hà Nội nhằm nắm bắt thực trạng VSATTP.

Rạng sáng ngày hôm qua (17/4), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu dẫn đầu đoàn công tác cùng Cục Thú y và Sở NN-PTNT TP. Hà Nội đã giành trọn một đêm trắng đột nhập vào các lò mổ và các chợ thực phẩm lớn tại TP. Hà Nội nhằm nắm bắt thực trạng VSATTP. 

Nhếch nhác lò mổ tập trung 

Đúng 1h45 rạng sáng ngày hôm qua, đoàn công tác cùng nhiều PV báo chí bất ngờ có mặt kiểm tra tại cơ sở giết mổ tập trung (GMTT) của Cty TNHH Minh Hiền đóng tại xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai. Đây là một trong số cơ sở GMTT hiếm hoi của TP. Hà Nội mà cách đây không lâu, NNVN đã từng có bài viết phản ánh về thực trạng “đắp chiếu” của những dây chuyền giết mổ tự động ở đây do sự thiếu đồng bộ của TP. Hà Nội trong khi triển khai kiểm soát giết mổ của lò mổ “chui”.  

Dường như đã biết trước sẽ có cuộc kiểm tra của các cơ quan chức năng, nên khi đoàn kiểm tra xuất hiện, dây chuyền giết mổ lợn tự động của Cty này nằm trong khu xưởng kín cũng bắt đầu mở máy vận hành rè rè.


Khi đoàn công tác xuất hiện, dây chuyền giết mổ tự động hiện đại của 
Cty TNHH Minh Hiền (xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai) vốn “đắp chiếu” 
nhiều năm nay bỗng khởi động vận hành để “trình diễn”

Những con lợn cỡ bự được cho chui qua hệ thống rửa, cạo lông tự động và chuyển sang khu treo móc rất hoành tráng. Xin nhắc lại cách đây không lâu, khi PV NNVN mục sở thị khu giết mổ tự động này, chính bà chủ của cơ sở này cho biết dây chuyền giết mổ tự động trên đã nằm “đắp chiếu” suốt năm 2009 đến nay nên bị hoen gỉ, váng nhện chăng đầy.


Những con lợn được chui qua hệ thống cạo lông, treo móc tự động 
rất hoành tráng

Có lẽ do “thám thính” được sẽ có đoàn kiểm tra nên vào tối qua, nó đã được “tân trang” lại khá sạch đẹp, nhưng ai cũng biết việc vận hành dây chuyền chỉ mang tính chất “làm mẫu” cho đẹp mắt đoàn kiểm tra mà thôi.

Trái ngược với màn trình diễn đẹp mắt ở dây chuyền giết mổ trong nhà, khi trở ra khu giết mổ phía ngoài trời, một bức tranh đối lập, với tình trạng giết mổ nhếch nhác và hôi thối với cái danh giết mổ “bán tự động” phơi bày trước mặt đoàn kiểm tra. Hàng chục đồ tể quần quật quẳng lợn xuống nền xi măng để mổ, lòng và thịt sau khi mổ được quẳng bừa xuống nền, lẫn lộn với nước thải. Ngay cạnh đó, những rãnh nước thải hôi thối lênh láng, ngập cả những súc thịt vừa được phanh ra. Những chiếc xe máy cáu bẩn đã phục sẵn, quẳng những súc thịt lên rồi phóng vù vù đi mà chẳng thấy đóng dấu kiểm dịch.



Những chiếc xe máy cáu bẩn “phục sẵn”, quẳng thịt lên xe phóng đi, 
không hề được lăn dấu kiểm dịch

Khi được hỏi việc giết mổ như vậy có đảm bảo về tiêu chuẩn vệ sinh và quy định kiểm dịch không, ông Phạm Văn Đông – Phó Cục trưởng Cục Thú y đi cùng đoàn kiểm tra phải nhăn mặt vì mùi hôi thối, gạt tay bảo: “Nguyên tắc thì phải có bàn mổ, không được sản phẩm nào sau khi mổ được tiếp xúc với nền. Khi mổ xong phải có cán bộ kiểm dịch trực tiếp khám thịt và lăn dấu kiểm dịch thì mới được xuất đi… Chứ mổ thế này thì cũng chẳng khác gì so với lò mổ “chui” ở Thịnh Liệt là mấy”.

Khi hỏi vì sao là khu GMTT “điểm” TP. Hà Nội, có cả một chốt kiểm dịch hẳn hoi, lại để tình trạng mất vệ sinh nghiêm như vậy, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó GĐ Cty TNHH Minh Hiền sau một hồi trần tình về sự yêu nghề và cái khổ của nghề giết mổ đã đổ vấy rằng: Ban đầu khu giết mổ này được đầu tư bán tự động, có bàn mổ inox hẳn hoi, nhưng do các hộ vào đây vẫn quen thói cũ, muốn mổ dưới đất cho nhanh nên vẫn thói nào tật đó. Và vì mổ bệt dưới đất, nước lênh láng nên có muốn lăn dấu kiểm dịch sau khi mổ cũng chịu.



