| Hotline: 0983.970.780

Hoạt động của nhiều đoàn thể cấp cơ sở không thiết thực!

Thứ Sáu 29/06/2012 , 12:03 (GMT+7)

NNVN vừa có loạt bài “Ngân sách nào kham nổi?” phản ánh tình trạng ở cấp xã có quá nhiều cán bộ khiến người dân phải è cổ đóng tiền để trả lương cho bộ máy hành chính khổng lồ này. Đặc biệt, thông tin một xã ở Thanh Hóa có đến 500 cán bộ khiến bạn đọc cả nước... rùng mình. Xung quanh chủ đề này, NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Lê Nam- Phó trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa.

Nông nghiệp Việt Nam vừa có loạt bài “Ngân sách nào kham nổi?” phản ánh tình trạng ở cấp xã có quá nhiều cán bộ khiến người dân phải è cổ đóng tiền để trả lương cho bộ máy hành chính khổng lồ này. Đặc biệt, thông tin một xã ở Thanh Hóa có đến 500 cán bộ khiến bạn đọc cả nước... rùng mình. Xung quanh chủ đề này, Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lê Nam- Phó trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa. 

"Giờ tổ chức đoàn thể ở huyện còn thấy hoạt động chứ ở cấp xã thì nhiều nơi hoạt động rất yếu. Đấy là do lỗi của thiết chế bộ máy không thay đổi cho phù hợp với thực tế hiện tại, nội dung hoạt động chưa thực sự gắn với lợi ích của nhân dân", ông Lê Nam nói.


Ông Lê Nam tại diễn đàn Quốc Hội

Từng kinh qua công tác tổ chức, Bí thư Đảng ủy, giờ lại là Đại biểu Quốc hội, đại diện của nhân dân tỉnh Thanh Hóa, ông đánh giá thế nào về tính hiệu quả của bộ máy chính quyền cơ sở hiện nay?

Tôi mới dự một hội thảo về tổ chức bộ máy chính quyền của chúng ta tại TPHCM, vừa rồi tại diễn đàn Quốc hội cũng đã có nhiếu đại biểu nói vấn đề này. Đây không phải vấn đề của riêng cấp cơ sở, thực tế cho thấy, hiện nay số cán bộ làm việc không thực chất, hoạt động không hiệu quả còn nhiều. Cứ 10 người thì chỉ có 3 người làm thực sự, 3 người vừa làm vừa chơi, còn lại thì đúng như NNVN phản ánh là chỉ chơi vi tính, game, xem phim online. Như vậy ngân sách không chỉ gánh tiền lương mà còn gánh cả chi phí máy móc thiết bị, chi phí điện….

Cán bộ đông và hoạt động không hiệu quả nhưng hiện các ngành, đoàn thể cấp cơ sở vẫn đang xin thêm cán bộ?

Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri người ta vẫn xin thêm cấp phó của các ngành, đoàn thể. Thực ra, đối với một số vị trí chức danh ở xã, phường, thị trấn như công an, địa chính, văn phòng, kế toán, y tế… họ phải đảm nhiệm rất nhiều công việc và hoạt động của họ hết sức thiết thực đối với nhân dân nhưng bên cạnh đó cũng có những chức danh chỉ là hình thức. Mặc dù về mặt lý thuyết thiết chế bộ máy thì những chức danh này rất cần, có lịch sử hình thành, có nội dung hoạt động nhưng trên thực tiễn những hoạt động của họ chủ yếu chỉ là hội họp, không gắn liền với lợi ích của quần chúng.

Ta đã từng có những tổ chức hội, đoàn thể hoạt động rất hiệu quả ở cấp cơ sở, tại sao vai trò của các tổ chức này ngày càng mờ nhạt?

Ở đây có hai lỗi, thứ nhất là bản thân đội ngũ cán bộ không có tinh thần trách nhiệm, không đáp ứng được yêu cầu. Lỗi thứ hai là cơ chế, nội dung hoạt động của các ngành, các đoàn thể không thiết thực với người dân. Mặc dù đồng lương cán bộ công chức nhà nước không cao nhưng chúng ta đang chi lương vào những vị trí, chức danh mà công việc không rõ ràng, dẫn tới không hiệu quả. Ngày xưa chúng ta có tổ chức Đoàn thanh niên hoạt động rất tuyệt vời. Giờ tổ chức đoàn ở huyện còn thấy hoạt động chứ ở cấp xã thì nhiều nơi hoạt động rất yếu, không lôi cuốn được đông đảo đoàn viên tham gia, hơn nữa bây giờ các em ở độ tuổi đoàn đều đi làm ăn xa, có còn đoàn viên nữa đâu mà sinh hoạt. Đấy là do lỗi của thiết chế bộ máy không thay đổi cho phù hợp với thực tế hiện tại, nội dung hoạt động chưa thực sự gắn với lợi ích của nhân dân. Nhìn chung là hoạt động ở cấp cơ sở có rất nhiều vấn đề, đấy là chưa nói đến con ông cháu cha. Xã có một ít kinh phí duy trì vài chức danh nhưng lại cố hợp đồng thêm vài cấp phó nữa để tạo công ăn việc làm cho những người có quan hệ ràng buộc mà không phải xuất phát từ công việc.

Ở Thanh Hóa, trung bình mỗi xã có khoảng bao nhiêu cán bộ đoàn thể cấp thôn, bản, khu phố và địa phương sử dụng nguồn chi nào để duy trì bộ máy này?

Tôi chưa có điều kiện thống kê nhưng có rất nhiều xã đông bởi ngoài những vị trí, chức danh theo tiêu chuẩn các xã còn có hợp đồng thêm. Để chi cho những đối tượng hợp đồng này họ thường vận dụng những khoản chi cho các hoạt động ngành, đoàn thể. Ví dụ, có khoản ngân sách dành để tổ chức hoạt động văn hóa chẳng hạn người ta “linh hoạt” chi cho mấy ông hợp đồng.

Vậy làm thế nào để giảm bớt sự cồng kềnh bộ máy hành chính và nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ cơ sở?

Ta đi vào vấn đề bộ máy chính quyền cấp xã nhưng từ xã nhìn lên thì nó không phải chỉ là vấn đề ở cấp cơ sở. Giờ ta thử nói tiếp đến huyện, đến tỉnh, đến Trung ương mà xem. Thực ra trong bộ máy của chúng ta còn rất nhiều vấn đề phải bàn, có những vị trí chức danh khác nhau nhưng nội dung công việc thì trùng lặp. Nhưng để thay đổi thì phải thực sự dũng cảm. Chúng ta mong muốn có môt tổ chức bộ máy thống nhất để tạo ra sức mạnh vận hành bộ máy nói chung nhưng thực tế nó không đúng như thế. Về thiết chế bộ máy nhà nước, tôi cho rằng so với vài chục năm trước thì hệ thống bộ máy nhà nước của chúng ta vẫn cơ bản như thế, không có gì mới cả. Cũng có ý kiến phải nghiên cứu lại thiết chế bộ máy sao cho phù hợp trọng thời kì đổi mới tuy nhiên mới chỉ là ý tưởng chưa có gì xới xáo nghiên cứu thay đổi.

Đây là vấn đề của Bộ Nội Vụ, của Ban Tổ chức TƯ, của Chính phủ. Hiện nay có mô hình Bí thư kiêm chủ tịch tôi cho rằng rất tốt nhưng đấy mới chỉ giải quyết được một phần rất nhỏ trong hệ thống. Còn để nâng cao hiệu quả hoạt động của cán bộ thì phải nghiên cứu cơ chế chứ không phải tăng người, tăng lương là giải quyết được. Tôi nói ví dụ, rừng như thế, NNVN nói tình trạng phá rừng đang rộ lên rất nghiêm trọng mà lại tập trung vào rừng quốc gia và khu bảo tồn, vì ở đó mới có tài nguyên, có lâm sản có giá trị. Tất nhiên là trách nhiệm của kiểm lâm và ở đây là kiểm lâm có vấn đề. Thế nhưng nếu chúng ta giải quyết bằng cách tăng 3000 hay 30.000 kiểm lâm nữa thì cũng không bảo vệ được rừng. Vấn đề đặt ra ở đây là phải thay đổi cơ chế quản lý, chứ với cơ chế này rừng chắc chắn sẽ mất hết. Kiểm lâm chỉ có tác dụng giảm chậm tiến độ mất rừng thôi. Rừng không có chủ thì làm sao mà bảo vệ được rừng. Đó là cách tiếp cận vấn đề. Tương tự, đối với bộ máy công chức xã chúng ta cứ tăng người, tăng lương… như thế thì lấy tiền đâu mà tăng?

Xin cảm ơn ông!

Kiên Cường (thực hiện)

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.