Cảnh giết mổ nhếch nhác không khác gì lò mổ “chui” tại cơ sở GMTT 
của Cty TNHH Minh Hiền

3h sáng cùng ngày, đoàn kiểm tra tiếp tục xuôi xuống huyện Thanh Trì, bất ngờ có mặt tại khu GMTT của Cty CP An Thịnh tại xã Vạn Phúc. Đây là cơ sở GMTT rộng hơn 4.000 m2, mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2011, với công suất giết mổ hiện tại lên tới 600 – 700 con lợn mỗi ngày.

Mặc dù hệ thống thoát nước khá tốt, có khu rửa và sơ chế nội tạng riêng…, tuy nhiên cách giết mổ tại đây thì không khác gì so với tại Cty TNHH Mình Hiền khi hàng trăm con lợn được lăn ra nền xi măng, phây thịt và lẳng lên xe máy chở đi, tuyệt nhiên không có dấu kiểm dịch khi xuất hàng. Không những thế, theo PV quan sát thì ở chốt kiểm dịch phía cổng ở cơ sở này, cán bộ kiểm dịch chỉ thu tiền 10 nghìn đồng/con lợn khi ra khỏi cổng, không cần có phiếu hay cấp giấy kiểm dịch xuất hàng. 

Một lò mổ, 5 Bộ quyết không nổi 

Trao đổi với PV NNVN khi đoàn kiểm tra có mặt tại cơ sở GMTT của Cty CP An Thịnh, ông Nguyễn Anh Tuấn – GĐ Cty này thổ lộ nỗi niềm đáng phải suy nghĩ. Theo ông này thì từ cuối năm 2011, khi TP. Hà Nội có chủ trương siết chặt việc kiểm soát lò mổ thủ công, Cty ông đã tự bỏ vốn mua đất để đầu tư toàn bộ khu GMTT tại xã Vạn Phúc.

Đến nay, chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động, cơ sở GMTT này đã thu hút gần như 100% các chủ lò nhỏ lẻ tại khu vực các huyện Thanh Trì và Thường Tín vào đây hoạt động. Ban đầu, Cty dự tính số vốn chỉ khoảng 6 – 7 tỉ đồng, thế nhưng khi xây dựng xong thì mới tá hỏa ra rằng, tổng số vốn đã lên tới 20 tỉ đồng.

Riêng hệ thống xử lí nước thải, hệ thống nồi hơi nấu nước cũng đã lên tới gần 5 tỉ đồng. Toàn bộ số vốn đó Cty đều phải tự bỏ ra và đi vay ngân hàng mà không nhận được bất kỳ một chính sách hỗ trợ nào từ TP. Hà Nội. Hiện tại, với giá cho thuê gian giết mổ là 100 nghìn đồng/m2/tháng, Cty mới chỉ đủ hòa vốn vận hành, chưa có lãi. “Việc vi phạm quy định ATVSTP trong giết mổ, chúng tôi biết, nhưng chưa thể khắc phục được ngay. Ngoài thói quen của các chủ lò mổ, muốn đi vào quy củ, thì phải đầu tư thêm rất lớn, trong khi đó có thể nói hiện tại Cty đã cạn sức, nói thẳng là đâm lao thì phải theo lao mà thôi…” – ông Tuấn tâm sự.



6h sáng cùng ngày, đoàn kiểm tra đột xuất có mặt tại chợ Thanh Xuân Bắc 
(quận Thanh Xuân) để kiểm tra tình hình ATTP tại các sạp thịt

Đem vấn đề này trao đổi với ông Nguyễn Huy Đăng – Phó GĐ Sở NN-PTNT Hà Nội, ông Đăng lắc đầu kêu: “Chủ trương hỗ trợ cơ chế cho các LMTT như đất, nhà xưởng, hỗ trợ tiền thuê mặt bằng cho các hộ dân… ngành nông nghiệp Hà Nội đã bàn nát nước từ lâu rồi. Tuy nhiên khi trình UBND Thành phố thì Thành phố bảo cơ chế này phải được Chính phủ đồng ý. Hỏi Văn phòng Chính phủ thì lại nói muốn đồng ý thì phải xin ý kiến của những 5 Bộ là NN-PTNT, Tài Chính, KH-ĐT… Thế nên lòng vòng mãi, công văn trình lên trình xuống rồi đâu lại vào đấy. Vì thế nên bây giờ, việc xây dựng LMTT vẫn do các DN tự bơi.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu (Trả lời sau cuộc kiểm tra rạng sáng ngày 17/4):  

“Bước đầu, TP. Hà Nội và các DN mạnh dạn đầu tư, đưa được một số các lò mổ vào khu GMTT là một nỗ lực lớn và tạo được chuyển biến. Tuy nhiên, thực tế ngay tại các khu GMTT này vẫn chưa đảm bảo yêu cầu về VSATTP như: còn giết trên sàn, để thịt, nội tạng dưới sàn..., nguy cơ nhiễm vi sinh là rất cao.

Đặc biệt là việc kiểm dịch, vận chuyển đi tiêu thụ chưa đúng quy định… Thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục làm việc và bàn bạc với UBND TP. Hà Nội để cùng nhau tìm ra cơ chế hỗ trợ thích hợp cho các DN đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, đồng thời hỗ trợ thêm cho các chủ lò mổ vào khu GMTT”.

Video cảnh nhếch nhác tại khu lò mổ

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm